Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCăng thẳng gia tăng quanh đảo Thị Tứ của Việt Nam

Căng thẳng gia tăng quanh đảo Thị Tứ của Việt Nam

Những ngày gần đây, Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp xung quanh đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang bị Philippines chiếm đóng trái phép.

Ảnh vệ tinh ngày 20/12/2018 cho thấy đội tàu Trung Quốc tiến gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: CSIS/AMTI.

Tư lệnh quân đội Philippines Benjamin Madrigal Jr. mới đây cho biết các tàu cá trá hình của Trung Quốc liên tục bị phát hiện gần đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tính từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã điều khoảng 275 tàu đến khu vực này. Trong khi đó, người phát ngôn Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) Edgard Arevalo dè dặt nhận định việc thống kê tổng số tàu Trung Quốc xuất hiện cùng một thời điểm là rất khó. Ông Edgard Arevalo cho biết những tàu này ra vào thường xuyên trong vùng biển này.

Trước đó, truyền thông phương Tây cho biết, TQ (5/3) đã điều hơn 50 tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây 3 bãi cát xung quanh đảo Thị Tứ, đồng thời ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường trong khu vực này. Trong khi đó, báo cáo của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), ghi nhận gần 100 tàu Trung Quốc, gồm các tàu hải quân, hải cảnh và hàng chục tàu cá đã áp sát đảo Thị Tứ vào giữa tháng 12/2018. 

Phản ứng chính thức liên quan vụ việc trên, Bộ Ngoại giao Philippines (1/4) đã gửi công hàm “phản đối” sự hiện diện của hơn 200 tàu thuyền của Trung Quốc xung quanh đảo Thị Tứ. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho rằng “các tàu hiện diện gần đảo Thị Thứ hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Philippines”; nhấn mạnh “Trung Quốc đang cố tạo ra một thực trạng tại khu vực mà chúng ta khó có thể thay đổi về sau. Mỗi ngày trôi qua mà chúng ta không hành động đều là một cơ hội bị phí hoài”. Ông Salvador Panelo cũng cho biết thêm, Manila đặt ra nhiều câu hỏi cho phía Bắc Kinh về sự hiện diện đáng lo ngại của “hạm đội” khổng lồ này. Theo đó, Philippines muốn xem Trung Quốc có thừa nhận tình trạng trên thực địa đã được Manila thông báo không; Philippines cần biết nguyên do của động thái này; Philippines sẽ đề nghị Trung Quốc chấm dứt hoạt động một cách lịch sự”.

Đáp trả công hàm phản đối của Philippines, Đại sứ Trung Quốc tại Manila Triệu Kiến Hoa ngang nhiên cho rằng “đó là các tàu đánh bắt cá”, chưa rõ Philippines gửi công hàm phản đối khi nào, “cả ngư dân Philippines và Trung Quốc đều hiện diện tại khu vực tranh chấp”, đồng thời bác bỏ các tin tức nói rằng các ngư dân Trung Quốc có mang theo vũ khí, nhấn mạnh Bắc Kinh và Manila đang xử lý các vấn đề liên quan tới hàng hải thông qua các kênh ngoại giao.

Trong khi đó, Gregory Poling, Giám đốc AMTI, đánh giá các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở đảo Thị Tứ chỉ là dấu hiệu cho thấy dân quân Trung Quốc đang gia tăng hiện diện ở Biển Đông. Dù việc họ ngăn cản ngư dân Philippines không phải là sự kiện mới mẻ nhưng thể hiện “một điều bình thường mới”. Theo ông Gregory Poling, hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu cá Trung Quốc đang được sử dụng để giám sát và hăm dọa các nước láng giềng mỗi khi họ có hoạt động gì đó mà Bắc Kinh không ưa. Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì mục kiểm soát toàn bộ khu vực trên biển và trên không ở Biển Đông, nằm trong “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ ra. Do đó, Bắc Kinh muốn các bên tranh chấp phải từ bỏ và ngừng theo đuổi các quyền kinh tế ở khu vực này. Ngoài ra, ông Poling cảnh báo các dân quân Trung Quốc sẽ dần dần tác động đến hoạt động của Philippines và Việt Nam ở Biển Đông, đến khi hai nước “không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận thực tế rằng Bắc Kinh kiểm soát khu vực”. Theo đó, các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở các đảo nhân tạo ở Trường Sa sẽ cho phép các hạm đội dân quân, quân đội và hải cảnh Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường xuyên ở toàn bộ khu vực thuộc “đường 9 đoạn”. Điều đó có nghĩa là Philippines và Việt Nam cần chuẩn bị sẵn tâm lý rằng mọi hoạt động của mình sẽ bị các lực lượng Trung Quốc theo dõi và phản ứng.

Phó giáo sư Herman Kraft, Đại học Philippines, nhận xét rằng trong các sách lược đối với ngư dân Philippines, Trung Quốc “lúc thả lỏng, lúc quấy rầy”. Từ khi Tổng thống Philippines Duterte lên nắm quyền, quan hệ với Trung Quốc được cải thiện. Có thời điểm ngư dân Philippines “được phép” tự do đánh bắt ở khu vực gần các bãi cạn và các thực thể khác ở Biển Đông. Nhưng các hoạt động của Trung Quốc ở Thị Tứ mới đây không phải điều gây ngạc nhiên.

Tiến sĩ Scott Romaniuk, Đại học Alberta, Canada nhận định Bắc Kinh không thay đổi chiến lược trong vấn đề Biển Đông. Với lực lượng dân quân trên biển, Trung Quốc nhắm đến ba mục tiêu: Thách thức yêu sách của các bên cùng có tranh chấp ở Biển Đông; mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh quanh các đảo và đá có tầm quan trọng chiến lược; sẵn sàng có chạm trán với bất cứ nước nào để giành quyền kiểm soát. 

Giám đốc Viện Hàng hải và Luật Biển tại Đại học Philippines Jay Batongbacal nhận định, động thái này của Trung Quốc là chiến lược để ngăn chặn các tàu của Philippines có thể tiến vào khu vực tranh chấp. Để đạt được mục đích, Bắc Kinh sử dụng chiến thuật dùng số đông các tàu đánh cá dân sự quây kín một khu vực, ngăn cản các tàu khác tiếp cận.

Trong khi đó, ông Richard Heydarian, nhà phân tích của GMA, nói rằng Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật này để đe dọa ngư dân các nước khác có tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển giàu tài nguyên. Ông cũng lưu ý rằng Trung Quốc đã giám sát việc nâng cấp các cơ sở quân sự của Philippines tại đảo Thị Tứ, chẳng hạn như việc xây dựng một bến cảng và đoạn đường đi xuống bãi biển.

Trên thực tế, đảo Thị Tứ là một đảo san hô thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đảo này xếp thứ hai trong quần đảo về mặt diện tích. Ngày 21 tháng 12 năm 1933, Thống đốc Nam Kỳ Jean-Félix Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP sáp nhập một số đảo chính và các đảo phụ thuộc trong quần đảo Trường Sa vào địa phận tỉnh Bà Rịa, trong đó có đảo Thị Tứ. Đầu thập niên 1960, các tàu hải quân của Việt Nam Cộng hòa thường ghé thăm đảo Thị Tứ, cụ thể năm 1961 là tàu HQ-02 Vạn Kiếp và HQ-06 Vân Đồn còn năm 1963 là ba tàu gồm HQ-404 Hương Giang, HQ-01 Chi Lăng và HQ-09 Kì Hòa. Việt Nam cũng đã dựng bia chủ quyền trên đảo Thị Tứ vào ngày 22 tháng 5 năm 1963.

Vào thời kỳ 1970-1971, Philippines cho quân bí mật chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc Trường Sa, trong đó có đảo Thị Tứ của Việt Nam. Hiện Philippines xây dựng trái phép một đường băng dài 1.260 m được xây dựng vào năm 1975 với khả năng tiếp nhận các máy bay lớn nhưng đã xuống cấp. Ngoài ra, nơi đây còn có căn cứ hải quân, bến tàu, trung tâm y tế, trường học và một tháp thông tin di động.

Đề cập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và hoạt động của các bên ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ ngoại Việt Nam nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước liên hợp quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới