Saturday, October 12, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMục đích của Mỹ và Nhật Bản khi lần đầu tiên tiến...

Mục đích của Mỹ và Nhật Bản khi lần đầu tiên tiến hành tập trận hải quân ở Biển Đông

Trang Sina của Trung Quốc vừa đăng tải thông tin cho biết tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ và khu trục hạm mang trực thăng JS Izumo của Hải quân Nhật Bản đã tiến hành một cuộc tập trận chung tại Biển Đông trong hai ngày 20/6 và 21/6. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh đội tàu sân bay của Trung Quốc đang có chuyến thử nghiệm thực tế ở Tây Thái Bình Dương. Vì vậy, mục đích cuộc tập trận của hải quân Mỹ và Nhật Bản được cho là nhắm đến Trung Quốc.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan (Mỹ) và tàu sân bay trực thăng JS Izumo (Nhật Bản) trong cuộc tập trận. Nguồn: Sina

Thứ nhất, cuộc tập trận nhằm khẳng định cam kết tăng cường đồng minh mạnh mẽ giữa Mỹ và Nhật Bản, sau những tuyên bố ủng hộ lẫn nhau giữa hai nước trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Nhật Bản đang được đẩy cao thông qua sự phối hợp lập trường, triển khai chính sách và hành động quân sự của hai nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và bình diện toàn cầu. Nhật Bản ủng hộ sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực, trong khi Mỹ ủng hộ Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế, cũng như việc nước này gia tăng sức mạnh quốc phòng. Trước khi có cuộc diễn tập hải quân song phương lần đầu tiên ở Biển Đông này, Mỹ và Nhật Bản cũng đã tham gia nhiều cuộc tập trận đa phương với các nước như Australia, Philippines, Ấn Độ trong khu vực.

Thứ hai, cuộc tập trận nhằm đối phó với những hành động quân sự và sư gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, trong có khu vực Biển Đông. Hiện nay, Trung Quốc đang không ngừng hiện đại hóa quân đội, tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nhật Bản và sự hiện diện của Mỹ. Cùng thời điểm diễn ra cuộc tập trân giữa Mỹ và Nhật Bản, Trung Quốc cũng đang triển khai nhóm tàu tác chiến sân bay ở vùng biển Nhật Bản và ra Tây Thái Bình Dương, Biển Đông. Trung Quốc nhiều lần thách thức Mỹ và Nhật Bản khi hai nước này mở rộng sự can dự ở khu vực. Vì vậy, xu thế hiện nay là Mỹ, Nhật Bản và các đồng minh, đối tác đang tăng cường các hoạt động hợp tác, để ngăn chặn sự ảnh hưởng và lẫn lướt của Trung Quốc ở khu vực và những vùng biển xa hơn. Hành động này được coi là lời thách thức cũng như câu trả lời được Mỹ và Nhật Bản đưa ra sau khi biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc thực hiện chuyến hải trình tiến vào Biển Đông từ Tây Thái Bình Dương hôm 18/6.Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ có thể mang theo tối đa 90 máy bay các loại, vượt xa phi đội 24 chiếc của Liêu Ninh. Không chỉ có vậy tính năng kỹ chiến thuật của F/A-18E/F Super Hornet hay F-35C Lightning II hoàn toàn áp đảo J-15. Trong khi đó chiếc Izumo của Hải quân Nhật Bản đang được cải tạo để trở thành một tàu sân bay hạng nhẹ có khả năng mang theo tiêm kích tàng hình có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng F-35B.

Thứ ba, nhằm ủng hộ của Mỹ đối với Bản định hướng sửa đổi hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật Bản hiện nay của Nhật Bản. Được thông qua lần đầu tiên năm 1978, Bản định hướng hợp tác quốc phòng Mỹ – Nhật Bản nhằm cụ thể hóa việc phân công và chia sẻ trách nhiệm giữa Mỹ và Nhật trong việc đảm bảo an ninh của Nhật theo tinh thần của Hiệp ước Hợp tác và An ninh tương hỗ Mỹ-Nhật ký năm 1960. Mục tiêu chính của Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh là việc Mỹ có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho nước Nhật Bản và để đối lại Mỹ được quyền lập và sử dụng các căn cứ quân sự trên đất Nhật phục vụ cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở châu Á như chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, kiềm chế Liên Xô, ngăn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản ở châu Á và kiềm chế chính cả Nhật nữa. Tuy nhiên, khi Chiến tranh lạnh kết thúc, thì mục đích của liên minh phải thay đổi và điều này dẫn đến sự ra đời của Bản sửa đổi hợp tác quốc phòng Mỹ – Nhật năm 1997. Bản định hướng ban đầu năm 1978 và bản sửa đổi năm 1997 từng bước thể hiện vai trò ngày càng tăng của Nhật Bản, tuy nhiên vai trò này vẫn chỉ dừng lại ở mức “tự vệ”, chia sẻ trách nhiệm, và bị “giới hạn địa lý” là Nhật chỉ hỗ trợ trong trường hợp quân Mỹ đóng tại Nhật Bản hoặc các vùng phụ cận bị tấn công. Điểm đáng chú ý nhất là các giới hạn địa lý được dỡ bỏ, từ nay liên minh Mỹ – Nhật Bản không chỉ tập trung vào việc bảo đảm quốc phòng và an ninh cho Nhật Bản, các khu vực phụ cận, mà mở rộng sự phối hợp an ninh, quốc phòng Nhật Bản – Mỹ Bản trên bình diện khu vực và toàn cầu. Nhật Bản không chỉ hỗ trợ hoạt động quân sự của Mỹ, mà còn hợp tác, phối hợp hành động cùng Mỹ trong trường hợp quốc gia thứ ba bị tấn công. Bản Định hướng sửa đổi này ra đời trong bối cảnh cả Nhật và Mỹ đều hết sức lo ngại về các thay đổi trong môi trường an ninh, chiến lược khu vực, đặc biệt là thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc và chính sách quyết đoán của nước này. Bản thân Nhật Bản, nước đang chịu sức ép rất lớn từ Trung Quốc xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ Senkaku/Điếu Ngư, cũng nhận thức rằng không thể dựa mãi vào Mỹ trong việc đảm bảo an ninh của chính mình, mà cần phải tích cực, chủ động trong việc chia sẻ trách nhiệm và các gánh nặng tài chính, nguồn lực và sức mạnh quốc phòng với Mỹ.

Thứ tư, cuộc tập trận nhằm khẳng định những cam kết về tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, khẳng định sự có mặt của các nước tại khu vực này, theo sau chiến dịch do Mỹ phát động. Trung Quốc đang chuẩn bị biên chế tàu sân bay nội địa Type 002 có tính năng ưu việt hơn nhiều so với Liêu Ninh và trong tương lai không xa Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa vào trang bị tàu sân bay cỡ lớn Type 003 có đường cất hạ cánh kiểu sàn phẳng, tạo ra thế đối trọng hoàn hảo với Mỹ và đồng minh. Trung Quốc luôn cho rằng hành động qua lại, tuần tra của các nước ở Biển Đông là đe dọa chủ quyền của Trung Quốc, vì nước này đang đưa ra yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông. Vì vậy, các nước như Mỹ, Nhật Bản không thể ngồi yên khi Trung Quốc đã quân sự hóa, biến các thực thể chiếm đóng phí pháp ở Biển Đông thành những tiền đồn quân sự và từ đó áp đặt luật chơi cho tàu thuyền, máy bay các nước muốn hoạt động trong khu vực này.          Tóm lại, với tầm quan trọng về chiến lược, an ninh, thương mại, các vấn đề an ninh ở Biển Đông không còn là vấn đề an ninh khu vực, mà đã trở thành vấn đề an ninh toàn cầu. Các hành động tôn tạo đảo trái phép của Trung Quốc và ý đồ sử dụng chúng vào mục đích quân sự đang gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế, do căn cứ trên các đảo này có thể giúp Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, khống chế an ninh khu vực, và ở phương diện nào đó là an ninh của Nhật và Mỹ; Biển Đông và Đông Nam Á là địa bàn then chốt trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ; Trung Quốc không chỉ tăng sức mạnh hải quân nhanh chóng mà còn chứng tỏ công nghệ vượt trội khi tiến hành các hoạt động tôn tạo, xây dựng trên biển với quy mô và tốc độ “vô tiền khoáng hậu” và cả Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và cộng đồng quốc tế hiện chưa có biện pháp đối phó thích hợp. Do đó, với ý nghĩa mới mang tính toàn cầu của liên minh Mỹ -Nhật Bản, sự phối hợp giữa Mỹ và Nhật trong các vấn đề liên quan đến đảm bảo an ninh, hòa bình và ổn định trên Biển Đông là điều tất yếu.

RELATED ARTICLES

Tin mới