Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCác nước Châu âu bất mãn cao độ trước hành động của...

Các nước Châu âu bất mãn cao độ trước hành động của TQ ở Biển Đông

Thời gian qua, các nước Châu Âu ngày càng quan tâm và thể hiện thái độ mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông, bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông.

Anh đi đầu trong các nước Châu Âu trên vấn đề Biển Đông. Năm 2018, Anh đã đưa tàu chiến đến thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông. Đặc biệt Tháng 8/2018, tàu chiến HMS Albion của Anh, có trọng tải 22.000 tấn đã tiến sát quần đảo Hoàng Sa làm Trung Quốc tức tối. Hoạt động này là nhằm thách thức yêu sách phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Từ đầu năm 2019, Anh đã hai lần phối hợp với Mỹ tiến hành diễn tập ở Biển Đông, từ 11 – 16/01/2019, tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia Anh HMS Argyll và tàu khu trục có tên lửa dẫn đường của Mỹ USS Mc Campbell đã thực hiện các cuộc diễn tập về truyền tin và các hoạt động khác để “giải quyết các ưu tiên an ninh chung” tại Biển Đông; ngày 18/2/2019, tàu hộ vệ HMS Montrose của Hải quân Hoàng gia Anh đã cùng tàu chở dầu tiếp liệu UNS Guadalupe của Hải quân Mỹ tiến hành tập trận hậu cần và an ninh hàng hải trên Biển Đông. Đầu năm 2019, nhiều nguồn tin còn đề cập việc Anh có kế hoạch lập 2 căn cứ quân sự ở khu vực Biển Đông, cụ thể là Singapore và Brunei (đây là 2 quốc gia có sự đồn trú của lực lượng Hải quân Anh, một di sản từ nửa đầu thế kỷ 20, khi anh nắm quyền kiểm soát Singapore và Brunei theo hình thức thuộc địa). Nếu kế hoạch này trở thành hiện thực thì sẽ là thách thức rất lớn đối với các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong những thế kỷ trước, Anh đã là một cường quốc về đại dương. Sau Brexit (Anh rời EU) Anh đang muốn trở lại thành một quốc gia có tầm ảnh hưởng toàn cầu và đây là thời cơ tốt kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 để Anh thực hiện ước vọng này. Đầu năm nay, một Báo cáo về tình hình Biển Đông cũng đã được điều trần trước Hạ viện Anh, trong đó nhấn mạnh những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây lo ngại cho cả cộng đồng quốc tế trong việc duy trì tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Pháp cũng là quốc gia thường xuyên cử chiến hạm đến Biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải. Đáng chú ý là trên các chiến hạm của Pháp còn có sự hiện diện của một số nhà quan sát của các nước Châu Âu khác như Đức, Đan Mạch. Đầu tháng 4/2019, Quốc hội Pháp đã nghe Báo cáo về Biển Đông do 2 Nghị sĩ Pháp trình bày. Báo cáo đã bày tỏ quan ngại trước những hoạt động mở rộng các cấu trúc và quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc cũng như những hành động đe dọa gây sức ép của Trung Quốc đối với các quốc gia ven Biển Đông. Đặc biệt, Pháp là nước đã từng có sự hiện diện ở Biển Đông trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nửa đầu thế kỷ 20 nên hiểu rõ về lịch sử và cơ sở pháp lý của 2 quân đảo này. Pháp đã thay mặt chính quyền An Nam (Nhà nước phong kiến Việt Nam) thực thi quyền quản lý quần đảo và năm 1933 tiến hành các thủ tục tuyên bố chủ quyền đối với các đảo Trường Sa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế. Việc Pháp quay trở lại Biển Đông sau hơn nửa thế kỷ là một việc làm hết sức quan trọng giữa lúc Trung Quốc đang có những hoạt động bất chấp luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Đức, Hà Lan… là những quốc gia có lực lượng hải quân mạnh từ những thế kỷ trước. Tuy chưa mang tàu chiến đến tuần tra ở Biển Đông, song các nước này đang ngày càng quan tâm hơn tới Biển Đông. Mặc dù có nhu cầu trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng ở mức độ khác nhau các nước này cũng đã bày tỏ sự bất bình trước những hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đáng chú ý là Hội nghị Ngoại trưởng các nước công nghiệp phát triển thuộc nhóm G7 (trong đó có đến hơn một nửa là các nước Châu Âu – Anh, Pháp, Đức, Ý) nhóm họp hôm 05-06/4/2019 đã thảo luận nhiều về Biển Đông và ra Tuyên bố bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình Biển Đông, nhất là việc quân sự hóa Biển Đông. Tuyên bố viết “chúng tôi nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào gây leo thang căng thẳng, làm suy yếu ổn định khu vực và trật tự hàng hải theo luật lệ quốc tế như việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, việc lấn biển quy mô lớn và việc phát triển các tiền đồn cũng như việc sử dụng chúng vào mục đích quân sự”. Tuyên bố yêu cầu “tuân thủ” Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); thúc giục các bên theo đuổi “phi quân sự hóa” những nơi tranh chấp để “bảo đảm ổn định khu vực và cho phép các nước thực thi các quyền của mình theo luật quốc tế”. Tuyên bố còn cho rằng Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng là “một cột mốc quan trọng và cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông”.

Đây là Tuyên bố có lời lẽ mạnh nhất trong những năm gần đây của các nước G7 về Biển Đông, không chỉ thể hiện sự bất mãn cao độ mà còn cho thấy sự nhất trí cao của các nước này trước những hành động hiếu chiến nhằm khống chế Biển Đông của Trung Quốc, cản trở tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Các nước Châu Âu luôn đề cao thượng tôn pháp luật và chủ trương thúc đẩy trật tự thế giới dựa trên phát luật. Do vậy, các nước Châu Âu vẫn tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ trước các mưu toan phá vỡ cục diện thế giới của Trung Quốc bất chấp sự ve vãn của Trung Quốc qua chuyến thăm 3 nước Châu Âu gồm Ý, Monaco, Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tháng 3/2019 và chuyến đến Bỉ dự Hội nghị cấp cao Trung Quốc – Liên minh Châu Âu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 09/4/2017 và sau đó thăm Croatia (trước đó, năm 2018 Lý Khắc Cường đã thăm Bulgari và Đức).

Việc các nước Châu Âu có quan điểm rõ ràng hơn trên vấn đề Biển Đông phản ánh một thực tế khách quan là họ không còn tin vào những lời hứa hão huyền về “sự phát triển hòa bình” của Trung Quốc. Không chỉ từng nước Châu Âu mà cả tập thể Cộng đồng Liên minh Châu Âu (EU) thực sự lo ngại trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Duy trì hòa bình, ổn định và tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của cả cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước Châu Âu. Chúng ta tin rằng các nước Châu Âu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn hành động hiếu chiến nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới