Thursday, December 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ xây dựng căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược...

TQ xây dựng căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược ở Hoàng Sa là hành động phi pháp và bá quyền

“Thành phố Tam Sa” thuộc Hải Nam của Trung Quốc không có quyền xây dựng “căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược” trên Hoàng Sa vì Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, không phải là của Trung Quốc. Hành động này của Thành phố Tam Sa vi phạm luật pháp quốc tế và là hành động bá quyền của chính quyền Tập Cận Bình trên Biển Đông.

Hình chụp vệ tinh đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa hôm 25/1/2018

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hồng Công ngày 18/3/2019 cho biết,“Thành phố Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc sẽ triển khai kế hoạch xây dựng đảo Phú Lâm, Duy Mộng và đảo Cây thành “căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược” theo chỉ đạo của chính quyền trung ương Trung Quốc. Hành động này của “Thành phố Tam Sa” không thể chấp nhận được vì là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và bá quyền trên Biển Đông.

Vi phạm luật pháp quốc tế

Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế. Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam do Việt Nam chiếm hữu hiệu quả, hoà bình và quản lý liên tục, ít nhất từ thế kỷ XVII khi Hoàng Sa còn là lãnh thổ vô chủ chưa thuộc về quốc gia nào. Các chứng cứ pháp lý, lịch sử do Việt Nam nắm giữ và được thế giới biết đến tại các trung tâm lưu trữ của Pháp, Anh, Hà Lan, Nhật, Mỹ… đều khẳng định điều này. Đồng thời, cả thế giới biết rằng chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa còn được thừa nhận tại Hội nghị San Francisco năm 1951 sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Trong khi đó, Trung Quốc không có bằng chứng nào chứng tỏ có chủ quyền với Hoàng Sa. Sử sách và các bản đồ chính thống của Trung Quốc từ các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều khẳng định cực Nam của lãnh thổ của Trung Quốc chỉ là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa (và Trường Sa). Trung Quốc mập mờ viện dẫn các chuyến đi biển của Trịnh Hoà (từ 1405-1433) để ngụy biện cho yêu sách chủ quyền phi lý đối với Biển Đông, nhưng trên các bản đồ của Trịnh Hoà không hề có ghi chép gì về Hoàng Sa, trong khi các tài liệu chính sử của nhà Minh thế kỷ XV coi Hoàng Sa là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành lúc đó đã là lãnh thổ của Đại Việt. Trung Quốc cũng nhập nhằng viện dẫn việc đô đốc Lý Chuẩn đổ bộ lên Hoàng Sa năm 1907 để chứng minh yêu sách chủ quyền, nhưng Hoàng Sa lúc đó đã được nhà nước Việt Nam quản lý và khai thác từ lâu.

Trung Quốc chỉ ghi dấu ở Hoàng Sa bằng việc sử dụng vũ lực để xâm lược và chiếm đóng trái phép Hoàng Sa. Cụ thể là năm 1956, Trung Quốc chiếm một số đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa và năm 1974 chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Các hành động xâm lược này của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng Điều 2 của Hiến chương Liên hợp quốc (trong đó Trung Quốc là thành viên sáng lập và ký kết Hiến chương) về cấm các quốc gia sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác.

Hành động bá quyền

Trung Quốc (kể cả tỉnh Hải Nam hoặc “thành phố Tam Sa”) không có bất cứ quyền gì trong việc quản lý đối với Hoàng Sa và không có tính chính danh trong việc triển khai bất cứ hoạt động xây dựng cơ sở nào tại Hoàng Sa. Việc xây dựng “căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược” này là một phần trong chuỗi các hành động nhằm hiện thực hoá mưu đồ bá quyền Biển Đông, rộng hơn là bá quyền khu vực của chính quyền Tập Cận Bình (bài báo của Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cũng khẳng định rằng đây là chỉ đạo của chính quyền trung ương Trung Quốc).

Từ năm 2012, nhân lúc tình hình thế giới chuyển dịch theo hướng có lợi cho Trung Quốc do Mỹ và phương Tây bị phân tán sức mạnh do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, chính quyền Tập Cận Bình rảnh tay tận dụng cơ hội tìm cách ngoi lên. Giới cầm quyền Bắc Kinh cho rằng hai thập kỷ đầu thế kỷ 21 là “thời kỳ cơ hội chiến lược” để phát triển. Trong nước, chính quyền Tập Cận Bình đẩy cao vấn đề với cụm từ “giấc mộng Trung Hoa”, nhằm mở rộng kiểm soát đối với các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi, trong đó Trung Quốc sử dụng mọi biện pháp gồm cả quân sự để chiếm giữ (Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng, Biển Đông). Về mặt đối ngoại, Trung Quốc chủ động triển khai chính sách quyết đoán, cứng rắn trong các vấn đề được cho là thuộc lợi ích cốt lõi, tìm cách vẽ lại trật tự khu vực và quốc tế có lợi cho Trung Quốc, hướng đến giành vị thế cường quốc toàn cầu, trong đó đẩy mạnh khả năng kiểm soát và tiến tới độc chiếm Biển Đông là nhiệm vụ trung tâm. Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động quyết đoán, tăng cường sức mạnh răn đe, bất chấp luật pháp quốc tế, cam kết với các nước lớn và coi thường lợi ích của các nước ven Biển Đông.

Trung Quốc tổ chức rất nhiều các cuộc tập trận quân sự trên Biển Đông nhằm phô trương sức mạnh răn đe. Trong đó, đáng chú ý là loạt tập trận tháng 4/2018 có quy mô lớn nhất từ khi hải quân Trung Quốc thành lập diễn ra ở ngoài khơi Hải Nam (tàu sân bay Liêu Ninh, 48 tàu chiến các loại gồm tàu ngầm, 76 máy bay chiến đấu). Tập Cận Bình thị sát và chỉ đạo hải quân Trung Quốc vươn tầm thế giới. Tháng 1/2019, Tập Cận Bình còn kêu gọi quân đội Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh.

Đồng thời, Trung Quốc có những hành động bất chấp luật pháp quốc tế, thể hiện rõ trong việc bác bỏ Phán quyết của Toà trọng tài trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc trên Biển Đông. Toà tuyên rằng (i) yêu sách theo quyền lịch sử của Trung Quốc là vô hiệu, không phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Nói cách khác, Trung Quốc không có chủ quyền đối với các thực thể ở Biển Đông (Hoàng Sa và Trường Sa) và quyền chủ quyền đối với vùng biển bên trong đường chín đoạn cũng như xung quanh các thực thể trên Biển Đông; (ii) không có thực thể nào, kể cả toàn bộ Trường Sa, không có vùng biển vượt quá 12 hải lý tuỳ theo từng thực thể; (iii) Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines khi ngăn cản hoạt động đánh bắt cá và khai thác dầu khí của Philippines, xây dựng đảo nhân tạo và đưa ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trung Quốc gây nguy hại đến môi trường biển, vi phạm nghĩa vụ bảo tồn hệ sinh thái và đời sống của các loài thủy hải sản bị đe doạ tiệt chủng; (iv) cải tạo đảo nhân tạo của Trung Quốc là trái phép và vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển.

Tuy nhiên, Trung Quốc bác bỏ và không tuân thủ phán quyết, đẩy mạnh cải tạo 7 thực thể nước này chiếm đóng trái phép trên Trường Sa thành các đảo nhân tạo kiên cố, tăng cường các hoạt động nhằm mở rộng hiện diện quân sự ở Hoàng Sa và Trường Sa (bất chấp việc Tập Cận Bình năm 2015 đã hứa với Tổng thống Mỹ Obama là không quân sự hoá Biển Đông). Trung Quốc đưa các loại vũ khí tấn công tiên tiến ra Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là hệ thống tên lửa đối không HQ-9 và hệ thống ra-đa, máy bay tấn công J-11 và máy bay ném bom H6-K ra đảo Phú Lâm trên Hoàng Sa, tên lửa hành trình chống hạm YJ21B và tên lửa đối không HQ-9 ra Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi trên Trường Sa…

Với các cơ sở và hệ thống vũ khí tiên tiến này cùng căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược sắp xây dựng ở Hoàng Sa, Trung Quốc hướng đến biến Biển Đông thành vùng nước nội thuỷ trên thực tế. Trung Quốc tăng cường mạng lưới giám sát, thu thập thông tin tình báo bao phủ toàn Biển Đông, thiết lập mạng lưới kết nối chỉ huy và tấn công bằng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm ngắn và tầm trung trên toàn khu vực có tầm bắn tới tận biển Sulu ở Philippines, tới tận Singapore và Malaysia, máy bay ném bom có thể hoạt động rộng khắp có thể đến tận biển Andaman ở Ấn Độ Dương, Bắc Australia và Guam, hệ thống cảng biển trên Biển Đông có khả năng tiếp liệu cho nhiều tàu chiến, tàu hải cảnh và tàu dân quân biển phục vụ hoạt động dài ngày ở Biển Đông… Nếu khủng hoảng xảy ra và theo cách thức sử dụng vũ khí truyền thống thì các cơ sở trên Biển Đông của Trung Quốc không bị tổn hại. Trong khi đó, với lực lượng hiện diện khắp Biển Đông, Trung Quốc dễ dàng phát huy sức mạnh và tiến hành các hoạt động quyết đoán, cưỡng ép tàu thuyền và vùng biển của các nước khác.

Với Mỹ và các nước lớn, Trung Quốc phớt lờ cảnh báo và tìm mọi cách để gạt ra ngoài Biển Đông. Trung Quốc điều tàu chiến giám sát, la hét xua đuổi và thực hiện các hành vi thiếu chuyên nghiệp nguy hiểm như vụ khu trục hạm lớp Luyang của Trung Quốc áp sát tàu Decatur của Mỹ đang thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông cuối tháng 9/2018 suýt gây va chạm khiến tàu của Mỹ phải bẻ lái để tránh đụng độ.

Với các nước yêu sách khác, Trung Quốc tìm cách gây sự để tạo cớ phong tỏa khu vực. Năm 2012, Trung Quốc phong tỏa Scarborough. Trung Quốc nuốt lời, không rút lực lượng khỏi Scarborough và kiểm soát cho đến ngày nay (trong khi Philippines và Trung Quốc đã đạt thoả thuận hai bên rút lực lượng khỏi Scarborough). Tháng 3/2013, quân đội Trung Quốc tập trận tuyên thệ bảo vệ chủ quyền ở bãi cạn James trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, bất chấp Malaysia dưới chính quyền Najib giữ quan hệ tốt và theo đuổi cách tiếp cận ngoại giao ôn hòa và thầm lặng với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông (ít khi công khai chỉ trích các hành động quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông). Tháng 3/2014, 04 tàu hải cảnh Trung Quốc bao vây và ngăn chặn không cho tàu chính phủ Philippines tiếp tế cho lực lượng đóng ở bãi Cỏ Mây. Tháng 5-7/2014, Trung Quốc điều hạm đội hàng trăm tàu gồm tàu hải quân, tàu hải cảnh, chấp pháp và tàu cá ngụy trang hộ tống giàn khoan HD-981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam. Tháng 3/2016, Trung Quốc điều tàu hải cảnh xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia phía Bắc Natuna để đâm húc giải phóng tàu cá của Trung Quốc (bị cơ quan chấp pháp Indonesia bắt giữ vì xâm phạm vùng biển của Indonesia). Từ cuối năm 2018, Trung Quốc điều hàng trăm tàu cá ngụy trang và tàu hải hiện diện xung quanh Thị Tứ…

Tóm lại, với những hành động kể trên, việc “Thành phố Tam Sa” thuộc Hải Nam của Trung Quốc tuyên bố xây dựng “căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược” trên Hoàng Sa không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn khẳng định rằng, Trung Quốc đang tiến hành các bước đi để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới