Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc một lần nữa lại trở thành đề tài được quốc tế chú ý quan sát, sau gần 10 năm quốc gia này hạn chế xuất khẩu để trừng phạt Nhật Bản.
Thời báo Nikkei, Nhật Bản, đã đăng tải một bài viết của ký giả Tomio Shida, về kinh nghiệm của các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời kỳ khủng hoảng đất hiếm, giữa bối cảnh Hoa Kỳ và châu Âu có thể gặp khó khăn về nguồn cung loại kim loại này.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tiết lộ chính sách nhằm tăng sản xuất khoáng sản đất hiếm trong nước, một số sẽ được sử dụng trong các sản phẩm tinh vi như nam châm hiệu suất cao.
Động thái này được đưa ra khi Trung Quốc bắt đầu gây ồn ào về việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm, trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, khi Hoa Kỳ đang chiếm phần lớn sản lượng tiêu thụ các kim loại này trên thế giới.
Shida cho biết, để giảm bớt tác động của các động thái từ Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể tham khảo các cách thức Nhật Bản đã thực hiện sau khi bị thiếu hụt nguồn cung vào năm 2010.
Thị trường đất hiếm có quy mô nhỏ, dễ bị tác động
Có 17 nguyên tố đất hiếm, bao gồm neodymium và dysprosium, được sử dụng để chế tạo ra nam châm nhẹ hiệu suất cao. Đất hiếm được sử dụng trong một loạt các sản phẩm, bao gồm động cơ điện, ổ đĩa cứng, máy bay không người lái và thiết bị gia dụng.
Theo báo cáo từ tháng 9/2014 của Tập đoàn Dầu khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản, Jogmec, Nhật Bản và Trung Quốc cung cấp khoảng 90% tổng nhu cầu tiêu thụ đất hiếm trên thế giới. Thống kê mới nhất cho thấy Hoa Kỳ và Châu Âu không phải là những quốc gia có lượng tiêu thụ đất hiếm nhiều nhất thế giới, tổng cộng khoảng 180.000 tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, đất hiếm là nguyên liệu thiết yếu cho các hệ thống dẫn đường tên lửa, laser và hệ thống thông tin liên lạc. Các loại máy bay chiến đấu tiên tiến cũng không thể thiếu chúng. Chính phủ Hoa Kỳ vì thế hoàn toàn có lý do để lo lắng về khả năng cắt giảm sản lượng của Trung Quốc đối với các lô hàng đất hiếm.
Nam châm Neodymium được sử dụng trong một loạt các sản phẩm, bao gồm cả động cơ cho xe điện. (Ảnh: Hitachi/Nikkei)
Trong quá khứ, Hoa Kỳ, với mỏ Mountain Pass, từng là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, cùng với Úc. Sau đó, vào những năm 1990, Trung Quốc mở rộng xuất khẩu, đồng thời xác định kim loại đất hiếm là nguồn lực chiến lược và đẩy mạnh sản xuất để xây dựng dự trữ ngoại hối. Trước sự gia tăng sản lượng của Trung Quốc, các mỏ đất hiếm của Hoa Kỳ và Úc đã ngừng hoạt động. Điều này khiến Trung Quốc đóng góp tới 70% đến 80% sản lượng quặng đất hiếm trên toàn cầu.
Cung cấp đất hiếm – “đòn bẩy chính trị” của Trung Quốc
Từ năm 2006, việc khai thác đất hiếm của Trung Quốc đã chuyển sang chủ yếu đảm bảo nguồn cung cho ngành sản xuất trong nước, kiểm soát xuất khẩu thông qua thuế quan và hạn ngạch. Với vị thế là nhà cung cấp chính của thế giới, nên Trung Quốc đã dùng việc này như đòn bẩy chính trị.
Sau sự cố tàu đánh cá Trung Quốc va chạm với tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản gần Quần đảo Senkaku, nhóm đảo mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Diaoyu, Bắc Kinh gần như ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản.
Sự gián đoạn nguồn cung đột ngột đã khiến Nhật Bản bị một “cú sốc đất hiếm”. Giá cả tăng vọt và duy trì ở mức cao cho đến mùa hè năm 2011, đạt mức giá gấp vài chục lần so với trước đó. Điều này đã giáng một đòn nghiêm trọng vào Nhật Bản.
Năm 2012, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc.
Đài Loan khác gì Trung Quốc
Sau khi WTO kết luận vào năm 2014 rằng các hạn chế và thuế xuất khẩu đã vi phạm các hiệp định của WTO, Bắc Kinh đã cho dừng cách làm này. Sau khi xuất khẩu của Trung Quốc trở lại bình thường, giá đã giảm mạnh. Kết quả là nhiều công ty Nhật Bản phải chịu tổn thất vì họ đã tích trữ hàng tồn kho quá nhiều để chống lại sự gián đoạn nguồn cung tiềm năng.
Ngay cả khi không có những hành vi thất thường của Trung Quốc, thì thị trường đất hiếm cũng dễ bị biến động do quy mô thị trường nhỏ. Các công nghệ mới cũng có khả năng tác động tới nhu cầu tiêu thụ. Thậm chí vấn đề còn phức tạp hơn nữa do sự gia tăng gần đây trong đầu cơ của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Giá của neodymium, sau khi giảm xuống dưới 40 đô la/kg do bán đầu cơ, đã lại nhảy vọt lên 45- 50 đô la/kg sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi đất hiếm là tài nguyên chiến lược.
Không có nhiều khả năng về việc Trung Quốc sẽ lại sử dụng lại cách thức các hạn chế xuất khẩu như trước đây đã bị WTO cảnh cáo. Nhưng họ vẫn có thể hạn chế nguồn cung, với lý do cần phải quản lý thị trường. Mặc dù tổng khối lượng đất hiếm mà ngành công nghiệp tiêu thụ là nhỏ, nhưng bất kỳ sự tăng giá mạnh nào cũng sẽ là một cú hích lớn. Do đó, điều quan trọng là phải thực hiện các bước để đa dạng hóa nguồn cung cấp, giảm tiêu thụ và phát triển công nghệ tái chế.
Bài học kinh nghiệm của doanh nghiệp Nhật Bản
Trước cú sốc đất hiếm vào năm 2010, Hitachi Metal, một nhà sản xuất nam châm neodymium lớn của Nhật Bản, đã bắt đầu cải cách quy trình để giảm chất thải trong việc chế tạo nam châm và cắt giảm mức tiêu thụ đất hiếm. Theo một đại diện của công ty, nỗ lực đó đã thành công trong việc giảm một nửa lượng dysprosium – chất được sử dụng để cải thiện hiệu suất nam châm ở nhiệt độ cao – trong các sản phẩm của mình.
Một yếu tố khác giúp giảm tiêu thụ là thu nhỏ kích thước của động cơ điện. Động cơ nhỏ hơn thì cần ít neodymium hơn. Nên ngày nay, dù Nhật Bản sản xuất nhiều chạy bằng điện hơn so với một thập kỷ trước, nhưng nhu cầu về kim loại đất hiếm đã giảm khoảng 30% so với năm 2008 xuống còn 4.900 tấn vào năm 2018, theo Hiệp hội Kim loại mới của Nhật Bản.
Tìm nhà cung cấp khác ngoài Trung Quốc cũng là rất cần thiết. Ngoài việc tăng nhập khẩu từ Úc, các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng cường tái chế đất hiếm từ chất thải. Việt Nam trở thành nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất của Nhật Bản trong năm 2017, với các lô hàng 3.800 tấn, cao hơn mức 3.735 tấn từ Trung Quốc.
Một công ty con của Toyota Tsusho ở Ấn Độ được thành lập để hạn chế sự phụ thuộc của công ty vào Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất toàn bộ neodymium và ba loại đất hiếm khác vào năm 2016. “Ngoài việc nhập khẩu trực tiếp từ Ấn Độ, chúng tôi nhập khẩu một lượng lớn đất hiếm được xử lý tại các nước thứ ba”, Masaharu Katayama, Giám đốc điều hành phụ trách tài nguyên kim loại SBU cho biết.
Với năng lực sản xuất khổng lồ, Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn trong thị trường đất hiếm. Nhưng phát triển công nghệ để giảm tiêu thụ và đa dạng hóa nguồn cung có thể giảm bớt phụ thuộc vào đất hiếm xuất khẩu của Trung Quốc.
Shida cho rằng chính phủ cần duy trì kho dự trữ để giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp tư nhân, đồng thời việc chia sẻ thông tin về dự trữ với các đối tác ở Hoa Kỳ và Châu Âu cũng rất quan trọng.