Chủ tịch Tập Cận Bình tới Triều Tiên trong tuần này giữa lúc cả hai nước đang căng thẳng với Mỹ: Một bên về thương mại còn một bên về vũ khí hạt nhân.
AP đưa ra nhận định về mục tiêu mà ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong Un có thể muốn đạt được trong chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Bình Nhưỡng trong hơn một thập niên qua.
Mong muốn của ông Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc thăm Triều Tiên giữa lúc ông đang kẹt trong một cuộc chiến thương mại thiệt hại lớn với Tổng thống Mỹ Donald Trump và trước khi hai người có cuộc gặp dự kiến vào cuối tháng này tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản.
Cuộc gặp của Chủ tịch Tập Cận Bình với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được xem là cách thức để ông Tập gửi tới ông Trump một thông điệp tinh tế nhưng gai góc. Washington phải nhượng bộ về thương mại nếu muốn Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình với Triều Tiên.
“Ông Tập có thể phát đi một thông điệp tới Mỹ, rằng ‘nếu các ông chấp nhận quan điểm của chúng tôi trong thương chiến, thì chúng tôi có thể chuyển quan điểm hạt nhân của các ông tới Bình Nhưỡng và giúp các ông đạt một số tiến bộ'” về vấn đề hạt nhân, AP dẫn nhận định của Nam Sung-wook – một giáo sư tại Đại học Hàn Quốc và là cựu Chủ tịch Viện Chiến lược an ninh quốc gia nước này.
Bắc Kinh cũng có thể muốn thể hiện rằng, tùy thuộc vào những gì Washington đang hành xử về thương mại, Trung Quốc có thể sử dụng ảnh hưởng của mình đối với ngoại giao Mỹ -Triều.
Đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đã đổ vỡ ở hội nghị thượng đỉnh lần 2, khi ông Trump bác bỏ yêu sách của ông Kim muốn dỡ bỏ cấm vận để đổi lấy các bước phi hạt nhân hóa từng phần. Sau đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho Washington thời hạn đến cuối năm nay để đưa ra các đề nghị giải trừ mới có thể chấp nhận được.
Phía chính quyền Trump khẳng định vẫn áp cấm vận nhưng để cửa ngỏ cho đàm phán thêm.
Theo AP, hiện trong giới chuyên gia có nhiều ý kiến khác nhau về mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên, vì trong những năm trước, Bình Nhưỡng vẫn tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân bất chấp bị Bắc Kinh phản đối.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước láng giềng rất thực tiễn. Hơn 90% ngoại thương của Triều Tiên đi qua Trung Quốc và một số chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc năm 2016 và năm 2017 đã khuyến khích ông Kim Jong Un mở rộng ngoại giao vào đầu năm 2018.
Mong muốn của ông Kim Jong Un
Chủ tịch Kim Jong Un muốn những gì ông luôn nhắm đến: Được nới lỏng cấm vận quốc tế, trong khi đưa ra nhượng bộ về chương trình hạt nhân ở mức ít nhất có thể.
Mặc dù Tổng thống Trump thường xuyên khen ngợi ông Kim Jong Un trên truyền thông, nhưng không có bất kỳ sự thay đổi nào trong lập trường cứng rắn của Mỹ về cấm vận hoặc giải trừ hạt nhân.
Chủ tịch Triều Tiên hiện đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc để gây áp lực đòi Mỹ xuống thang.
“Ông Kim sẽ cố gắng thuyết phục Chủ tịch Tập ủng hộ mạnh mẽ hơn cho nỗ lực của Triều Tiên thúc đẩy các bước (giải trừ vũ khí) để đổi lấy nhượng bộ của Mỹ và chống lại các biện pháp cấm vận tăng cường hoặc áp lực quân sự”, ông Wi Sung-lac, một cựu phái viên Hàn Quốc tham gia đàm phán hạt nhân sáu bên gồm hai miền Triều tiên, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản.
Theo ông Wi Sung-lac. Chủ tịch Tập có thể sẽ làm như vậy nhưng cũng sẽ thúc giục Kim Jong Un thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn với đối thoại và kiềm chế các hành động khiêu khích như thử vũ khí.
Sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 sụp đổ, Bình Nhưỡng đã thể hiện sự không hài lòng bằng cách thử tên lửa tầm ngắn và có những phát ngôn mạnh bạo chống lại Washington và Seoul. Giờ cả ông Tập và ông Kim nhiều khả năng sẽ muốn tránh né một cuộc chiến ngoại giao toàn diện với Mỹ.
Mới đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã gửi tới Tổng thống Trump một lá thư mà ông mô tả là “tốt đẹp”, một diễn biến được giới phân tích nhận định là thể hiện ý muốn của Kim Jong Un muốn duy trì quan hệ tốt với ông Trump.