Sunday, November 24, 2024
Trang chủThâm cung bí sửMao Trạch Đông và những người đàn bà (kỳ 11)

Mao Trạch Đông và những người đàn bà (kỳ 11)

Uông Đông Hưng lặng lẽ ra khỏi phòng làm việc của Mao, về toa xe làm văn phòng của mình, nhắc điện thoại lên, gọi về Văn phòng trung ương ở Trung Nam Hải, Bắc Kinh, yêu cầu cử người và cho xe riêng lên ngay Cục Đường sắt Cáp Nhĩ Tân, đón ngay Trương Dục Phượng, nhân viên phục vụ trên tàu, đưa về đoàn tàu riêng của Chỉ tịch đang đậu ở huyện Từ Thủy.

Giang Thanh thân thiết với Thư ký Trương Dục Phượng của Mao Trạch Đông trong Cách mạng văn hóa

Có ngay Trương Dục Phượng

Trương Dục Phượng là người con gái quốc sắc thiên hương đến mức nào mà khiến cho “lãnh tụ vĩ đại” phải tương tư để đến nỗi đêm không ngủ, ngày không ăn?

Trên đất Thần Châu này có nhiều tỉnh, thành là nơi sinh ra mĩ nữ đang tự hào. Ví dụ, huyện Mễ Chi ở tỉnh Thiểm Tây, Đào Hoa Giang ở Hồ Nam, Khố Xa ở Tân Cương, Đại Lí ở Vân Nam, Triều Xán ở Quảng Đông, Mẫu Đơn Giang ở Hắc Long Giang, vân vân. Trong phạm vi cả nước, gái đẹp nổi tiếng phải kể đến năm nơi là Tô Châu, Hàng Châu, Thanh Đảo, Đại Liên, Cáp Nhĩ Tân. Tô Châu, Hàng Châu từ cổ xưa là nơi tụ tập ăn chơi, múa hát, phồn hoa đô hội; Thanh Đảo, Đại Liên, Cáp Nhĩ Tân lại là cửa ngõ thông thương, giao lưu bốn phương, từ thời xa xưa của Trung Quốc, lai da trắng da vàng, để lại những đứa con xinh đẹp.

Cứ bình tâm suy xét, Trương Dục Phượng không phải là người đẹp theo kiểu truyền thống “đôi mắt mỉm cười, miệng chúm chím hoa đào”, cũng không phải là cái đẹp kiểu hiện đại: mắt sáng, hàm răng trắng đều, thần thái vui tươi, cô chỉ là viên ngọc dịu dàng thuần khiết. Trương Dục Phượng sinh ra trong một gia đình công nhân đường sắt, mới học hết bậc trung học cơ sở, lả đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản, yêu quí xã hội mới, yêu quí Mao Chủ tịch. Cô cao một mét sáu mươi ba, dáng người nhỏ nhắn thanh thoát, tính tình dịu dàng, có nụ cười thật ngọt ngào. Ưu điểm lớn nhất của cô là hiểu lòng người, biết quan tâm đến người khác, chịu khó, chỉ biết dâng hiến, không đòi hỏi gì cho mình.

Hai năm trước, năm 1956, Mao đáp tàu hỏa đi thị sát vùng Đông Bắc, lúc bấy giờ Trương Dục Phượng mới mười bảy tuổi, được cử lên tàu làm nhân viên phục vụ một thời gian ngắn. Lúc ấy Mao đang say sưa với người khác, không để ý đến cô. Mao chỉ cảm thấy cô nhân viên phục vụ nhỏ bé này sau khi lên tàu thì văn phòng, phòng ngủ tất thảy đều gọn gàng, ngăn nắp. Mao to béo, hay ra mồ hôi, (xin lỗi, hồi bấy giờ ở Đại Lục chưa có máy lạnh). Cô nhân viên phục vụ nhỏ bé này lên tàu, thì trên bàn viết, trên bàn trà, trên tủ đầu giường trong phòng ngủ, trên khay chén sứ trắng muốt luôn có khăn bông trắng ướt nước. Mao nghiện thuốc lá, hút hết điếu này đến điếu khác, cho nên trên bàn viết, trên mặt bàn trà lúc nào cũng có tàn thuốc, gạt tàn thì lúc nào cũng đầy. Có cô phục vụ xinh xắn này cái gạt tàn luôn được thay đổi, trở nên sạch sẽ. Từ thời trẻ Mao đã không chú ý đến áo quần, không sạch sẽ, không thích tắm gội, thay áo quần. Mao thích bơi, nhưng rất ghét bồn tắm, có một cô phục vụ thế này: cứ mỗi tối lại đem đến cho ông ta những bộ đồ mới giặt sạch sẽ, là ủi tinh tươm, nhẹ nhàng nhắc nhở:

– Thưa Chủ tịch, lúc nào đi ngủ, xin Chủ tịch thay áo quần…

Những việc nhỏ nhặt trong sinh hoạt, với Mao, quá nửa cuộc đời lăn lộn nơi chiến trường, chưa bao giờ được chu đáo như thế. Có thể Giang Thanh cũng không chăm sóc ông. Đến bây giờ đã là “Mao Trạch Đông vĩ đại” mới cảm thấy sự dịu dàng, thân thiết của bàn tay phụ nữ. Một lần, nhân lúc Trương Dục Phượng đến thu dọn chăn đệm, Mao ôm cô vào lòng, hỏi:

– Cô là Trương Dục Phượng à? Tôi quen tùy tiện rồi, cảm ơn cô chăm sóc…

– Thưa Chủ tịch, được ở bên Chủ tịch mấy hôm là hạnh phúc, vinh dự lớn trong đời cháu rồi ạ!

– Hừm, tôi không tin.

– Thưa Chủ tịch, cháu nói thật đấy ạ.

– Hừm, thật thì đúng là thật, con gái hay khóc lắm… Cô Phượng người ở đâu?

– Tổ tiên cháu ở Mẫu Đơn Giang tỉnh Hắc Long Giang ạ.

– Mẫu Đơn Giang à? Nơi ấy đẹp lắm, cái tên thật đẹp. Người ta nói, hoa mẫu đơn Lạc Dương đẹp nhất thiên hạ, nhưng Lạc Dương không có người đẹp. Mẫu Đơn Giang người đẹp nối tiếng thiên hạ, nhưng không có hoa mẫu đơn.

– Thưa, Chủ tịch nói đúng lắm.

– Hay… như vậy là cô muốn ở bên tôi rồi đấy.

– Cháu muốn suốt đời được phục vụ Chủ tịch. Vâng, cháu là con gái nhà công nhân, Cha mẹ cháu vốn lai Nga, thời Nhật chiếm đóng, phải làm lụng vất vả. Cả gia đình cháu rất biết ơn đại cứu tinh…

– Tốt tốt, con gái công nhân, tốt lắm.

Lúc ấy, Mao chỉ ôm và vuốt ve cô nhân viên phục vụ xinh xắn, chỉ là sự vuốt ve của người cha, không có hành động nào quá mức. Nhưng Trương Dục Phượng thì sao? Được “lãnh tụ vĩ đại” ôm vào lòng, chỉ cảm thấy xúc động. Người con của giai cấp công nhân ngày đêm tưởng nhớ và ngợi ca Mao Chủ tịch, vị đại cứu tinh của giai cấp công nhân, được Người ôm vào lòng, nước mắt lưng tròng, toàn thân cô như được bao trùm hạnh phúc. Cho dù lãnh tụ vĩ đại có tiến thêm một bước nữa thì cô cũng để mặc số phận, không giữ lại chút gì. Được lãnh tụ thần thánh hóa, “người được vùng lên” chỉ còn biết cảm ơn.

Hai năm trôi qua, trong những tháng ngày cuộc “đại nhảy vọt” như lửa sôi, ngựa phi nước đại, thì Mao lại nhớ đến Trương Dục Phượng. Các cô gái đẹp trôi qua trước mặt như sương khói, Mao muốn một người như Trương Dục Phượng ở bên mình, dịu dàng chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ. Về chính trị, Mao là chúa tể của các vị thần vĩ đại, về sinh hoạt, Mao muốn có những tình cảm chân thành của những người con trai, con gái bình thường.

Xe của văn phòng trung ương mải miết phóng ngày đêm đến Cáp Nhĩ Tân. Người phụ trách đảng ủy Cục Đường sắt Cáp Nhĩ Tân cuống lên. Cục Đường sắt Cáp Nhĩ Tân quản lí gần một triệu cây số đường sắt, mỗi ngày có đến hơn một trăm chuyến tàu khách qua lại, tàu đường dài chạy thẳng từ Cáp Nhĩ Tân đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Trịnh Châu, Tây An, Lan Châu. Đang đêm, xe của Trung ương cử đến để đón một nữ nhân viên phục vụ trên tàu, tất nhiên đó là một nhiệm vụ chính trị vô cùng vinh quang, là sự quan tâm của trung ương đối với mấy trăm nghìn công nhân đường sắt, nhưng biết đi đâu, lên chuyến tàu nào để tìm một nữ nhân viên bình thường này đây?

Tất cả các cơ quan thuộc Cục Đường sắt Cáp Nhĩ Tân đều bị tổng động viên đi tìm Trương Dục Phượng. Đầu tiên, Tổng cục trưởng tìm đến phân cục vận chuyển hành khách, phân cục vận chuyển hành khách tìm đến các đoàn tàu chở khách, các đoạn tàu khách tìm về các đại đội nhân viên phục vụ trên tàu, đại đội tìm về trung đội, trung đội tìm về các tổ, cuối cùng cũng tìm thấy. Trương Dục Phượng đang phục vụ trên đoàn tàu nhanh chạy về hướng Mẫu Đơn Giang.

Ơn trời ơn đất, tổ phục vụ của Trương Dục Phượng chưa đi Lan Châu miền Tây, xuống Thượng Hải miền Nam, mà vẫn trong quản hạt của Cục Đường sắt Cáp Nhĩ Tân. Ông Cục trưởng sờ lên cái đầu đầy mồ hôi, gọi điện thoại cho trực ban tất cả các ga trên tuyến đường Mẫu Đơn Giang, lệnh cho đồng chí Trương Dục Phượng đang phục vụ trên đoàn tàu mang số hiệu 1116 phải quay về Cáp Nhĩ Tân ngay; tất cả các ga trên tuyến đường này phải tạo mọi điều kiện cho đồng chí Trương Dục Phượng được trở về sớm nhất.

Mệnh lệnh như núi đổ. Sáng sớm hôm sau Trương Dục Phượng đã về đến Cáp Nhĩ Tân. Thật ra, cô vừa lấy chồng được một tháng. Chồng cũng là công nhân đường sắt, cũng đi làm ba ca thay đổi. Hai vợ chồng trẻ ở chung với cha mẹ, nhưng rất khó được nghỉ cùng một ca. Cô chỉ kịp về nhà lấy vài bộ quần áo, vội vã từ biệt cha mẹ. Cô không thể nói với cha mẹ mình đi đâu, chỉ nói Cục cử đi công tác, chấp hành nhiệm vụ mới. Cha mẹ cô cũng đã nghĩ, con gái sẽ được lên phục vụ ở đoàn tàu riêng. Tuy con gái kín mồm kín miệng, không nói đã phục vụ vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nào, nhưng qua phim tài liệu chiếu ở bãi chiếu bóng, họ biết nếu không phải là Mao Chủ tịch thì cũng là các vị Lưu Thiếu Kì, Chu Đức, Chu Ân Lai. Hai vợ chồng cho rằng, chỉ mấy hôm con gái lại về.

Tính khí Mao rất quái gở, tất cả phải theo ý ông ta. Người Mao to béo lừng lững, thích những cô gái nhỏ nhắn, mảnh mai; động tác của ông ta nặng nề, đi lại chậm chạp, nhưng lại thích bên mình có những người nhanh nhẹn, khéo léo. Nói về chính trị, Mao yêu cầu các cấp, các ngành phải phá vỡ những qui định thường ngày, làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Mao là con người cố chấp, nóng tính, nhưng lại thích cấp dưới phải ôn tồn hòa nhã, nói gì phải nghe nấy; Mao thích thành tích lớn, ham cao xa, nhưng lại yêu cầu những người chung quanh phải thật thà, khiêm tốn, cẩn thận; Mao ngạo mạn coi khinh mọi người, độc đoán chuyên quyền, nhưng lại thích những người chung quanh phải cúi đầu răm rắp nghe theo, xun xoe cầu cạnh. Thỉnh thoảng Mao lại dẫn điển tích, khoe học vấn, nhưng lại thích người khác vô học, cho rằng mù chữ đáng tin cậy, người thô bạo là người trung thực. Trong chuyện tình cảm trai gái, Mao lệnh cho trai gái toàn thiên hạ phải chung thủy, sống với nhau đến đầu bạc răng long, nhưng bản thân lại thích gái đẹp, phải luôn luôn mới, càng khác càng hứng thú. Mao là một thể phức hợp đầy mâu thuẫn. Ông ta đề xướng vì nhân dân phục vụ, không ích kỉ, chỉ làm lợi cho người khác, triết học thấm sâu vào xương tủy, nhưng thà để tôi phụ thiên hạ, không để thiên hạ phụ lại tôi.

Khía cạnh đạo đức, tính cách của Mao bị lớp lớp hào quang hư ảo bao bọc, bị hoa tươi, cờ đỏ và những lời tụng ca nhấn chìm. Thậm chí, ông ta say sưa, mê hoặc với những vầng hào quang và lời tụng ca đó, tự nhận là sáng suốt vĩ đại, đúng đắn, vinh quang. Mao Trạch Đông là Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc là Mao Trạch Đông.

Vào lúc này, ở ga xe lửa huyện Từ Thủy trên bình nguyên Hoa Bắc Mao đang tựa lưng vào ghế mây, cau mày quắc mắt, buồn chán, bị bệnh tư tưởng của đám phàm phu tục tử. Bỗng, Trương Dục Phượng mặc bộ đồ đồng phục của công nhân đường sắt, xuất hiện trước mắt Mao. Mao ngỡ mình đang nằm mơ.

– Thưa Chủ tịch, cháu đã đến.

– Phượng à? Cô là Phượng à?

– Vâng, cháu là Phượng… Ở Cáp Nhĩ Tân cháu đã cảm thấy, là Chủ tịch gọi…

– Trời ơi, cô đến bằng cách nào? Trời thả cô gái này xuống với tôi.

– Trước lúc trời sáng, một chuyến máy bay đưa cháu đến Bắc Kinh, rồi một chiếc ô tô đưa đến với Chủ tịch.

Mắt Mao sáng lên, tim đập mạnh. Giọng nói Tương Đàm của Mao khiến hàng triệu người sợ khiếp vía, lúc này lại run run.

Trương Dục Phượng đã là một phụ nữ. Cô không biết Tư Mã Tương Như là người thế nào, nhưng cô hiểu lãnh tụ vĩ đại là một con người, là một người đàn ông to béo. Cô hiểu nhu cầu khẩn cấp của đàn ông, có thể gọi là “cuống lên như khỉ”. Được phục vụ “lãnh tụ vĩ đại”, thỏa mãn cứu tinh, là một niềm hạnh phúc to lớn của Trương Dục Phượng, một người con gái của giai cấp công nhân. Thử nghĩ, lãnh tụ tối cao của Đảng, Nhà nước, đại cứu tinh của nhân dân, ông ta đòi hỏi gái đẹp như thế nào? Gái đẹp ở đời này liệu có ai không muốn đến bên ông ta?. Bản thân không phải là người đẹp, nhưng lãnh tụ vĩ đại đã chọn, xuất thân tốt, tư tưởng lành mạnh, đứng đắn. Nhưng dưới trời này có rất nhiều cô gái có đủ những tiêu chí ấy, chỉ sợ duyên phận kiếp trước. Mao không như các bậc vua chúa thời xưa, ông ta thích con gái xuất thân công nhân… Hơn nữa, Chủ tịch của chúng ta thật tuyệt vời, ông vừa làm việc vừa lấy chúng ta ra làm niềm vui, nói những là đàn ông béo mập nặng nề, khiến người khác không chịu nổi…nào là sách nào nói những gì… Trương Dục Phượng chỉ biết đùa vui với Mao, không nghe rõ ông ta nói gì. Nói ra cũng thật kì lạ, trước mặt Chủ tịch mà Trương Dục Phượng thật thoải mái, cũng không biết xấu hổ. Chủ tịch còn vui vẻ nói với cô, đàn ông là dương, đàn bà là âm, đàn ông là trời, đàn bà là đất, hỏi cô có muốn làm trời một lúc không, Mao để cho phụ nữ vùng lên… Rồi Chủ tịch mệt nhoài, toát mồ hôi, nằm bất động. Trương Dục Phượng lấy khăn lau cho Chủ tịch đang được thỏa mãn như chưa bao giờ được thỏa mãn như thế. Cô rất kính yêu và biết ơn Chủ tịch. Cô chỉ cảm thấy có lỗi với người đàn ông ở Cáp Nhĩ Tân chỉ biết hùng hục làm việc, không được hưởng thụ, đáng thương cho người đàn ông.

Hai tiếng đồng hồ sau, Mao trở nên tươi cười, mặt đầy sắc xuân. Mao về phòng làm việc, ấn chuông gọi người. Uông Đông Hưng vào, Mao chỉ thị:

– Mùa xuân tranh thủ từng ngày, mùa hạ tranh thủ từng giờ, lập tức triệu tập hội nghị, lập tức báo cho các đồng chí ở tỉnh, khu, huyện đến bàn công chuyện. Sáng mai chúng ta đi xem công xã trồng bông, lúa mạch…

( Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới