Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTàu chiến thăm Philippines: Nga đang điều chỉnh chính sách trong vấn...

Tàu chiến thăm Philippines: Nga đang điều chỉnh chính sách trong vấn đề Biển Đông

Theo CNN, tàu khu trục chống ngầm Đô đốc Tributs và Vinogradov cùng tàu chở dầu Đô đốc Irkut của Nga (8/4) đã cập cảng Manila, trong khuôn khổ thăm hữu nghị.

Đây là lần thứ hai trong năm 2019, các tàu Nga cập cảng Philippines và là lần thứ sáu kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền (6/2016). Đầu tháng 1/2019, 3 tàu hải quân Nga đã cập cảng thủ đô Philippines với thông báo “thực hiện chuyến thăm nhằm tăng cường và duy trì việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác hàng hải”. Theo kế hoạch, nhóm ba tàu này sẽ ghé thăm một số nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và tham dự cuộc diễn tập hải quân chung trên biển Joint Sea 2019 với Trung Quốc.

Trước đó, Phó Đô đốc Philippines Robert Empedrad cho biết, việc hợp tác với Nga được trông đợi sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ và hai nước sẽ ký thỏa thuận hợp tác hải quân vào tháng 7/2019. Được biết thỏa thuận trên sẽ bao gồm thêm nhiều cuộc tập trận chung và tăng cường thêm qua lại thăm viếng hữu nghị với nhau.

Trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực đang ngày gia tăng, khiến cộng đồng quốc tế liên tục đưa ra các tuyên bố thể hiện thái độ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông và triển khai nhiều biện pháp thiết thực góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực. Nga với vai trò là một nước lớn trên thế giới, có lợi ích thiết thực trong khu vực, đã, đang và sẽ có nhiều đóng góp thiết thực đối với việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Giới quan chức cấp cao của Nga đã nhiều lần đưa ra các tuyên bố nhấn mạnh quan điểm, chính sách của Nga liên quan vấn đề Biển Đông. Cụ thể: (1) Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov khẳng định: Nga giữ lập trường rõ ràng về tranh chấp Biển Đông, nhấn mạnh Nga không phải một bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nhưng Nga có những lợi ích ở vùng này, kể cả ở Việt Nam. Nga muốn tất cả các vấn đề trong khu vực được giải quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, thông qua cuộc đàm phán giữa các nước có tranh chấp; khẳng định Nga dứt khoát chống lại sự leo thang căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông, chống lại việc gia tăng quân sự hóa trong khu vực; cho rằng, lối thoát tốt nhất và duy nhất ra khỏi tình trạng này là việc tổ chức cuộc đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế; đồng thời Nga kêu gọi giữ bình tĩnh, kiềm chế và không để những cuộc tranh chấp biến khu vực này thành một “điểm nóng” trên thế giới. (2) Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga không ủng hộ quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông và các nước có liên quan nên tìm kiếm con đường chính trị ngoại giao để giải quyết vấn đề. Lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông là, tất cả các bên liên quan đều phải tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm con đường giải quyết bằng chính trị ngoại giao mà các bên đều có thể chấp nhận được; nhận định chỉ có đàm phán, con đường mà Trung Quốc và ASEAN đã đi, mới có thể mang lại kết quả cho các bên, đó chính là một thỏa thuận mà các bên chấp nhận được. (3) Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã ra tuyên bố cho rằng Nga rất quan tâm theo dõi diễn biến tình hình ở Biển Đông, coi đây là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới an ninh và ổn định ở toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nga không phải là một bên tham gia vào tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và sẽ không bị lôi kéo vào những tranh chấp này; nhấn mạnh Nga không đứng về bên nào trong tranh chấp, cho rằng việc tham gia của bên thứ ba vào các tranh chấp này sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Tất cả các quốc gia liên quan tới những tranh cãi lãnh thổ trong khu vực này phải nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm giải pháp chính trị-ngoại giao cho các vấn đề hiện nay trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS), trên tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc đạt được năm 2002, cũng như những thỏa thuận vào tháng 7/2011 giữa các nhà lãnh đạo về việc thực thi Tuyên bố năm 2002. Nga cho rằng việc tham vấn và đàm phán về những vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được tiến hành trực tiếp giữa các bên liên quan với hình thức phù hợp nhất do các bên tự xác định. Nga sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN nhằm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”.

Thời gian tới, để tăng cường ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy hợp tác kinh tế, cũng như ngăn chặn, kiềm chế Mỹ tăng cường hiện diển, ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương, Nga sẽ có những điều chỉnh nhất định trong chính sách liên quan tranh chấp Biển Đông.

Thứ nhất, Nga cần tham gia sâu vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng, tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines… để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thứ hai, việc Nga tích cực can dự vào tranh chấp Biển Đông sẽ giúp nước này nâng cao vai trò, ảnh hưởng trong khu vực, thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại với các nước ASEAN, từng bước khắc phục và giải quyết lệnh trừng phạt tinh kế của phương Tây.

Thứ ba, nhằm mục đích đóng góp cho ổn định khu vực và đảm bảo lợi ích của Nga, Nga nên có cách thúc đẩy hình thành một cách tiếp cận cụ thể hơn đối với cách hành xử của các bên tại Biển Đông. Nga không chỉ có thể kêu gọi các bên dừng các hành động “khiêu khích”, mà cũng có thể tuyên bố rõ ràng hơn là hành động cải tạo đảo và quân sự hóa là một hành động gây leo thang căng thẳng. Theo Anton Tsvetov, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược Liên bang Nga, “vị thế khiêm tốn của Nga trong vấn đề Biển Đông không nên được xem là trở ngại cho các nhà hoạch định chính sách của Moscow… Việc can dự của Nga ở Biển Đông là cách thức hiệu quả để thể hiện lợi ích hợp pháp của mình trong những diễn biến an ninh mới ở Đông Nam Á, một tiểu khu vực đã từng là nằm bên lề chính sách đối ngoại của Nga”.

RELATED ARTICLES

Tin mới