Sunday, January 5, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiHuawei đòi đàm phán với Nhà Trắng như ZTE: Quá khó

Huawei đòi đàm phán với Nhà Trắng như ZTE: Quá khó

Tập đoàn Huawei muốn đàm phán về rủi ro thông tin với Mỹ như ZTE nhưng thời thế không còn thuận lợi với Huawei.

Giám đốc an ninh mạng của Huawei tại Mỹ Andy Purdy mới đây đã có phỏng vấn với CNBC News, đưa ra đề xuất nhằm “giảm thiểu rủi ro” và bớt lo ngại về an ninh quốc gia để Huawei có thể kinh doanh tại Mỹ.

Ông cho rằng, một số quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu đã chấp nhận quy trình làm việc này của Huawei như Anh, Đức.

“Chúng tôi đàm phán với chính phủ về loại khung đảm bảo mà họ cần, cho dù đó là sản phẩm thử nghiệm hay sản phẩm chịu sự giám sát… Đó là những gì chúng tôi đã làm ở Anh, cách chúng tôi hoạt động ở Canada và Đức” – ông Andy Purdy nói.

Giám đốc an ninh mạng của Huawei tại Mỹ nói rằng ông không thể đoán trước những yêu cầu nào là cần thiết để được phép kinh doanh tại Mỹ. Ông gợi ý rằng Chính phủ Mỹ có thể cấm bán thiết bị cho các cơ sở hạ tầng quan trọng, yêu cầu tuân thủ sự giám sát của Mỹ.

Tuyên bố từ Andy cho thấy quan điểm có phần thay đổi so với CEO Huawei Nhậm Chính Phi trước đó cho rằng, nếu Mỹ tiếp tục tung sức ép vào Huawei, tập đoàn Trung Quốc này sẽ không chịu đàm phán.

Việc Huawei đưa ra lời đề nghị về thỏa thuận kiểm soát rủi ro an ninh với Nhà Trắng là một đề xuất có phần thay đổi so với các quan điểm của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc trước đây.

Từ khi Mỹ gây sức ép lên Huawei, Tập đoàn này đã nói về khả năng sẽ không chấp nhận một phương án thỏa thuận với chính quyền Mỹ như cách ZTE đã làm, nộp phạt và chấp nhận thay đổi cơ cấu điều hành để Washington gỡ bỏ các lệnh cấm.

Tuy nhiên, tuyên bố của Huawei về một thỏa thuận với Nhà Trắng về rủi ro an ninh cũng có ý nghĩa tương tự như hành động của ZTE trước đó: lui một bước để nhượng bộ về các lệnh cấm từ Washington.

Sức ép rất lớn từ các hợp đồng đang bị ngưng lại của các đối tác có thể đã khiến Huawei phải nhượng bộ như vậy.

Tuy nhiên, khác với trường hợp của ZTE, Huawei không có lợi thế trong tình huống này. Nhà Trắng không muốn tiến hành thỏa thuận và kiên quyết phải tẩy chay Huawei hay bất cứ công ty công nghệ Trung Quốc nào khỏi Mỹ hoàn toàn.

Cựu chiến lược gia Nhà Trắng, ông Steve Bannon trước đó đã đề cập tới trường hợp của ZTE và cho rằng, Tổng thống Trump đã phạm sai lầm khi dỡ bỏ một lệnh trừng phạt nhằm vào ZTE.

Ông Bannon cho rằng, Mỹ cần cắt mọi cuộc IPO, chặn mọi quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm ở Mỹ cung cấp vốn cho Trung Quốc.

“Chúng ta sẽ thấy một bước chuyển lớn ở Phố Wall nhằm hạn chế công ty Trung Quốc tiếp cận các thị trường vốn cho đến khi họ đồng ý những cải cách căn bản này”, ông Bannon nói thêm.

Ông Bannon bị Tổng thống Trump sa thải từ tháng 8/2017. Hồi tháng 3 năm nay, vị cựu chiến lược gia này đã tham gia hồi sinh và tái vận hành một uỷ ban từ thời Chiến tranh Lạnh. Ủy ban Mối nguy cơ hiện tại (CPD) vốn được thành lập từ đầu những năm 1950. Tổ chức này đã giải thể sau khi các thành viên cốt cán được chuyển sang nắm các vị trí trong chính quyền Tổng thống Dwight Eisenhower. Sau đó, CPD được tái thành lập vào năm 1976 thời Chiến tranh Lạnh.

Sau khi được tái thành lập thêm một lần nữa, CPD đưa ra cảnh báo Trung Quốc đang gây ra một mối đe dọa trên diện rộng với Mỹ bao gồm mở rộng sức mạnh quân sự, tăng cường năng lực hạt nhân chiến lược, tiếp cận và đánh cắp công nghệ Mỹ…

Không nói rõ thông tin cụ thể, nhưng cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn với SCMP, Steve Bannon cho biết ông “vẫn hàng ngày thảo luận với các quan chức cấp cao ở Nhà Trắng về Trung Quốc”.

Hồi đầu tháng 5, Bộ Thương mại và Tổng thống Trump đưa Huawei vào “danh sách đen” cấm buôn bán với các công ty công nghệ của nước này. Lĩnh vực bán dẫn và sản xuất chip xử lý mới thực sự là lĩnh vực nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ- Trung.

Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu 300 tỷ USD tiền chip điện thoại, máy tính và các linh phụ kiện mà nước này không sản xuất được. Con số này lớn hơn cả giá trị nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc cùng năm.

Vì thế, khi Google, Qualcomm, Broadcom, Intel v.v. đồng loạt thực hiện lệnh của chính phủ Mỹ, đây là một đòn giáng mạnh đến hoạt động sản xuất điện thoại thông minh và máy tính bảng của Huawei.

RELATED ARTICLES

Tin mới