Tướng Charles Brown, Chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ (2/5) cho biết, tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc có thể đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu trong năm 2019. Đây là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể tăng cường năng lực tác chiến, cũng như mối đe dọa nhằm vào lực lượng Mỹ trên Thái Bình Dương.
Tiêm kích tàng hình J-20
Theo tướng Charles Brown, J-20 có thể đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu trong năm nay. Đây là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể tăng cường năng lực tác chiến, cũng như mối đe dọa nhằm vào lực lượng Mỹ trên Thái Bình Dương. Tướng Brown khẳng định Mỹ sẽ đối phó bằng cách triển khai thêm siêu tiêm kích F-35 ở Thái Bình Dương và duy trì các chuyến bay tuần tra trên Biển Đông. Trước đây, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định J-20 chưa đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu đầy đủ do chỉ có số lượng nhỏ máy bay được đưa vào sử dụng để thử nghiệm và huấn luyện. Tuy nhiên, Trung Quốc vội vàng đưa máy bay tàng hình J-20 vào biên chế hồi cuối năm 2017, nhằm đối phó việc Mỹ triển khai tiêm kích F-35 đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản nhận bàn giao các phi cơ F-35A đầu tiên.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đầu năm 2019 tuyên bố tiêm kích tàng hình J-20 đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu sơ bộ (IOC) và đưa vào biên chế không quân. Sự kiện này được giới quân sự Trung Quốc ca ngợi là bước ngoặt thay đổi thế độc quyền của phương Tây trong lĩnh vực máy bay tàng hình, cũng như thay đổi lịch sử không quân khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng J-20 vẫn thua kém nhiều so với máy bay tàng hình F-22 và F-35 Mỹ.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, trước những thách thức an ninh ngày càng tăng trong khu vực, Trung Quốc đã vội vã đưa vào biên chế dòng J-20 trước thời hạn bằng cách trang bị cho nó động cơ kiểu “chữa cháy”, dù động cơ luôn được ví như “trái tim” của bất cứ chiến đấu cơ quân sự nào. Điều này khiến năng lực tác chiến của J-20 bị hạn chế đáng kể, ảnh hưởng đến tính tàng hình và khả năng cơ động của nó. Tiêm kích J-20 ban đầu dự kiến trang bị động cơ WS-15 được các kỹ sư thiết kế riêng cho dòng máy bay tàng hình này. Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào thử nghiệm, động cơ WS-15 thể hiện độ tin cậy thấp khi liên tục gặp sự cố, thậm chí phát nổ năm 2015. Cho đến nay, các kỹ sư Trung Quốc vẫn chưa thể khắc phục được vấn đề này. Nguyên nhân dẫn đến sự cố rất phức tạp. Một trong số đó là chất lượng các lá cánh turbine đơn tinh thể, bộ phận then chốt làm nên sức mạnh của động cơ phản lực. Cánh quạt turbine đơn tinh thể của động cơ WS-15 không chịu được nhiệt độ cao và khả năng cơ động của J-20.
Theo giới chuyên gia, việc Trung Quốc không sở hữu động cơ với tính năng tương đương khiến J-20 không thể duy trì khả năng tàng hình khi phải bật chế độ đốt tăng lực để đạt vận tốc siêu âm. Vấn đề này dường như sẽ khó được khắc phục trong tương lai gần. Các kỹ thuật viên Trung Quốc có thể dồn sức chế tạo một vài lá cánh turbine đơn tinh thể với chất lượng rất cao, nhưng vẫn không thể đưa nó vào sản xuất hàng loạt. Vấn đề mấu chốt là Bắc Kinh cần thêm thời gian để kiểm tra, thử nghiệm và khắc phục trở ngại về mặt công nghệ.
Hiện phi đội J-20 trong biên chế không quân Trung Quốc đang phải lắp động cơ WS-10B được cải tiến từ mẫu WS-10 cho tiêm kích thế hệ 4 như J-10 và J-11. Đây được coi là giải pháp tình thế mang tính chữa cháy, trước khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu số lượng lớn động cơ AL-31F của Nga.
Được biết, J-20 là máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc, có thiết kế tương đối giống máy bay tàng hình MiG 1.44 của Nga. J-20 được thiết kế đặc biệt dành cho các nhiệm vụ đánh vào khả năng triển khai sức mạnh của không quân Mỹ ở tây Thái Bình Dương cũng như thực hiện hỗ trợ tiếp nhiên liệu, chỉ huy trên không, tình báo giám sát, thậm chí là mang theo tên lửa hành trình tầm xa để tấn công tàu sân bay Mỹ. J-20 được Trung Quốc công khai lần đầu tiên vào tháng 11/2016 tại triển lãm hàng không Chu Hải. Tại triển lãm, J-20 được quảng bá là mẫu máy bay tối tân do Trung Quốc tự thiết kế và sản xuất, có khả năng đọ sức ngang ngửa cùng các tiêm kích tàng hình hiện đại nhất của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự quốc tế vẫn nghi ngờ về khả năng thực sự của dòng máy bay này. Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn trong công nghệ chế tạo động cơ và phải biên chế dòng J-20 trước thời hạn bằng cách trang bị cho nó động cơ do Nga sản xuất để “chữa cháy”, khiến năng lực tác chiến của J-20 bị hạn chế đáng kể, ảnh hưởng đến tính tàng hình và khả năng cơ động của nó.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã tập trung tài chính, nhân sự để phát triển và nâng cao khả năng tác chiến cho lực lượng hải quân và không quân. Trong đó, việc nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng mới cho các loại hình máy bay trang bị cho hải quân cũng được ưu tiên lớn. Không quân hài quân Trung Quốc đang tích cực được ứng dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả tác chiến, đồng thời tăng cường nhập khẩu một số loại vũ khí công nghệ cao, tấn công chính xác. Trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng ngăn chặn, phong tỏa và tấn công đường không, cũng như khả năng tác chiến binh chủng hợp thành. Các cố gắng đổi mới của lực lương không quân hải quân nhằm nâng cao khả năng tác chiến tầm xa với hệ thống kiểm soát hỏa lực hiện đại, tên lửa không đối không phản ứng nhanh, tác chiến điện tử, chống nhiễu điện tử và tấn công không đối đất. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng quan tâm đến hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm đường không (AWACS), tiếp dầu trên không, phòng thủ chống tên lửa và chỉ huy, kiểm soát tự động.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, không quân hải quân Trung Quốc vẫn tồn tại một số vấn đề liên quan đến việc huấn luyện phi công cho các máy bay hiện đại, công nghệ động cơ tuốc-bin khí, lập cầu hàng không chiến lược cho chuyển quân, phân bố các nguồn lực và tập trung nhiều vào các biện pháp phòng không. Căn cứ các tính toán về tiêu thụ nhiên liệu của các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay vận tải tham gia tác chiến (tiêu thụ hơn 10.000 tấn dầu/ngày) và toàn bộ lực lượng tiêu thụ hơn 1 triệu tấn dầu/năm, điều này cho thấy rằng dự trữ dầu hiện nay cho mục đích tác chiến của Trung Quốc không thể kéo dài hơn 15 ngày trong một cuộc xung đột cường độ cao ở Eo biển Đài Loan. Hơn nữa, hiện nay không quân hải quân Trung Quốc còn cần nhiều thời gian cho chương trình hiện đại hóa và huấn luyện các kỹ năng tác chiến để có thể giành ưu thế trên không, tấn công chớp nhoáng vào sâu trong lãnh thổ đối phương và tác chiến liên hợp. Đến thời điểm hiện nay, không quân hải quân Trung Quốc chưa có khả năng thực hiện được các nhiệm vụ chiến lược đặt ra trong học thuyết quân sự hải quân. không quân hải quân Trung Quốc chỉ đủ tác chiến ở vùng nước có cự ly cách đảo Hải Nam và ven bờ khoảng vài trăm km. Chính vì vậy, Bắc Kinh sẵn sàng bỏ ra nhiều chục tỷ USD, hoàn thiện trung tâm chỉ huy và điều hành tác chiến trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã xâm chiếm, bồi đắp các rạn san hô và đảo chìm, xây dựng lên các căn cứ hậu cần kỹ thuật, sân bay quân sự dài đến 3000m nhằm đảm bảo khả năng cất hạ cánh của các máy bay chiến dịch chiến thuật cũng như tổ chức các cụm phòng không chiến dịch nhằm tạo bàn đạp tiền đồn cho những hoạt động bành trướng quân sự sau này.
Khi các cụm căn cứ không – hải quân trên các đảo nhân tạo và tàu sân bay Liêu Ninh đã sẵn sàng chiến đấu, tầm hoạt động của không quân hải quân Trung Quốc có thể vươn tới quần đảo Trường Sa và các khu vực tranh chấp cận kề Philiphines, các cụm máy bay không quân hải quân Trung Quốc có thể uy hiếp đến tận eo biển Malacca, điểm yếu nhất của hệ thống phòng thủ Mỹ và đồng minh.
Để đạt mục đích, Trung Quốc tăng cường lực lượng cho không quân hải quân, đặt trọng tâm vào phát triển máy bay trên tàu sân bay; tập trung định hướng các máy bay tiêm kích đa năng không quân hải quân và trực thăng có khả năng thực hiện nhiệm vụ tấn công chủ lực hoặc tăng cường khi sử dụng các chiến hạm không hoàn toàn thuận lợi.
Nhìn tổng thể, trong hơn hai mươi năm qua, không quân hải quân Trung Quốc đã đạt những tiến bộ quan trọng trên một số lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu chiến tranh trong tương lai. Việc nâng cao khả năng cơ động tầm xa, tiếp dầu trên không và trinh sát đường không có thể tăng cường khả năng tấn công của không quân hải quân Trung Quốc, đưa tầm tác chiến của máy bay chiến đấu Trung Quốc bao trọn toàn bộ khu vực Biển Đông. Trong những năm tới, không quân hải quân Trung Quốc sẽ được trang bị nhiều máy bay chiến đấu và máy bay hỗ trợ hơn, góp phần đưa lực lương không quân hải quân Trung Quốc trở thành một trong những thành phần chủ chốt của quân đội Trung Quốc, có năng lực tác chiến tương đương với Mỹ.