Bộ Ngoại giao Đài Loan (25/5) cho biết, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton và người đứng đầu an ninh của Đài Loan David Lee đã gặp nhau hồi đầu tháng 5/2019.
Cuộc họp diễn ra từ ngày 13 – 21/5/2019, trong chuyến đi của ông David Lee tới Mỹ nhằm thắt chặt quan hệ song phương. Tuyên bố trên cho biết, “trong suốt chuyến đi, cùng với các quan chức Chính phủ Mỹ, ông Lee đã gặp đại diện các đồng minh ngoại giao của chúng ta, tái khẳng định sự hỗ trợ và cam kết với một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Đây là cuộc gặp đầu tiên trong 40 năm qua giữa quan chức an ninh của Mỹ và Đài Loan, kể từ khi Đài Bắc và Washington chấm dứt quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1979.
Phản ứng trước thông tin trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (27/5) cho rằng: Chính phủ Mỹ đã thừa nhận rõ ràng rằng Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho Trung Quốc và cam kết Mỹ sẽ chỉ duy trì liên lạc không chính thức với Đài Loan, nên cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton và người đứng đầu an ninh của Đài Loan David Lee không thể coi là cuộc gặp ngoại giao. Phía Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng và kiên quyết phản đối cuộc gặp trên; tái khẳng định nguyên tắc một Trung Quốc là cơ sở chính trị cho quan hệ Trung-Mỹ; kiên quyết phản đối Chính phủ Mỹ trao đổi chính thức với Đài Loan dưới mọi hình thức và dưới bất kỳ lý do nào. Trung Quốc cũng kiên quyết phản đối mọi nỗ lực tạo ra “hai nước Trung Quốc” hay “một Trung Quốc, một Đài Loan”; đồng thời kêu gọi Mỹ tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và 3 nguyên tác trong quan hệ Trung – Mỹ, ngừng trao đổi chính thức giữa Mỹ và Đài Loan, hoặc thúc đẩy quan hệ thực chất và xử lý cẩn thận các vấn đề liên quan đến Đài Loan giữa hai nước.
Trong khi đó, cơ quan ngoại giao Đài Loan nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh và bày tỏ lòng “biết ơn” với động thái “tích cực” của Mỹ; nhấn mạnh “Đài Loan sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ Mỹ để củng cố vững chắc hơn mỗi quan hệ đối tác Washington – Đài Bắc”.
Trong những tháng gần đây, Mỹ đã gia tăng các cuộc tuần tra qua Eo biển Đài Loan, vùng biển có tầm quan trọng chiến lược, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Hạ viện Mỹ (2/2019) cũng đã ủng hộ một dự luật hỗ trợ Đài Loan khi các thành viên của quốc hội thúc đẩy một cách tiếp cận cứng rắn hơn trong quan hệ với Bắc Kinh. Lầu Năm Góc cho biết Washington đã bán cho Đài Bắc hơn 15 tỷ USD vũ khí kể từ năm 2010. Về phần mình, Trung Quốc cũng gia tăng sức ép ngoại giao và quân sự nhằm khẳng định chủ quyền với Đài Loan, tiến hành các cuộc tập trận gần Đài Loan và tìm cách chia rẽ, lôi kéo các nước đồng minh của Đài Bắc.
Đáng chú ý, ngay từ đầu năm 2019, Trung Quốc đã có những động thái cứng rắn, kêu gọi thống nhất với Đài Loan. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (2/1) tuyên bố sẽ không chấp nhận từ bỏ sử dụng vũ lực và bảo lưu phương án sử dụng mọi biện pháp cần thiết để chống lại các thế lực bên ngoài can thiệp vào quá trình thống nhất hòa bình cũng như các hoạt động thúc đẩy độc lập của Đài, nhấn mạnh hòn đảo cuối cùng sẽ thống nhất với đại lục. Theo ông Tập Cận Bình, “Tổ quốc nhất định sẽ thống nhất và tất yếu phải thống nhất”, đồng thời cho rằng “đây cũng là đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa trong thời đại mới”. Trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm ngày Bắc Kinh gửi thư cho Đài Loan kêu gọi thống nhất và chấm dứt đối đầu quân sự, ông Tập mô tả sự thống thất dưới cách tiếp cận “một quốc gia, hai chế độ” sẽ “đảm bảo lợi ích và sự thịnh vượng của đồng bào Đài Loan”.
Giới truyền thông Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đang leo thang căng thẳng trước những tuyên bố đối chọi nhau của chính quyền hai bên thì việc tiêu đề bài viết nhấn mạnh cụm từ “luôn sẵn sàng dùng vũ lực thống nhất Đài Loan” như một sự thị uy nhằm vào chính quyền Đài Bắc, cũng như một cách để phô trương sức mạnh quân sự của quân đội Trung Quốc (PLA). Đối với PLA, tuyên bố “không từ bỏ vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan” của Chủ tịch Tập Cận Bình và khóa huấn luyện thực chiến trong một năm mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng; cùng với đó thời điểm từ cuối năm ngoái, đầu năm nay PLA liên tục xoay quanh hợp đồng mua bán vũ khí và ngân sách quân sự cho năm tài khóa mới. Đáng chú ý, giới truyền thông cũng cho rằng PLA đang sỡ hữu nhiều loại vũ khí hiện đại, có thể dễ dàng “đè bẹp” Đài Loan.
Trong khi đó, Đài Loan luôn coi mình là một quốc gia có chủ quyền với đồng tiền, hệ thống chính trị, tư pháp riêng, song chưa bao giờ tuyên bố độc lập khỏi Trung Quốc đại lục. Trước sự đe dọa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn kiên quyết tuyên bố, Đài Loan chưa bao giờ chấp nhận “Nhận thức chung năm 1992”, thực chất cái gọi là “Nhận thức chung năm 1992” chính là “một nước Trung Quốc”, “một quốc gia hai chế độ”. Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh thêm “Tôi phải nhấn mạnh rằng Đài Loan tuyệt đối không chấp nhận ‘một quốc gia hai chế độ’ và đại đa số người Đài Loan đều kiên quyết phản đối một quốc gia hai chế độ. Đây cũng chính là ‘Nhận thức chung Đài Loan’”. Phát biểu của bà Thái ngay lập tức đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội Đài Loan, đa phần các ý kiến trên mạng xã hội lớn đều đồng tình với phản ứng kịp thời, nhanh chóng của chính phủ trước những đe dọa từ Trung Quốc đại lục. Dân mạng Đài Loan tán dương thái độ “dứt khoát, không hề khuất phục” của Tổng thống Thái Anh Văn trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Đài Loan. Đối với đại bộ phận dân Đài, Trung Quốc đại lục và Đài Loan có lời qua tiếng lại với nhau hay như việc Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực thống nhất Đài Loan là chuyện “như cơm bữa”. Chính vì vậy, khi ông Tập tuyên bố không loại trừ biện pháp dùng vũ lực thống nhất Đài Loan cũng không khiến cho dân chúng Đài Loan quá hoang mang hay lo sợ.
Theo kết quả điều tra năm 2018 của Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử, Đại học Chính trị quốc gia Đài Loan, có đến 85% số người được hỏi mong muốn giữ nguyên hiện trạng trong quan hệ với Trung Quốc đại lục (có nghĩa là không thống nhất mà cũng không tuyên bố độc lập). Một điều thú vị là, cũng theo điều tra năm 2018, có 55,3% người được hỏi cho rằng mình là người Đài Loan, trong khi chỉ có 4% người được hỏi tự nhận mình là người Trung Quốc. Kết quả trên phản ánh tâm lý chủ đạo trong xã hội Đài Loan là tiếp tục duy trì một mối quan hệ “có ranh giới mơ hồ” như hiện nay với Trung Quốc đại lục.