Tuesday, November 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiViễn cảnh dùng "đòn đánh hạt nhân" với Mỹ trong thương chiến:...

Viễn cảnh dùng “đòn đánh hạt nhân” với Mỹ trong thương chiến: TQ cũng liểng xiểng, tự rơi mất tiền

Vừa qua, Trung Quốc đã bán ra 10,4 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ khi thương chiến leo thang, khiến dư luận lo ngại Bắc Kinh sẽ dùng vũ khí được xem như “đòn đánh hạt nhân” này.

Việc Trung Quốc quyết định bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ như hành động “hạ chiến thư” trong lĩnh vực tài chính. Ảnh: Moneycontrol.

Đòn đánh không như kỳ vọng

Năm 2018, khi có tin quan chức Trung Quốc kiến nghị giảm mua, thậm chí ngừng mua, thị trường trái phiếu Mỹ đã bị chấn động, khiến lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vượt mốc 3%.

Số liệu mới nhất do Bộ Tài chính Mỹ công bố cho hay hiện nay Trung Quốc chỉ còn nắm giữa 1.120 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, là mức thấp nhất kể từ năm 2017. Tháng 3/2019 cũng là lần đầu tiên Trung Quốc bán trái phiếu Mỹ kể từ tháng 11/2018. Đành rằng nếu Trung Quốc tiếp tục cắt giảm lượng nắm giữ hoặc bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, về lý thuyết, có thể gây ra những xáo trộn đáng kể cho Mỹ.

Nhưng hiệu quả mang lại của “đòn đánh hạt nhân” này có thể khiến Trung Quốc thất vọng và một khi thị trường không có phản ứng như Trung Quốc kỳ vọng, câu hỏi sẽ đặt ra với ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Thứ nhất, Trung Quốc tuy là nước nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhất trên thế giới, nhưng chỉ chiếm 5% trong tổng số khoảng 22.000 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ đang lưu thông trên thị trường. Giá trị giao dịch trái phiếu Mỹ bình quân hằng ngày đạt hơn 500 tỷ USD. Cho nên, trừ khi Trung Quốc bán tống bán tháo một lượng lớn trái phiếu Mỹ mới có thể khiến lãi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh, còn những động thái nhỏ như trong tháng 3-2019, chỉ như muối bỏ biển, phần nhiều được nhìn nhận như một chỉ dấu cho thấy Trung Quốc sẽ không ngồi yên trước sức ép của Mỹ và rằng trong thương chiến, ngoài biện pháp thuế quan, trong tay Trung Quốc còn có các biện pháp phi thuế quan.

Thứ hai, trái phiếu chính phủ Mỹ không thiếu khách hàng. Do trái phiếu chính phủ Mỹ được coi là công cụ đầu tư ít mạo hiểu nhất trên toàn cầu, cho nên, nó luôn được hào hứng đón nhận bởi ngân hàng trung ương các nước cũng như những nhà đầu tư lâu dài.

Vì vậy, khi Trung Quốc giảm lượng nắm giữ, không ít nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua lại hoặc tăng lượng nắm giữ. Đó là chưa nói tới việc sau khi nước Mỹ khởi động chính sách nới lỏng định lượng (QE), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã trở thành người nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ lớn nhất.

Một khi lãi suất trái phiếu chính phủ dài hạn của Mỹ tăng mạnh vì hành vi bán tháo của Trung Quốc, rất có thể Fed sẽ quay trở lại thực hiện QE để mua trái phiếu chính phủ, làm giảm lãi suất trái phiếu. Brad W. Sester, nghiên cứu viên cao cấp về kinh tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ từng viết: “Tôi thường nói rốt cuộc nước Mỹ nắm được thế thượng phong: Fed là cơ cấu duy nhất trên thế giới có khả năng mua vào một lượng trái phiếu nhiều hơn lượng trái phiếu Trung Quốc bán ra”.

Thứ ba, nếu Trung Quốc quyết định bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, hành vi này của Bắc Kinh có thể được nhìn nhận như việc “hạ chiến thư” trong lĩnh vực tài chính với Washington, dẫn tới sự hoảng loạn trên thị trường. Nhằm tránh rủi ro, nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ lại đổ tiền vào trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD.

Thứ tư, việc Trung Quốc giảm, ngừng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ có thể khiến đồng USD mất giá. Bởi sau khi bán trái phiếu chính phủ Mỹ, Trung Quốc nắm trong tay một lượng lớn đồng USD, phải đổi thành đồng tiền khác. Sự xuất hiện của một lượng lớn đồng USD trên thị trường đương nhiên sẽ khiến tỷ giá đồng USD giảm xuống.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích đồng USD mạnh làm giảm sức cạnh tranh của Mỹ, ảnh hưởng tới hoạt động ở nước ngoài của doanh nghiệp Mỹ. Ngoài ra, đồng USD mất giá có thể giúp Mỹ giảm thâm hụt thương mại vì nó khiến người tiêu dùng Mỹ giảm mua sắm hàng hóa nước ngoài, nhưng lại khuyến khích khách hàng nước ngoài mua hàng hóa Mỹ. Vì vậy, việc Trung Quốc bán trái phiếu chính phủ Mỹ không khác nào gián tiếp giúp ông chủ Nhà Trắng đạt được mục tiêu của mình.

Lặp lại cú sốc tỉ giá 4 năm trước?

Đối với Trung Quốc, ngay cả khi nước này có thể bán tháo toàn bộ trái phiếu chính phủ Mỹ đang nắm giữ mà không khiến thị trường gây bất lợi cho mình, Bắc Kinh sẽ chẳng có cách nào bảo đảm rằng số tiền đó sẽ được thanh khoản. Marc Chandler, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ toàn cầu của Brown Brothers Harriman đặt câu hỏi: “Trung Quốc bán hết trái phiếu chính phủ Mỹ, nhưng họ sẽ làm gì tiếp theo? Vâng, họ đang mua vàng, nhưng nguồn cung không thể đủ vì lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ nắm giữ có giá trị bằng 5 năm sản xuất vàng của thế giới”.

Tạm thời không nói tới việc Trung Quốc bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ khiến giá trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, nhưng không thể phủ nhận hành vi nêu trên của Trung Quốc sẽ khiến kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc bị xói mòn. Nói cách khác, bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ khiến Trung Quốc “tự đánh mất tiền”.

Tuy nhiên, với vai trò là công cụ dự trữ ngoại tệ chủ yếu, mục đích lớn nhất của việc nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ của Trung Quốc là ổn định tỷ giá đồng nhân dân tệ. Cho nên, nếu Trung Quốc bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ không chỉ khiến dự trữ ngoại tệ của nước này giảm mạnh, có thể kích hoạt khủng hoảng niềm tin vào đồng nhân dân tệ. Tình hình có thể sẽ giống như khi xảy ra cú sốc tỉ giá vào năm 2015: Trong hơn 2 năm, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã khoảng 1.000 tỷ USD, xuống dưới ngưỡng tâm lý quan trọng là 3.000 tỷ USD vì nhà đầu tư đua nhau rút vốn.

Vấn đề là khi đó, nhân tố chiến tranh thương mại chưa xuất hiện và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không phải ở mức thấp nhất trong gần 30 năm như hiện nay. Đồng thời phải thấy rằng tới cuối tháng 3/2019, theo số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) được chinabankingnews.com dẫn lại, nước này có 60,62 triệu ounce dự trữ vàng, với giá trị hơn 80 tỷ USD, đây là con số quá ít để phòng thủ hậu quả từ việc bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ. Cho nên, nếu tình trạng nhà đầu tư đua nhau rút vốn khỏi Trung Quốc tái diễn, ảnh hưởng của nó đối với sự ổn định tài chính và kinh tế của Trung Quốc sẽ không nhỏ và khó lường.

RELATED ARTICLES

Tin mới