Ông Pillsbury cho rằng việc thiếu bản dịch tiếng Trung là một nguồn cơn gây ra “những hiểu lầm có thể” và việc dịch dự thảo thỏa thuận 120 trang sang tiếng Trung là cần thiết.
Ảnh minh họa: CNN
Thiếu bản dịch tiếng Trung
“Quan niệm sai” có thể đã nới rộng khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ trong nỗ lực đạt thỏa thuận nhằm kết thúc cuộc chiến tranh thương mại, Michael Pillsbury, một cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định.
Phát biểu trước báo giới bên lề một sự kiện của Hội đồng Quan hệ Quốc tế tại Mỹ, ông Pillsbury, giám đốc trung tâm Chiến lược Trung Quốc tại Viện Hudson, cho rằng sai lầm trong việc lý giải về những cuộc đàm phán gần đây nhất và việc yêu cầu của Mỹ không có bản tiếng Trung là những trở ngại lớn đối với triển vọng đạt thỏa thuận giữa hai bên.
“Dường như một phần rắc rối là do không có văn bản tiếng Trung của thỏa thuận mà phái đoàn Trung Quốc được cho là sẽ chấp thuận. Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ từ bỏ quyền của mình và quyền đáp trả nếu chúng ta lại áp thuế đối với họ”.
Ông Pillsbury cho rằng việc không có bản dịch tiếng Trung là một nguồn cơn gây ra “những hiểu lầm có thể” khi mà việc dịch dự thảo thỏa thuận 120 trang sang tiếng Trung là cần thiết để các lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh có thể nhất trí với nó.
Khi được hỏi rằng liệu có phải ông ám chỉ 1 thỏa thuận thương mại sẽ không sớm xảy ra hay không, Pillsbury khẳng định: “Đúng vậy, tôi ám chỉ điều đó”.
“Khi dịch tiếng Trung, có rất nhiều sắc thái và lựa chọn trong cách bạn diễn đạt”, ông Pillsbury nói.
Phát biểu của Kudlow làm mất lòng Trung Quốc?
Pillsbury cho biết, ông Trump “không hoàn toàn hài lòng” với thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 11/2017, khi Bộ trưởng Tài chính Wilbur Ross dẫn đầu phái đoàn Mỹ. Ông Trump cũng không ủng hộ kết quả của các cuộc đàm phán vào đầu năm 2018 khi ông Mnuchin là người đứng mũi chịu sào.
“Và giờ chúng ta đang ở trong nhiệm kỳ của vị đặc phái viên thứ 3 năm nay, Lighthizer”, ông Pillsbury nói, “Tôi cho rằng người ta đã quá lạc quan khi ông Lưu Hạc rời đi [hôm 26/2]”.
Ông Pillsbury không đồng tình với bình luận mà cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đưa ra hôm 28/2 về vòng đàm phán mới đây ở Washington.
Ông Kudlow nói rằng, Lighthizer đã trách móc thậm tệ khiến phía Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán sau ngày làm việc đầu tiên đầy khó khăn.
“Lighthizer lớn tiếng cảnh báo. Phó Thủ tướng Lưu Hạc đáp lời. Và rồi đột nhiên mọi chuyện trở nên khả quan”, Kudlow nói, đưa ra 1 thông điệp tích cực về cái mà ông gọi là “tiến tới 1 thỏa thuận lịch sử đáng chú ý” mặc dù “chúng tôi phải chờ tin từ Chủ tịch Tập Cận Bình”.
Pillsbury cho rằng tuyên bố của Kudlow ám chỉ rằng phái đoàn Mỹ đã “bắt nạt” các nhà thương thuyết thương mại Trung Quốc và hạ thấp danh dự của ông Lưu.
“Những lo ngại của họ – có thể là những lo ngại tột bậc – là việc Trung Quốc bị chèn ép và đưa ra những nhượng bộ không thích đáng. Và chúng ta có thể nhìn thấy luận điểm này trên báo chí Trung Quốc hiện tại”, Pillsbury nói.
“Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ cứng rắn và không chấp nhận một số yêu cầu của Mỹ” bởi sợ bị “đay đi đay lại” sau bình luận của Kudlow, ông Pillsbury nói.
“Chúng ta vẫn đang ở thời đại của Lighthizer. Có thể lạc quan rằng ta sẽ đạt được thỏa thuận nhưng cũng có thể thất vọng vì quá nhiều xích mích. Những hiểu lầm không cần thiết có vẻ đã xảy ra”.
Theo SCMP, cả hai phía đều đã để lộ các yêu cầu trong cuộc đàm phán thương mại hồi tháng 5 năm ngoái – phía Mỹ có 28 yêu cầu, còn Trung Quốc có 10 yêu cầu.
Tuy nhiên ông Pillsbury không loại trừ khả năng Trung Quốc nhượng bộ để đạt thỏa thuận trong thời hạn ngắn bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra “lo lắng về tình trạng mất ổn định và tăng trưởng chậm” trong nước.
Lập trường có phần bi quan của ông Pillsbury về cuộc đàm phán được đưa ra sau khi ông Trump tuyên bố hồi tuần trước rằng thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc có thể sẽ được giữ nguyên “trong một khoảng thời gian” để đảm bảo Trung Quốc giữ lời hứa.
Hôm nay, 29/3, Mỹ và Trung Quốc sẽ bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới nhằm bàn thảo những chi tiết của thỏa thuận. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin .
Cuộc đàm phán tại Bắc Kinh tuần này sẽ tiếp nối bằng chuyến công du Washington tuần tới của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.