Khi vùng biển quê nhà cạn kiệt, ngư dân Trung Quốc vươn xa hơn để khai thác hải sản ở các nước khác. Đội tàu cá khổng lồ của họ bị cáo buộc đang khiến các ngư dân Tây Phi lao đao.
Trung Quốc có đội tàu cá xa bờ hùng hậu
Các nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng, Trung Quốc là quốc gia có hoạt động đánh bắt cá mang quy mô và phạm vi lớn nhất trên thế giới. Tàu từ Trung Quốc đại lục có tổng cộng khoảng 17 triệu giờ đánh bắt vào năm 2016, chủ yếu là ở các vùng biển phía Nam, nhưng bao gồm cả nơi xa như châu Phi và Nam Mỹ. Theo số liệu thống kê không chính thức, đội tàu đánh cá phương xa của Trung Quốc luôn được biết đến là có quy mô lớn nhất thế giới với khoảng 2.500 tàu, nhưng không phải lúc nào cũng được chào đón ở các vùng biển xa xôi.
Nghiên cứu cho thấy vùng biển ngoài khơi giúp Trung Quốc thu về nguồn cá dối dào nhât là ở phía Bắc và Nam Âu. Tàu Trung Quốc không được phép hoạt động trong các khu đặc quyền kinh tế của nước khác, trong đó mở rộng theo quy ước của Liên Hợp Quốc là phạm vi 200km tính từ bờ. Tuy nhiên vẫn có không ít tàu của nước này liên tục vi phạm.
Ngư dân Trung Quốc là mối nguy hại đối với châu Phi
Tổ chức Công lý vì môi trường (EJF) mới đây công bố một báo cáo dẫn chứng cụ thể về sự liên quan của Trung Quốc trong các hoạt động đánh bắt cá công nghiệp sử dụng lưới vét, làm cạn kiệt nguồn cá của châu Phi. Báo cáo của EJF cho thấy Trung Quốc có “mối quan tâm lớn” đối với nguồn cá của Ghana.
Chỉ riêng năm 2015, khoảng 90% số tàu được Ghana cấp phép là do Trung Quốc sản xuất. Các chủ tàu có được giấy phép đánh cá bằng cách nhập số tàu xuất xứ từ Trung Quốc này vào đội tàu đã đăng ký của Ghana.
Sự tham gia của Trung Quốc không chỉ gây hại cho nguồn cá của khu vực Tây Phi mà còn tước đoạt kế sinh nhai chính của cộng đồng ngư dân tại Ghana. Bolei Liu, nhà vận động vì đại dương tại Tổ chức Hòa bình xanh Đông Á đánh giá các tàu bất hợp pháp là mối đe dọa đối với mục tiêu quản trị đại dương minh bạch ở Tây Phi. Bolei Liu nói : “Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp gây khó khăn không chỉ đối với xã hội dân sự mà cả cho các quan chức ngành thủy sản trong việc xác định các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp trên biển”.
Theo báo cáo của EJF, các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp khiến các nguồn cá của Ghana chịu áp lực lớn. Do đó, nghề đánh bắt hải sản ở Tây Phi có thể sụp đổ trong vòng từ 3 đến 7 năm tới. Ngoài ra, tàu đánh cá lưới vét Trung Quốc bắt cả cá nhỏ và cá chưa trưởng thành ở Tây Phi. Hình thức đánh bắt cá tận thu đó, còn được gọi là “đánh cá kiểu Saiko”, không mang tính bền vững và bị phạt tới 2 triệu USD. “Đánh cá kiểu Saiko” thường mang lại doanh thu lớn nhưng gây ảnh hưởng xấu đến ngành đánh bắt hải sản thủ công của địa phương. Hơn nữa, hình thức đánh bắt cá này khiến doanh thu nhà nước cũng bị thất thoát bởi không thu được thuế và lệ phí cấp giấy phép đánh bắt cá.
Để bảo vệ các nguồn cá của Ghana và các quốc gia Tây Phi khác, chính phủ các nước khu vực cũng như các cơ quan chức năng Trung Quốc cần phối hợp chặt chẽ để nhận diện chính xác chủ tàu. Thực tế cho thấy các cơ quan chức năng của Trung Quốc có trách nhiệm chủ yếu trong điều tra các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển châu Phi. Thậm chí Trung Quốc cần sửa đổi luật trong nước để răn đe những kẻ đánh bắt cá bất hợp pháp tại Tây Phi.
EJF khuyến nghị Ghana, chính phủ các nước ven biển Tây Phi khác và chính phủ các nước có liên quan đến hoạt động đánh bắt cá tại vùng biển này cần phối hợp xây dựng “các khuôn khổ hợp tác nghề cá liên chính phủ và công bố một cách rộng rãi các văn bản pháp lý này.”
Theo đại diện của Tổ chức Hòa bình xanh Đông Á, các khuôn khổ hợp tác trên sẽ đóng vai trò định hướng bảo vệ các nguồn cá ở Tây Phi. Đồng thời, các nước Tây Phi cần phối hợp để đồng bộ hóa các quy định quản lý nghề cá từng nước, loại bỏ các lỗ hổng pháp lý vốn thường bị các công ty đánh cá thiếu trách nhiệm lợi dụng khai thác. Ngoài ra, Ghana và các quốc gia Tây Phi khác nên thắt chặt luật pháp xung quanh quyền sở hữu các tàu đánh cá sử dụng lưới vét công nghiệp hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán của các nước khu vực. Các cơ quan thực thi pháp luật cần đảm bảo chủ sở hữu tàu cá tuân thủ luật pháp liên quan. Để duy trì tính minh bạch, kết quả giám sát các hoạt động vi phạm phải được công bố công khai.
Hoạt động đánh bắt cá mang tính tận thu ở Tây Phi là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với toàn thế giới. Đầu năm 2019, phóng viên người Anh gốc Afghanistan Nelufar Hedayat cùng với các nhà hoạt động môi trường khác đã thâm nhập ngư trường để điều tra hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp ở Tây Phi. Phóng sự “Zwarte Vis” “Cá đen” đánh giá nhiều tàu thuyền của Trung Quốc đang đánh bắt cá ở Tây Phi nhưng không có giấy phép hợp pháp hoặc đang đánh bắt quá hạn ngạch cho phép. Sự kém hiệu quả trong việc thực thi pháp luật và sự thờ ơ của các nhà chức trách địa phương đang gây ra tình trạng nguy hiểm đối với nghề đánh bắt thủy sản và an ninh lương thực của khu vực. Nếu chính quyền các nước Tây Phi không hành động sớm, các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp này sẽ gây ảnh hưởng xấu đối với nền kinh tế, xã hội và môi trường trong nhiều thập kỷ tới.
Nhìn chung, đối với các nước, hoạt động của tàu cá Trung Quốc là đặc biệt nguy hại, do: Thứ nhất, những tàu cá này đã ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế, chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước. Tại những nước xa xôi như châu Âu, châu Mỹ và Tây Phi, sự xuất hiện của tàu cá Trung Quốc thật sự là ngoài sức tưởng tượng.
Thứ hai, với tập quán “bầy đàn” tàu cá Trung Quốc thường đi số lượng lớn, được trang bị vũ khí thường chống trả quyết liệt và liều lĩnh đối với lực lượng chức năng các nước, bất chấp nguy hiểm chết người. Điều này đã vượt ra khỏi phạm vi của hoạt động đánh cá thông thường mà có tính chất của hoạt động tội phạm nguy hiểm có tổ chức.
Thứ ba, sự xuất hiện của tàu cá Trung Quốc gây ra sự hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển và nguồn lợi thủy sản tại vùng biển các nước. Tàu cá Trung Quốc sử dụng loại lưới mắt nhỏ càn quét, tận diệt các loài hải sản, ngay cả trong mùa sinh sản và trong khu vực bảo tồn của các nước. Nhiều tàu còn sử dụng thuốc nổ, lưới chì… khiến cho các bãi san hô bị tàn phá, gây mất cân bằng sinh thái. Các nước châu Mỹ cho biết nhiều loại thủy sản quý hiếm như hải sâm, cá mập đã suy giảm nghiêm trọng do hoạt động đánh bắt trộm của tàu cá Trung Quốc.
Thứ tư, hoạt động của tàu cá Trung Quốc đã gây xáo trộn đời sống và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đánh bắt cá truyền thống của người dân các nước. Nhiều tàu cá của các nước châu Phi cho biết đã bị tàu cá Trung Quốc xuôi đuổi ngay trên ngư trường truyền thống của họ.
Khủng hoảng nghề cá ở Tây Phi
Tại Senegal, quốc gia nghèo với dân số 14 triệu người, các loài cá đang sụt giảm mạnh. Ngư dân địa phương đánh bắt trên xuồng gỗ tự đẽo phải cạnh tranh với những siêu tàu cá của Trung Quốc giăng lưới dài cả dặm có thể quét sạch mọi sinh vật.
Đánh bắt ngày càng khó khăn đồng nghĩa với thu nhập của ngư dân Senegal tụt dốc và giá thực phẩm đội cao hơn. Đối với đất nước có đường bờ biển dài gần 500 km này, đại dương là huyết mạch kinh tế và cũng là một phần bản sắc dân tộc, không còn cá có nghĩa là họ đang phải đối mặt một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy, đó là phải dựa vào đâu để sống sót. Theo số liệu của chính phủ, hơn 100 tàu thuyền lớn đang hoạt động ở vùng biển Senegal từ châu Á, châu Âu và địa phương. Con số này không bao gồm các tàu treo cờ Senegal nhưng do các công ty Trung Quốc sở hữu.
Các tàu cá bất hợp pháp thường hoạt động khi đêm xuống ở rìa vùng đặc quyền kinh tế của Senegal, ngoài tầm với của lực lượng hải quân đất nước nhỏ bé này. Chuyên gia thủy sản địa phương Dyhia Belhabib ước tính các tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép khoảng 40.000 tấn cá mỗi năm từ vùng biển Senegal, trị giá khoảng 28 triệu USD. Con số này không bao gồm các tàu cá bất hợp pháp không bao giờ bị bắt, chiếm gần 2/3 số tàu của Trung Quốc.
Đây cũng là vấn đề chung ở khắp Tây Phi. Tại một số nước, như Guinea-Bissau và Sierra Leone, các tàu bắt trộm cá cũng lộng hành không kém khi lực lượng cảnh sát biển quá mỏng và chỉ có vài chiếc thuyền tuần tra nhỏ.
Trung Quốc đang là nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Dân số nước này tiêu thụ hơn 1/3 lượng cá trên toàn cầu và tỉ lệ này tăng 6% mỗi năm. Ngành công nghiệp đánh bắt cá của nền kinh tế số 2 thế giới sử dụng hơn 14 triệu lao động, với 30 triệu người khác dựa vào nguồn hải sản để kiếm sống. Theo ông Zhang từ Đại học Công nghệ Nanyang, thực tế, các ngư trường truyền thống tại vùng biển Trung Quốc chỉ tồn tại trên danh nghĩa. “Đối với các nhà lãnh đạo TQ, việc bảo đảm nguồn cung thủy sản không chỉ tốt cho kinh tế mà còn ổn định xã hội và mang lại lợi ích chính trị” – chuyên gia này phân tích.
Với dân số khổng lồ và sự thịnh vượng ngày càng tăng, Trung Quốc đang có ảnh hưởng vô cùng lớn đến các đại dương trên thế giới. Họ có khả năng mua hải sản và đội tàu đánh cá biển không đâu bì kịp. Khi vùng biển ở quê nhà cạn kiệt, ngư dân Trung Quốc đi thuyền xa hơn để khai thác vùng biển của các nước khác. Những chuyến đi biển của họ thường được chính phủ trợ cấp. Các đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc đang hướng tới vùng biển Tây Phi, nơi hiện cung cấp phần lớn lượng hải sản cho nước này. Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers in Marine Science, hầu hết tàu Trung Quốc có kích thước rất lớn nên lượng cá đánh bắt được trong 1 tuần bằng những chiếc tàu ở Senegal đánh bắt trong 1 năm, gây thiệt hại 2 tỷ USD/năm cho các nền kinh tế Tây Phi.
Theo Zhang Hongzhou, nhà nghiên cứu tại Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore, trợ cấp của chính phủ Trung Quốc cho ngành đánh bắt đã đạt gần 22 tỷ USD từ năm 2011 đến năm 2015, gấp gần 3 lần số tiền chi tiêu trong 4 năm trước đó. Ông cho rằng con số này chưa bao gồm hàng chục triệu tiền trợ cấp và miễn thuế mà các thành phố ven biển Trung Quốc hỗ trợ cho các công ty đánh cá địa phương.
Trước những hoạt động đánh bắt cá trái phép ngày một dày đặc của tàu cá TQ, các quốc gia đã tăng cường mức độ phản ứng của mình. Trong năm 2017, hàng chục tàu cá Trung Quốc đã bị bắt giữ và xử phạt vì đánh bắt lậu ở vùng đặc quyền kinh tế của Senegal Guinea, Sierra Leone và Guinea-Bissau thuộc vùng biển Tây Phi. Mới đây, Hải quân Nam Phi đã bắt giữ ba tàu cá Trung Quốc chở 600 tấn thủy hải sản, cùng 100 thuyền viên với cáo buộc hoạt động trái phép trong vùng biển nước họ.