Ấn Độ nói loại tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới của họ đã vượt qua một cuộc thử nghiệm quan trọng hôm thứ Tư vừa qua khi bắn trúng một mục tiêu trên mặt đất sau khi được phóng đi từ máy bay tiêm kích, và việc này có thể khiến Trung Quốc lo lắng, theo Space War. Một số quốc gia Đông Nam Á đang đặc biệt quan tâm đến loại tên lửa này.
Máy bay Su-30MKI mang tên lửa BrahMos
New Dehli đang cùng với Nga phát triển tên lửa siêu âm BrahMos, có tốc độ tối đa 3.450km/h. Theo các bản tin trên báo chí, họ cũng muốn nhanh chóng xuất khẩu loại vũ khí này. Tên lửa hành trình BrahMos có tốc độ nhanh gấp 1,5 lần máy bay siêu âm Concorde của Pháp trước kia.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói một máy bay tiêm kích Su-30MKI hoán cải đặc biệt đã thành công trong việc phóng quả tên lửa nặng 2,5 tấn, có tầm bắn 300km.
“Việc phóng tên lửa từ máy bay đã diễn ra êm đẹp và tên lửa đã bay theo đường đạn dự kiến trước khi đánh trúng mục tiêu trên mặt đất”, một văn bản của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói.
Văn bản không nói chi tiết về vụ thử nghiệm, chỉ cho biết rằng công việc “rất phức tạp” khi người ta phải sửa đổi về điện, phần mềm và cả các chi tiết cơ khí trên chiếc tiêm kích Su-30MKI do Nga sản xuất.
Cuộc thử nghiệm với mục tiêu trên biển được thực hiện vào tháng 11/2017.
Ấn Độ nói lúc đó rằng họ là quốc gia đầu tiên “bắn thành công từ máy bay một tên lửa tấn công mặt đất với tốc độ bay 2.8 Mach với một mục tiêu trên biển”.
“Tên lửa BrahMos mang lại cho Ấn Độ năng lực mà họ mong muốn từ lâu là có thể tấn công từ tầm đối đầu rất xa vào bất cứ mục tiêu nào trên biển hay trên đất liền với độ chính xác cao cả ban ngày lẫn ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết”, Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói.
Ấn Độ đã đặt hàng phiên bản BrahMos bắn đi từ tàu chiến cho hải quân của họ. Các bản tin quân sự đã nói rằng tên lửa BrahMos có thể được đưa vào không quân bắt đầu từ năm 2020.
BrahMos là một liên doanh giữa Ấn Độ và Nga. Các quan chức của liên doanh này nói gần đây tại một triển lãm hàng không quốc tế rằng các cuộc thảo luận về việc xuất khẩu tên lửa BrahMos đã được tiến hành với một số quốc gia “thân thiết”.
Báo chí đưa tin rằng một số quốc gia Đông Nam Á đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với tên lửa BrahMos, điều có thể khiến Trung Quốc lo lắng.
Ấn Độ và Nga được nói là đã chuẩn bị kế hoạch cho một phiên bản BrahMos có tầm bắn xa hơn nữa và có thể bay với tốc độ Mach 5 (6125km/h).
BrahMos là loại tên lửa hành trình siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình có thể phóng từ tàu, tàu ngầm, máy bay hay các trạm phóng lưu động trên mặt đất. Nó nhanh hơn 3,5 lần so với tên lửa hành trình Harpoon của Mỹ vốn bay dưới tốc độ âm thanh (cận âm).
Mẫu siêu thanh mới cũng đang được nghiên cứu và phát triển (thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy nó đạt vận tốc 5,26 Mach).
BrahMos được tuyên bố là có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt nước với độ cao thấp hơn 10 m. Nó có thể đạt vận tốc 2,8 Mach và có tầm hoạt động tối đa 300 km.
Mẫu tên lửa phóng từ tàu được gắn đầu đạn 200 kg còn mẫu phóng từ máy bay (BrahMos A) có thể mang đầu đạn 300 kg.
Nó có động cơ hoạt động chia làm hai giai đoạn, một là đốt cháy nhiên liệu rắn để đẩy tên lửa đạt đến vận tốc siêu thanh sau đó sẽ chuyển sang nhiên liệu lỏng để duy trì vận tốc đó trong quãng đường dài.