Thursday, December 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ lộ rõ ý đồ độc chiếm Biển Đông trong đàm phán...

TQ lộ rõ ý đồ độc chiếm Biển Đông trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Thời gian qua, dư luận quốc tế rất quan tâm đến đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, nhất là liên quan đến việc Trung Quốc đòi đưa vào COC nội dung không cho các nước ASEAN tiến hành diễn tập quân sự với các nước ngoài khu vực và yêu cầu các nước ven Biển Đông không hợp tác biển với nước ngoài khu vực nếu không được Trung Quốc đồng ý. Đây là những đòi hỏi hết sức lố bịch, càng thể hiện rõ mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, gây tâm lý bức xúc, lo ngại trong cộng đồng quốc tế.

ASEAN và Trung Quốc chính thức thông qua dự thảo khung COC ngày 6/8. (Nguồn” AFP/TTXVN)

Trước hết, cần thấy quá trình đi vào đàm phán về COC hết sức phức tạp. Khi ký kết DOC năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc đã thỏa thuận sẽ tiếp tục đàm phán về COC. Suốt từ đó đến năm 2017, các nước ASEAN đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc đàm phán về COC nhưng Trung Quốc đều khước từ do họ chưa xây dựng được những cơ sở vững chắc (các đảo nhân tạo) ở Biển Đông.

Từ năm 2017 trở lại đây, Trung Quốc đột nhiên muốn quay trở lại bàn đàm phán. Thậm chí, tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc ở Singapore năm 2018, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường còn chủ động đề xuất hoàn tất để ký kết COC trong vòng 3 năm, nghĩa là vào năm 2021. Việc Trung Quốc đưa ra đề xuất này khi chưa trao đổi thống nhất với ASEAN cho thấy thái độ trịch thượng, kẻ cả của Trung Quốc. Vì sao lúc này Trung Quốc lại sốt sắng thúc đẩy đàm phán COC như vậy? Chúng ta cùng đi làm rõ nguyên nhân của nó để thấy rõ “bộ mặt thật” của Trung Quốc:

Thứ nhất, từ sau khi chiếm bãi Scarborough năm 2012 và đẩy mạnh bồi đắp, mở rộng các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa, Hoàng Sa, xây dựng các cơ sở quân sự, bố trí tên lửa trên các cấu trúc này, về cơ bản Trung Quốc đã thiết lập được ưu thế khống chế toàn bộ Biển Đông. Nay Trung Quốc muốn có một văn bản với các nước ASEAN để chính thức xác lập cục diện ưu thế của mình ở Biển Đông.

Hai là, trước hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là việc Trung Quốc quân sự hóa để tiến tới kiểm soát toàn bộ Biển Đông, các nước ngoài khu vực ngày càng lo ngại Trung Quốc kiểm soát tuyến đường hàng hải huyết mạch qua khu vực này. Mỹ đi đầu trong việc can dự vào Biển Đông, thể hiện thái độ ngày càng mạnh mẽ trên vấn đề Biển Đông cả trong lời nói lẫn hành động (Phó Tổng thống Mỹ phát biểu tại cấp cao APEC chỉ trích đích danh Trung Quốc; tăng cường tuần tra tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông cả về tần suất, quy mô và phạm vi…). Cùng với đó, các nước khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Canada và các nước châu Âu cũng ngày càng quan tâm đến Biển Đông, bất bình trước những hoạt động tôn tạo, bồi đắp, mở rộng và quân sự hóa các cấu trúc ở Biển Đông của Trung Quốc. Các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Australia tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông; đặc biệt, Anh và Pháp cũng tiến hành tự do hàng hải ở Biển Đông.

Trước tình hình đó, Trung Quốc muốn thúc đẩy đàm phán COC để lấy cớ đẩy các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông. Trên thực tế, Trung Quốc luôn khuếch trương kết quả đàm phán COC với các nước ASEAN để chứng minh cho luận điệu của họ rằng “Trung Quốc và các nước khu vực hoàn toàn có thể thảo luận giải quyết các vấn đề ở Biển Đông”, rằng “tình hình Biển Đông về tổng thể là ổn định, tự do hàng hải, hàng không luôn được đảm bảo. Đây là nguyên nhân chính mà mấy năm gần đây Trung Quốc tích cực thúc đẩy đàm phán về COC.

Ba là, ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc, lên án những hành động đối xử thô bạo với ngư dân các nước, hủy hoại môi trường ở Biển Đông trong quá trình bồi đắp mở rộng các cấu trúc ở Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài song cũng không có lý lẽ nào chính đáng để phản bác lại những nội dung của phán quyết. Vì vậy, họ muốn dùng đàm phán COC để thể hiện cái gọi là “thiện chí hợp tác” của Trung Quốc với các nước trong khu vực, qua đó giảm giá trị pháp lý của phán quyết 12/7/2016.

Bốn là, từ nay đến 2021, Philippines là điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Trung Quốc muốn thúc đẩy vấn đề này hòng nhằm tranh thủ Philippines, giúp có được nội dung COC có lợi nhất cho Trung Quốc. Lợi dụng tâm lý của Tổng thống Philippines Duterte muốn cải thiện quan hệ, tranh thủ hợp tác kinh tế với Trung Quốc sau vụ kiện Biển Đông, Trung Quốc đã tìm cách lấy lòng Tổng thống Duterte với những lời hứa về cung cấp tài chính, hỗ trợ phát triển hạ tầng và thực tế quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc cũng nồng ấm hơn và chính quyền Philippines cũng đã ít công khai chỉ trích Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, Philippines cũng không dễ bị Trung Quốc mua chuộc, họ vẫn luôn khẳng định giá trị phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài.

Năm là, trong bối cảnh chịu nhiều sức ép từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đang đứng trước nhiều khó khăn trong nước (tốc độ tăng trưởng, vấn đề sắc tộc…) và đối mặt với những thách thức lớn về đối ngoại, các nước nhận thức rõ mối nguy hại từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Để giải tỏa phần nào các sức ép đó, Trung Quốc muốn tranh thủ các nước ASEAN để tạo điều kiện thuận lợi cho mình. Chủ động thúc đẩy COC cũng không nằm ngoài mục tiêu này.

Sáu là, việc Trung Quốc chủ động đơn phương đề xuất thời hạn kết thúc đàm phán COC còn nhằm phân hóa chia sẽ các nước ASEAN, nhất là giữa các nước ven Biển Đông và các nước không liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông.

Nếu Trung Quốc chủ động thúc đẩy xây dựng COC theo hướng tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 thì đó là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, việc Trung Quốc yêu cầu đưa vào dự thảo COC những nội dung liên quan đến việc loại bỏ các nước ngoài khu vực ra khỏi vấn đề Biển Đông làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ thêm ý đồ thực sự của Trung Quốc là muốn thôn tính Biển Đông, biến Biển Đông thành cái “ao nhà” của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ASEAN là tổ chức khu vực gồm các nước có chủ quyền, không thể nghe theo mệnh lệnh của Trung Quốc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, chắc chắn không một nước nào lại từ bỏ quyền lợi hợp tác chính đáng của mình ở những vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình được xác định theo Công ước Luật biển 1982. Các nước ngoài khu vực cũng không thể để Trung Quốc lộng hành thôn tính Biển Đông. Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc có những yêu cầu lố bịch trong nội dung dự thảo 1 của COC, mưu toan gạt bỏ các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông là sự “lộ bài” quá sớm của những nhà cầm quyền Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới