Nếu cuộc chiến thương mại leo thang căng thẳng kéo dài, thế giới sẽ chứng kiến cuộc chạy đua giữa hai sức mạnh quốc gia.
Kinh tế Mỹ-Trung đang trong phát sinh mâu thuẫn sâu sắc. Ảnh: AFP
Xung đột thương mại khiến mối quan hệ Trung Mỹ leo thang căng thẳng, cuộc tranh chấp đã kéo dài từ trao đổi thương mại đến nhiều lĩnh vực khác và nếu mâu thuẫn tiếp tục duy trì trong thời gian dài tới, đây sẽ là cuộc chạy đua giữa hai sức mạnh quốc gia, trong đó đội ngũ nhân tài dự bị sẽ trở thành vũ khí bí mật để giành chiến thắng trong cuộc chiến này.
Theo giới phân tích, cuộc cạnh tranh nhân tài giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ trở thành một mặt trận tiềm ẩn trong bối cảnh chiến tranh thương mại.
Vào ngày 3/6, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành Cảnh báo nguy cơ du học số 1 năm 2019, nhắc nhở đội ngũ sinh viên và học giả cần tăng cường đánh giá rủi ro trước khi đi du học, nâng cao nhận thức cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết, trong thời gian qua, nước Mỹ đã thực hiện chính sách hạn chế du học sinh Trung Quốc, kéo dài thời gian xem xét visa, rút ngắn thời gian hiệu lực visa và tăng tỷ lệ từ chối visa du học.
Theo báo cáo hàng năm Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) vào năm 2018, hơn 1 triệu sinh viên quốc tế đã theo học tại các trường đại học Mỹ trong năm học 2017-2018, trong đó hơn 363.000 sinh viên Trung Quốc, chiếm 33,2% tổng số sinh viên quốc tế tại Mỹ.
“Visa rõ ràng là khó khăn hơn trước, rất khó xin được visa có hiệu lực 5 năm, visa của tôi chỉ có thời hạn 1 năm. Tôi lo lắng rằng visa sẽ bị từ chối sau khi tôi trở về Trung Quốc gây ảnh hưởng tới việc học nên tôi chỉ có thể về nước sau khi tốt nghiệp”, Tiểu Kim – nữ du học sinh Trung Quốc đang theo học thạc sĩ vật lý tại Ivy League.
Theo dữ liệu do ông Từ Vĩnh Cát, Vụ phó Vụ Hợp tác và Trao đổi quốc tế, Bộ Giáo dục Trung Quốc, từ tháng 1-3/2019, hơn 1.350 sinh viên Trung Quốc đã nộp đơn xin visa du học Mỹ, nhưng 182 sinh viên bị từ chối, chiếm 13,5% số hồ sơ xin visa.
Ông Từ cho hay, số sinh viên bị từ chối visa du học Mỹ đã tăng 3% so với năm 2018.
Theo tờ Washington Examiner, các nghị sĩ Mỹ đã kiến nghị xây dựng quy định hạn chế công dân Trung Quốc du học và trao đổi giáo dục tại nước này, hãng thông tấn trung ương Trung Quốc Tân Hoa Xã cũng từng đưa tin về vấn đề này.
Kiến nghị trên kêu gọi đình chỉ cấp visa cho các đối tượng là sinh viên, học giả trao đổi có liên quan tới quân đội Trung Quốc. Đồng thời, các chuyên ngành khác như công nghệ sinh học, công nghệ vi xử lý, khoa học vật liệu tiên tiến v.v… cũng có thể bị tiến hành đánh giá bổ sung.
Bên cạnh vấn đề visa du học, lĩnh vực nghiên cứu và trao đổi giáo dục cũng đối mặt nhiều khó khăn. Trước đó, Viện Kỹ sư điện và điện tử (IEEE) tuyên bố, do chính phủ Mỹ đã liệt gã khổng lồ truyền thông Trung Quốc Huawei vào danh sách đen nên IEEE đã không chấp nhận bổ nhiệm các nhân viên của Huawei vào vị trí thẩm định hoặc biên tập viên. Tuy nhiên, vào ngày 3/6, IEEE tuyên bố đã hủy bỏ lệnh cấm đối với Huawei.
Trên thực tế, IEEE là tổ chức giáo dục kỹ thuật chuyên nghiệp lớn nhất thế giới với 420.000 thành viên đến từ 175 quốc gia. Viện này xuất bản nhiều tạp chí và sách, tổ chức hơn 300 hội nghị chuyên ngành vào mỗi năm.
Trong khi đó Huawei là doanh nghiêp công nghệ đã tài trợ cho nhiều hội nghị trên toàn cầu nên nhiều nhân viên của Huawei là thành viên của IEEE. Huawei dựa vào các tổ chức giáo dục lớn như vậy để tiến hành nghiên cứu, sản xuất, tối ưu hóa sản phẩm. Một khi IEEE cấm các nhân viên Huawei tham gia vào công việc đánh giá, Huawei sẽ mất cơ hội xem xét các tạp chí chuyên ngành cũng như đưa thêm nhân viên mới vào tổ chức này.
Điều này khiến các du học sinh Trung Quốc vô cùng lo lắng. Tiểu Kim cho biết, vài tháng trước, một giáo sư người Mỹ gốc Hoa tại trường thông báo rằng ông đã thành lập một dự án nghiên cứu hợp tác với một trường đại học ở châu Á (không phải Trung Quốc). Nhà trường đã đồng ý và hỗ trợ tài chính nhưng chỉ vài tuần trước, phía nhà trường đã thu hồi lại quyết định này khiến dự án bị đình chỉ tạm thời. “Rõ ràng tình hình hiện nay khiến giới học giả rất lo lắng”, Kim nói.
Theo giới quan sát, về chiến lược nhân tài, Mỹ luôn theo đuổi chiến lược “phạm vi rộng và nghiêm khắc”, khuyến khích các tài năng khoa học và công nghệ nước ngoài chuyển đến Mỹ và hạn chế dòng chảy ngược lại. Điều này vô hình trung đã cản trở chiến lược “kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc.
Kế hoạch ngàn người là một chiến lược quốc gia để Trung Quốc thu hút nhân tài ở nước ngoài về nước. Kể từ khi chính thức ra mắt năm 2008, gần 8.000 chuyên gia ở nước ngoài đã được lựa chọn.
Tuy nhiên, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nghi ngờ rằng chiến lược này có liên quan đến lĩnh vực an ninh Trung Quốc. Vào năm 2015, trước khi xảy ra chiến tranh thương mại, FBI đã bắt giữ nhà vật lý gốc Hoa Hy Tiểu Tinh và truy tố tội danh gián điệp nhưng sau đó tội danh không được thành lập do thiếu bằng chứng.
Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, ông này nói rằng: “Trường hợp của tôi đã khiến nhiều nhà khoa học cảm thấy sợ hãi. Nhiều người Mỹ gốc Hoa và người Mỹ gốc Á cũng sợ hãi”.
Tài liệu công khai cho thấy 39% người Mỹ đã giành giải thưởng Nobel về vật lý, hóa học và y học trong những năm gần đây là các nhà khoa học nhập cư.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, những động thái tương tự của Mỹ sẽ gây phản ứng sợ hãi trong giới nhân tài, bởi đội ngũ này được coi là chìa khóa quan trọng trong chiến lược phát triển của Mỹ.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, đối với Trung Quốc và Mỹ, bất kể kết quả của cuộc chiến thương mại như thế nào thì cạnh tranh nhân tài vẫn có thể tiếp tục kéo dài trong một thời gian dài.