Tuesday, November 26, 2024
Trang chủĐàm luậnChống TQ: xu hướng đang định hình rõ nét ?

Chống TQ: xu hướng đang định hình rõ nét ?

Với các biện pháp đã, đang triển khai trên thực địa cùng các thông điệp đưa ra, Mỹ, phương Tây và Nhật Bản cùng cho thấy xu hướng chống Trung Quốc đang được định hình một cách rõ nét

Dư luận quốc tế đang quan tâm chuyến thăm Ấn Độ, Sri Lanka, Nhật Bản và Hàn Quốc của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo. Truyền thông Ấn Độ, từ cách đây hai tuần, đưa tin, New Delhi sẽ là điểm dừng chân đầu tiên trước khi ông Pompeo tới Sri Lanka, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong bối cảnh có những vấn đề phức tạp giữa các nước lớn hiện nay, nhất trong quan hệ với Trung Quốc, nội dung chính các cuộc gặp của Ngoại trưởng Mỹ sẽ là thúc đẩy chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, địa bàn mà Mỹ và nhiều nước phương Tây cùng hết sức coi trọng và chính vì thế, cùng với các lợi ích thiết thực khác, sự can dự giải quyết vấn đề nói lên vị thế quốc gia của nước đó.

Kết quả chuyến công cán của ông Mike Pompeo còn phải chờ, nhưng, các nhà phân tích cho rằng, ông Mike Pompeo có thể tìm được tiếng nói chung từ các quốc gia mà ông sắp tới.

Cơ sở của nhận định này xuất phát từ việc không chỉ Mỹ, mà các cường quốc phương Tây và Nhật Bản đều lo ngại trước sự bành trướng của Trung Quốc, nhất là ở khu vực biển Đông, mặc dù, Trung Quốc luôn trấn an cộng đồng quốc tế về cái gọi là sự “trỗi dậy hòa bình” của nước này.

Từ cách đây 6 năm, trong cuốn sách “Sự trỗi dậy của Trung Quốc và Logic của Chiến lược”, tác giả Luttwak – một học giả Mỹ, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, đã phân tích rằng: sẽ diễn ra sự sắp xếp lại các lực lượng chống Trung Quốc, khi các đồng minh cũ rút lui và hành động trung lập, các nước trung lập trước đây trở thành đối thủ, và các đối thủ cũ, mới tập hợp thành các liên minh chính thức hoặc không chính thức chống lại cường quốc đang trỗi dậy một cách thái quá.

Thực tế ngày càng chứng minh nhận định nêu trên của Luttwak là có cơ sở.

Với các biện pháp đã, đang triển khai trên thực địa lẫn các thông điệp được đưa ra, các nhà lãnh đạo Mỹ, các nước phương Tây cùng cho thấy, xu hướng chống Trung Quốc đang được định hình một cách rõ nét.

Các cường quốc Tây Âu như Anh và Pháp, đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải trong khu vực này và triển khai lực lượng hải quân tại các vùng biển liền kề Trung Quốc với mục tiêu “đóng góp cho việc thúc đẩy an ninh và thịnh vượng khu vực”.

Hai nước này còn tăng cường thúc đẩy quan hệ quốc phòng với các đồng minh khác của Mỹ, nhất là Nhật Bản, Ấn Độ, Austraylia – biểu hiện được coi như sự tập hợp trên thực tế các nước có cùng quan điểm ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Thận trọng, nhưng gần đây, Đức, có vẻ cũng đang từ bỏ quan điểm trung lập trước các tranh chấp giữa các bên, nhất là ở khu vực Thái Bình Dương.

Một nguồn tin cho biết, nước này sẽ sớm triển khai tàu chiến tới eo biển Đài Loan.

Ai cũng biết, vấn đề Đài Loan luôn nhạy cảm cả với Trung Quốc và Mỹ. Vì thế, sự hiện diện của hải quân Đức, nếu diễn ra, có ý nghĩa như sự bổ sung, tăng cường năng lực hải quân cho liên minh để kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc ở phía Tây Thái Bình Dương.

Nhật Bản được coi là quốc gia ngoài vùng biển Đông, cũng đang có những động thái can dự vào việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực, dù không có tranh chấp lãnh thổ nào trong vùng.

Quyết tâm của Nhật Bản thể hiện trước hết qua việc tăng cường hiện diện quân sự ở biển Đông thông qua tham gia hàng loạt cuộc tập trận song phương và đa phương với các đồng minh và đối tác, nhất là Mỹ.

Còn Mỹ ? Lập trường của Mỹ đối với vấn đề này luôn được thể hiện một cách mạnh mẽ, nhất quán, cả hành động lẫn tuyên ngôn.

Về hành động: Mỹ tổ chức chiến dịch tuần tra tự do hàng hải trên biển Đông, nhiều lần cho tàu hải quân áp sát các đảo đá mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền như sự thách thức Trung Quốc.

Về tuyên ngôn: Ngay từ giữa năm 2011, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết có nội dung phê phán hành động sử dụng vũ lực của các tàu Trung Quốc tại Biển Đông.

Không chỉ phê phán Trung Quốc, nghị quyết này còn đồng thời kêu gọi một tiến trình đa phương và hòa bình để giải quyết các tranh chấp (trong khi Trung Quốc luôn từ chối việc đàm phán đa phương về các tranh chấp trên Biển Đông và chỉ muốn thương lượng trực tiếp với từng nước liên quan để dễ bề gây sức ép).

Đặc biệt, nghị quyết của Thượng viện Mỹ khi đó ủng hộ việc quân đội Mỹ tiếp tục có các hoạt động hỗ trợ cho quyền tự do hàng hải tại các vùng biển và không phận quốc tế ở Biển Đông.

Quan điểm đó của Mỹ thường xuyên được tái khẳng định, nhất là vào các thời điểm tình hình biển Đông có những sự kiện nóng mà nguyên nhân đều xuất phát từ Trung Quốc.

Gần đây nhất, quan điểm của Mỹ, một lần nữa thể hiện rõ nét trong Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng công bố đầu tháng 6/2019 vừa qua.

Có thể nói, đây là văn kiện quan trọng nhất định hướng quy chế mới của quan hệ Mỹ-Trung và chính sách của Hoa Kỳ trong khu vực nói chung.

Báo cáo này nêu rõ sự dịch chuyển dứt khoát của trung tâm chính trị thế giới sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khẳng định đây là “khu vực riêng quan trọng nhất đối với tương lai của nước Mỹ”.

Với sự khẳng định này, Lầu Năm góc chính thức thừa nhận rằng: trong thế kỷ 21, ở bình diện quốc tế, những vấn đề chính trị tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò quan trọng tương tự như chính trị tại châu Âu hồi thế kỷ XVII-XX.

Như vậy, sự thống lĩnh tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ có nghĩa là thống lĩnh thế giới.

Để chứng minh tầm quan trọng của khu vực này, Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ ra rằng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hiện hữu ba nền kinh tế lớn nhất thế giới, thực tế là thủ lĩnh toàn cầu về nhịp độ tăng trưởng kinh tế và phần lớn nền thương mại thế giới đều tập trung ở đây.

Với Nhà Trắng, cái gì quan trọng nhất đối với tương lai nước Mỹ thì đương nhiên, Mỹ phải bảo vệ.

Cũng chính vì lẽ đó, Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ thể hiện rõ tính đối đầu trong quan hệ với Trung Quốc và những dự án của Bắc Kinh, chẳng hạn như dự án “Vành đai và Con đường” – và quảng bá khái niệm tư tưởng và tuyên truyền của riêng Mỹ – “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, dựa trên 4 nguyên tắc: Tôn trọng chủ quyền và độc lập của tất cả các quốc gia; Giải quyết hòa bình các tranh chấp hòa bình; Thương mại tự do, trung thực và có đi có lại, dựa trên sự cởi mở dành cho đầu tư, thỏa thuận minh bạch và kết nối tương hỗ; Tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, bao gồm tự do hàng hải và hàng không.

Trong phần về xu thế và thách thức trong chính trị khu vực, Báo cáo có một số trang nói về vai trò dường như rất tiêu cực của Trung Quốc trong khu vực.

Những lời cáo buộc chống Trung Quốc của Báo cáo dẫn đến ấn tượng rằng khi trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc cũng phát triển quân đội và theo đuổi phương thức ngoại giao kinh tế để thúc đẩy lợi ích của mình nhiều hơn.

Ngoài việc xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh, quân sự hóa các đảo trên Biển Đông và tung gián điệp, báo cáo còn gồm cả việc Bắc Kinh ráo riết thúc đẩy các dự án kinh tế và ép buộc lệ thuộc vào Trung Quốc.

Tính chất gay gắt, bức thiết của cuộc đấu này được nhấn mạnh bởi thực tế là Trung Quốc đang “phá hoại” hệ thống quốc tế.

Để đối phó, cuộc chiến chống Trung Quốc sẽ được xây dựng theo mấy hướng:

Hướng thứ nhất là tăng cường hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Động thái đó sẽ song hành với việc mở rộng cơ sở hạ tầng và tạo lập hệ thống tiên phong triển khai lực lượng Mỹ.

Hướng thứ hai sẽ là mở rộng quan hệ đối tác trong lĩnh vực quân sự và chính trị giữa Hoa Kỳ và các nước nước khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, từ lớn (Ấn Độ) đến nhỏ (Lào và Mông Cổ). Hoa Kỳ sẽ tích cực hơn nữa để thúc đẩy phát triển liên hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự với các nước này, dành hỗ trợ, tổ chức tập trận chung, v.v… Trực tiếp chỉ ra yêu cầu cần thiết phải giúp đỡ một số nước, cụ thể như Lào, để những nước này thoát khỏi “sự lệ thuộc quá mức” vào CHND Trung Hoa.

Hướng thứ ba sẽ là thúc đẩy quan hệ đối tác khu vực đa phương, kể cả Hoa Kỳ, cũng như tự thân các nước thực hiện với sự hỗ trợ của phía Mỹ. Trong mục tiêu thúc đẩy này bao gồm, cụ thể là những cuộc tham vấn 4 bên về an ninh của Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, cũng như hàng loạt định dạng khác (Hoa Kỳ-Nhật Bản-Hàn Quốc v.v…).

Báo cáo về Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có lẽ là tài liệu chiến lược đậm chất chống Trung Quốc nhất trong số tất cả những gì mà Hoa Kỳ đã công bố kể từ thời điểm bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung 40 năm về trước. Báo cáo thể hiện cái nhìn Mỹ về trạng thái quan hệ mới giữa các nước trong lĩnh vực an ninh, khi thực thi sẽ có hệ quả quan trọng đối với nền chính trị khu vực và thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới