Friday, November 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số điểm nhấn trong Sách Trắng về khoa học-công nghệ 2019...

Một số điểm nhấn trong Sách Trắng về khoa học-công nghệ 2019 của Nhật Bản

Ngày 28/5, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua Sách Trắng về khoa học và công nghệ năm 2019, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện năng lực nghiên cứu cơ bản của nước này.

Sách Trắng khẳng định tầm quan trọng của nghiên cứu cơ bản và coi đây là nền tảng cho sự phát triển của xã hội, có thể đem lại các giá trị mới cho xã hội cũng như cuộc sống của người dân trong tương lai. Ngoài ra, Sách Trắng cũng thừa nhận vị trí của Nhật Bản trên trường quốc tế liên quan tới số lượng các báo cáo khoa học có chất lượng cao đã suy giảm trong những năm gần đây, đồng thời cảnh báo sự hiện diện của Nhật Bản trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản có thể sẽ tiếp tục giảm thêm.

Sách Trắng cảnh báo rằng sự hiện diện của Nhật Bản trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản có thể sẽ bị thu hẹp hơn nữa. Báo cáo trích dẫn ví dụ về nghiên cứu đèn điốt phát ra ánh sáng xanh của Giáo sư Amano Hiroshi thuộc Đại học Nagoya. Nghiên cứu này đã giành được Giải Nobel. Giáo sư Amano đã thực hiện các thí nghiệm hơn 1.500 lần. Theo báo cáo, cần có một tầm nhìn trong dài hạn do nghiên cứu cơ bản cần nhiều thời gian và thường mang lại kết quả khó có thể hiểu được. Sách Trắng cho biết Nhật Bản đang đứng trước nhiều ngã rẽ trong việc quyết định cách thức để khuyến khích và phát triển nghiên cứu cơ bản, và cần phải đạt được sự đồng thuận đối với mục tiêu này của Nhật Bản thông qua thảo luận.

Theo thống kê được đưa ra bởi NHK News, lĩnh vực nghiên cứu cơ bản của Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, mặc dù ngân sách dành cho khoa học công nghệ của Nhật Bản lên tới 3.800 tỷ yên (33,8 tỷ USD) trong năm 2018, cao nhất từ trước tới nay, nhưng chỉ bằng 1/5 ngân sách dành cho nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc năm 2016. Bên cạnh đó, tỷ lệ các nhà nghiên cứu trẻ dưới 35 tuổi ở các trường đại học quốc lập đang giảm, từ con số 17,5% năm 1998 xuống còn 9,6% năm 2016. Mặt khác, số lượng nghiên cứu khoa học được công bố cũng giảm. Trong giai đoạn 2004-2006, Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 4 trong số các cường quốc khoa học hàng đầu thế giới về báo cáo nghiên cứu. Đến giai đoạn 2014-2016, nước này đã tụt xuống vị trí thứ 9 trong danh sách này.

Sách Trắng được đưa ra trong bối cảnh số lượng các báo cáo khoa học có chất lượng của nước này có dấu hiệu suy giảm trong những năm gần đây. Điều này cũng khiến vị trí của Nhật Bản trên trường quốc tế xét về số lượng các báo cáo khoa học có chất lượng cao bị kéo tụt.

Được biết, khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Đặc biệt, đối với các cường quốc trên thế giới thì yếu tố này lại càng có giá trị to lớn trong việc duy trì và củng cố vị trí của các quốc gia này trên thế giới. Một trong những cường quốc phát triển khoa học – công nghệ hàng đầu đó là Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu tăng chi cho khoa học và công nghệ lên 900 tỷ yên trong 3 năm tới. Thời gian qua, đầu tư của Nhật Bản vào nghiên cứu và phát triển đã bị đình trệ, nhưng chiến lược tăng trưởng của Chính phủ nước này đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng về mặt kinh tế của sự đổi mới. Đến năm 2020, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng GDP lên 600 nghìn tỷ yên, và tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển lên 4,4 nghìn tỷ yên so với 3,5 nghìn tỷ yên năm 2017.

Chiến lược được Chính phủ Nhật Bản đưa ra là Chương trình mở rộng chiến lược đầu tư và phát triển công – tư (PRISM) nhằm hỗ trợ mối quan hệ hợp tác giữa công nghiệp và nghiên cứu tại các khu vực phát triển khoa học – công nghệ đã được thiết lập. Các nhà hoạch định chính sách mong đợi những nhu cầu cao hơn từ người dân, bao gồm trí thông minh nhân tạo, robot và quang học lượng tử. PRISM là một phần trong nỗ lực gần đây của Chính phủ Nhật Bản nhằm thiết lập một xã hội siêu thông minh – nơi mà không gian mạng được tích hợp trong thế giới thực.

Chính phủ Nhật Bản được hy vọng sẽ dành cho PRISM 200 tỷ yên trong năm 2018. Chương trình này sẽ do Hội đồng khoa học, công nghệ và đổi mới – cơ quan hàng đầu về chính sách khoa học – công nghệ của Chính phủ Nhật Bản quản lý.

Các doanh nghiệp lớn có thể sẽ là những thành viên tham gia chính trong PRISM, mặc dù các công ty vừa và nhỏ chiếm 99,7% số doanh nghiệp của Nhật Bản. Toyota cho biết, so với các cường quốc khác, các công ty nhỏ của Nhật Bản ít đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Nếu Chính phủ thực sự quyết tâm tạo ra sự đổi mới, điều này sẽ khuyến khích các công ty nhỏ đầu tư hơn vào phát triển khoa học – công nghệ.

Nội dung của chiến lược phát triển toàn diện về khoa học, công nghệ và đổi mới đã được phản ánh trong các chính sách cơ bản và chiến lược phục hồi kinh tế Nhật Bản, đảm bảo ngân sách cần thiết để thực hiện các mục tiêu đầu tư đã được thảo luận trong kế hoạch cơ bản và đẩy mạnh chính sách đổi mới khoa học và công nghệ của Nhật Bản. Các sáng kiến sử dụng trí thông minh nhân tạo sẽ là chìa khóa để thực hiện các chiến lược phát triển về khoa học, công nghệ và đổi mới của Nhật Bản.

RELATED ARTICLES

Tin mới