Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLa Croix: Diệt chủng ở TQ là tội ác chưa từng có

La Croix: Diệt chủng ở TQ là tội ác chưa từng có

Tờ La Croix, một tờ báo lâu đời và có lượng lưu hành phổ biến nhất ở Pháp, với cách đánh giá các vấn đề thời sự thế giới từ góc nhìn của Giáo hội Công giáo Rôma, mới đây đã đăng tải bài viết “China’s ‘genocide’ unlike any other” (Tạm dịch: “Diệt chủng” ở Trung Quốc không giống bất kỳ cuộc diệt chủng nào khác), kêu gọi cộng đồng quốc tế phải hành động để chấm dứt tội ác diệt chủng là thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc.

Cộng đồng thế giới phải hành động để chấm dứt việc cưỡng bức lấy nội tạng từ các tù nhân lương tâm.

Trung Quốc có thể đang thực hiện “một hình thức diệt chủng đằng sau các cơ sở y tế”, theo nhà báo Ethan Gutmann, tác giả cuốn sách “The Slaughter” (Tạm dịch: Đại Thảm Sát).

Hoặc theo Nghị sĩ Anh Fiona Bruce, chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ, mô tả trong một cuộc tranh luận tại quốc hội trước đó là “một tội ác chống lại loài người và… có khả năng chính là một cuộc diệt chủng vào thế kỷ 21”.

Một tội ác không giống bất kỳ tội ác nào từng có – cưỡng bức lấy đi nội tạng từ các tù nhân lương tâm.

Người từng truy tố [cựu Tổng thống Nam Tư] Slobodan Milosevic [tại Tòa án Hình sự Quốc tế] – luật sư Anh quốc, Ngài Geoffrey Nice – đang làm chủ trì hội đồng bảy thành viên tại một tòa án độc lập về tội ác này.

Tòa án [Độc lập Điều tra về Thu hoạch Nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại] Trung Quốc, bao gồm các luật sư, một học giả, một chuyên gia y tế, và một doanh nhân, đã tổ chức các phiên điều trần vào ngày 6-7/4/2019 tại London và sẽ công bố phán quyết cuối cùng vào tháng 6. Nhưng sau 3 ngày điều trần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái, thực tế họ đã “chắc chắn, đồng thuận, không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn… bởi các tổ chức và cá nhân do nhà nước tổ chức và cho phép.”

Tòa án độc lập: TQ thu hoạch nội tạng và vi phạm nhân quyền nghiêm trọngNgài Geoffrey Nice (Phải) nói về tội ác tại Trung Quốc, các chuyên gia nhận định tòa rất có thể tuyên án tội diệt chủng.

Việc một hội đồng uy tín như vậy thực hiện một bước đi bất thường là đưa ra phán quyết tạm thời, rõ ràng là một điều thu hút sự chú ý. Họ đã đưa ra quyết định của mình, với hy vọng rằng nó có thể “cứu những người vô tội khỏi bị giết hại”, theo hội đồng cho biết.

Mặc dù vậy đây là một loại vi phạm nhân quyền khó chứng minh nhất, bởi khác với nhiều tội ác khác, nhân chứng duy nhất là các bác sĩ, cảnh sát và nhân viên nhà tù có liên quan.

Bằng chứng đều nằm trong một phòng phẫu thuật ở bệnh viện, và được làm sạch hiệu quả theo chuẩn mực y tế. Như Nghị sĩ Anh Fiona Bruce đã chỉ ra trong cuộc tranh luận tại quốc hội, đây gần như là “một tội ác hoàn hảo” vì không có nhân chứng sẽ đứng ra làm chứng. “Bởi vì người bị hại đều đã chết”.

Nữ diễn viên người Canada gốc Hoa, cựu Hoa hậu Thế giới Canada, Anastasia Lin, đã nói tại một phiên điều trần tại quốc hội Anh rằng “trên đường phố, nếu ai đó tấn công bạn, bạn có thể hét lên để được giúp đỡ. Trong phòng phẫu thuật của một trại lao động, không ai có thể nghe thấy tiếng la hét của bạn. Ở Trung Quốc, bản thân nhà nước có liên quan tới việc đánh cắp nội tạng. “

Cáo buộc chỉ ra rằng không chỉ tội phạm bị tử hình mới bị lấy nội tạng, mà cả tù nhân lương tâm [những người bị giam giữ chỉ vì tín ngưỡng của họ] – đặc biệt là thành viên phong trào tâm linh Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật giáo Tây Tạng, và một số Kitô hữu không cầu nguyện tại nhà thờ nhà nước. Những người này đã bị kiểm tra sức khỏe chuyên sâu, tương đương với việc kiểm tra mô phục vụ cấy ghép tạng, và rất nhiều người đã bị lấy đi nội tạng mà không có sự đồng thuận.

Những nội tạng này đã nuôi dưỡng một ngành kinh doanh cấy ghép nội tạng khổng lồ.

Ba năm trước, cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour, luật sư David Matas và nhà báo Gutmann đã công bố báo cáo “Bloody Harvest/The Slaughter: An Update“ (Thu hoạch đẫm máu/Đại Thảm Sát: Bản cập nhật), dựa trên các cuộc điều tra trước đó, và bổ sung nghiên cứu giám định các thông tin công khai của 712 bệnh viện Trung Quốc đang tiến hành cấy ghép gan và thận.

Họ phát hiện rằng số ca ghép tạng ở Trung Quốc lớn hơn nhiều so với các báo cáo điều tra trước đây, và do đó, họ kết luận, quy mô thu hoạch nội tạng cưỡng bức cũng lớn hơn nhiều.

Chỉ riêng một bệnh viện là Bệnh viện Trung ương số 1 Thiên Tân, đang thực hiện hơn 6.000 ca cấy ghép mỗi năm – và họ suy luận rằng khoảng 60.000 đến 100.000 nội tạng được cấy ghép mỗi năm tại các bệnh viện Trung Quốc.

Điều này đặt ra câu hỏi: những nội tạng này đến từ đâu?

Trung Quốc không có truyền thống hiến tạng tự nguyện. Năm 2018, số liệu chính thức của chính quyền về số lượng người hiến tạng là khoảng 6.000, hiến tổng cộng 18.000 tạng. Tuy nhiên, theo Kilgour, Matas và Gutmann, con số cấy ghép này “dễ dàng bị vượt qua chỉ tính con số cấy ghép ở một vài bệnh viện.”

Ngoài ra tại Trung Quốc, bệnh nhân, bao gồm cả người nước ngoài, được hẹn là sẽ có nội tạng khỏe mạnh để cấy ghép trong vài ngày, trái ngược với hầu hết các nước phương Tây tiên tiến, nơi một bệnh nhân chờ đợi nhiều tháng, đôi khi nhiều năm, cho một ca cấy ghép. Các nhà điều tra đóng giả là bệnh nhân gọi điện thoại đến các bệnh viện Trung Quốc đã xác nhận điều này.

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch Ủy ban cấy ghép tạng Trung Quốc, Bác sĩ Hoàng Khiết Phu, theo hồ sơ ghi nhận, đã đặt hai lá gan bổ sung từ các bệnh viện ở Trùng Khánh và Quảng Châu để dự phòng cho một ca cấy ghép mà ông ta tiến hành ở Tân Cương vào năm 2005. Chúng đã được chuyển đến ngay vào sáng hôm sau.

Bị kết án đến chết

Các số liệu [chính quyền Trung Quốc đưa ra] không thể khớp với số liệu thực tế. Để có thể cung cấp nội tạng khỏe mạnh cho bệnh nhân chỉ trong vài ngày, để hàng trăm bệnh viện có thể cấy ghép tạng như vậy, và với chỉ vài ngàn người hiến tạng mỗi năm, thì chắc chắn phải có thêm một nguồn nội tạng khác.

Nội tạng từ tử tù có thể là một giải thích, nhưng luật pháp Trung Quốc yêu cầu các tù nhân bị kết án tử hình phải bị xử tử trong vòng bảy ngày, nên nguồn nội tạng này bị hạn chế, không có sẵn.

Điều này đã dẫn các nhà điều tra tới kết luận rằng tù nhân lương tâm [những người bị bắt giữ chỉ vì tín ngưỡng của họ] chính là nguồn nội tạng. “Việc tội ác chống lại loài người này kết thúc khi nào vẫn còn là điều chưa biết được”, các nhà điều tra kết luận, “Kết luận cuối cùng là Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khiến bộ máy nhà nước tham gia vào việc giết hại hàng loạt người vô tội… để có được nội tạng phục vụ cấy ghép.”

Một cựu bác sĩ phẫu thuật tại Tân Cương, bác sĩ Enver Tohti, đã làm chứng về việc ông đã tham gia cưỡng bức lấy nội tạng từ tù nhân vào năm 1995 tại một pháp trường. Sau khi được bác sĩ phẫu thuật chính của bệnh viện yêu cầu, Enver Tohti đã chuẩn bị dụng cụ và được đưa tới pháp trường.

“Chúng tôi được bảo phải đợi phía sau một ngọn đồi và chạy vào ngay khi nghe tiếng súng nổ”, bác sĩ Enver Tohti nhớ lại. “Một lát sau súng nổ. Không phải một mà là nhiều. Chúng tôi lao tới. Một sĩ quan cảnh sát hướng dẫn tôi. Anh ta dẫn chúng tôi lại gần, rồi chỉ vào một xác chết, nói rằng ‘đây là người đó.’ Bác sĩ phẫu thuật chính đột ngột xuất hiện tại đó và bảo tôi cắt lấy gan và hai quả thận. Ông ta giục tôi nhanh chóng thực hiện… Sau đó, ông ta đặt những nội tạng đó vào một chiếc hộp và lên xe. Họ bảo tôi quay về bệnh viện, và không bao giờ nói về những gì đã xảy ra.”

Xem thêm video lời chứng của ông Enver Tohti (phần xem thêm này không có trong bài báo của La Croix):

Các chuyên gia đã làm chứng với các cơ quan lập pháp trên khắp thế giới, bao gồm cả Quốc hội Hoa Kỳ, và nhiều nghị quyết lên án việc này đã được thông qua tại Mỹ, Nghị viện Châu Âu và các cơ quan lập pháp khác.

Một số quốc gia, như Israel, Ý, Tây Ban Nha và Đài Loan, đã cấm “du lịch ghép tạng” đến Trung Quốc, và Thượng viện Canada đã có biện pháp lập pháp để làm điều tương tự .

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc đã yêu cầu Trung Quốc giải thích về nguồn gốc nội tạng, nhưng không nhận được phản hồi; và một trong những tiếng nói được tôn trọng nhất trên thế giới về đạo đức cấy ghép nội tạng, Tiến sĩ Annika Tibell, đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế.

Trung Quốc có phản hồi không? Nếu có, chúng tôi muốn nghe Trung Quốc phản hồi. Nếu không, cộng đồng quốc tế với tất cả các cơ quan – chính phủ, truyền thông, luật sư, bác sĩ, hiệp hội nghề nghiệp và các tổ chức phi chính phủ – phải xem xét đưa ra phản ứng của họ về điều này.

Nếu phán quyết tạm thời của Toà án [Độc lập Điều tra về Thu hoạch Nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại] Trung Quốc đã đưa sự thật ra ánh sáng, thì rõ ràng phán quyết đó thúc ép [cộng đồng quốc tế có] nghĩa vụ thực hiện công lý, đưa những kẻ phải chịu trách nhiệm ra chịu tội.

Nếu phán quyết đó là đúng, nó đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải đánh giá lại mối quan hệ của họ với quốc gia phải chịu trách nhiệm cho tội ác này. Các quốc gia khác cũng cần tiếp bước theo những quốc gia [tiên phong] đã đưa ra luật cấm du lịch cấy ghép tạng đến Trung Quốc

Liên Hợp Quốc cần chỉ định một Đặc phái viên đặc biệt về nhân quyền tại Trung Quốc và tổ chức một ủy ban điều tra. Và nếu phán quyết là đúng, thì cần phải hành động khẩn cấp để ngăn chặn việc tiếp tục giết hại những người vô tội.

Nghị sĩ Fiona Bruce, chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh, kết luận: “Có phải rồi chúng ta sẽ lại nghe thấy cụm từ ‘không bao giờ nữa’(*) được nói ra với sự hối hận, khi cuối cùng sự thật được phơi bày? Đây không phải trường hợp mà chúng ta không thể làm được gì… Tội ác này cần phải được giải quyết. Những ai không chịu hành động rồi cũng sẽ phải chịu trách nhiệm [về sự thờ ơ của họ].”

Benedict Rogers – Phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh

(*) Chú thích của người dịch: “Không bao giờ nữa” (Never again) là nội dung một tấm bia viết bằng nhiều thứ tiếng tại trại tập trung Dachau tại Đức, nơi những người Do Thái bị Đức Quốc Xã diệt chủng. Đây được coi như một lời hứa – lời hẹn ước – lời thề của cộng đồng quốc tế rằng nhân loại sẽ không bao giờ thờ ơ trước tội ác chống lại loài người, như đã từng thờ ơ trước việc người Do Thái bị diệt chủng trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Tâm lý gì đằng sau sự thờ ơ trước những cuộc diệt chủng? – Kỳ 2: Sự thất hứa lớn nhất thế kỷ 20 và có thể là thế kỷ 21Ảnh chụp tấm bia “Never Again!” ở trại tập trung Dachau tại Đức. (Ảnh qua Wikiwand)

RELATED ARTICLES

Tin mới