Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngĐâm, cướp tàu cá – Chiến lược của TQ để độc chiếm...

Đâm, cướp tàu cá – Chiến lược của TQ để độc chiếm Biển Đông

Đêm ngày 9/6, những ngư dân Philippines neo tàu của mình ở gần Bãi Cỏ Rong, thuộc khu vực quần đảo Trường Sa, để nghỉ ngơi sau nhiều ngày đánh bắt vất vả. Khi những ngư dân đang yên giấc, họ bất ngờ bị đánh thức bởi những tiếng quát tháo và đèn chiếu từ một tàu cá khác. Trước khi những ngư dân Philippines ngơ ngác kịp có bất cứ phản ứng nào thì chiếc tàu của họ đã bị tàu cá kia đâm chìm, hất cả 22 ngư dân trên tàu xuống biển.

Đó là câu chuyện mà những ngư dân Philippines kể lại với hãng tin ABS-CBN về cái đêm kinh hoàng khi họ bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm và bỏ rơi giữa biển cho đến khi được một tàu cá của Việt Nam đến cứu nhiều giờ sau đó.

Sự việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá nước khác ở khu vực Biển Đông không phải là mới. Ngay trước vụ tàu cá Philippines, vào ngày 2/6, một tàu Trung Quốc khác đã cướp một tàu cá Việt Nam ở vùng ngư trường truyền thống gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vào tháng 3 năm nay, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi cũng bị một tàu của Trung Quốc đâm chìm trong khu vực Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Một ngư dân Philippines tại một buổi họp báo hôm 17/6/2019 sau vụ tàu cá đâm chìm tàu cá Philippines ở Bãi Cỏ Rong hôm 9/6/2019

Một ngư dân Philippines tại một buổi họp báo hôm 17/6/2019 sau vụ tàu cá đâm chìm tàu cá Philippines ở Bãi Cỏ Rong hôm 9/6/2019 AP

Đó chỉ là một vài trong rất nhiều các trường hợp đâm, cướp tàu cá do tàu chấp pháp và tàu cá Trung Quốc thực hiện trong các năm qua với tàu cá của những quốc gia láng giềng ở khu vực Biển Đông. Nhận xét về hiện tượng này, giáo sư Renato Cruz de Castro thuộc trường Đại học De la Salle, Philippines, nói với Đài Á Châu Tự Do:

“Họ đang chuyển dịch hoạt động của họ từ Hoàng Sa ra toàn Biển Đông. Đây là một chiến tranh về tâm lý, gây sức ép lên các nước, cho các nước thấy rằng họ đang áp dụng chính sách đó, nó không phải là một tai nạn.”

Sau sự việc đâm tàu, phía Trung Quốc nói rằng đây là một vụ tai nạn trên biển và thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đã tìm cách cứu các ngư dân Philippines nhưng phải bỏ cuộc vì bị nhiều tàu cá Philippines khác bao vây. Tuyên bố này đã bị phía Philippines bác bỏ.

Chiến lược lâu dài

Sự việc tàu cá Philippines xảy ra vào khi quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã có những cải thiện đáng kể dưới thời của Tổng thống Rodrigo Duterte, người muốn theo đuổi chính sách thời bình với Trung Quốc. Ông Duterte cũng đã từng tuyên bố sẵn sàng gạt sang bên phán quyết của tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến vấn đề tranh chấp Biển Đông hồi năm 2016.

Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, cho rằng Trung Quốc luôn mạnh tay với các nước khi có liên quan đến những vấn đề mà nước này coi là lợi ích cốt lõi, bất chấp quan hệ hai bên nồng ấm ra sao.

“Trung Quốc có tình cảm với bất cứ ai đi chăng nữa nhưng lợi ích của họ không thay đổi. Việt Nam cũng phải hiểu điều đó. Hồi năm 2011 khi ông Nguyễn Phú Trọng mới đắc cử chức Tổng Bí thư thì ông sang Trung Quốc ký thỏa thuận chung về các nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển. Năm 2011 xảy ra vụ (Trung Quốc) cắt cáp, năm 2012 cũng cắt cáp, rồi đến năm 2014 Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng thềm lục địa của Việt Nam chẳng hạn thì đường dây nóng giải quyết tranh chấp giữa hai bên theo nguyên tắc coi như là số 0.”

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố Biển Đông là quyền lợi cốt lõi của mình, cũng tương tự như với Tây Tạng và Tân Cương.

Hình chụp hôm 2/6/2014: tàu Hải cảnh của Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu chấp pháp của Việt Nam gần khu vực giàn khoan HD 981

Hình chụp hôm 2/6/2014: tàu Hải cảnh của Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu chấp pháp của Việt Nam gần khu vực giàn khoan HD 981 AFP

Ngay đối với Philippines, vào tháng 5 vừa qua, Trung Quốc cũng đã điều 93 tàu, gồm tàu chức năng và tàu cá đến khu vực bãi cạn Scarborough của Philippines, xua đuổi các tàu cá của Philippines, trong khi các tàu cá của Trung Quốc ra sức thu hoạch nhiều loài thủy sản, san hô, theo báo cáo của Cục Cảnh sát biển Philippines.

Trong vụ giàn khoan HD 981 hồi năm 2014 mà Trung Quốc điều ra Hoàng Sa, Trung Quốc cũng sử dụng các tàu cá phối hợp với tàu chấp pháp, tàu quân sự, để ngăn chặn các tàu chấp pháp của Việt Nam hoạt động trong khu vực.

Đây là một phần trong chiến lược sử dụng lực lượng dân quân biển của Trung Quốc trong các năm qua tại các vùng nước tranh chấp.

Theo Hồ sơ Dân quân trên biển của Trung Quốc do các chuyên gia của Việt Nam thuộc Dự án Đại sự ký Biển Đông thực hiện, công bố hồi tháng 4 năm nay: “Trung Quốc sở hữu một lực lượng tàu đánh cá được cho là lớn nhất thế giới. Hàng ngàn ngư dân làm việc trên các tàu đánh cá đó, và trong các ngành nghề có liên quan, đều được đăng ký là một phần của lực lượng dân quân biển.”

Theo hồ sơ này, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc được huấn luyện và được điều động để phòng thủ hoặc nâng cao khả năng bảo vệ “quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc”, hỗ trợ cho hải quân trong thời gian có chiến tranh.

Hình minh họa. Hình chụp hôm 17/7/2012 do quân đội Philippines cung cấp: các tàu Trung Quốc neo ở Bãi Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa

Hình minh họa. Hình chụp hôm 17/7/2012 do quân đội Philippines cung cấp: các tàu Trung Quốc neo ở Bãi Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa AFP

Các tàu cá của ngư dân Trung Quốc được nhà nước hỗ trợ tiền của để đóng tàu vỏ sắt thay vì tàu vỏ gỗ yếu ớt như kiểu cũ. Các tàu được đóng lớn và có thể đi biển hàng tháng trời.

Với đội tàu đánh cá lớn như vậy, những năm qua, Trung Quốc liên tục điều các đội tàu hàng chục cái đi đến những vùng biển xa đang tranh chấp với các nước. Điển hình như hồi năm 2012, Trung Quốc điều đội tàu 29 chiếc tàu cá với hơn 300 ngư dân trong một chuyến đánh bắt dài 18 ngày tới khu vực đá Chữ Thập, đá Su Bi và tránh bão tại đá Vành Khăn ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Với những đội tàu hùng hậu, những vụ đâm tàu của tàu cá Trung Quốc, theo nhận định của giáo sư Renato Cruz de Castro, trong tương lai sẽ nhiều hơn và cuối cùng sẽ tạo kết quả như ý của Trung Quốc. Ông nói:

“Nó sẽ làm giảm hoạt động đánh bắt cá trong khu vực. Dần dần các ngư dân sẽ bỏ cuộc. Nó giống như một cuộc chiến tâm lý trên vùng khai thác cá. Nó giống như khủng bố trên biển.”

Phản ứng yếu ớt

Tiếp theo sau những vụ đâm, cướp tàu cá do tàu Trung Quốc thực hiện, chính phủ Việt Nam, Philippines, những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất, đều lên tiếng phản đối chính thức. Tuy nhiên, những phản ứng này theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế là khá yếu ớt.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 17/6 tuyên bố rằng vụ đâm tàu cá chỉ là một tai nạn bình thường trên biển mà một số người đã làm cho to lên. Đây cũng là lời giải thích giống với những phát biểu từ phía chính phủ Trung Quốc về vụ việc. Trong khi đó một số quan chức trong chính phủ Philippines cũng đã có những lời phát biểu tương tự. Giáo sư Renato Cruz de Castro cho biết:

“Họ không muốn thay đổi chính sách thời bình hướng tới Trung Quốc. Đã có những nỗ lực từ phía chính phủ Philippines tìm cách nói theo lập trường của Trung Quốc rằng đây là một tai nạn bình thường.”

Tại Việt Nam, những vụ tàu Trung Quốc đâm tàu cá, cướp tàu cá của Việt Nam được công khai trên mặt báo thường cũng nhận được những phải đối chính thức từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam và Hội nghề cá. Tuy nhiên, những cuộc xuống đường của người dân để phản đối Trung Quốc thường bị đàn áp. Truyền thông trong nước và lãnh đạo Việt Nam thường kêu gọi người dân bình tĩnh, không bị kích động và không để tình hình làm xấu đi quan hệ đang tốt đẹp giữa hai nước.

Hình minh họa. Những người Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm 3/7/2011

Hình minh họa. Những người Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm 3/7/2011 AFP

Tại diễn đàn ASEAN, các nước trong khối thường không dám lên tiếng chỉ đích danh Trung Quốc trong vấn đề căng thẳng ở Biển Đông. Những tuyên bố chung của khối thường chỉ nói chung chung. Malaysia và Brunei, hai nước thuộc ASEAN, đồng thời cũng có tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông thường tránh lên án Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Thạc sỹ Hoàng Việt nhận định: “Việt Nam và các nước ASEAN biết, nhưng thực lực không mạnh, vị trí trên trường quốc tế không lớn và quá sợ cái oai của Trung Quốc nên không đặt vấn đề này nhiều. Có lẽ giờ là giai đoạn cảnh báo và tìm giải pháp cho vấn đề này…..”

Hoa Kỳ mới đây đã điều tàu tuần duyên đến đóng tại Nhật Bản. Bà Linda Fagan, Phó đô đốc, Tư lệnh Vùng Thái Bình Dương của Tuần duyên Hoa Kỳ cho biết tuần duyên Mỹ đang theo dõi các hoạt động của dân quân biển Trung Quốc.

Trước đó, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ John Richardson nói với The Financial Times rằng Mỹ sẽ đối phó với lực lượng dân quân biển của Trung Quốc giống như đối với lực lượng quân sự chính quy.

Tuy nhiên những hành động của Mỹ gần đây tại Biển Đông để đối phó với chiến lược sử dụng dân quân biển của Trung Quốc, theo nhận xét của các chuyên gia, mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, và còn cần thời gian để đánh giá.

Cho đến lúc này, Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động của lực lượng dân quân biển, trong khi những nước trong khu vực không có phản ứng mạnh. Giáo sư Castro cho rằng, nếu mọi việc vẫn diễn ra theo cách của Trung Quốc thì tình hình chỉ có hướng xấu đi cho các nước nhỏ và có lợi cho Trung Quốc.

“Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động, đe dọa các ngư dân từ Việt Nam, Philippines, Malaysia hoạt động ở Biển Đông. Các chính phủ không làm gì được và khi ngư dân thấy rằng chính phủ không thể làm gì cho họ thì họ cũng sẽ không ra khơi ở những vùng nước đó nữa.”

RELATED ARTICLES

Tin mới