Các quốc gia châu Á đang bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Theo CNN, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đều có mặt tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La vào cuối tuần qua. Nhưng quyền Bộ trưởng Patrick Shanahan và người đồng cấp Ngụy Phượng Hòa đều không nhắc đến những nỗi lo sợ đang dấy lên ở các quốc gia châu Á nhỏ hơn, khi phải đứng giữa cuộc đối đầu ngày một căng thẳng của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Thay vào đó, hai vị quan chức đã sử dụng bài phát biểu được chờ đợi của mình tại Singapore để tố cáo nhau lừa dối, lật lọng, thiếu trung thực.
“Nỗi lo lắng lớn nhất của chúng tôi là khả năng lại vô tình bước chân vào một cuộc xung đột quốc tế mà không hề hay biết”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói. Ông Delfin Lorenzana cho biết có một rủi ro ngày một lớn hơn rằng nước ông sẽ bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh.
Trong bài phát biểu của mình, ông Ngụy nói rằng Trung Quốc chưa bao giờ lấy của quốc gia nào một centiment lãnh thổ, và cũng sẽ không bao giờ từ bỏ một centiment lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nhận xét, “trong khi họ giảng giải về sự tôn trọng đối với chủ quyền quốc gia, thì họ không hề mở cửa đàm phán về tuyên bố chủ quyền đơn phương của họ với Biển Đông”.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc kêu gọi các đối tác và đồng minh cùng hiệp lực, cho thấy quyết tâm tuân thủ một trật tự quốc tế “dựa trên quy tắc”. Ông Shanahan cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục điều các tàu chiến đến gần các hòn đảo hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng, để nhấn mạnh quyết tâm giữ cho khu vực này được tự do và mở cửa với tất cả các bên.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc phát biểu tại Diễn đàn Shangri-La |
Trên thực tế, các đối tác của Mỹ đã thực hiện việc này trong nhiều tháng gần đây, với việc tàu chiến của Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Pháp và nhiều quốc gia khác, đều di chuyển qua vùng biển này.
Ông Ngụy cho rằng, Mỹ và các đối tác, đồng minh của nước này không nên có mặt ở Biển Đông. “Ai đang đe dọa đến an ninh và ổn định ở Biển Đông cơ?”, ông hỏi, và tự trả lời đó chính là các quốc gia nằm ngoài khu vực, vào đây để “khoe sức mạnh” và rồi “bỏ đi và để lại một đống hỗn độn phía sau”.
Trung Quốc có phương pháp thuyết phục của riêng mình. Ông Ngụy nhắc đến sáng kiến Vành đai và Con đường, đưa ra những khoản vay hấp dẫn để phát triển kinh tế cho các nước trong và ngoài khu vực.
Ông Shanahan khẳng định Mỹ cũng có tiền, và nhắc đến đạo luật BUILD, một nguồn cung cấp vốn của Mỹ cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ông nói rằng tiền cho vay của Mỹ không có điều kiện nào kèm theo, không như Trung Quốc.
Nhìn chung, với việc các khoản tiền và sức mạnh quân sự từ hai phía vẫn đang liên tục được phô diễn, các nước trong khu vực có lí do để không biết nên tin tưởng vào cường quốc nào, và nếu có người thực sự quan tâm đến lợi ích của khu vực, thì đó là ai.
“Cả hai nước đã nói về việc mất lòng tin với đối phương, và sự thiếu tin tưởng giữa nước họ với khu vực”, bà Meia Nouwens, nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết. “Nhưng cả khu vực thì đang không tin tưởng vào cả hai nước, với nhiều lí do khác nhau”.
“Những lời Trung Quốc nói ra về việc lớn mạnh trong hòa bình, mâu thuẫn với những hành động hung hăng của họ. Còn những lời hứa cam kết, hợp tác và hỗ trợ khu vực từ phía Mỹ, thì cũng không được củng cố đầy đủ bằng hành động”, bà Nouwens cho biết.