Trang tin Sputnik Business hôm 26/8 đăng bài nhận định nguyên do Trung Quốc dường như đang mất kiểm soát đối với thị trường chứng khoán nước này khi để giá trị thị trường này liên tục “rơi tự do”.
Theo bài báo, nhu cầu giảm từ Trung Quốc đã kéo tụt giá cả hàng hóa trên thế giới, làm ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của hầu hết các nước đang phát triển. Đồng thời, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục lao dốc tới 42% giá trị so với đỉnh điểm hồi tháng 6 như một quả bóng khổng lồ vỡ tung, đẩy nhiều thị trường khác vào cơn hoảng loạn. Để đối phó, Bắc Kinh đã nỗ lực tiến hành các biện pháp nhằm đảo ngược hay ít nhất là “hạ nhiệt” bằng cách chặn lại dòng tháo vốn ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, đầu tư và nợ quốc gia.
Tuy vậy, trong khi thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm sút, thì các cơ quan tiền tệ và các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại chỉ tập trung vào giải quyết các vẫn đề vi mô, hoàn toàn bỏ ngỏ “bức tranh lớn” của vấn đề. Kết quả là chỉ số Shanghai Composite tụt 42% so với đỉnh điểm hồi tháng 6, tương đương 5 tỷ USD giá trị.
Tiếp đó, Bắc Kinh không thể đưa ra phương sách nào ngoài việc bơm 150 tỷ nhân dân tệ (NDT) vào hệ thống tài chính nhằm hỗ trợ các ngân hàng gặp khó khăn và điều tra các công ty trên thị trường, trong đó gồm cả những công ty môi giới lớn nhất nước này, như: Citic Securities, Haitong Securities, GF Securities, Huatai Securities và Founder Securities. Môt số quan chức Ủy ban Điều phối Chứng khoán Trung Quốc cũng không nằm ngoài diện bị xét hỏi.
Mặc dù ít có bằng chứng cho thấy thị trường tài chính Trung Quốc đang tăng các hoạt động đầu cơ quy mô lớn, gồm cả các hành vi gian lận và rò rỉ thông tin nội bộ, nhưng trên thực tế, các cuộc điều tra liên quan của chính quyền sẽ khiến tình trạng thoái vốn khỏi thị trường bột phát. Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiếp tục chỉ đưa ra hàng loạt các biện pháp kích kích một cách hạn chế, như phá giá tiền tệ và bơm tiền.
Các cổ phiếu châu Á vẫn giữ xu hướng giảm. Chỉ số CSI 300 của các công ty niêm yết lớn nhất tại Thẩm Quyến và Thượng Hải tụt 0.57% hôm 25/8, trong khi chỉ số Shanghai Composit mất 1,27% giá trị. Chỉ số MSCI APEX của châu Á trừ Nhật Bản không đổi. Riêng tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei tăng 3,2% nhờ hưởng lợi từ đồng Yên yếu và dòng thoái vốn khỏi Trung Quốc.
Sputnik Business đưa ra một số lý do, gồm cả kinh tế lẫn chính trị, đã khiến Trung Quốc dường như bất lực điều hành thị trường chứng khoán nước này, trị, gây mất ổn định nền kinh tế thị trường đầu tàu tăng trưởng của thế giới:
Thứ nhất, nhu cầu thiếu hụt đối với hàng hóa “made in China”, hay nói cách khác, nguồn cung hàng hóa Trung Quốc đang dư thừa. Đây là nguyên do đằng sau thực trạng ngành sản xuất Trung Quốc co lại. Trong 30 năm qua, đầu tư của Bắc Kinh tăng từ 30% lên 50% GDP, trong khi tiêu dùng giảm từ 50% xuống còn 35%. Như vậy, Bắc Kinh đã liên tiêp đầu tư vào những sản phẩm trong nước không có nhu cầu, với hy vọng đáp ứng nhu cầu từ bên ngoài. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu thế giới, ngược lại, giảm 5% trong 5 năm qua. Đây là một ví dụ về sự chỉ đạo thiếu sát đúng đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Tiêu dùng trong nước tại Trung Quốc đại lục hiện chiếm mức dưới 50% GDP, trong khi ở các nước phát triển, ví dụ như ở Mỹ, thành phần này chiếm tới 72% và là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Trung Quốc chưa thể cải thiện nhiều vấn đề này, nhưng họ lại cho phép giao dịch biên trên thị trường tài chính (giao dịch bằng tiền vay của ngân hàng), tạo ra bong bóng giả trong chứng khoán.
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống còn 7%, thấp hơn mức tối thiểu nhân khẩu học 8% (dân số già tăng 8%/năm) như vậy Trung Quốc sẽ “già trước khi giàu”. Bắc Kinh hiện chưa làm được gì nhiều để có thể đối phó với thách thức này. Như phân tích ở trên, kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhu cầu từ bên ngoài, trong khi nguồn thu này hiện đang bị co lại.
Thứ ba, giá tại xưởng và tỷ lệ lạm phát liên tục giảm. Dù doanh thu công nghiệp của Trung Quốc ngày càng cao, nhưng thu nhập của người lao động ít được cải thiện, tiền lương bị kìm hãm ở mức thấp nhằm tạo duy trì lợi thế xuất khẩu toàn cầu. Chính sách tiền tệ của PBOC chưa đủ để thu hút nguồn tiền M2 (tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn). Tăng trưởng nguồn tiền này giảm từ 13,5% năm 2011 xuống còn 11,8% năm 2015, trong khi nợ chính phủ tăng mạnh. Thêm vào đó, các nguồn lực phát triển sản xuất tiếp tục bị tình trạng tham nhũng và quản lý yếu kém kìm hãm.
Sputnik khuyến cáo giải pháp duy nhất được đưa ra đối với Trung Quốc là cân bằng tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tăng cường khai thác nhu cầu nội địa, qua đó “giảm nhiệt” giá dầu mỏ và nguyên liệu thô về ở mức của đầu những năm 1990