Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐua thuyền buồm trái phép và âm mưu tuyên truyền chủ quyền...

Đua thuyền buồm trái phép và âm mưu tuyên truyền chủ quyền của TQ

Từ năm 2012, Trung Quốc ngang nhiên tổ chức giải đua thuyền buồm “Cúp Ty Nam” hàng năm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm củng cố và tuyên truyền yêu sách “chủ quyền” phi pháp ở Biển Đông.

Năm 2012, Chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc bắt đầu tổ chức cuộc đua thuyền buồm “Cúp Ty Nam” (SiNan Regatta Cup) xuất phát từ Tam Á đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Vòng loại thường diễn ra ở khu vực biển vịnh Á Long, Tam Á. Vòng chung kết thường được tổ chức tại đảo Ốc Hoa, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tính đến nay, Trung Quốc đã ngang nhiên tổ chức thường niên giải đua này, tính đến nay đã có tổng cộng 6 kỳ. Năm 2016, Trung Quốc tổ chức giải đua thuyền buồm quốc tế “Cup Ty Nam” lần thứ 4 tại tỉnh Hải Nam từ ngày 9/4 đến 16/4/2016 tại hai địa điểm là khu vực biển Tam Á và vùng biển của cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Sau khi đoàn đua đến đảo Ốc Hoa, các tuyển thủ sẽ lên đảo để cử hành các hoạt động nghi thức của cuộc đua. Ngoài ra, Ban tổ chức cuộc đua trái phép này cũng sẽ phối hợp với các lực lượng chấp pháp của cái gọi là “Thành phố Tam Sa” đảm bảo an ninh an toàn cho các tuyển thủ trên toàn bộ chặng đua. Tháng 4/2017, Trung Quốc tổ chức cuộc đua thuyền buồm “Cúp Ty Nam” lần thứ 5 ở quần đảo Hoàng Sa. Tháng 4/2018, Trung Quốc tiếp tục tổ chức cuộc đua thuyền buồm “Cúp Ty Nam” lần thứ 6, cũng tương tự xuất phát từ Tam Á đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng việc Trung Quốc tổ chức giải đua thuyền buồm “Cúp Ty Nam” thực chất là lợi dụng hình thức văn hóa, thể thao để hợp thức hóa các yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông. Thông qua hoạt động này Trung Quốc muốn khích lệ người dân hướng ra Biển Đông theo các yêu sách phi lý của nước này, trong đó du lịch biển được xem là một công cụ chiến lược. vừa để đánh lạc hướng dư luận đối với các hoạt động quân sự hóa, cải tạo bồi đắp đảo của Trung Quốc, đồng thời củng cố cho các cơ sở về chủ quyền của Trung Quố, nhất là đối với các đảo không có người ở ở Hoàng Sa và Trường Sa. Giới chuyên gia khu vực và quốc tế cũng từng đưa ra nhiều nhận định về ý đồ sau các hoạt động du lịch tại Biển Đông của Trung Quốc. Chuyên gia nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore Collin Koh nhận định “làm như vậy (hoạt động du lịch biển) sẽ cho phép Trung Quốc khẳng định chủ quyền của mình, mà không chỉ có thế, Trung Quốc còn khẳng định họ có quyền quản lý trên thực tế đối với khu vực”. Còn chuyên gia của hãng tin Sputnik (Nga) cho rằng “hành trình du lịch đến các đảo ở Biển Đông có thể trở thành một công cụ trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông gồm các tranh chấp về đảo và vùng biển trong khu vực. Hoạt động này có thể gây ra sự chỉ trích và thậm chí phản đối từ phía những nước khác tham gia tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông”. Nhiều ý kiến khuyến cáo các nước khu vực cần thận trọng, cảnh giác đối với các đề nghị hợp tác du lịch biển của chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc. Vừa qua nhiều công ty tàu du lịch nổi tiếng Trung Quốc và công ty cho thuê tàu biển đã đến Philippines để tiến hành khảo sát về hợp tác du lịch. Đây có thể là những tính toán của Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang thúc đẩy hợp tác cùng khai thác với Philippines ở Biển Đông nhằm đánh lừa dư luận về các hoạt động quân sự hóa và ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Được biết, kế hoạch trên của Trung Quốc nằm trong tổng thể chiến lược theo đuổi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Từ tháng 4/2013, Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc đã công bố Chương trình phát triển hàng hải quốc gia theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, trong đó đề cập đến việc phát triển du lịch ở Biển Đông. Đây là văn bản chính thức đầu tiên của Trung Quốc thể hiện chủ trương phát triển “du lịch yêu nước” ở Biển Đông của chính phủ Trung Quốc. Đến tháng 12/2016, Trung Quốc tiếp tục cho công bố “Chương trình phát triển du lịch” theo “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, nhằm định hướng phát triển du lịch trong giai đoạn 2016 – 2020, trong đó ý đồ nguy hiểm của Trung Quốc là muốn phát triển du lịch tại Tam Sa, từng bước thúc đẩy mô hình du lịch biển hướng ra Biển Đông. Tháng 3/2017, chính quyền tỉnh Hải Nam tiếp tục công bố “Kế hoạch phát triển du lịch toàn vùng của tỉnh Hải Nam giai đoạn 2016 – 2020”, với ý đồ phát triển du lịch tàu thuyền để khai thác du lịch tại Tam Sa, qua đó thúc đẩy mô hình du lịch biển mới, ưu tiên các tour ra Hoàng Sa và hướng tới Trường Sa đến năm 2020.

Trước những hành động phi pháp của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối Bắc Kinh tổ chức cuộc đua trên. Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc tổ chức đua thuyền buồm ở quần đảo Hoàng Sa đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; nhấn mạnh những hoạt động trên của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc không để tái diễn hành động tương tự.

RELATED ARTICLES

Tin mới