Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ tiếp tục cam kết sẽ bảo vệ Philippines ở Biển Đông

Mỹ tiếp tục cam kết sẽ bảo vệ Philippines ở Biển Đông

Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim (23/5) khẳng định Mỹ sẽ hỗ trợ Philippines trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công vũ trang ở Biển Đông.

Phát biểu trước báo giới tại thành phố Quezon của Philippines, Đại sứ Sung Kim cho biết Biển Đông “rất quan trọng đối với tất cả chúng ta” và Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện ở vùng biển này. Dù không phải là bên tranh chấp, Mỹ rất quan tâm tới những gì đang diễn ra ở Biển Đông và đó là lý do Mỹ làm việc tận lực để bảo vệ tự do hàng hải và tự do hàng không trong khu vực. Những nguyên tắc và giá trị này quan trọng đối với tất cả chúng ta, không chỉ cho khu vực Thái Bình Dương mà cả cộng đồng quốc tế nên đó là lý do Mỹ đang tiến hành hoạt động tự do hàng hải.

Ngoài ra, Đại sứ Sung Kim khẳng định Mỹ có sự hỗ trợ của Philippines trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công vũ trang ở Biển Đông; cho rằng Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương nên Hiệp ước phòng thủ chung rõ ràng áp dụng cho các tình huống ở Biển Đông; nhấn mạnh đây là mối quan hệ liên minh rất gần gũi nên có sự liên lạc liên tục giữa hai bên. Theo ông Sung Kim, tính riêng trong năm 2018, Mỹ và Philippines có trên 250 hoạt động quân sự chung.

Được biết, Hiệp ước An ninh Mỹ – Philippines 1951 (MDT) là công cụ pháp lý quan trọng để Mỹ bảo vệ Philippines trước các hoạt động khiêu khích, đe dọa an ninh từ Trung Quốc. MDT được ký kết vào ngày 30/8/1951 tại Washington, DC giữa đại diện của Philippines và Mỹ, trong đó quy định cả hai nước sẽ hỗ trợ nhau nếu một trong hai nước bị tấn công từ bên ngoài. Cụ thể: Điều II, Mỹ và Philippines bằng cách tự giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau để duy trì và phát triển năng lực cá nhân và tập thể chống lại các cuộc tấn công vũ trang. Điều III, Mỹ và Philippines thông qua Bộ Trưởng Ngoại giao hoặc các cơ quan đại diện để tham khảo, trao đổi ý kiến liên quan việc thực hiện MDT khi Mỹ hoặc Philippines nhận thấy toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh bị đe dọa bởi cuộc tấn công vũ trang ở bên ngoài Thái Bình Dương. Điều IV, khi Mỹ hoặc Philippines công nhận rằng một cuộc tấn công vũ trang trong khu vực Thái Bình Dương đe dọa đến hòa bình và an ninh của một trong hai nước thì Mỹ hoặc Philippines sẽ có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho nước kia. Điều V, một cuộc tấn công vũ trang quy định trong Điều IV bao gồm một cuộc tấn công vũ trang trên lãnh thổ, trên các vùng đảo thuộc chủ quyền của Mỹ hoặc Philippines ở Thái Bình Dương, hoặc tấn công các lực lượng vũ trang, tàu, máy bay của Mỹ hoặc Philippines ở Thái Bình Dương. ĐIỀU VIII, MDT có hiệu lực vô thời hạn.

Trước đó, tại lễ kỷ niệm 60 năm ký kết Hiệp ước, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Philippines Alberto Del Rosario (11/11/2011) tái khẳng định MDT là nền tảng cơ bản trong quan hệ song phương, hai nước có nghĩa vụ chung thực hiện MDT và cam kết sẽ duy trì quan hệ mật thiết, đáp ứng yêu cầu hợp tác để tăng cường khả năng phòng thủ, ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh chung; khẳng định tiếp tục hợp tác song phương trong việc giải quyết những thách thức khu vực và trên thế giới, bao gồm cả an ninh hàng hải và các mối đe dọa đối với an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, phát triển hạt nhân, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; khẳng định hai bên chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp chủ quyền ở các vùng biển thông qua các tiến trình hòa bình, hợp tác, đa phương và ngoại giao trong khuôn khổ luật pháp quốc tế; cam kết thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia chung thông qua đối thoại chiến lược cấp cao.

Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (1/3) cam kết sẽ bảo vệ Philippines trước “các vụ tấn công bằng vũ trang” ở khu vực Biển Đông, khẳng định các hoạt động xây đảo và động thái quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa tới chủ quyền, an ninh và kinh tế của Philippines cũng như Mỹ, nhấn mạnh Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, nên mọi vụ tấn công nhằm vào lực lượng, máy bay hoặc tàu của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ chung theo điều 4 trong Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau Mỹ và Philippines; đồng thời tái khẳng định Mỹ luôn đảm bảo cam kết không lay chuyển, đó là giữ Biển Đông luôn là vùng biển mở cho giao thương hàng hải quốc tế, trong bối cảnh Trung Quốc không giấu giếm ý định kiểm soát toàn bộ tuyến đường biển huyết mạch này.

Trái ngược với Mỹ, một số quan chức Philippines gần đây quan ngại rằng Mỹ sẽ không thực hiện theo các điều khoản trong MDT để bảo vệ Manila trước các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (5/3) cho rằng, Chính phủ Philippines nên xem xét lại Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines để tránh gây ra xung đột vũ trang tiềm tàng với Trung Quốc trên Biển Đông. Theo ông Lorenzana, môi trường an ninh trong khu vực đã trở nên phức tạp hơn nhiều so với khi Philippines và Mỹ xây dựng Hiệp ước phòng thủ chung cách đây 68 năm; Philippines không gây xung đột và cũng sẽ không có chiến tranh với bất kỳ nước nào trong tương lai. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, Mỹ đã thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra quân sự ở Biển Đông, điều này khiến gia tăng khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ở trong khu vực. Và khi đó, vì Hiệp ước đã có, Philippines đương nhiên trở thành “kẻ trong cuộc”, bị lôi vào cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, ông Lorenzana cũng bày tỏ lo ngại về cam kết của Mỹ đối với Philippines và cảnh báo về những hậu quả không thể lường trước được. Năm 1992, quân đội Mỹ đã rút khỏi Philippines sau khi Thượng viện nước này bỏ phiếu chấm dứt hợp đồng cho thuê hai căn cứ của Mỹ trên đất Philippines. Ông Lorenzana cho biết, ngay sau đó người Trung Quốc bắt đầu các hành động coi thường luật pháp quốc tế ở Biển Đông và “Mỹ đã không ngăn chặn” về âm mưu của Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn.

Trước đây ông Lorenzana đã từng nhiều lần kêu gọi xem xét lại Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines. Phát biểu tại hội nghị của Hiệp hội các nhà báo quốc tế ở Manila, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (17/1/2018) cho rằng Manila nên xem xét lại Hiệp ước đồng minh với Washington để làm rõ khi nào Mỹ hỗ trợ nước này trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông là thách thức an ninh “lớn nhất” của Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới