Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBản tin Biển Đông ngày 16/04/2019

Bản tin Biển Đông ngày 16/04/2019

Bản tin Biển Đông ngày 16/04/2019.

Philippines xem xét tiến hành “hành động pháp lý” đối với việc Trung Quốc thu lượm sò tai tượng

Theo Rappler ngày 16/4, Philippines đã phản đối việc các tàu Trung Quốc khai thác một lượng lớn sò tai tượng ở bãi cạn Scarborough và Biển Đông. Philippines đang xem xét đến các hoạt động pháp lý để chống lại các hoạt động thu lượm sò tai tượng bất hợp pháp này của tàu thuyền Trung Quốc. Ngoại trưởng Philippines, Teodoro Locsin Jr đăng trên Twitter ngày 16/4 rằng “chúng tôi mới bắt gặp các tàu thuyền Trung Quốc đang khai thác sò tai tượng thời gian gần đây. Chúng tôi đã gửi công hàm phản đối và sẽ có các hành động pháp lý và vụ việc đang được giao cho Vụ Pháp lý của Bộ Ngoại giao Philippines”.

Ngoại trưởng Locsin cũng đã chia sẻ thông tin này với báo cáo của hãng tin ABS-CBN ngày 15/4 và chỉ ra các bằng chứng về việc các tàu Trung Quốc khai thác số lượng lớn sò tai tượng ở bãi cạn Scarborough. Các phóng viên của hãng tin ABN-CBN này đến gần khu vực Scarborough và nhìn thấy các ngư dân Trung Quốc đã chất đống các con sò tai tượng trước khi kéo chúng lên các xe kéo. Các ngư dân Philippines đã nhiều lần nhìn thấy việc các tàu Trung Quốc sử dụng các ống dài cắm xuống đáy biển để “ đáy biển sau đó thu lượm sò tai tượng. Ngày 16/4, đã có không dưới 14 thuyền của Trung Quốc tập trung ở khu vực Scarborough để tiếp tục khai thác sò tai tượng.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN Philippines ngày 16/4, Ngoại trưởng Locsin giải thích rằng Bộ Ngoại giao Philippines “Philippines phản đối hoạt động khai thác sò tai tượng của Trung Quốc. Đây là hành động bất hợp pháp và thực tế là đang vi phạm các công ước về bảo vệ môi trường. Do đó, chúng tôi có thể tiến hành các hoạt động pháp lý”. Ông chưa cho biết cụ thể các hành động pháp lý này là gì nhưng nói rằng Philippines đang nghiên cứu.

Luật phân vùng Palawan: không có liên hệ tới các vấn đề Biển Đông

Báo Philstar ngày 16/4cho biết Tổng thống Duterte đã ký đạo Luật số 11259 (Republic Act 11259) phân chia Palawan thành ba tỉnh Palawan del Norte, Palawan Oriental and Palawan del Sur. Luật này đã được Philippines phê chuẩn vào ngày 15/4/2019 và được giải thích là không liên quan gì tới các vấn đề Biển Đông. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết “mọi việc phân vùng một cách chính xác là để phù hợp với nhu cầu của người dân, để cung cấp những dịch vụ cơ bản và giải quyết các vấn đề của người dân trong khu vực. Điều này không có bất cứ mối liên hệ nào với vấn đề Biển Đông”. Ông cũng chỉ ra lợi ích của luật mới sẽ giúp tăng tính đại diện của các địa phương và giúp quản lý các tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn.

Tuy nhiên các nhóm tổ chức xã hội và người dân ở Puerto Princesa phản đối luật này, cho rằng luật mới sẽ không giúp giải quyết các vấn đề ở Palawan. Nghị sỹ Risa Hontiveros cũng lo ngại luật mới sẽ cho phép Trung Quốc nâng cao vị thế ở Biển Đông vì luật mới giúp Trung Quốc có những cơ hội để xâm nhập và ảnh hưởng tới các tổ chức chính quyền địa phương nhỏ hơn.

Sự phát triển của “thành phố Tam Sa”

Ngày 15/4, tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, sau 7 năm, “thành phố Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong xây dựng đô thị và quản lý xã hội. “Thành phố Tam Sa” là được chính thức xây dựng từ năm 2012, nằm ở cực Nam Trung Quốc với dân cư khoảng 2,500, có thủ phủ đặt tại Phú Lâm, một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Về phát triển đô thị, hàng loạt công trình được xây dựng (ngân hàng, nhà ăn, siêu thị, sân bay, rạp chiếu phim, thư viện, bệnh viện, trường học); còn có dịch vụ chuyển phát nhanh, trạm phát sóng 5G; thông tin liên lạc bằng radio bước sóng ngắn để dự báo thời tiết trên biển bao phủ toàn bộ các vùng nước được quản lý bởi thành phố này ở Biển Đông; rô-bốt tiến hành kiểm tra sóng siêu âm dưới sự quản lý từ xa ở Tam Á – thành phố cách đảo chính Hải Nam khoảng 300 km.

Về quản lý xã hội, “thành phố Tam Sa” đang xây dựng các ủy ban tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nếu có nhiều cư dân sống trên các đảo này. Ông Chen Xianmiao, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu Hải Nam cho biết, mặc dù là thành phố non trẻ nhất của Trung Quốc, mới chỉ ở bước đầu của phát triển đô thị do gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo, do nhiệt độ cao và tình trạng thủy triều gây xói mòn, nhưng Tam Sa đã có sự phát triển vượt bậc. Ưu tiên hiện nay là cung cấp cơ sở vật chất phục vụ cuộc sống tối thiểu cho người dân tại thành phố này. Mục tiêu tiếp theo sẽ là cân bằng sự phát triển của các đảo khác của “thành phố Tam Sa”, tăng trưởng kinh tế, trở thành một khu vực tự do kinh tế giống như Hải Nam, làm giầu đời sống văn hóa và xây dựng cơ sở nghiên cứu tìm hiểu thêm về khu vực này. Các dịch vụ công cộng như hải đăng, trung tâm chia sẻ thông tin biển và cứu hộ cứu nạn đã mở cửa cho các quốc gia nước ngoài; và đang hướng tới việc mở cửa cho khác thăm quan quốc tế.

Trung Quốc chuẩn bị chạy thử nghiệm tàu sân bay thứ hai

Theo mạng National Interest đăng ngày 15/4, tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc, cũng là tàu sân bay đầu tiên được xây dựng hoàn toàn tại Trung Quốc, chuẩn bị được đưa vào chạy thử nghiệm, đánh dấu bước tiến trong gia tăng sức mạnh của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc hàng hải, có khả năng thách thức Mỹ, ít nhất là ở khu vực Đông Á.

Sức mạnh hải quân của Trung Quốc ngày nay đã vượt xa thời điểm cách đây 30 năm, tức là khoảng những năm 1990 khi Trung Quốc còn là một quốc gia có sức mạnh phòng thủ ven bờ. Nước này đã nhanh chóng tạo nên bước tiến vượt bậc, có thể nói, đây không phải là một cuộc cách mạng mà là một sự tiến hóa, khi Bắc Kinh nhanh chóng đưa ra những thiết kế và trang thiết bị mới ứng dụng vào hải quân. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ, Trung Quốc chỉ giới hạn trong việc xây dựng những tàu chiến nhỏ mỗi loại, chỉ sau khi tham gia thử nghiệm toàn diện với từng loại, Trung Quốc mới chuyển từ từ sang thiết kế cải tiến. Thập kỷ thử nghiệm thận trọng này đã tạo điều kiện để hải quân Trung Quốc tự tin thử nghiệm các mô hình đáng tin cậy để sản xuất tỷ lệ cao. Các nhà máy đóng tàu Trung Quốc đã nhanh chóng tung ra tàu khu trục Type 054A, tàu ngầm Type 039A, tàu khu trục Type 052D và tàu hộ tống Type 056, đây là 4 thế hệ tàu chính trong số những phát minh của hải quân). Những sản phẩm này không tăng kích cỡ của hạm đội mà thay thế những tàu đã già cỗi và cũ kỹ kể từ thế kỷ 20

Với việc hiện đại hóa trong vòng hai năm tới, Trung Quốc sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh và khả năng của mình, tăng cường không chỉ số lượng mà còn chất lượng của tàu thuyền. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ sản xuất này, Trung Quốc sẽ có thể có thêm 3 tàu sân bay trong thời gian từ 2020 – 2030.

Sự gia tăng về số lượng các tàu chiến, tàu khu vực, tàu hộ tống và tàu ngầm chạy bằng điện – diesel chỉ là một khía cạnh trong sự phát triển sức mạnh của hải quân Trung Quốc. Trong vòng 10 năm tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng một thế hệ mới tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay kiểu mới được trang bị hệ thống máy phóng máy bay và phát triển hạm đội đổ bộ.

Mặc dù Trung Quốc đã tiến gần đến việc cạnh tranh với Mỹ về sức mạnh biển trên toàn cầu thì hai nước này cũng mạnh về những lĩnh vực khác nhau. Mỹ không bị thách thức ở những vùng nước lân cận của nước này, do đó sẽ tiếp tục duy trì việc xây dựng sức mạnh biển cả, duy tập trung vào tàu sân bay, lực lượng tham chiến mặt nước lớn và lực lượng bổ sung cỡ lớn có sức mạnh và ảnh hưởng toàn cầu. Trung Quốc thì muốn phát triển sức mạnh biển cả tương tự với tàu thuyền tương tự, nhưng sẽ tập trung vào phô trương sức mạnh ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.

Nhân tố khác giúp củng cố sự quản lý của Trung Quốc đối với các khu vực biển lân cận đó là sự tồn tại của những vị trí địa lý án ngữ quan trọng, cũng như tính tập trung của các lực lượng quân sự, đối lập với sự phân bổ rải rác hơn của các lực lượng của Mỹ. Trước năm 2030, Trung quốc nhiều khả năng là lực lượng nổi trội ở chuỗi đảo bao gồm Biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như khu vực xa hơn từ Nhật Bản kéo đến Indonesia thông qua các đảo như Guam và Palau. Mỹ, do đó, sẽ chiếm ưu thế hơn ở các khu vực biển còn lại trên thế giới.

Thật khó để dự đoán sức mạnh hải quân tiềm năng của Trung Quốc sau năm 2030 nhưng nước này sẽ có thể thách thức Mỹ ở khu vực xa hơn tại Thái Bình Dương. Đối với thập niên trước mắt, hải quân Trung Quốc sẽ dần dần phát triển, có thể không phải là chủ nhân của đại dương, nhưng sẽ là chủ nhân của khu vực biển là sân sau của nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới