Đóng vai trò là một bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông và có mối quan hệ phức tạp với Chính quyền trung ương Trung Quốc, trong những năm qua, Đài Loan đã tích cực nâng cao tiềm lực quốc phòng, trong đó tàu ngầm được xem là một trong số những ưu tiên hàng đầu của hòn đảo này.
Đài Loan chịu sức ép lớn từ chính quyền trung ương TQ
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và đã cảnh báo các quốc gia khác về việc bán vũ khí quân sự hoặc thiết lập quan hệ đối ngoại với hòn đảo.Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn cho rằng Đài Loan có đủ khả năng để chế tạo tàu ngầm cho riêng mình và đây là động thái cần thiết vì các vũ khí này “có khả năng răn đe những tàu thù địch tiếp cận xung quanh Đài Loan”, ám chỉ việc Trung Quốcthường xuyên điều tàu chiến, máy bay di chuyển hoặc tập trận gần hòn đảo.
Năm 1989, Hà Lan quyết định bán cho Đài Bắc hai chiếc tàu ngầm lớp Zwaardvis. Quan hệ ngoại giao giữa Hà Lan với Trung Quốc bị rạn nứt nặng nề vì việc này, rốt cuộc thương vụ đã bị hủy bỏ. Năm 2001, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng đồng ý bán 8 tàu ngầm thường cho Đài Loan, nhưng hợp đồng này không được bàn giao, một phần vì Mỹ không còn sản xuất loại tàu này. Đức và Tây Ban Nha được cho là cũng đã từ chối bán công nghệ và thiết kế cho Đài Loan. Dự án xây tàu ngầm nội địa của hòn đảo đã có tiến triển từ năm ngoái sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý cho các nhà thầu nước quân sự Washington bán công nghệ sản xuất tàu ngầm cho Đài Loan. Công ty đóng tàu CSBC của Đài Loan đã giành được hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD để chế tạo nguyên mẫu tàu ngầm sau khi Đài Loan không thể tìm được một nhà thầu nước ngoài nhận dự án, do áp lực từ phía Trung Quốc.
Lực lượng tàu ngầm của Đài Loan hiện nay?
Hiện Đài Loan sở hữu đội 4 chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng diesel cũ kĩ, thuộc hai lớp gồm:
(1) Tàu ngầm lớp Hai Shih (Tench). Tench là lớp tàu ngầm diesel – điện được đóng cho Hải quân Mỹ vào giai đoạn 1944 – 1951. Tench thực chất là một phân lớp, phát triển từ các lớp tàu ngầm Gato và Balao thế hệ cũ với lượng giãn nước chỉ lớn hơn 35 – 40 tấn nhưng mạnh mẽ hơn nhiều. Theo kế hoạch, Hải quân Mỹ sẽ đóng tất cả 80 tàu ngầm lớp Tench nhưng do những diễn biến thực tế trên chiến trường Thái Bình Dương với sự đầu hàng của Hải quân Đế quốc Nhật nên việc đóng thêm tàu là không cần thiết, tổng cộng có 29 chiếc được hoàn thành và 51 chiếc đã bị hủy bỏ. Thông số kỹ thuật cơ bản: Lượng giãn nước 1.570 tấn khi nổi và 2.429 tấn khi lặn; dài 95 m; rộng 8,3 m; mớn nước 5,2 m khi nổi. Hệ thống động lực gồm 2 động cơ diesel (Fairbanks-Morse hoặc General Motors), 2 x 126 cell pin Sargo, 2 động cơ điện tốc độ thấp (Elliott Company, General Electric hoặc Westinghouse) cho tốc độ tối đa 20,25 hải lý/h khi chạy nổi và 8,75 hải lý/h khi lặn; tầm hoạt động 11.000 hải lý khi chạy nổi ở tốc độ 10 hải lý/h, tàu có thể lặn liên tục 48 giờ khi chạy ở tốc độ 2 hải lý/h; độ sâu lặn tối đa 120 m; thủy thủ đoàn 81 người (10 sĩ quan, 71 thủy thủ).
Do mục tiêu trên chiến trường Thái Bình Dương nhiều khi chỉ là tàu xuồng cỡ nhỏ, không đáng để phải sử dụng ngư lôi nên ngoài 10 ống phóng cỡ 533 mm (6 phía trước, 4 phía sau) với 28 ngư lôi, Hải quân Mỹ đã quyết định trang bị thêm 1 pháo 127 mm, 1 pháo Bofors 40 mm và Oerlikon 20 mm, 2 súng máy 7,62 mm hoặc 12,7 mm cho lớp tàu ngầm này. Điều này là bình thường trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai vì tàu ngầm khi đó vẫn phải nổi lên khỏi mặt nước để bắn ngư lôi. Hải quân Mỹ loại biên chiếc tàu ngầm lớp Tench cuối cùng vào năm 1975, trước đó vào năm 1973, 2 chiếc USS Tusk (SS-426) và USS Cutlass (SS-478) đã được chuyển giao cho Hải quân Đài Loan, tại đây chúng được đổi tên thành ROCS Hai Pao (SS-792) và ROCS Hai Shih (SS-791). Hiện nay mặc dù vẫn còn trong biên chế nhưng do quá cũ kỹ nên cả 2 chiếc tàu ngầm đồ cổ này chỉ được sử dụng để huấn luyện thủy thủ trên bờ.
(2)Tàu ngầm lớp Hai Lung (Chien Lung). Hai Lung (hay còn gọi là Chien Lung) là lớp tàu ngầm diesel – điện được Hà Lan đóng cho Hải quân Đài Loan vào những năm 1980. Đây là biến thể sửa đổi của tàu ngầm lớp Zwaardvis, dựa trên thiết kế tàu ngầm lớp Barbel của Mỹ. Barbel (thường được gọi bằng biệt danh “B-Girls”) là lớp tàu ngầm tấn công sử dụng động cơ diesel – điện cuối cùng của Hải quân Mỹ. Đây là lớp tàu ngầm đầu tiên trên thế giới được thiết kế với hình giọt nước tiên tiến, mẫu mực của các tàu ngầm tấn công hiện đại và cũng là người đi tiên phong trong việc bố trí “Trung tâm tấn công” bên trong thân tàu thay vì tháp chỉ huy. Có tổng cộng 3 tàu ngầm lớp Barbel được đóng trong khoảng thời gian 1956 – 1959, từ tháng 9/1988 – 10/1990, Hải quân Mỹ đã lần lượt cho cả 3 chiếc nhận sổ hưu để thay thế bằng hạm đội tàu ngầm nguyên tử. Hải quân Hà Lan mua lại thiết kế tàu ngầm lớp Barbel để đóng trong nước với tên gọi Zwaardvis, cả 2 chiếc thuộc lớp cùng được hạ thủy vào ngày 14/7/1966 gồm Zwaardvis và Tijgerhaai. 2 chiếc tàu ngầm của Đài Loan do Hà Lan đóng gồm ROCS Hai Lung (SS-793) và ROCS Hai Hu (SS-794) đều hạ thủy trong tháng 12/1982, Hai Lung chính thức đi vào hoạt động ngày 9/10/1987 còn Hai Hu là ngày 9/4/1988.
Thông số kỹ thuật cơ bản của tàu ngầm lớp Zwaardvis: Lượng giãn nước 2.408 tấn khi nổi, 2.640 tấn khi lặn (con số này trên tàu ngầm Hai Lung là 2.376 và 2.660 tấn); dài 66,9 m; rộng 8.4 m; mớn nước 7,1 m khi nổi (6,7 m trên Hai Lung). Hệ thống động lực của tàu gồm 3 động cơ diesel 4.200 mã lực (3.100 kW) và 1 động cơ điện công suất 5.100 mã lực (3.800 kW) cho tốc độ tối đa 13 hải lý/h khi nổi và 20 hải lý/h khi lặn; tầm hoạt động 10.000 hải lý khi chạy với tốc độ 10 hải lý/h; độ sâu lặn tối đa 220 m (lên đến 300 m ở Hai Lung); thủy thủ đoàn 67 người trong đó có 8 sĩ quan. Các tàu ngầm lớp Babel/ Zwaardvis/ Hai Lung chỉ được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, mang theo 16/20/28 ngư lôi. Tuy nhiên vào năm 2005 có thông tin cho biết Đài Loan đã tiến hành nâng cấp để trang bị tên lửa đối hạm UGM-84 Harpoon cho 2 chiếc tàu ngầm này. Sau đó vào năm 2008, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đã bán 32 tên lửa UGM-84 cùng 2 hệ thống điều khiển tiên tiến và các thiết bị liên quan khác cho Đài Loan. Sau nâng cấp, 2 tàu ngầm lớp Hai Lung được đánh giá có sức mạnh chiến đấu ngang ngửa với Kilo 636MK và trội hơn về hỏa lực so với Kilo 877EKM của Trung Quốc.
Kế hoạch tự đóng tàu ngầm tự của Đài Loan
Hôm nay 09/5 vừa qua, Đài Loan đã khởi công xây dựng một cơ sở đóng tàu ngầm tại thành phố Cao Hùng, mục tiêu của dự án mới hiện nay của hòn đảo này là sẽ chế tạo ra 8 chiếc mới thay thế 4 tàu ngầm cũ hiện nay. Tổng thống Thái Anh Văn chủ trì buổi lễ, nhấn mạnh rằng tàu ngầm là phương tiện hiệu quả để răn đe kẻ thù muốn đổ bộ từ phía biển để xâm lược Đài Loan. Tổng thống Đài Loan cho rằng trong một cuộc chiến không cân sức, cần sử dụng những chiến lược và chiến thuật đặc thù, để chống lại địch thủ hùng mạnh hơn. Cũng tại buổi lễ này, Đài Loan đã giới thiệu mẫu tàu ngầm tự đóng trong tương lai, nhằm nâng cao sức mạnh quân sự, sau khi không thể tìm được một nhà thầu nước ngoài nhận dự án.
Tờ “Bưu điện Hoa nam buổi sáng” cho biết tàu ngầm tự đóng của Đài Loan sẽ có đuôi hình chữ X, tương tự với tàu ngầm tấn công lớp Soryu chạy bằng điện-diesel của Nhật Bản. Phát biểu trong buổi lễ giới thiệu tổ chức ở Cao Hùng, Chang Wen-Ion, Chủ tịch Công ty đóng tàu Taiwan Shipbuilding Corporation (CSBC), nhà thầu thực hiện dự án công bố chiếc đầu tiên dự kiến sẽ đóng xong vào năm 2024. Trước đó, CSBC đã giành được hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD để chế tạo nguyên mẫu tàu ngầm sau khi Đài Loan không thể tìm được một nhà thầu nước ngoài nhận dự án, được cho là do áp lực từ phía Trung Quốc. Ông Cheng cho biết CSBC nhận dự án chế tạo tàu ngầm với sự hỗ trợ của viện Trung Sơn, cơ quan thiết kế và nghiên cứu vũ khí hàng đầu Đài Loan, lực lượng phòng vệ và nhóm 166 chuyên gia kỹ thuật và kỹ sư hàng đầu.
Tác động đến tình hình Biển Đông?
Đài Loan có đòi hỏi chủ quyền trực tiếp ở Biển Đông. Hiện Đài Loan đang chiếm đóng trái phép đảo Ba Bình, hòn đảo có diện tích tự nhiên lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Từ khi bà Thái Văn Anh lên nắm quyền vào năm 2016, cũng chính vào thời điểm diễn ra vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đòi hỏi chủ quyền “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” phi pháp của Trung Quốc, Đài Loan đã tích cực phản bác phán quyết của Tòa trọng tài. Tòa đã bác bỏ “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế. Trong phán quyết của mình, Tòa trọng tài cũng nói rõ rằng đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Đài Loan kiểm soát, là một đảo đá, không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Chính quyền Đài Loan cho rằng phán quyết này là “hoàn toàn không chấp nhận được” và không mang tính ràng buộc pháp lý, vì Tòa Trọng tại không chính thức mời Đài Loan tham gia vào vụ kiện.
Đài Loan cũng liên tục gia tăng các hoạt động quân sự và dân sự tại các đảo chiếm đóng ở Biển Đông. Trong đó, Đài Loan đã ít nhất 5 lần tổ chức tập trận bắn đạn thật tại quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông nhằm nâng cao khả năng sử dụng vũ khí, huấn luyện thực chiến của hải quân, lần thứ nhất diễn ra từ ngày 21-23/3/2018, lần thứ hai diễn ra từ ngày 6-7/5/2018, lần thứ ba diễn ra từ ngày 23-25/5/2018. Theo tờ “Taipei” của Đài Loan hôm 2/01, Cục cảnh sát biển Đài Loan sẽ thiết lập hệ thống theo dõi hình ảnh bằng tia hồng ngoại tại 10 địa điểm quanh Đài Loan trong năm 2018 nhằm tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia. Hệ thống này sẽ hoạt động 24/24, có thể phát hiện các mục tiêu (tàu thuyền, con người…) vào ban đêm và khi thời tiết xấu. Ngoài ra, Đài Loan dự kiến sẽ thiết lập trong năm nay (2019) thêm 7 hệ thống tại 3 địa điểm gồm đảo Mã Tổ, quần đảo Pratas và đảo Ba Bình. Trước đó, từ ngày 15-19/3/2018, Đài Loan đã đưa tàu nghiên cứu Hải Nghiên 1 đến hoạt động tại các đảo Gạc Ma, Tiên Nữ và Bình Nguyên thuộc quần đảo Trường Sa.
Như vậy, việc Đài Loan gia tăng sức mạnh hải quân, trong đó có thể tăng cường lực lượng tàu ngầm sẽ tác động trực tiếp đến tình hình Biển Đông, trong đó xu hướng sẽ tổ chức thường xuyên các cuộc tập trận để thị uy sức mạnh. Tăng cường hiện diện quân sự trên đảo Ba Bình. Ngoài ra, căng thẳng trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan cũng tác động nhiều đến tình hình an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông.