Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga-Trung: Lợi và Hại khi xích lại trong thế kỷ XXI

Nga-Trung: Lợi và Hại khi xích lại trong thế kỷ XXI

Xin được giới thiệu bài báo với tiêu đề trên của học giả Nga Ilia Polonski. Bài đăng trên “Bình luận quân sự “ Nga ngày 24/6/2019.

Tất cả các ảnh trong bài là của tác giả.

“Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Liên bang Nga (LB Nga) và Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (CHNDTH) ngày càng trở nên gần gũi. Cả hai nước đang đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế, phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn trong các vấn đề chính trị. Đấy là gì: nhu cầu cấp thiết mang tính sống còn hay là những tính toán chính trị ngắn hạn? Chúng ta hãy thử cùng phân tích.

Tại sao lại Nga và Trung Quốc lại “xích lại gần nhau”?

Sau khi hoàn thành những bước đột phá kinh tế lớn, Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh kinh tế quan trọng nhất của các quốc gia thương mại thê đội một (quan trọng nhất) trước đây trên thế giới: Mỹ, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản. Nền kinh tế Trung Quốc tuy đang phát triển với tốc độ nhanh, nhưng bắt đầu phải đối mặt với những biện pháp “kiểm chế” từ phía Mỹ.

Nhằm hạn chế sự thống trị về kinh tế ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí đã phát động một cuộc chiến tranh thương mại để “phá” Trung Quốc.

Trong tình huống phát sinh như vậy, Trung Quốc cần một đối tác mạnh và đáng tin cậy. Châu Âu thì quá phụ thuộc vào Mỹ. Nhật Bản- đối thủ truyền kiếp. Ấn Độ- là một đối thủ địa- chính trị trên dãy Hymalaia. Chỉ còn có Nga – một đất nước có tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, và ngoài ra, có đường biên giới biên giới chung và rất dài với Trung Quốc (hơn 4.200km- ND).

Còn với Nga, về phần mình, sự xích lại gần nhau với Trung Quốc- là một bước đột phá để thoát khỏi tình trạng bị cô lập do bị áp đặt các biện pháp trừng phạt. Mỹ, Canada, Nhật Bản, các nước thuộc Liên minh Châu Âu nhìn chung là theo đuổi lập trường chống Nga, và mặc dù Pháp và Đức có nhượng bộ Nga chút ít trong vấn đề “Nord Stream II” (Dòng chảy Phương Bắc-IU), nhưng trong tất cả những vấn đề (lĩnh vực) còn lại, hai nước trên vẫn trung thành với những cam kết thực hiện đường lối trừng phạt chống Nga.

Với Ấn Độ, quan hệ hợp tác của Nga với nước này cũng không tiến xa hơn “chính sách ứng dụng (thực dụng)” – có nghĩa là chỉ dừng lại ở mức cung cấp phương tiện kỹ thuật quân sự và một số mặt hàng nhất định.

Nga-Trung: Loi va Hai khi xich lai trong the ky XXI

Nếu (Nga) coi Iran, Syria, Venezuela hoặc các nước châu Phi kiểu như Sudan và Cộng Hòa Trung Phi là đối tác kinh tế đầy đủ thì thật nực cười – những nước này không thể đem lại cho Nga những lợi ích như những lợi ích mà Nga có thể nhận được từ quan hệ hợp tác kinh tế (của Nga) với các trung tâm kinh tế như Mỹ, Châu Âu hoặc Trung Quốc.

Và chính trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc là một kiểu “phao cứu sinh” nào đấy của Nga, cho phép Nga trong những hoàn cảnh thực sự ngặt nghèo như hiện nay có thể thiết lập mối quan hệ thương mại xuyên quốc gia có lợi cho mình, có thể bán tài nguyên thiên nhiên và hàng hóa, và thậm chí là không cần phải sử dụng đồng đô la trong thanh toán song phương, một kịch bản mà chính Bắc Kinh cũng vô cùng thèm muốn.

Tất nhiên, đối với cả Nga và Trung Quốc, việc chỉ tăng cường mối quan hệ giữa hai nước với nhau không phải là sự lựa chọn duy nhất và không thể thay thế. Nước nào cũng có thể tìm cho mình các đối tác khác, nhưng chính bộ đôi Nga-Trung Quốc có vẻ như đang là sự lựa chọn được mong đợi hơn cả. Hiện giờ đang tồn tại những điểm trùng hợp lợi ích rõ ràng Nga-Trung. Chúng ta hãy thử xem xét sâu hơn các điểm “đồng” này.

Thứ nhất, ở Đông Á, Trung Á, Đông Nam Á, sự ổn định và tình hình an ninh phụ thuộc vào hiệu quả sự phối hợp hoạt động giữa Nga và Trung Quốc.

Đó là- cuộc chiến chống chủ nghĩa tôn giáo cực đoan ở các nước Cộng hòa hậu Xô viết tại Trung Á, đối phó với chủ nghĩa ly khai ở Đông Turkestan (tức Tân Cương-ND), đấu tranh chống sự xâm nhập và bành trướng ảnh hưởng vốn đã rất lớn của Mỹ ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương- ảnh hưởng của Mỹ tại đây đang đe dọa trực tiếp các lợi ích quân sự -chính trị và kinh tế của cả Trung Quốc và Nga.

Thứ hai, ước mơ “cháy bỏng” từ lâu của Nga là thiết lập được một không gian không thanh toán bằng đồng đôla. Và đây cũng là những gì mà Trung Quốc- một quốc gia dang rất muốn giảm sự phụ thuộc của mình vào nền kinh tế vào Mỹ, đang “thiết tha” mong đợi.

Nếu như không có sự góp sức của Nga, Trung Quốc sẽ không bao giờ có đủ sức để thực hiện được chiến lược phi đôla hóa này, nhưng nếu bằng những nỗ lực chung, quả thực có thể hình thành một không gian “ngoài đô la”- và không gian “ngoài đô la” này theo thời gian có thể sẽ “phủ sóng” lên các quốc gia khác.

Thứ ba, đấy là xây dựng những định chê mới của nền kinh tế kỹ thuật số, -tức những định chế có thể giúp cả Nga và Trung Quốc giảm phụ thuộc hơn vào Mỹ.

Quan hệ hợp tác Nga-Trung phát triển như thế nào

Có thể nói rằng chính mấy năm trở lại đây là những năm đột phá trong chính sách “xoay trục sang hướng Đông” của Nga-tức “xoay” về hướng Trung Quốc. Hầu như ngày nào cũng có thông tin mới về các giao dịch và thỏa thuận khác nhau với quốc gia láng giềng Trung Quốc.

Mới nhất, ngày Chủ nhật 16/6 vừa qua tại thành phố Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc, tỉnh Hắc Long Giang), (phía Trung Quốc) đã cho ra mắt Bộ chỉ số đánh giá mức độ hợp tác kinh tế và thương mại Trung-Nga, và nó được đặt một cái tên rất ngắn gọn là “Bộ chỉ số Cáp Nhĩ Tân”.

Bộ chỉ số này được soạn thảo bởi các chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội CHNDTH, Đại học Nhân dân, Đại học Kinh doanh quốc tế và Kinh tế Trung Quốc theo đơn đặt hàng của Cơ quan Thông tin Kinh tế Trung Quốc (CEIS).

Mục đích của Bộ chỉ số là phản ánh sự phát triển năng động trong hợp tác thương mại và kinh tế giữa hai nước và xu hướng phát triển các quan hệ đó trong tương lai.

Sự xuất hiện của Bộ chỉ số nói trên là một bằng chứng cho thấy Bắc Kinh quan tâm sâu sắc đến việc xây dựng quan hệ kinh tế song phương. Ngoài ra, do Bộ chỉ số được soạn thảo và công bố tại tỉnh biên giới Cáp Nhĩ Tân, nên có thể hiểu là các chuyên gia Trung Quốc đang tính đến việc biến Cáp Nhĩ Tân thành một trung tâm chủ chốt của quan hệ hợp tác kinh tế Nga-Trung. Và sự hợp tác này đang phát triển nhanh, cụ thể:

Thứ nhất, Trung Quốc đang trở thành một trong những khách hàng chính mua dầu mỏ và khí đốt Nga. Đường ống dẫn khí đốt”Sức mạnh Siberia” (ảnh trên-ND) đang được xây dựng, và đường ống này sẽ cung cấp cho Trung Quốc nhiều khí đốt Nga hơn. Và hiện nay, đối với chúng ta (Nga), hướng Trung Quốc thậm chí còn nhiều triển vọng hơn so với hướng Châu Âu, bởi vì thị trường Trung Quốc thực sự là một thị trường không đáy.

Thứ hai, Trung Quốc mua từ Nga nhiều loại tài nguyên thiên nhiên khác nhau – từ kim loại quý, đá quý và gỗ. Tuy nhiên, quy mô xuất khẩu gỗ từ Nga sang Trung Quốc thực sự đang rất đáng sợ, vì thường các công ty Trung Quốc mua gỗ hành động như bọn săn trộm, chúng chặt trụi các cánh rừng Nga theo kiểu tận diệt và chuyển gỗ khai thác được theo cách đó sang Trung Quốc (ảnh dưới-ND).

Nhưng Trung Quốc cũng đã bắt đầu quan tâm đến việc mua những mặt hàng mà trước đây họ không mua của Nga. Ví dụ, Nga có thể bán các sản phẩm sữa của mình cho Trung Quốc. Ở Trung Quốc không có một số sản phẩm từ sữa như ở Nga. Như Ryazenka (một loại sữa chua), Kefir (sữa chua đặc), Yogur (sữa chua) chẳng hạn.

Nga có thể xuất khẩu với số lượng lớn những sản phẩm này sang thị trường Trung Quốc, vấn đề chỉ là chiến lược tiếp thị như thế nào, bởi vì cho đến nay các sản phẩm từ sữa này của Nga gần như không được người tiêu dùng Trung Quốc biết đến.

Cũng không hề có khó khăn gì với vấn đề logistics. Ví dụ, nhà máy sản xuất các sản phẩm sữa khổng lồ Ussuri (Nga) chỉ cách Trung Quốc đúng “hai bước chân”, nhà máy này có thể cung cấp một số lượng lớn các sản phẩm sữa cho tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) láng giềng.

Hạn sử dụng của kefir (sữa chua đặc Nga) là trong vòng 7 ngày. Và nếu vận chuyển từ Ussuriysk sang Trung Quốc, chỉ mất vài giờ là hàng đến tay người tiêu dùng. Như vậy sẽ có lợi hơn nhiều cho người Trung Quốc nếu so với việc họ mua kefir từ New Zealand- rất đắt tiền vì phải vận chuyển bằng máy bay.

Liên Hợp Quốc đã đưa ra dự đoán rằng kim ngạch buôn bán các sản phẩm sữa trên thế giới sẽ tăng tới 10 tỷ đô la vào năm 2027- chủ yếu là nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, – trong khi đó toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương rất gần với Nga và có thể được coi là một hướng ưu tiên. Nga hoàn toàn có cơ hội để chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường (sản phẩm sữa) này.

Thêm nữa, sau khi cuộc chiến thương mại với Mỹ được khởi động, Trung Quốc cần nhập khẩu một số lượng rất lớn đậu nành để thay thế sản phẩm đậu nành trước đây nhập từ Mỹ. Rất tiếc, cây đậu nành ở Nga chưa bao giờ được quan tâm đầu tư như ở Mỹ,vì vậy bây giờ Trung Quốc phải mua đậu nành từ Brazil.

Nhưng Nga vẫn có cửa, chỉ cần hiện đại hóa một chút ngành nông nghiệp, Nga sẽ có thể cung cấp ngày càng nhiều đậu nành cho Trung Quốc. Hơn nữa, ở Nga, nông dân không trồng đậu nành biến đổi gien, nên chất lượng sản phẩm rất cao và được ưa chuộng.

Hiện nay Nga xuất khẩu khoảng 800.000 tấn đậu nành (mỗi năm), nhưng chúng ta (Nga) có thể tăng khối lượng xuất khẩu lên 3,7 triệu tấn trong tương lai gần. Các công ty Trung Quốc đang rất quan tâm đến việc mua đậu nành của Nga, và như vậy, có thể giúp tăng số lượng các khu chuyên trồng đậu nành ở các vùng nông nghiệp của nước ta (Nga).

Sau cuộc gặp giữa (Tổng thống Nga) Vladimir Putin và (Chủ tịch Trung Quốc)Tập Cận Bình mới đây, những hạn chế trong xuất khẩu đậu nành đã được dỡ bỏ.

Những mâu thuẫn có thể nảy sinh

Nhưng tiến trình xích lại gần nhau với Trung Quốc cũng ẩn chứa trong mình rất nhiều rủi ro đối với Nga. Cụ thể, phát triển quan hệ thương mại với Trung Quốc- đấy là một quá trình “Hán hóa” không thể đảo ngược các không gian kinh tế Nga.

Doanh nghiệp Trung Quốc đang tích cực thâm nhập vùng Viễn Đông, Vùng Ngoại Baikal, Đông Siberia và thậm chí cả về Hướng Tây Nga. Đi sau các khoản đầu tư Trung Quốc là cổ phần Trung Quốc trong các công ty (Nga), là công nhân Trung Quốc (trên đất Nga).

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã bóng gió nói về khả năng sử dụng Tuyến đường biển Phương Bắc trong khuôn khổ Học thuyết “Con đường tơ lụa vĩ đại”. “Con đường biển Phương Bắc”- đó là một tuyến giao thông chỉ của Nga và tuy hiện nay Nga đang kiểm soát nó, nhưng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Hiện Trung Quốc đang đóng các tàu phá băng – trong khi nước này trên thực tế không có biển lạnh (biển đóng băng) và vì thế không cần gì đến tàu phá băng, – vậy (tàu phá băng Trung Quốc) chỉ có thể được sử dụng để chinh phục “Tuyến đường biển Phương Bắc” của Nga.

Nhưng dù Nga đã có thể từ chối được không cho Mỹ sử dụng (“Con đường biển Phương Bắc”), thì với Trung Quốc, do cái gọi là “những mối quan hệ đặc biệt” đã được thiết lập, Nga sẽ không thể có cơ hội thoái thác (cho Trung Quốc sử dụng chung “Con đường biển Phương Bắc”-ND).

Sự phát triển của các hành lang giao thông qua lãnh thổ Á-Âu, trong đó có qua lãnh thổ Kazakhstan, Nga và Belarut- đấy không phải là các dự án của Nga, mà là các dự án của Trung Quốc, và Nga vẫn chỉ là “công dân hạng hai”, vì Trung Quốc vừa là người truyền cảm hứng ý tưởng, đồng thời cũng là kẻ thụ hưởng lợi lộc.

Và Trung Quốc cũng hoàn toàn không thiết tha gì vai trò nổi bật của Nga trong giao dịch thương mại xuyên Á-Âu. Có lẽ, Matxcova hiểu quá rõ điều này, nhưng bất lực- lấy đâu ra phương án thay thế?

Trung Quốc có những lợi ích riêng của mình tại những khu vực, như Trung Á chẳng hạn. Và ở đây (Trung Á) các lợi ích của Trung Quốc mâu thuẫn từ gốc (với Nga) và xung đột với các lợi ích của Nga.

Phương án lý tưởng đối với Trung Quốc là biến Kazakhstan, Kyrgyzstan và ở mức độ thấp hơn là Uzbekistan và Tajikistan thành các đối tác đàn em của Trung Quốc, thành các vệ tinh của Trung Quốc.

Không phải tự nhiên mà Trung Quốc lại tích cực đầu tư vào Trung Á. Trung Quốc khó có thể chấp nhận việc trong tương lai Nga vẫn giữ được vai trò hàng đầu tại Trung Á, dù chỉ là vai trò hàng đầu về chính trị. Liên minh Á-Âu, nếu như vẫn còn sức sống, cuối cùng có thể không còn nằm dưới sự lãnh đạo của Nga, mà sẽ về tay đạo diễn củaTrung Quốc.

Một tình huống tương tự như vậy cũng đã xuất hiện ở Mông Cổ,- nơi trước đây vốn được coi là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Nga. Hiện tại, Mông Cổ đang ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc, trong khi đó, Thiên Triều cũng có một Mông Cổ riêng của mình – tỉnh Nội Mông, nơi cũng có người dân tộc Mông Cổ sinh sống và họ có đời sông kinh tế khá hơn so với người anh em cùng sắc tộc láng giềng có chủ quyền.

Và cuối cùng, Trung Quốc đang ráo riết hoạt động tại Ngoại Baikal, ở Viễn Đông của Nga, và điều này rõ ràng là mâu thuẫn sâu sắc với các lợi ích quốc gia Nga. Như đã biết, người Trung Quốc đang “tràn ngập lãnh thổ ” một số khu vực thuộc Vùng Nam Viễn Đông, Ngoại Baikal Nga, tăng cường sự hiện diện của họ tại các khu vực đó, kết hôn với người Nga và ngày càng có nhiều các gia đình hỗn hợp.

Đang diễn ra quá trình bành trướng nhân khẩu học, và do những đặc thù của dân cư trong khu vực này, các chính quyền địa phương Nga tại đây đơn giản sẽ không đủ sức để ngăn chặn tiến trình này. Vâng, và bây giờ họ (chính quyền địa phương Nga tại những vùng nói trên) cũng sẽ không muốn gây mâu thuẫn với Thiên Triều, họ chỉ cố hạn chế, lấy ví dụ, sự hiện diện quá nhiều của công dân Trung Quốc trên lãnh thổ các tỉnh của Nga gần khu vực biên giới Nga-Trung.

Trung Quốc và Nga có rất nhiều điểm cạnh tranh nhau ở các khu vực khác – từ Nam Á đến Đông Phi, những nơi mà Thiên Triều cũng quyết không nhượng bộ Matxcova và chỉ sẽ cho phép Nga tham gia đảm nhiệm những vai trò thứ yếu bằng cách hỗ trợ cho một số dự án nào đó của Trung Quốc. (Hai bên) có thể tìm ra điểm chung về ý thức hệ – cùng đối phó với Mỹ và ảnh hưởng của Mỹ, nhưng kẻ hưởng lợi về mặt tài chính và kinh tế, lẽ tất nhiên, sẽ chỉ là Thiên Triều.

Và như vậy, có thể kết luận rằng còn rất lâu nữa mới có chuyện sự lớn mạnh của Trung Quốc trong trường hợp nào cũng đều tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với Nga. Và không thể chỉ quy tất cả chỉ về một mối- hợp tác kinh tế đơn thuần, đặc biệt là trong mô hình hợp tác kinh tế Nga-Trung, Nga vẫn ở vị trí phụ thuộc.

Đối với Trung Quốc, (Nga) chỉ là một Cộng hoà Kyrgyzstan (một nước nhỏ có chung đường biên giới với Trung Quốc-ND) nhưng cực kỳ giàu tài nguyên và có một lãnh thổ rộng lớn để Trung Quốc) chinh phục và khai phá, để (Trung Quốc) sử dụng làm tuyến vận chuyển (quá cảnh) hàng hóa Trung Quốc, là nơi mà (Trung Quốc) có thể mua dầu mỏ, khí đốt và bất cứ thứ gì khác ở quy mô cực lớn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới