Ngày 22/6 vừa qua, Breitbart News, một tờ báo mang xu hướng bảo thủ tại Mỹ, đã đăng tải bài viết “How the West enabled China organ harvesting expansion” (Tạm dịch: Phương Tây đã cho phép sự phát triển nạn thu hoạch tạng tại Trung Quốc như thế nào), dẫn cuộc phỏng vấn với nhà báo được đề cử giải Nobel Hòa bình Ethan Gutmann về việc tại sao thế giới phương Tây lại để cho tội ác thu hoạch tạng xảy ra tại Trung Quốc trong một thời gian dài đến như vậy.
Sự “sụp đổ các giá trị phương Tây”, một “trường hợp chối bỏ (*) [diệt chủng] trên phạm vi lớn” tại thế giới tự do, và “sự phân biệt đối xử tín ngưỡng” đối với phong trào tâm linh Pháp Luân Công, tất cả đã cho Trung Quốc tiềm lực để mở rộng việc thu hoạch tạng trên quy mô công nghiệp [đối với nhóm Pháp Luân Công] sang người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại tập trung. Ông Ethan Gutmann, tác giả của một số báo cáo quan trọng về vấn đề này, chia sẻ với Breitbart News.
(*) Chối bỏ, phủ nhận diệt chủng là một tâm lý thường gặp trong các cuộc diệt chủng. Điều này đã từng diễn ra trên thế giới khi nạn diệt chủng Do Thái xảy ra, nhiều chính quyền từng thờ ơ trước tội ác này.
Các nghiên cứu và bài viết của Gutmann, cùng với hai tác giả khác là David Kilgour và David Matas, đã phơi bày ngành công nghiệp hàng triệu đô của Trung Quốc xoay quanh việc giết tù nhân chính trị – hầu hết là thành viên nhóm Pháp Luân Công, nhưng cũng bao gồm cả người Cơ đốc giáo, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, và những ai bị xếp vào nhóm kẻ thù của chính quyền – giết họ lấy gan, thận, tim và các cơ quan tạng quan trọng khác để bán cho những người cần mua tạng.
Trong bản cập nhật nghiên cứu vào năm 2016, Gutmann, Kilgour, và Matas đã hé lộ việc Trung Quốc đang thực hiện nhiều hơn từ 50.000 đến 90.000 ca phẫu thuật cấy ghép tạng so với số liệu chính quyền nước này đưa ra về số người hiến tạng, dù có tính cả số lượng tử tù(*). Sự chênh lệch giữa số liệu hiến tạng và số ca ghép tạng này được lấp đầy bằng xác của các tù nhân lương tâm, báo cáo kết luận. Báo cáo có thêm sức nặng từ lời chứng của những người sống sót thuộc nhóm Pháp Luân Công và lời chứng của các bác sĩ từng tham gia thu hoạch tạng.
(*) Trung Quốc từng thừa nhận họ lấy nội tạng từ tử tù và từng hứa là họ sẽ dừng lấy nội tạng tử tù vào năm 2015.
Kể từ khi báo cáo này được công bố, Quốc hội Mỹ, Quốc hội Anh, và một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên án Trung Quốc. Tuy nhiên, tổ chức Y tế Thế giới WHO thuộc Liên Hợp Quốc lại chưa có hành động gì, và cộng đồng y tế thế giới cũng chưa từng cô lập hay trừng phạt các bác sĩ có liên quan tới hành vi [thu hoạch tạng] của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trung Quốc chưa bao giờ giải thích sự chênh lệch giữa số lượng tạng có từ người hiến và số lượng tạng cấy ghép thực tế. Các cánh tay tuyên truyền của Truyền thông nhà nước Trung Quốc tại nước ngoài thì thổi phồng về hệ thống hiến tạng “ngay thẳng” của Trung Quốc.
“Trung Quốc đang thiết lập một hệ thống hiến tạng và ghép tạng mới trên toàn quốc, dựa trên các giá trị văn hóa và xã hội của Trung Quốc, hướng tới giá trị đạo đức và hướng tới một hệ thống có thể duy trì được”, một bài viết của WHO vào năm 2012 cho hay.
Tuần qua [ngày 17/6/2019], một tòa án được hỗ trợ tổ chức bởi Liên minh Quốc tế chống Lạm dụng Ghép tạng tại Trung Quốc (ETAC) – liên minh mà Gutmann đồng sáng lập – đã công bố một báo cáo kết luận “không chút hoài nghi” rằng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phạm Tội ác Chống lại loài người bằng việc mổ lấy tạng từ tù nhân chính trị trong khi họ đang còn sống và bán cho những người cần mua. Tòa cũng cho biết có chứng cứ đáng kể về việc, bên cạnh tội ác đối với nhóm Pháp Luân Công, chính quyền Trung Quốc cũng đã đi từng bước trong việc mổ lấy tạng sống mà không có sự đồng thuận từ những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại phía Tây Tân Cương – nơi theo ước tính, chính quyền đang giam giữ lên tới 3 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Kazakhs, và Kyrgyz trong các trại tập trung. Điều này đã được Gutmann làm chứng trước tòa.
“Năm 2017, trong vòng 9 tháng – thật đáng kinh ngạc – họ đã xét nghiệm máu của từng người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, từ đàn ông, phụ nữ cho tới trẻ em. Tân Cương có hơn một nửa là người Hán… nhưng họ không bị xét nghiệm, chỉ có người Duy Ngô Nhĩ, và người Duy Ngô Nhĩ còn bị xét nghiệm DNA nữa,” Gutmann nói với Breitbart News. Ông nhấn mạnh rằng việc xét nghiệm máu có vẻ như chỉ có một mục đích là tạo ra một ngân hàng dữ liệu hiến tạng cưỡng bức. Tương tự, Tòa án Trung Quốc [nói đến ở trên] cũng trích dẫn lời chứng của những người sống sót khỏi trại tập trung ở Tân Cương, họ nói rằng họ trải qua xét nghiệm để đánh giá sức khỏe của tạng, điều dường như chỉ dành cho một mục đích là xác định đối tượng có thể lấy tạng.
Nguy cơ việc thu hoạch tạng từ người Duy Ngô Nhĩ sắp diễn ra, sau hơn 1 thập kỷ thu hoạch tạng từ nhóm Pháp Luân Công, đã khiến những người vận động chống lại hành vi này “cảm thấy chúng ta đang sống trong một cơn ác mộng”, Gutmann nói với Breitbart News.
“Một số chúng tôi thực sự cảm thấy sợ hãi và cảm thấy chúng ta đang sống trong một cơn ác mộng, một thế giới khoa học giả tưởng”, Gutmann nói. “Đó là một sự vô thực. Điểm vô thực đầu tiên là, ‘Chúa ơi, điều này lại xảy ra một lần nữa'(*) – và lần này họ đang làm việc ấy ngay trước mặt chúng ta.”
(*) Ám chỉ việc diệt chủng, giết người hàng loạt, cũng ám chỉ sự thờ ơ của các chính quyền trước một tội ác lớn như vậy.
Gutmann cho rằng việc cộng đồng quốc tế thiếu hành động thích đáng, một phần là do việc “phân biệt đối xử tín ngưỡng” đối với nhóm Pháp Luân Công, theo đó cộng đồng quốc tế đã cho phép việc đàn áp nhóm này tiếp tục diễn ra tại Trung Quốc.
“Thế giới thực sự đã cho phép Trung Quốc tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công. Điều đó đã mở đường cho cuộc đàn áp Duy Ngô Nhĩ sau đó”, Gutmann nói.
“Bây giờ người ta đột nhiên hành động như thể họ đã biết hết vấn đề Pháp Luân Công từ trước – đúng là họ có thể đã nghe nói đến, nhưng nếu nhìn vào những gì phương Tây đã làm cho đến tận 2016, thì đó là một cuộc chối bỏ [diệt chủng] lớn. Đó là phân biệt đối xử – phân biệt đối xử tín ngưỡng – phân biệt đối xử một nhóm nạn nhân. Thật sự là vậy, phân biệt đối xử bởi vì họ là ‘kiểu’ Trung Quốc(*)… điều đó đã khiến người ta trở nên mất trí, và việc phân biệt đối xử kiểu như vậy vẫn chưa chấm dứt.”
(*) Ý nói rằng phương Tây đã từng nhìn nhận đó là vấn đề của người Trung Quốc với nhau, không liên quan tới người phương Tây, chối bỏ trách nhiệm của phương Tây đối với người dân Trung Quốc.
Phong trào Pháp Luân Công là một phong trào tín ngưỡng đạo Phật và phát huy lối sống lành mạnh, tập trung vào 3 đức tính – chân, thiện, nhẫn – thông qua thiền định và các bài tập. Họ có thiên hướng sống khỏe mạnh, có lối sống bảo tồn đạo đức, và bởi vì về mặt nhân chủng học là cùng dân tộc với đa số người dân Trung Quốc, nên những điều đó đã khiến họ trở thành một nguồn tạng hấp dẫn. Tại Trung Quốc, những người theo tập đa số là người Hán, từ “nông dân không có học thức tới giáo sư đại học, từ cán bộ Đảng Cộng sản cho tới lính”, Gutmann lưu ý, và điều đó đã khiến Đảng sợ hãi.
“Tôi phải khiến việc Pháp Luân Công là tà giáo trở nên rõ ràng”, cựu Bí thư Đảng Cộng sản Giang Trạch Dân, kẻ đã từng lên kế hoạch cho vụ thảm sát Thiên An Môn [4/6/1989], nói vào năm 2001.
Việc [chính quyền Trung Quốc] có nguy cơ chuyển từ nội tạng của Pháp Luân Công sang của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, có thể sẽ gây sự chú ý lớn hơn, nhưng “bất cứ ai từng phân biệt đối xử và cảm thấy nhẹ nhõm vì tội ác đó đang chuyển qua người Duy Ngô Nhĩ… phải tự thấy xấu hổ vì nghĩ như vậy”, Gutmann nói. Ông cũng cảnh báo rằng phương Tây không nên “dùng luận điểm rằng ở phương Tây chúng ta không sợ Hồi giáo” để bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ, bởi vì “cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ không phải vì lý do tôn giáo của họ, nó là vì lý do phân biệt chủng tộc.” Việc [thế giới Hồi giáo] im lặng trước các trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ – và trong một số trường hợp, công khai ủng hộ – ít nhất là trong thế giới Hồi giáo, cho thấy điều này.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bỏ ngoài tai chỉ trích từ các nhóm nhân quyền phương Tây về trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ.
“Họ thực sự cho rằng chúng ta rất yếu ớt, rằng chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì để có quan hệ với quyền lực và tiền bạc của họ, chỉ cần Bắc Kinh có thể bịa cho chúng ta câu chuyện để chúng ta có thể tin rằng chúng ta đang ở phía chính diện của lịch sử, rằng chúng ta đang xây dựng một Trung Quốc tốt hơn”, Gutmann nói. Ông than thở rằng thậm chí ở giới cầm quyền cao nhất trên thế giới, người ta cũng nghĩ rằng họ chỉ có thể làm những điều ít ỏi để ngăn chặn chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp người bất đồng chính kiến và các nhóm thiểu số mà chính quyền không ưa.
“Từng có một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tự tin nói với tôi rằng, ‘Họ [chính quyền Trung Quốc] có thể giết tất cả và chúng tôi chẳng thể làm gì’, tin được chứ? Hãy trích dẫn câu ấy của tôi”, Gutmann nói.
Tuy nhiên Gutmann cũng đề xuất việc cô lập ngành công nghiệp y khoa Trung Quốc và gây áp lực để nó phải thay đổi.
“Một điều chúng ta có thể làm ở phương Tây, rằng, nếu chúng ta muốn rửa sạch tội lỗi, chúng ta cần phải làm như những gì chúng ta đã làm với các bác sĩ tâm thần Liên bang Xô Viết trong những năm 60, 70 và 80”, Gutmann nói, “Đó là… một khi chúng ta biết Xô Viết đang tra tấn người bất đồng chính kiến trong các bệnh viện tâm thần, chúng ta tố giác họ – Hiệp hội Tâm thần Mỹ đã làm, Hiệp hội Tâm thần Thế giới đã làm – và chúng ta không cho phép họ tới các hội nghị y khoa. Chúng ta không cho phép họ công bố các bài báo khoa học về tâm thần; chúng ta không cho phép họ cùng tạo ra các liều thuốc tâm thần.”
“Ngày nay, [trước tội ác thu hoạch tạng], chúng ta chưa làm gì cả”, Gutmann lưu ý. “Chúng ta thậm chí còn chưa làm như tiền lệ đã có. Họ [các bác sĩ Trung Quốc] đang công bố bài báo khoa học trên tạp chí của chúng ta, tham dự các hội nghị của chúng ta, sử dụng việc tham gia hội nghị [ghép tạng] như một thành tích để tuyên truyền [cho hệ thống cấy ghép của họ], và việc này thậm chí còn xảy ra ở Vatican (*).”
(*) Một số hội nghị cấy ghép tạng do Vatican hỗ trợ tổ chức có sự tham gia của những người đứng đầu hệ thống ghép tạng Trung Quốc.
“Sự sụp đổ các giá trị phương Tây quả thực rất đáng chú ý”, Gutmann nhấn mạnh.
Gutmann cũng bày tỏ quan điểm rằng chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ dẫn tới sự biến đổi trong chính quyền Trung Quốc, và sẽ giảm thiểu quy mô bắt giữ và thu hoạch tạng.
“Nếu Tổng thống Donald Trump tiếp tục chiến tranh thương mại, nếu ông không dừng lại, nếu vẫn tiếp tục đánh thuế nhập khẩu 25% và nếu cuộc chiến này gây tác hại với nền kinh tế Trung Quốc như tôi nghĩ, khiến GDP của họ sụt giảm 2 hoặc 3 đến tận 4%, thì rất có thể lãnh đạo Đảng Cộng sản Tập Cận Bình sẽ bị hạ bệ, bị phế truất”, Gutmann nói. “Và tôi chắc rằng điều đó sẽ có lợi cho một số quan chức cộng sản Trung Quốc khác… Tôi có thể tưởng tượng được kịch bản khi họ lên, và Tập Cận Bình xuống, và họ đổ hết mọi tội lỗi lên đầu ông ta… có thể người ta sẽ bắt đầu thả người khỏi các trại tập trung.”
Tập Cận Bình “rõ ràng đã nắm trong tay quá nhiều quyền lực”, Gutmann nói. “Ông ta đang đưa đất nước tới cận kề con đường của Xô Viết thông qua Một vành đai một con đường.”
Tuy nhiên khiến Trung Quốc thay đổi thái độ là một mục tiêu xa vời đối với Gutmann.
“Với tôi mà nói, tôi không còn – và có thể tôi chưa từng – tham gia vào vấn đề này vì tôi nghĩ rằng mình có thể cứu mạng sống của người ta, tôi không nghĩ rằng tôi có thể”, ông nói. “Tôi nghĩ đã quá muộn để làm việc đó. Tôi tham gia bởi vì mỗi từng con người đều xứng đáng được biết lịch sử, đặc biệt đối với những người dân đang bị hủy diệt. Đây là điều quan trọng nhất. Ngoài đó ra thì việc tôi tham gia không còn ý nghĩa gì hết.”