Friday, October 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThời điểm TQ sẽ thống nhất với Đài Loan

Thời điểm TQ sẽ thống nhất với Đài Loan

Trong nhiều năm trở lại đây, quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đang trở nên vô cùng căng thẳng, có khả năng xảy ra xung đột bất cứ lúc nào. Giới chuyên gia, học giả cho rằng không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ “thống nhất” với Đài Loan trong thời gian tới.

Trung Quốc không từ bỏ âm mưu thống nhất với Đài Loan

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc hồi đầu tháng 6/2019, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh sẽ “kiên quyết phản đối và ngăn chặn mọi âm mưu hay động thái ly khai đòi độc lập cho Đài Loan, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”. Trước đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường (5/3) thông báo ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2019 sẽ tăng 7,5%, lên mức 177,49 tỷ USD; quyết tâm thực hiện chính sách “Một Trung Quốc” và chiến lược “Cường quốc biển”. Với mức tăng này, ngân sách quốc phòng Trung Quốc hiện đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ (nước sẽ chi 750 tỷ USD cho quốc phòng năm 2019).

Trước đó, tại buổi lễ kỷ niệm 40 năm ngày Bắc Kinh gửi thư cho Đài Loan kêu gọi thống nhất và chất dứt đối đầu quân sự, Chỉ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (2/1) tiếp tục thể hiện quan điểm “Một đất nước, hai chế độ” trong giải quyết vấn đề Đài Loan. Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình còn tuyên bố cứng rắn, Trung Quốc không loại trừ biện pháp quân sự để thu hồi Đài Loan, khẳng định “thu hồi Đài Loan là đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa trong thời đại mới”.

Phó chủ tịch Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc Hà Lôi (10/1) cho rằng cần phải coi những người ủng hộ Đài Loan độc lập là “tội phạm chiến tranh”, nhấn mạnh “những người ủng hộ Đài Loan ly khai phải dừng lại đúng lúc để tránh thảm họa, từ bỏ và trở lại với con đường đúng đắn. Nếu không thì họ sẽ trở thành những kẻ cặn bã của dân tộc Trung Quốc và sẽ bị lịch sử lên án”. Ông Hà Lôi cung cho rằng nếu Trung Quốc phải dùng vũ lực để dàn xếp vấn đề Đài Loan, những người này sẽ phải chịu trách nhiệm. Nói một cách khác, họ sẽ không thể tránh khỏi việc bị coi là tội phạm chiến tranh.

Nguyên Phó tư lệnh viên Quân khu Nam Kinh, Trung tướng Vương Hồng Quang cho rằng “quân đội Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan chỉ trong 100 giờ, tuyệt đối không cho Mỹ, Nhật Bản cơ hội điều động quân đội đến cứu viện. Ông Vương Hồng Văn còn chỉ ra, nếu không có điều kiện đánh úp, quân đội Trung Quốc có thể chuyển sang “phong tỏa”, lợi dụng chính sách vây chặt để gây khó, khiến Đài Loan trở thành “đảo chết”.

Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần thống nhất, kể cả bằng vũ lực. Trung Quốc đã nhiều lần điều máy bay và tàu chiến hoạt động quanh đảo Đài Loan trong các cuộc tập trận vài năm qua và tìm cách gây sức ép buộc nhiều nước trên thế giới cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Những động thái mới đây của Mỹ như đang xát muối vào vết thương của Trung Quốc khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump liên tục công kích Trung Quốc trên nhiều “mặt trận” khác nhau từ thương mại, Huawei, sáng kiến Vành đai – con đường, Biển Đông, nay là vấn đề Đài Loan. Chính quyền Trung Quốc lo ngại rằng, Mỹ đang sử dụng kịch bản tương tự trong chính sách đối ngoại như với Jerusalem và Cao nguyên Golan tại Trung Đông, tiến tới công nhận “Đài Loan là một quốc gia độc lập”.

Trung Quốc cũng liên tục tập trận, tuần tra sát eo biển Đài Loan nhằm cảnh cáo Đài Bắc sẽ phải trả giá đắt nếu tìm cách tuyên bố độc lập. Trong năm 2018, Trung Quốc liên tục tiến hành tập trận bắn đạn thật và tuần tra trong khu vực eo biển Đài Loan. Người phát ngôn Không quân Trung Quốc Đại tá Shen Jinke cho biết, tăng cường các cuộc diễn tập xung quanh đảo Đài Loan là hành động thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Chuyên gia Tống Trung Bình, cựu quan chức thuộc Quân đoàn Pháo binh số 2 của Trung Quốc nhận định để cảnh báo nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận chung với sự tham gia của cả lục quân, hải quân và không quân. Hành động này nhằm tăng cường sự hiện diện của các lực lượng vũ trang Trung Quốc ở eo biển Đài Loan. Bên cạnh đó, các chuyên gia còn nhấn mạnh, Bắc Kinh muốn thể hiện “khả năng tấn công chính xác” ngay trong các cuộc tập trận với mục tiêu “dằn mặt” ý định giành độc lập của Đài Loan. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho rằng, thông qua các cuộc tập trận, Trung Quốc muốn cảnh báo Đài Bắc và Washington là không có chuyện vượt qua “lằn ranh đỏ” do Trung Quốc đã vạch ra, cũng như đặt lại vấn đề về lợi ích cốt lõi.

Không chỉ hù dọa bằng quân sự, Trung Quốc còn ra sức cô lập Đài Loan tại các tổ chức quốc tế, giảm dần số đồng minh của Đài Bắc. Mới đây Cộng hòa Dominicana sau 77 năm nhận viện trợ của Đài Loan, đã mờ mắt trước số tiền đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh, đã bỏ rơi Đài Bắc, khiến số quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan chỉ còn 19 nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn ra sức dụ dỗ giới trí thức và tinh hoa của Đài Loan trong kinh tế sang định cư tại Đại lục, với rất nhiều ưu đãi.

Đài Loan quyết thực hiện chính sách “Đài độc”

Đáp lại tuyên bố trên, Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tỏ ra cứng rắn rằng, người dân Đài Loan phản đối chính sách “Một quốc gia, hai chế độ”. Trong khi đó, Chủ tịch Tân đảng Đài Loan Úc Mộ Minh cho rằng, chính sách đối ngoại của chính quyền bà Thái Anh Văn có khuynh hướng ngả sang phía Mỹ khiến Đài Loan trở thành “con tốt” của Mỹ trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh, hơn nữa mục tiêu sản xuất công nghiệp được chú trọng hiện nay tại Cao Hùng cũng là phát triển lĩnh vực công nghiệp quân sự, nhấn mạnh tất cả những biểu hiện này cho thấy Đài Loan đang hướng tới chiến tranh; đồng thời cảnh báo theo Luật chống ly khai của đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ ra tay nếu Đài Loan xuất hiện bất ổn.

Song song với những lời đáp trả đó, Đài Loan (17/1) đã phát động cuộc tập trận quân sự nhằm đối phó với những đe dọa quân sự từ bên kia eo biển, ngăn chặn mọi nguy cơ tấn công đổ bộ bằng đường biển từ phía Trung Quốc đại lục.

Ngoài ra, Lực lượng phòng vệ Đài Loan thời gian gần đây đẩy mạnh việc mua sắm các loại vũ khí hiện đại của Mỹ. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, từ năm 2010 đến nay, Mỹ đã bán cho Đài Loan hơn 15 tỷ USD vũ khí; đang thương thảo để cung cấp hơn 100 xe tăng M1A2 Abrams của tập đoàn Gerneral Dynamics Corp có trị giá khoảng 1,4 tỷ USD, các vũ khí chống tăng và chống máy bay (đạn chống tăng 409 Raytheon Co và tên lửa Javelin do Lockheed Martin sản xuất trị giá 129 triệu USD; 1.240 quả tên lửa chống tăng TOW trị giá khoảng 299 triệu USD; 250 tên lửa đất đối không vác vai 223 triệu USD), với tổng trị giá khoảng 2 tỷ USD. Điều này không thể giúp Đài Loan chiến thắng khi đương đầu với Trung Quốc về mặt quân sự, nhưng nó làm rối loạn trong tính toán của Trung Quốc, giúp Đài Loan an tâm rằng, họ không bị Mỹ bỏ rơi.

Trung Quốc buộc phải sớm thống nhất Đài Loan

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia gần đây đưa ra nhận định, trong năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tấn công quân sự để thu hồi Đài Loan. Đây không phải là nhu cầu cố hữu trong quan điểm chính trị các đời lãnh đạo Trung Quốc, nó còn là “”chìa khóa” giúp Trung Quốc thực hiện tham vọng trở thành “Cường quốc biển” trong thế kỷ XXI.

Thứ nhất, Chủ tịch Tập Cận Bình không còn nhiều thời gian. Từ ngày Tưởng Giới Thạch tiến ra Đài Loan (năm 1949), trải qua 70 năm, nền kinh tế Đài Loan đã có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành “con rồng” châu Á. Người dân Đài Loan đang thay đổi rõ rệt về nhận thức, ý thức tự tôn dân tộc, mong muốn Đài Loan độc lập đang là “xu thế chính”, đặc biệt là giới trẻ.

Thứ hai, năm 2019 đánh dấu 70 năm thành lập nước CHND Trung Hoa. Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống do cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ (được khởi động lại từ 10/5/2019 sau khi thất bại tại vòng đàm phán thứ 11). Niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đang xuống thấp. Nếu Trung Quốc thu hồi được Đài Loan sẽ là “điểm cộng” rất lớn trong sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình và tiến trình lịch sử của nước CHND Trung Hoa.

Thứ ba, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ D. Trump đang có nhiều chính sách và hành động “gây bất lợi” cho Trung Quốc, trong đó tăng cường can thiệp vấn đề Đài Loan; tích cực thể hiện quan điểm “bảo vệ đồng minh Đài Loan đến cùng” trên các diễn đàn, cuộc gặp, hội nghị quốc tế lớn. Trung Quốc vì thế thấy cần có hành động kịp thời để sớm ngăn cản nguy cơ này.

Thứ tư, trong chiến lược “Ba nước trở thành cường quốc biển” mà Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Lưu Hoa Thanh vạch ra vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Đài Loan có vị trí đặc biệt quan trọng. Theo tính toán này, năm 2000, Trung Quốc phải làm chủ được “chuỗi đảo đầu tiên”. Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ kiểm soát được “chuỗi đảo thứ hai”. Nhưng đến nay, Trung Quốc vẫn đang loay hoay trong việc thống nhất Đài Loan, nước này vẫn là “chướng ngại vật” của Trung Quốc trên tiến trình trở thành “cường quốc biển”.

Như vậy, trong vấn đề Đài Loan, Trung Quốc hiện nay có 3 sự lựa chọn: (1) thu phục; (2) để Đài Loan độc lập; (3) giữ nguyên hiện trạng. Dù vậy, trong tình thế hiện tại, giữ nguyên hiện trạng chính là sự lựa chọn khả dĩ nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Do đó. trong năm 2019, khó có thể nổ ra cuộc chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan. Để ngăn chặn Đài Loan độc lập, Trung Quốc sẽ có những biện pháp mạnh về chính trị để làm giảm tham vọng đó của bà Thái Anh Văn.

Các biện pháp đó có thể là: (1) Về quân sự, tiến hành các cuộc tập trận quân sự ngay sát biên giới để nâng cao uy thế, răn đe Đài Loan; tăng cường trang bị các loại vũ khí hiện đại có sức sát thương cao. (2) Về kinh tế, thực hiện các biện pháp gây khó dễ cho hàng hóa nhập khẩu của Đài Loan vào Trung Quốc đại lục; kiểm soát nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc vào nước này…; đồng thời có cơ chế giảm số du khách Trung Quốc đến Đài Loan và ngược lại.

Kịch bản nào cho cuộc tấn công đổ bộ vào Đài Loan

Phó Giáo sư Michael Beckley, Đại học Tufts của Mỹ, cho rằng lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể đẩy lùi hoàn toàn các cuộc tấn công của Trung Quốc bằng chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận khu vực (A2/AD) với sự hỗ trợ tối thiểu của Mỹ. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, Đài Loan gần đây đang tăng cường nỗ lực nhằm cân bằng sức mạnh quân sự ở Đông Á. Cán cân sức mạnh này sẽ ổn định trong vài năm tới, vì Trung Quốc chưa đủ khả năng triển khai sức mạnh cần thiết để áp đảo năng lực A2/AD của Đài Loan. Chiến lược A2/AD thường được Trung Quốc sử dụng để ngăn Mỹ can thiệp vào mọi cuộc xung đột khu vực hoặc khiến Mỹ trả giá đắt nếu tham chiến. Tuy nhiên, Washington và các đồng minh châu Á cũng có thể áp dụng trở lại chiến lược này để đối phó Trung Quốc.

Theo đó, thay vì tìm cách chiếm ưu thế trên không và trên biển theo chiến thuật truyền thống, lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể áp dụng các biện pháp để phong tỏa vùng trời, vùng biển trước các lực lượng đổ bộ của Trung Quốc. Để tấn công được Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ phải tiến hành chiến dịch cơ động lực lượng vượt qua eo biển và đổ bộ lên các đảo nhỏ vòng ngoài trước khi tiến tới đảo chính. Đây sẽ là thách thức rất lớn với quân đội Trung Quốc, bởi hoạt động đổ bộ từ biển luôn là hình thức tác chiến khó khăn nhất. Lực lượng tấn công của Trung Quốc sẽ rất dễ bị các loại vũ khí dẫn đường chính xác của Đài Loan tập kích khi đang cơ động vượt eo biển. Do đó, để chiến dịch thành công, Bắc Kinh sẽ phải hoàn toàn chiếm ưu thế trên không và kiểm soát vùng biển trong khu vực. Nếu Đài Loan sở hữu các vũ khí diệt hạm và phòng không uy lực mạnh, Trung Quốc sẽ không thể thực hành tấn công đổ bộ do những vũ khí này có thể tiêu diệt tàu đổ bộ khi chúng di chuyển qua eo biển.

Để có thể phá hủy năng lực phòng thủ của Đài Loan và đảm bảo chiến dịch đổ bộ thành công, Trung Quốc phải giữ được yếu tố bất ngờ về thời điểm tấn công và đồng loạt phóng nhiều tên lửa vượt eo biển để tiêu diệt các tổ hợp phòng không, diệt hạm hay sân bay quân sự của đối phương. Tuy nhiên, nếu được cảnh báo trước về cuộc tấn công, Đài Loan có thể phân tán chiến đấu cơ đến 36 sân bay quân sự trên hòn đảo, chưa kể một loạt sân bay dân sự và đường cao tốc cũng có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đài Loan cũng có các bệ phóng tên lửa di động và vũ khí phòng không cũng như tàu chiến và tàu ngầm đối phó đòn phủ đầu bằng tên lửa của Trung Quốc. Trung Quốc hầu như không thể loại bỏ toàn bộ hệ thống phòng thủ của đối phương trong đòn tấn công phủ đầu, bởi Đài Loan hiện sở hữu các hệ thống cảnh báo sớm tối tân.

Quân đội Trung Quốc vốn chưa từng tham gia cuộc chiến lớn nào trong ba thập kỷ qua cũng không thể đảm bảo được rằng sẽ thành công trong chiến dịch tấn công đổ bộ vào Đài Loan. Chỉ 10% bờ biển Đài Loan thích hợp cho hoạt động đổ bộ, nên nếu tập trung lực lượng phòng thủ ở một số khu vực trọng yếu, Đài Loan hoàn toàn có thể áp đảo lực lượng đổ bộ Trung Quốc.

Trong chiến lược phòng thủ kiểu A2/AD này, Mỹ không cần triển khai tàu sâu bay hay tiêm kích tới eo biển Đài Loan để hỗ trợ đồng minh và hứng chịu rủi ro  lớn về con người và vũ  khí. Quân đội Mỹ có thể sử dụng năng lực trinh sát, do thám và cảnh báo tầm xa của mình để cung cấp thông tin về hoạt động điều chuyển lực lượng của Trung Quốc, cũng như dữ liệu mục tiêu để lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể phong tỏa vùng biển, vùng trời xung quanh hòn đảo. Trong trường hợp cần thiết, Mỹ có thể dùng các loại máy bay tàng hình tối tân như oanh tạc cơ B2, tiêm kích F-35 hoặc tàu ngầm lớp Ohio để tấn công các lực lượng đổ bộ của Trung Quốc tại bờ biển Đài Loan, giúp đồng minh đẩy lùi cuộc tấn công quy mô lớn.

Tuy nhiên, theo nhà bình luận quân sự Denny Roy, khi phát động chiến dịch đổ bộ nhằm tấn công Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thách thức đầu tiên là các hệ thống phòng thủ bờ biển của hòn đảo. Các tàu đổ bộ vốn di chuyển chậm chạp của Trung Quốc khi vượt qua eo biển rộng 160 km sẽ trở thành mục tiêu cho các loại tên lửa đất đối hải của Đài Loan. Trung Quốc chỉ có khả năng vận chuyển khoảng vài chục nghìn quân cho mỗi lần đổ bộ. Phần lớn số binh sĩ này sẽ không qua được eo biển và số còn lại sẽ phải đối mặt với lực lượng áp đảo gồm 180.000 lính chính quy và 1,5 triệu quân dự bị của Đài Loan. Để giảm thiểu rủi ro, quân đội Trung Quốc có thể không ngay lập tức đổ bộ trực tiếp vào Đài Loan, mà sẽ đột kích chiếm các đảo nhỏ xung quanh, tiến hành phong tỏa hải cảng, sân bay, tấn công hệ thống thông tin liên lạc trước khi trút tên lửa xuống hòn đảo.

Tuy nhiên, một chiến dịch quân sự kéo dài sẽ gia tăng khả năng Mỹ có biện pháp can thiệp để bảo vệ Đài Loan. Nếu Washington quyết định can thiệp, máy bay chiến đấu Mỹ từ các căn cứ trong khu vực chỉ mất vài giờ để vận chuyển lực lượng tiếp viện, khí tài đến Đài Loan. 

Trung Quốc có thể phóng tên lửa phá hủy các đường băng ở Đài Loan để ngăn cản tạm thời các chiến đấu cơ Mỹ hạ cánh xuống hòn đảo, nhưng điều này sẽ làm giảm số lượng tên lửa tấn công Đài Loan. Việc máy bay Mỹ bị tấn công cũng tăng nguy cơ khiến các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản tham chiến.

Roy nhận định một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành công trong hành động quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan là phản ứng của Mỹ. Chính phủ Mỹ cho đến nay luôn có những biện pháp hỗ trợ Đài Loan nâng cao khả năng phòng thủ và ngăn chặn một đợt tấn công từ Bắc Kinh.

Theo hầu hết giới phân tích quân sự, để thành công trong việc thống nhất Đài Loan, Bắc Kinh phải ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ hoặc đánh bại các lực lượng quân sự của Washington xung quanh hòn đảo này, đồng thời phải ngăn cản các lực lượng khác tiến vào khu vực. Reuters nhận định Trung Quốc đại lục vẫn chưa đủ mạnh để làm được điều này, song sự nâng cao về năng lực quân sự có thể vẫn cho phép Bắc Kinh giành được phần thắng. Chắc chắn, những toan tính của quân đội Trung Quốc sẽ ngày càng tập trung vào kịch bản xung đột quân sự, trong đó Bắc Kinh vừa muốn thống nhất lãnh thổ vừa đẩy lùi các lực lượng của Mỹ trong khu vực.

Giới phân tích nhận định kế hoạch thống nhất Đài Loan là sự tính toán về địa chính trị của chính quyền Trung Quốc. Suốt hơn 50 năm qua, mặc dù không thể cản trở Đài Loan phát triển như một vùng lãnh thổ độc lập, song Bắc Kinh vẫn tìm cách ngăn Đài Bắc đưa ra tuyên bố độc lập chính thức. Xét trên phạm vi nào đó, các động thái của Bắc Kinh, như sự cứng rắn ngày càng tăng về quân sự thông qua việc đưa tàu chiến và máy bay tới gần Đài Loan, là nhằm nhắc nhở những người cầm quyền tại Đài Bắc rằng bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào giành độc lập trên hòn đảo này cũng sẽ dẫn tới chiến tranh. Hơn nữa, Trung Quốc đang muốn khẳng định vị thế của nước này như một cường quốc toàn cầu. Do vậy Bắc Kinh muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng nước này đủ mạnh để thống nhất Đài Loan bất kể khi nào họ muốn.

Giới chuyên gia cũng nhận định nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan là có thật nhưng Đài Bắc đủ sức tự vệ và nhất là cơ trí để không tạo cớ cho Bắc Kinh sử dụng vũ lực. Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi chuẩn bị chiến tranh và không loại trừ biện pháp sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan chỉ là hù dọa tinh thần đối với Đài Bắc, vì: (i) Chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc viện nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS nhận định Hải Quân Trung Quốc không dám đụng với Hải Quân Mỹ. Mỹ sẽ can thiệp theo đạo luật bảo vệ nền dân chủ Đài Loan và xác suất Trung Quốc tấn công rất thấp bởi vì Đài Loan không để cho đối phương chụp lấy cơ hội sơ hở để tấn công. (ii) Về quân sự, Đài Loan đủ khả năng đẩy lùi Trung Quốc mà không cần sự trợ giúp của Mỹ. Quân đội Đài Loan thiện chiến hơn và có tinh thần chiến đấu cao hơn quân đội Trung Quốc. Về chính trị,Tổng thống Thái Anh Văn, tuy cương quyết khước từ đề xuất “một quốc gia hai chế độ”, cố gắng “duy trì nguyên trạng” tại eo biển Đài Loan trong khi mục tiêu của Tập Cận Bình là làm “thay đổi nguyên trạng”. Đảng Dân Tiến cũng có một chiến thuật khôn ngoan sau thất bại trong cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 11/2018, khiến tổng thống Thái Anh Văn phải từ chức chủ tịch đảng. Ngày 06/01/2019, ông Trác Vinh Thái, một nhân vật ôn hoà, nguyên là tổng thư ký phủ tổng thống, được gần 25.000 đảng viên, hơn 72%, bầu làm tân chủ tịch. Ý nghĩa chính trị quan trọng trong chiến thắng này của vị giáo sư hải dương học 59 tuổi là ông đánh bại đối thủ là một người trong đảng kịch liệt chống đối tổng thống Thái Anh Văn. Việc ông Trác Vinh Thái thay thế bà Thái Anh Văn cho thấy Đảng Dân Tiến chọn con đường tiếp nối và sẽ làm cho các nước khác yên tâm.

Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng Đài Loan và Trung Quốc sẽ giữ nguyên trạng. Trung Quốc sẽ không tấn công Đài Loan trong tương lai trung hạn nhưng Bắc Kinh sẽ gia tăng áp lực. Áp lực này tùy thuộc vào tình hình chính trị tại Đài Loan, tùy theo kết quả bầu cử tổng thống vào tháng giêng 2020. Bà Thái Anh Văn sẽ tái đắc cử hay một nhân vật khác hữu hảo với Bắc Kinh. Chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng hồ sơ Đài Loan trở thành một vấn đề trong nội bộ chế độ Trung Quốc: một bộ phận quân đội và dân chúng có tư tưởng Hán tộc cực đoan sẽ gây sức ép với ban lãnh đạo Trung Quốc để động binh đánh Đài Loan. Tuy nhiên, vào thời điểm này, khó mà dự đoán một cách chính xác chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai nhưng điều chắc chắn là vấn đề Đài Loan sẽ tồn tại lâu dài trong quan hệ hai bờ eo biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới