Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnChuyện một công ty TQ bị trộm cắp tài sản trí tuệ

Chuyện một công ty TQ bị trộm cắp tài sản trí tuệ

Không xảy ra đột nhập, không bị dí súng. Không cửa kính nào bị đập vỡ. Nhưng một công ty ở ngoại ô Thượng Hải là nơi xảy ra một tội ác rất hiện đại. Có người đã ăn trộm một lô tài sản trí tuệ (IP).

“Một vài năm trước, một trong những người quản lý công nghệ thông tin của tôi đã sao chép mười nghìn trang trong toàn bộ hồ sơ của công ty,” Frank Liu nói với phóng viên BBC.

Công ty Intco của ông đã tồn tại được 25 năm.

Ông Liu nói những tài liệu bị kẻ cắp tải xuống gồm “thông tin công nghệ, danh sách khách hàng, dữ liệu mua và bán của chúng tôi. Tất cả mọi thứ.”

Công ty Intco tái chế chất thải polystyrene gửi đến Trung Quốc từ khắp nơi trên thế giới. Sau đó, bằng cách sử dụng kỹ thuật đúc và in nhiệt, chất thải này được biến thành một loạt sản phẩm liên quan đến vật liệu lót sàn nhà ở Brazil hoặc Nga, hoặc các khung ảnh treo trên tường trong các cuộc triển lãm ở Mỹ và Anh.

“Chúng tôi thực sự có hồ sơ về cách người này đánh cắp tài sản trí tuệ của Intco”, ông Liu nói.” Hắn ta chỉ bán chúng đi để thành lập một công ty khác, như là một khoản đầu tư.”

Ông Liu cảm thấy mình không có cách nào đòi lại được những gì bị đánh cắp. Ông nói đã đến gặp cảnh sát nhưng không có gì xảy ra. Liu nói ông vẫn có ý định theo đuổi sự việc.

Câu chuyện của ông Liu ngày càng phổ biến ở đây, cho cả doanh nghiệp trong nước và các công ty ngoại quốc.

Giới chức hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức vòng đàm phán thương mại kế tiếp trong tuần này, và việc bảo vệ sở hữu trí tuệ là nhu cầu chính đối với Washington. Washington cho rằng người Mỹ và các công ty nước ngoài khác ở Trung Quốc đã phải chịu đựng vấn nạn trộm cắp và xâm phạm tài sản trí tuệ hàng thập niên qua.

Thích ứng trước áp lực

Trước những áp lực ngày càng tăng, Trung Quốc đã thực hiện một số bước để giải quyết vấn đề. Đất nước này chỉ mới thiết lập luật bản quyền vào thập niên 1980, nhưng mọi thứ đã tiến triển tương đối nhanh chóng kể từ đó.

Trung Quốc giờ đây có các tòa án chuyên môn xử những vụ đánh cắp tài sản trí tuệ, mặc dù – giống như mọi khía cạnh khác của hệ thống tư pháp – việc này phụ thuộc vào Đảng Cộng sản cầm quyền. Họ được kỳ vọng là sẽ giải quyết các vụ kiện trong vòng 12 đến 18 tháng.

Hướng giải quyết của Trung Quốc họ không chỉ do áp lực từ các công ty nước ngoài tạo nên.

Giới kinh doanh Trung Quốc như ông Liu cũng kêu gọi hệ thống pháp lý của nước này phải bảo vệ tốt hơn những nhà sáng chế và doanh nhân đã biến Trung Quốc vượt ra khỏi nền kinh tế “copycat” mà nó từng được dán nhãn.

Benjamin Qiu, một luật sư chuyên về tài sản trí tuệ của công ty luật Hoa Kỳ Loeb & Loeb, nói rằng doanh thương Trung Quốc bây giờ cũng hay thưa kiện như các công ty nước ngoài.

Các công ty nước ngoài cũng có khả năng thắng kiện – trong một trường hợp tốt, ông Qiu nói thêm – y như một nguyên đơn trong nước. Trong vài năm qua, hai công ty Lego và New Balance đều đã thắng được các vụ kiện nổi tiếng chống lại các nhà sản xuất copycat.

Và không có gì nghi ngờ là cuộc chiến thương mại với Mỹ đã thúc đẩy tốc độ cải cách ở Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây đã chỉ đạo các nhà lập pháp, tại cuộc họp mặt thường niên của họ ở Bắc Kinh, việc phê duyệt các quy tắc mới cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Luật Đầu tư Nước ngoài (mới) quy định rằng việc chuyển giao công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài sang bất kỳ đối tác trong nước nào phải là tự nguyện. Trung Quốc từ trước đến nay luôn bảo vệ chính sách gây tranh cãi này của họ, bằng cách khẳng định rằng đây là một phần của thỏa thuận thương mại đã được hai bên đồng ý.

Luật mới cũng cấm các quan chức chính phủ chuyển thông tin chi tiết về tài sản trí tuệ của các nhà đầu tư nước ngoài.

Một kỷ nguyên mới?

Ban hành luật là một việc. Nhưng thực thi luật mới là chặng khó khăn.

Ông Qiu nói bước kế tiếp là “việc phải đưa ra các quy định chi tiết để áp dụng luật này, và chúng tôi muốn xem các vụ kiện thực tế tại tòa án địa phương, cũng như từ các cơ quan thực thi.”

Nếu điều đó xảy ra, thì ông Qiu nghĩ rằng “có khả năng các sở hữu chủ IP nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội được bảo vệ nhiều hơn khi hoạt động ở Trung Quốc.”

Cả Liên hiệp Âu châu và Phòng Thương mại Hoa Kỳ đều hoan nghênh luật mới, nhưng họ cũng chỉ trích những gì họ cho là sự mơ hồ trong luật pháp. Người Mỹ còn lo ngại rằng bộ luật mới được vội vã thông qua mà không có sự tư vấn thích hợp.

Nhiều công ty nước ngoài tại Trung Quốc đã bị thiệt thòi nặng trong những năm qua. Đây là hầu hết những công ty đã bị thị trường lớn của Trung Quốc thu hút, hoặc không thể cưỡng lại giá lao động rẻ mạt ở nước này.

Tuy nhiên một số công ty cảm thấy rủi ro bị đánh cắp tài sản trí tuệ quá cao.

Một giám đốc ngành công nghiệp trái cây gần đây nói rằng công ty của ông muốn mua băng chuyền mới cho các trang trại của họ ở Trung Quốc, nhưng các nhà sản xuất châu Âu nói không. Họ sợ hệ thống của họ sẽ bị sao chép ở đây và họ sẽ bị sập tiệm.

Ông Liu không thể làm điều đó. Ông là người Trung Quốc và muốn ở lại Trung Quốc. Nhưng ông đã có những biện pháp để cố gắng ngăn chặn các hành vi trộm cắp IP khác.

Ông Qiu là giám đốc điều hành của công ty do chính mình thành lập, nhưng năm nay ông nói rằng đang thay đổi chức danh để bao gồm trưởng phòng nghiên cứu và phát triển. Bởi vì ông không thể tin tưởng bất cứ ai khác với các bí mật thương mại của công ty.

Ở Trung Quốc, bảo vệ ý tưởng, kỹ thuật và sáng kiến – “chính là quyền con người”, ông nói với phóng viên BBC.

RELATED ARTICLES

Tin mới