Wednesday, November 27, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiện4 lần đề nghị gia nhập NATO bất thành của Nga

4 lần đề nghị gia nhập NATO bất thành của Nga

Moskva từng nhiều lần đề nghị gia nhập khối NATO để chấm dứt tình trạng đối đầu nhưng đều bị liên minh này từ chối.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 4/4 kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Liên minh quân sự này được thành lập chủ yếu nhằm đối phó Liên Xô trước kia và Nga hiện nay, nhưng không nhiều người biết tới việc Moskva từng 4 lần ngỏ ý tham gia NATO nhằm chấm dứt tình trạng đối đầu.

Ngày 5/3/1946, Thủ tướng Anh Winston Churchill phát biểu với nội dung bàn về “Bức tường sắt”, mở ra thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây với Liên Xô và dẫn đến việc thành lập khối NATO sau đó ba năm.

Tháng 2/1954, Liên Xô đề xuất ký hiệp định an ninh tập thể toàn châu Âu với các nước thuộc khối Đồng minh trong Thế chiến II tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ở Berlin. Hiệp định này dự kiến thống nhất các nguyên tắc cơ bản trong liên minh chống Đức Quốc xã trước đó, với sự góp mặt của Mỹ, Anh và Pháp.

Khi đề xuất này bị các cường quốc phương Tây bác bỏ, Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov cho biết Moskva muốn gia nhập NATO. “Câu trả lời tích cực sẽ giải tỏa căng thẳng quốc tế, trong khi việc cự tuyệt chỉ khiến Liên Xô nhận thức thái độ thực sự của liên minh này với mình”, Ngoại trưởng Molotov nói.

Ngày 31/3/1954, Bộ Ngoại giao Liên Xô đề nghị được gia nhập NATO với điều kiện liên minh này đứng trung lập. Ngày 7/5/1954, Mỹ, Anh và Pháp bác bỏ đề nghị với lý do việc kết nạp Liên Xô “không phù hợp với tôn chỉ phòng thủ và dân chủ” của khối.

Đến năm 1983, trong một cuộc họp Bộ Chính trị, Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Yuri Andropov tiếp tục đề cập đến khả năng Liên Xô gia nhập NATO với lý do quan hệ giữa Moskva – Bắc Kinh đang xấu đi.

Tuy nhiên, nỗ lực này cũng không thành công do vụ máy bay chở khách Hàn Quốc xâm phạm không phận Liên Xô và bị tiêm kích Su-15 bắn hạ, khiến toàn bộ 269 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có một nghị sĩ quốc hội Mỹ. Nguyên nhân vụ bắn hạ được kết luận là phi cơ Hàn Quốc không bật đèn định vị và không phản hồi yêu cầu của phi công tiêm kích Liên Xô. 

Mỹ sau đó thừa nhận máy bay bị lệch lộ trình dù mang thiết bị định vị hiện đại. Tuy nhiên, NATO vẫn quy tất cả trách nhiệm cho Liên Xô và tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn mang tên “Able Archer 83” vào ngày 7/11/1983 để răn đe. Đợt tập trận  kéo dài 5 ngày khắp Tây Âu này khiến các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw đưa toàn bộ lực lượng hạt nhân và không quân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, Moskva một lần nữa đánh tiếng gia nhập NATO. Tổng thống Nga Boris Yeltsin gửi thư đến trụ sở NATO tại Bỉ, bày tỏ mong muốn gia nhập tổ chức này trong tương lai.

“Điều này sẽ góp phần tạo ra bầu không khí hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, tăng cường ổn định và hợp tác ở châu Âu. Chúng tôi rất coi trọng quan hệ này, mong muốn phát triển đối thoại trên mọi phương diện, bao gồm cả chính trị lẫn quân sự. Chúng tôi muốn trở thành thành viên của NATO với mục tiêu chính trị lâu dài”, Yeltsin viết trong thư.

Tuy nhiên, NATO khước từ đề nghị của Yeltsin, cho rằng Nga nên gia nhập chương trình Đối tác Hòa bình của khối này vào năm 1994.

Ngày 27/5/1997, lãnh đạo NATO và Nga ký thỏa thuận hợp tác An ninh NATO – Nga nhằm cùng nhau kiến tạo hòa bình lâu dài ở khu vực châu Âu – Đại Tây Dương. Tháng 7/1997, các nước từng là đồng minh của Liên Xô như Ba Lan, Hungary và Czech được mời gia nhập NATO, bắt đầu thời kỳ mở rộng của khối về phía đông và ngày càng tiến gần biên giới Nga.

Putin ký hiệp ước giảm số đầu đạn hạt nhân với Bush ngày 24/5/2002. Ảnh: Sputnik.

Putin ký hiệp ước giảm số đầu đạn hạt nhân với Bush (phải) ngày 24/5/2002. Ảnh: Sputnik.

Năm 2002, sau khi Tổng thống Vladimir Putin nhậm chức, Nga lần thứ tư cân nhắc gia nhập NATO. Chiến dịch không kích Nam Tư năm 1999 của NATO đã khiến quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất, nhưng vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ lại mở ra cơ hội tiếp tục hợp tác, cùng nhau chống chủ nghĩa khủng bố giữa Nga và NATO.

Ngày 29/5/2002, Tổng thống Mỹ George W. Bush gặp với Tổng thống Putin ở Italy để ký kết hiệp định giúp Nga có tiếng nói bên cạnh NATO. Việc thành lập Hội đồng NATO – Nga được tất cả thành viên của khối tán thành.

Tuy nhiên, NATO vẫn coi Nga là mối đe dọa và không chấp nhận tư cách “thành viên đầy đủ” của Moskva. Hợp tác Nga – NATO bị phủ bóng bởi quá trình mở rộng liên tục của khối quân sự này về phía đông và trung Âu. Ngày 29/3/2004, NATO kết nạp ba nước cộng hòa vùng Baltic từng thuộc Liên Xô gồm Estonia, Latvia và Litva, cũng như các nước từng tham gia Khối hiệp ước Warsaw gồm Bulgaria, Slovakia, Slovenia và Romania.

Tháng 8/2008, Nga phản ứng với chiến lược hướng đông của NATO bằng đợt can thiệp quân sự vào Gruzia với lý do bảo vệ hai nước cộng hòa tự trị đòi ly khai là Nam Ossetia và Abkhazia. Điều này khiến hợp tác song phương trong khuôn khổ Hội đồng NATO – Nga bị đình chỉ.

Từ 2010 đến nay, hai bên bắt đầu giai đoạn hợp tác mới, nhưng quan hệ liên tục thăng trầm do những bất đồng trong cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Mỹ triển khai tên lửa ở châu Âu.

RELATED ARTICLES

Tin mới