Các tàu của Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tập trận chung với các tàu chiến của các đồng minh Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Hải quân Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Năm, theo Reuters.
Cuộc tập trận Vanguard Thái Bình Dương gần đảo Guam, Hoa Kỳ, là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa các đồng minh tiến hành ở Tây Thái Bình Dương, diễn ra trong 6 ngày, tiến hành bắn đạn thật và chống tàu ngầm.
Hôm thứ Tư, Hoa Kỳ đã điều 2 tàu qua Eo biển Đài Loan, chuyến đi mới nhất của họ qua tuyến đường thủy nhạy cảm, và là một động thái được xem là có thể khiến Bắc Kinh tức giận vào một thời điểm căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Tập trận Vanguard diễn ra trước chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Donald Trump vào cuối tuần này, khi Washington cùng các đồng minh châu Á chống lại sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực, theo Nikkei.
Trong một tuyên bố, Phó Đô đốc Phillip Sawyer, chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương nói: “Trận Vanguard Thái Bình Dương có sự tham gia của 4 lực lượng, các quốc gia hàng hải có cùng chí hướng nhằm mang lại an ninh trên khắp Ấn Độ Thái Bình Dương dựa trên các giá trị chung và lợi ích chung”.
Nhật Bản điều hai tàu khu trục là JS Ariake và JS Asahi tham dự tập trận.
Hoàng gia Australia cử hai tuần phòng hạm HMAS Melbourne và HMAS Parramatta, và một tàu khu trục ROKS Wang Geon Hàn Quốc. Có tới 3.000 thủy thủ tham gia, theo The Defense Post.
Về phía Hải quân Hoa Kỳ đã triển khai 5 tàu, máy bay chiến đấu và máy bay tuần tra hàng hải, bao gồm: Tàu USS Blue Ridge, con tàu tiên phong của Hạm đội Bảy; Tuần dương hạm tên lửa dẫn dường USS Antietam; Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur; Tàu bổ sung dầu USNS Rappahannock; và tàu chở hàng quân nhu đạn dược USNS Richard E. Byrd; Máy bay Scorpions của Đội tác chiến điện tử và máy bay Mad Foxes của Phi đoàn tuần tra.
Thắng lợi ban đầu của Tổng thống Trump trước Trung Quốc trên Biển Đông
Trong tháng này, các tàu của Hoa Kỳ đã thực hiện các cuộc tập trận với các tàu của Pháp, Nhật Bản và Australia ở Vịnh Bengal, và tổ chức các cuộc tập trận riêng với một tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản và các tàu chiến từ Ấn Độ và Philippines trên Biển Đông tranh chấp.
Tàu USS Blue Ridge đến Tanjung Priok, Jakarta, hôm 1/5/2019. (Ảnh: Adek Berry/AFP/Getty Images)
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp gần như toàn bộ Biển Đông chiến lược, tuyến đường thủy thông qua đó là khoảng một phần ba thương mại đường biển toàn cầu.
Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam là những nước cũng có các tuyên bố chủ quyền ở khu vực.