Hãng tin AFP cho biết, Indonesia quyết định đánh chìm 51 tàu cá của Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia,Philippines và Thái Lan để ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép trong lãnh hải nước này.
Indonesia đánh đắm tàu cá của các nước
AFP cho biết, 51 tàu cá trên sẽ bị Indonesia đánh chìm tại nhiều địa điểm khác nhau trong vòng 2 tuần tới và trong ngày 4/5 đã có 12 chiếc bị đánh đắm gần Pontianak, thủ phủ tỉnh Tây Kalimantan.
Bộ trưởng phụ trách Ngư nghiệp và Hàng hải của Indonesia Susi Pudjiastuti cho biết, khoảng 51 tàu cá nước ngoài, trong đó có 38 tàu cá Việt Nam, bị đánh chìm trong vòng hai tuần tới tại nhiều địa điểm khác nhau; đồng thời tuyên bố rằng đó là hành động cần thiết để “cảnh báo” các nước láng giềng rằng Indonesia nghiêm túc chống lại chuyện đánh cá trái phép; nhấn mạnh Indonesia chịu tổn thất kinh tế lớn vì các luật lệ lỏng lẻo, dẫn tới việc các tàu cá nước ngoài đánh bắt trong lãnh hải Indonesia.
Tuy nhiên, bà Susi Pudjiastuti không cho biết là liệu động thái trên có phải để trả đũa việc tàu kiểm ngư Việt Nam đâm vào tàu của Indonesia ở vùng Biển Đông mà chính quyền Jakarta nay gọi là Biển Bắc Natuna hay không. Kể từ khi Tổng thống Joko Widodo nhậm chức vào năm 2014, hàng trăm tàu cá nước ngoài bị bắt đã bị đánh chìm. Theo Bộ Ngư Nghiệp Indonesia, nước này đã đánh đắm tổng cộng 488 tàu cá nước ngoài, trong đó có 276 tàu cá Việt Nam.
Việc Indonesia đánh đắm tàu cá của Việt Nam cũng như tàu cá của một số nước khác là không phù hợp với các quy định luật pháp quốc tế và quan hệ hữu nghị giữa các nước ASEAN. Đầu tiên, chính sách đánh chìm tàu cá nước ngoài cũng có một số điểm không phù hợp với luật pháp của Indonesia cũng như Luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Theo điều 69, khoản 4, Luật số 45 năm 2009 về thủy sản của Indonesia cũng không quy định rõ khu vực quản lý đánh cá. Trong khi đó, điều 73, điều 292 của UNCLOS cũng có những quy định liên quan đến việc phóng thích ngay lập tức tàu và thủy thủ nước khác. Thứ hai, các nước có tàu cá bị Indonesia bắt giữ và đánh đắm đều có những biện pháp phản đối, gây sức ép buộc Indonesia cần đối xử nhân đạo hơn với ngư dân vi phạm luật pháp Indonesia. Việt Nam, Thái Lan, Malaysia đều có tuyên bố thể hiện quan ngại trước việc Indonesia đánh chìm một số tàu cá của nước mình; yêu cầu Indonesia khi xử lý các ngư dân vi phạm phải phù hợp với quan hệ giữa song phương và trên tinh thần đối xử nhân đạo với các ngư dân.
Được biết, Việt Nam và Indonesia hiện còn một vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn chưa đàm phán xong ở gần đảo Natuna của Indonesia. 2 năm trước, Indonesia đã đổi tên vùng biển gần Natuna thành biển Bắc Natuna để khẳng định chủ quyền.
Trước việc Indonesia bắt giữ trái phép và đánh chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động trong vùng biển mà hai nước đang phân định vùng đặc quyền kinh tếvà cách đường phân định thềm lục địa năm 2003 5,5 hải lý về phía bắc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm tới Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam liên quan tới vụ bắt 12 ngư dân Việt Nam, đồng thời kêu gọi Jakarta thả ngay các ngư dân này và bồi thường thỏa đáng cho họ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, tàu cá Việt Nam mang số hiệu BĐ 97916 TS cùng 14 ngư dân khi đang hoạt động tại vùng biển Việt Nam, thuộc khu vực Việt Nam và Indonesia đang phân định vùng đặc quyền kinh tế, đã bị tàu của Indonesia bắt và lai kéo với tốc độ cao khiến tàu cá Việt Nam bị chìm. Bà Hằng cho biết, vào lúc đó, tàu kiểm ngư của Việt Nam đang thực thi pháp luật tại khu vực đã phát hiện kịp thời và cứu được hai ngư dân trên biển, đồng thời yêu cầu tàu của Indonesia rời khỏi vùng biển Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đề nghị phía Indonesia không lặp lại hành động tương tự trong tương lai và yêu cầu phía Indonesia tuân thủ nghiêm túc các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Indonesia là thành viên trong việc xử lý tàu cá Việt Nam.
Việt Nam đã nhiều lần kêu gọi Indonesia không sử dụng vũ lực đối với tàu cá và ngư dân Việt, nhấn mạnh các hành động này của phía Indonesia vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, trái với pháp luật quốc tế, không phù hợp với mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia và đoàn kết ASEAN.