Tiếng nói phản đối Bắc Kinh ở Manila bắt đầu tăng lên sau vụ tàu Trung Quốc bị cáo buộc đâm chìm tàu cá Philippines trên Biển Đông.
Căng thẳng trên Biển Đông đang tăng nhiệt trước cáo buộc của chính phủ Philippines về việc tàu cá Trung Quốc đâm chìm một tàu cá nước này hôm 9/6, rồi bỏ mặc 22 thuyền viên Philippines trôi dạt trên biển trước khi họ được một tàu cá Việt Nam giải cứu.
Salvador Panelo, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, yêu cầu Trung Quốc điều tra vụ đâm tàu cá FB Gimber1 và trừng phạt các thuyền viên tàu Trung Quốc. “Hành động bỏ rơi như vậy là vô nhân đạo và dã man”, người phát ngôn nói.
Ian Storey, học giả cao cấp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore và là chuyên gia địa chính trị về Biển Đông, cho rằng nếu tàu Trung Quốc cố tình đâm tàu cá Philippines đang đứng yên, đó là hành vi vi phạm các chuẩn mực quốc tế. “Đây không chỉ là một hành động gây hấn mà còn vi phạm nghĩa vụ xưa nay về việc hỗ trợ những người đi biển gặp nạn dù tàu của họ có đang hoạt động trong vùng biển tranh chấp hay không”, ông nói.
6 nước và vùng lãnh thổ gồm Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan đang tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên nhiều khu vực của Biển Đông, một vùng biển giàu tài nguyên nhưng có nguy cơ trở thành điểm bùng phát xung đột quân sự trong khu vực.
Lo ngại dâng cao cách đây vài năm khi Trung Quốc bắt đầu cải tạo phi pháp các bãi cạn và thực thể tranh chấp ở Biển Đông thành đảo nhân tạo. Trên những đảo này, quân đội Trung Quốc thiết lập các cơ sở đồn trú cho tên lửa đất đối không và sân bay dù năm 2016, một tòa trọng tài quốc tế đã phán quyết Bắc Kinh không có quyền tuyên bố chủ quyền đối với bất kỳ kết cấu nửa nổi nửa chìm nào ở Biển Đông.
Junel Insigne, thuyền trưởng tàu cá FB Gimber1. Ảnh: theworldnews.net. |
Philippines là nước khởi kiện để đưa Trung Quốc ra tòa và phán quyết của tòa trọng tài ở The Hugue, Hà Lan, chính là chỉ trích mạnh mẽ đối với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh phớt lờ phán quyết.
Song kể từ khi nhậm chức năm 2016, chỉ vài ngày sau phán quyết từ tòa trọng tài, Tổng thống Duterte đã bắt đầu sách lược “ve vãn” Trung Quốc như là một đối tác chiến lược và lánh xa Mỹ, đồng minh truyền thống của Philippines. Ông thậm chí còn bày tỏ quan điểm rằng một nước nhỏ bé như Philippines không thể địch nổi cường quốc đầy tham vọng như Trung Quốc và phải chấp nhận hiện thực của bức tranh an ninh mới.
Chuyến thăm gần nhất của Duterte đến Bắc Kinh hồi tháng 4 là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 4 của ông trên cương vị tổng thống. Cũng giống các chuyến thăm trước, ông lại mang về những cam kết đầu tư hàng tỷ USD từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
Nhưng vụ đâm chìm tàu cá FB Gimber1, diễn ra sau khi hàng trăm tàu cá Trung Quốc phong tỏa, không cho ngư dân Philippines tiến vào các ngư trường truyền thống của họ vào đầu năm nay, đã khiến quan hệ song phương rơi vào tình thế chông chênh.
Các chính trị gia Philippines từ cả hai phe cầm quyền lẫn đối lập đang yêu cầu Trung Quốc phải đưa ra câu trả lời.
Nhiều năm qua, các tàu cá Trung Quốc ồ ạt xâm nhập vào những vùng biển tranh chấp để đánh bắt, trong khi tàu hải cảnh Trung Quốc được triển khai kín đáo ở khoảng cách xa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tàu hải cảnh Trung Quốc có thể can thiệp trực tiếp, như hồi năm 2016, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã lao vào phá đứt dây kéo của một tàu đặc nhiệm biển Indonesia đang khống chế một tàu cá Trung Quốc hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Indonesia.
Hôm 12/6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay tàu cá Trung Quốc cố tình húc vào FB Gimber1 khi nó đang neo đậu ở gần bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Chúng tôi lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất đối với hành động hèn hạ của tàu cá và các thuyền viên Trung Quốc vì đã bỏ rơi thuyền viên Philippines. Đây không phải một hành động đáng mong đợi từ một dân tộc thân thiện và có trách nhiệm”, Lorenzana nói.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng gọi sự việc tàu Philippines bị đâm chìm là một tai nạn giao thông thông thường trên biển. Người phát ngôn từ chối xác nhận liệu tàu cá Trung Quốc có chịu trách nhiệm hay không và nói rằng Trung Quốc sẽ trả lời câu hỏi trực tiếp cho Philippines. Dù vậy, ông Cảnh Sảng cũng lưu ý bất kể bên nào gây ra vụ đâm tàu thì hành vi bỏ mặc tàu gặp nạn “phải bị lên án”.
Một quan chức thuộc một viện nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, ông Wu Shicun, cho rằng chưa có bằng chứng cho thấy tàu cá Trung Quốc chịu trách nhiệm trong vụ đâm tàu cá Philippines, chứ chưa nói đến vấn đề bỏ rơi thuyền viên Philippines. Thậm chí, ông còn đặt nghi vấn liệu tàu đã húc tàu cá Philippines có phải chắc chắn là tàu Trung Quốc hay không.
“Ông ấy không chứng minh được 100% đó là tàu của các ngư dân Trung Quốc”, Wu nói, đề cập đến tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana. “Tôi không nghĩ tàu cá Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu Philippines”, ông nói.
Tuy nhiên, hôm 15/6, Đại sứ Trung Quốc tại Manila đã ra tuyên bố xác nhận tàu cá Trung Quốc Yuemaobinyu 42212 đã “va vào” tàu cá Philippines và sau đó rời bỏ hiện trường vì các lo ngại về an toàn. Thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đã định cứu các thuyền viên Philippines nhưng sợ bị các tàu cá khác của Philippines đến bao vây.
Tuyên bố khẳng định biến cố này không phải hành động “đâm rồi bỏ chạy” như một số giới chức Philippines cáo buộc vì tàu cá Yuemaobinyu 42212 xác nhận đã chứng kiến các ngư dân Philippines được giải cứu.
Đồng tình với nhận định của Bộ Chỉ huy miền Tây, quân đội Philippines, cựu tư lệnh hải quân Alexander Pama cho rằng chắc chắn tàu cá Trung Quốc cố tình đâm vào tàu FB Gimber1. Ông đề nghị hai nước thành lập một “cơ quan trung lập” để điều tra vụ va chạm và đưa ra các khuyến nghị khắc phục theo luật quốc tế.
Hôm 13/6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. viết trên Twitter cho biết ông đã gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc về vụ tàu cá của họ đâm chìm tàu cá Philippines. Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros, một trong những người chỉ trích Tổng thống Duterte mạnh mẽ nhất, kêu gọi chính phủ lập tức triệu hồi Đại sứ và Tổng lãnh sự Philippines ở Trung Quốc.
“Vụ đâm chìm tàu cá của chúng ta phản chiếu hiện trạng chủ quyền của Philippines. “Thái độ tiếp tục quỵ lụy Trung Quốc của Tổng thống Duterte không còn có thể giữ vững chủ quyền đang đắm chìm”, bà Hontiveros bày tỏ gay gắt.
Người dân Philippines tuần hành ở thành phố Makati hôm 12/6, biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm đóng trái phép các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh: AP. |