Chính quyền nước Ý đã chính thức tham gia sáng kiến vành đai và con đường của Trung Quốc. Liệu đây có phải là một cơ hội để Ý tiên phong đi đầu về thương mại quốc tế?
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị, Phó Thủ tướng Ý Luigi Di Maio và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte. Ảnh: AFP
Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc (TQ) và Ý đã ký kết thành công một biên bản ghi nhớ nhằm chính thức tuyên bố sự hợp tác của Ý vào sáng kiến vành đai và con đường của chính quyền Bắc Kinh. Chính quyền Rome sẽ bắt đầu mở cửa cho dòng vốn từ TQ chảy vào bốn cảng, bao gồm cảng lớn nhất của nước này nằm ở Genoa.
Trước đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã liên tiếp cảnh báo về mối đe dọa của dự án phát triển cơ sở hạ tầng xuyên châu lục này. Tuy nhiên, chính quyền Rome tự tin đây là cơ hội để Ý tiên phong trong việc phát triển các khoản đầu tư và thương mại quốc tế.
Thỏa thuận giữa hai châu lục
Sau khi Thủ tướng Giuseppe Conte ký kết biên bản ghi nhớ không ràng buộc với TQ, chính thức tham gia sáng kiến vành đai và con đường, Ý trở thành quốc gia đầu tiên của nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) tham gia dự án đang gây nhiều tranh cãi này.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ý Sergio Mattarella ngày 22-3, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình thể hiện mong muốn của hai nước trong việc hồi sinh con đường tơ lụa cổ đại nhằm chia sẻ những thành quả của tiến bộ nhân loại. Ông Sergio Mattarella còn nhấn mạnh đó phải là con đường hai chiều, cùng với những ý tưởng, tài
năng, kiến thức, những dự án tương lai và giải pháp dài hạn cho những vấn đề chung, hãng tin Reuters đưa tin.
Theo một bài viết của thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Ý trên tờ thời báo tài chính Financial Times, thỏa thuận của dự án ngàn tỉ USD là một bước tiến thành công cho cả Ý, châu Âu và TQ. Chính quyền Rome hy vọng sự kiện hợp tác này có thể được xem là một mô hình mẫu cho các nước EU khác, đồng thời các tiêu chuẩn đàm phán giữa EU và TQ sẽ được cải thiện.
Tờ South China Morning Post đưa tin mối quan hệ song phương sâu rộng hơn giữa Ý và TQ sẽ thúc đẩy ngành xuất khẩu của Ý phát triển. Xuất khẩu hiện nay của Ý sang TQ đạt khoảng 14,8 tỉ USD mỗi năm. Trong dự án vành đai và con đường, thương mại hằng năm giữa TQ và các nước tham gia dự kiến sẽ vượt 2.500 tỉ USD trong 10 năm tới. Đây sẽ là một cơ hội để chính quyền Rome vực dậy nền kinh tế đã trải qua cuộc suy thoái nghiêm trọng vào cuối năm 2018.
Sau chuyến thăm tới Ý, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Paris (Pháp) ngày 26-3. Trong một động thái bất ngờ, Tổng thống Macron đã mời Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean- Claude Juncker cùng tham gia cuộc gặp gỡ với chủ tịch TQ. Đây có thể là một động thái của các nhà lãnh đạo châu Âu nhằm tăng áp lực lên TQ trong cuộc “tấn công mê hoặc” châu lục này.
Dự án gây nhiều tranh cãi
Trên tờ The Guardian, Garrett Marquis, phát ngôn viên của nhóm cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, đã cảnh báo Ý không nên tin tưởng vào tính hợp pháp của dự án “phù phiếm” này. Theo ông, cam kết giữa hai bên sẽ ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của Ý, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro.
Mặt khác, EU cũng lo ngại thỏa thuận với TQ sẽ gây chia rẽ giữa các quốc gia thành viên đang cảnh giác với mục tiêu bành trướng của chính quyền Bắc Kinh. Sáng kiến vành đai và con đường còn bị chỉ trích vì nó chủ yếu mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp TQ. Ngoài ra, nó có khả năng khiến nhiều quốc gia kém phát triển mắc kẹt trong bẫy nợ.
Theo báo cáo tháng 3-2018 của Trung tâm phát triển toàn cầu (CGD), bẫy nợ xảy ra một phần là do sự thiếu chặt chẽ trong thỏa thuận ký kết. “Không như các nước chủ nợ hàng đầu khác trên thế giới, TQ đã không ký kết một bộ luật ràng buộc để tránh cho vay không bền vững và giải quyết các vấn đề nợ phát sinh” – CGD nhấn mạnh.
Số liệu của báo cáo còn cho thấy có 23 nước đối mặt nguy cơ cao về nợ xuất phát từ dự án vành đai và con đường. Trong số này, tám quốc gia thuộc diện đáng lo ngại gồm Pakistan, Djibouti, Maldives, Lào, Mông Cổ, Montenegro, Tajikistan và Kyrgyzstan.
Theo chuyên gia TQ Qian Benli, dự án còn có thể đe dọa đến tài nguyên môi trường và ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương của các nước tham gia. Bên cạnh đó, ngay cả chính đất nước TQ cũng có thể đối mặt với việc gia tăng tệ nạn tham nhũng, tư tưởng bài ngoại và tình trạng thiếu hụt tài chính vì sáng kiến này.
Trước những lời cảnh báo, chính quyền Rome vẫn tự tin rằng dự án sẽ được tiến hành phù hợp với các nguyên tắc của EU trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo sự minh bạch và tạo một sân chơi bình đẳng, theo tờ Financial Times. Trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa đến hồi kết, đồng minh của Mỹ là Ý đã bị thuyết phục bởi giấc mộng mang tên “con đường tơ lụa” thế kỷ XXI.