Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cạnh tranh nước lớn tăng lên, và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động tới mọi mặt đời sống. Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững”, các Lãnh đạo ASEAN đã tập trung thảo luận định hướng và biện pháp hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN bền vững vì người dân.
Hội nghị đã nhất trí về nhiều vấn đề về chính trị, an ninh; kinh tế thương mại; văn hóa xã hội. Trong đó đã thông qua “Tuyên bố Tầm nhìn Lãnh đạo ASEAN về Quan hệ đối tác vì sự bền vững”; “Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về Năm Văn hóa ASEAN 2019”; “Tuyên bố Bangkok về Chống rác thải biển ở khu vực ASEAN”.
Về chính trị – an ninh
Các nước khẳng định nhu cầu duy trì một nền an ninh bền vững trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ASEAN (TAC), bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN và định hướng ứng xử với đối tác bên ngoài trên cơ sở tài liệu “Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tăng cường lòng tin chiến lược và hợp tác đối phó với những thách thức an ninh xuyên quốc gia, nhất là an ninh mạng, quản lý biên giới…
Về kinh tế, thương mại
Các nước nhất trí tăng cường thúc đẩy hơn nữa thương mại nội khối, xây dựng một ASEAN không rào cản, tăng cường kết nối, kết nối tiểu vùng, triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, Sáng kiến Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN; thúc đẩy kinh tế số và một ASEAN số hóa, tích cực chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0; kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2019…
Về văn hóa, xã hội
Lãnh đạo các nước quyết định chọn 2019 là “Năm Văn hóa ASEAN” nhằm tăng cường giao lưu văn hóa và thúc đẩy bản sắc văn hóa ASEAN; xây dựng một Cộng đồng ASEAN bền vững, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, nhìn về tương lai và không để ai bị bỏ lại phía sau; thúc đẩy sự tương hỗ giữa Tầm nhìn ASEAN 2025 với Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của LHQ; hợp tác giải quyết các vấn đề rác thải biển, cơ cấu dân số già hóa…
So với Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33 tại Singapore, Hội nghị năm nay tiếp tục nhấn mạnh xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy hợp tác trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Các nước tiếp tục khẳng định coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với ASEAN; cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN; thông qua“Tuyên bố Tầm nhìn Lãnh đạo ASEAN về một ASEAN tự cường và sáng tạo”; “Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN về Hợp tác An ninh Mạng”, triển khai xây dựng báo cáo đánh giá về mức độ sẵn sàng của ASEAN trước Cách mạng Công nghiệp 4.0; Xây dựng khuôn khổ Thành phố thông minh ASEAN, triển khai chương trình đào tạo Học viện pháp lý ASEAN nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ…
Về vấn đề Biển Đông
Trước đó,tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhằm trù bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34, các Bộ trưởng ghi nhận báo cáo của Tổng thư ký ASEAN về tiến triển trong hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN; hoan nghênh nỗ lực của nước Chủ tịch Thái-lan trong triển khai các sáng kiến cụ thể hóa chủ đề của năm về “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”, nhất trí trình lãnh đạo thông qua Tuyên bố Tầm nhìn về đối tác vì sự bền vững, hướng đến đẩy mạnh tính bền vững trên cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN. Các Bộ trưởng đã trao đổi phương hướng đẩy mạnh quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, cân nhắc nguyện vọng tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) của Peru, Nam Phi; cho ý kiến về công tác chuẩn bị Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN – Hàn Quốc cuối năm 2019; nhấn mạnh ASEAN cần duy trì đoàn kết nhất trí, không ngừng củng cố, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt, từ đó vừa ứng phó hiệu quả và kịp thời trước các thách thức, vừa bảo đảm giữ vững vai trò trung tâm trong các tiến trình khu vực.
Các nước cũng trao đổi thêm về phương hướng tăng cường hợp tác chống khủng bố, bạo lực cực đoan và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, xử lý rác thải biển… Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các Bộ trưởng tái khẳng định sẽ tiếp tục tích cực tham gia cùng chính phủ Myanmar tìm giải pháp phù hợp cho ổn định tình hình bang Rakhine, qua đó phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tích cực đóng góp cho hòa bình, ổn định tại khu vực. Các Bộ trưởng ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), nỗ lực thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS 1982).