Rõ ràng, trong khoảng thời gian vài trăm năm, nước đông dân luôn có ưu thế về kinh tế.
Trong nhiều thế kỷ kể từ sau cuộc đại cách mạng công nghiệp, Châu Á đang dần trở thành tâm điểm mới của thế giới với tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. Những nước Phương Tây đã từng bùng nổ tương tự trong thế kỷ 19 giờ đây phải nhường lại vị thế tăng trưởng cho Châu Á.
Theo nhiều dự đoán, Châu Á sẽ chiếm hơn 50% tổng GDP toàn thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP) vào năm 2020. Tuy nhiên, liệu những nền kinh tế Châu Á có duy trì được đà tăng trưởng? Các chuyên gia kinh tế đánh giá là có thể và nguyên nhân nằm ở dân số.
Những cuộc nghiên cứu cho thấy các nền kinh tế với dân số đông thường sẽ được hưởng lợi trong dài hạn. Nhân lực luôn là yếu tố chủ chốt của tăng trưởng. Trong 1 thị trường tràn ngập chiến tranh thương mại, rào cản thuế quan thì đông dân tương đương với 1 thị trường nội địa mạnh. Thêm nữa, nhân lực đông sẽ dẫn đến tổng sản lượng tăng cao trong dài hạn và tạo lợi thế về thương mại.
Việc dự báo tăng trưởng trong ngắn hạn thường là vấn đề khó với các chuyên gia và là bất khả thi nếu dự đoán trong dài hạn. Tuy nhiên, nhận thức chung của mọi người là 1 nền kinh tế đông dân vẫn có lợi thế hơn rất nhiều so với các nước nhỏ.
Một nghiên cứu kết hợp giữa trường đại học Southern Methodist University, viện CREI và trường đại học Princeton đã thắng giải Robert Lucas mới đây. Trong đó các nhà nghiên cứu đã xây dựng 1 mô hình cho thấy tăng trưởng kinh tế chịu ảnh hưởng thế nào về dân số.
Cụ thể trong hàng trăm năm, mô hình này cho thấy sự tăng trưởng kinh tế của các nước sẽ phụ thuộc lớn vào phát triển công nghệ, tuy nhiên những nước đông dân sẽ có lợi hơn nước bé nếu như không có chiến tranh.
Ví dụ, hãy tưởng tượng Thomas Edison chưa phát minh ra bóng đèn. Nếu tại nước đông dân, nhu cầu sử dụng nguồn sáng như bóng đèn sẽ cao hơn, qua đó đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho nhà phát minh, khiến động lực để phát minh bóng đèn sẽ nhanh hơn. Đó là chưa kể đến những nguồn lực tài chính trong dân cư cùng nhiều yếu tố khác.
Dẫu vậy, những biến động địa chính trị có thể thay đổi nhiều thứ. Ngoài chiến tranh, việc nguồn nhân lực di cư cũng khiến mọi chuyện thay đổi. Trên thế giới hiện nay, nhiều nơi giàu có lại không phải là nước đông dân nhất.
Nếu những luồng di cư được thả tự do, chắc chắn nhiều nước giàu ít dân sẽ lại thành đông dân và quy luật nước giàu-đông dân sẽ chẳng bao giờ thay đổi bởi mọi người luôn thích di chuyển từ nước nghèo sang nước phát triển hơn.
Tuy nhiên, do các nước thắt chặt kiểm soát người nhập cư nên trong dài hạn, cuối cùng thì những nước nghèo đông dân rồi cũng sẽ phát triển công nghệ sánh ngang, hay thậm chí vượt các nước giàu ít dân.
Mô hình kinh tế đoạt giải Robert Lucas trên cho thấy để có thể đạt đến bước này sẽ phải tốn hàng trăm năm. Cụ thể họ dự đoán nếu không có những biến động lớn về dân số hay các yếu tố khác, Châu Á và Châu Phi sẽ trở thành những nền kinh tế chủ chốt của tăng trưởng toàn cầu trong vòng 500 năm tới.
Trên thực tế, cách đây 1.000 năm, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc còn cao hơn cả Anh nhưng những biến động địa chính trị đã khiến mọi thứ thay đổi. Thời kỳ đó, không ai nghĩ rằng nước đông dân như Trung Quốc sẽ lại nghèo hơn nước Anh, cũng tương tự như thập niên 2000 không ai tin Trung Quốc sẽ vượt Anh để vươn lên nền kinh tế số 2 thế giới.
Rõ ràng, trong khoảng thời gian vài trăm năm, nước đông dân luôn có ưu thế về kinh tế.
Từ trước tới nay, các học giả kinh tế thường chú ý đến thương mại, công nghệ, cán cân thị trường hay hệ thống tài chính hơn là nhân lực. Tuy nhiên sự bùng nổ của các nền kinh tế Châu Á không dựa trên bất kỳ cuộc cách mạng lớn nào về công nghệ đã khiến mọi người phải nghĩ lại. Tăng trưởng dựa trên nhân công giá rẻ được đánh giá là không bền vững, nhưng nếu nền kinh tế đầu tư ngược lại để nâng cao chất lượng lao động, phát triển thị trường nội địa thì đó lại là 1 vấn đề khác.
Hiện sự thần kỳ của nền kinh tế Trung Quốc đã giảm nhiệt và có rất nhiều dấu hiệu trên lý thuyết cho thấy thị trường này đang bất ổn. Tuy nhiên với lương dân số bằng 1/6 tổng số người toàn cầu, Trung Quốc có thể làm nên rất nhiều thứ trong vài trăm năm nếu không có những biến động lớn. Câu chuyện tương tự cũng sẽ diễn ra với Ấn Độ.
Đối với những nền kinh tế giàu nhưng ít dân như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… hay những nước đang già hóa nhanh chóng như Anh, Pháp, Đức…, khối tài sản lớn tích lũy hàng chục/trăm năm sẽ giúp họ bền vững phát triển trong thời gian ngắn nhưng về dài hạn, họ có thể mất ưu thế công nghệ, nguồn vốn so với những nước đông dân hơn.