Trả lời phỏng vấn tờ The Nation, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nận định tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, gây xói mòn lòng tin, không có lợi cho nỗ lực đối thoại, hòa bình, ổn định ở khu vực.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng của các quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang trở nên nối cộm, xuất hiện nhiều điểm nóng đe dọa hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Việt Nam luôn duy trì quan điểm rằng mọi vấn đề phải được xử lý bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung mà ASEAN đang đóng góp giải quyết như các vấn đề liên quan tới Biển Đông, phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, tội phạm xuyên quốc gia.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những phát triển tích cực ban đầu trong việc đàm phán xây dựng Bộ quy tắc COC giữa ASEAN và Trung Quốc. Mặc dù vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình hình vùng biển này vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp mà nổi lên là các hoạt động đơn phương phi pháp, bồi đắp đất thay đổi nguyên trạng, quân sự hóa, va chạm gây nguy hiểm cho ngư dân; khẳng định đây là thực trạng rất đáng quan ngại gây xói mòn lòng tin, không có lợi cho nỗ lực đối thoại và duy trì hòa bình ổn định ở khu vực. Do đó, các nước ASEAN phải giữ vững lập trường về Biển Đông; các bên cần kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, không quân sự hoá, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Trước đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng đưa ra những nhận định tương tự khi cho rằng tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp. Theo ông Phạm Bình Minh, các bên cần nỗ lực hơn nữa duy trì đối thoại và hợp tác vì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hảng hải và hàng không trên Biển Đông, đề cao tự kiềm chế, tránh những hành động đơn phương, trong đó có quân sự hoá Biển Đông, ảnh hưởng tới lòng tin trong khu vực; nhấn mạnh trong nỗ lực xây dựng COC hiệu lực và hiệu quả, ASEAN và Trung Quốc cần hợp tác bảo đảm môi trường thuận lợi cho đàm phán thành công; đề nghị đẩy mạnh hợp tác trong các khuôn khổ của ASEAN trong ứng phó với những thách thức trên biển như nạn đánh bắt cá trái phép, rác thải biển, các bên liên quan cần kiềm chế, tránh các hành động có thể dẫn đến tính toán sai lầm, nỗ lực thực hiện đầy đủ DOC và phấn đấu xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Tuyên bố của giới chức Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh: (i) Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quân sự phi pháp trong khu vực Biển Đông. Lực lượng hải quân, không quân của Trung Quốc liên tục tiến hành các hoạt động tập trận bắn đạn thật phi pháp ở trên cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), bãi cạn Scarborought/Hoàng Nham. Bắc Kinh huy động nhiều phương tiện, khí tài quân sự hiện đại như tàu sân bay Liêu Ninh, tàu khu trục trang bị tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, tàu ngầm hạt nhân, tàu tiếp tế quân sự, máy bay ném bom chiến lược H-6K, máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo thế hệ mới KJ-500… (ii) Trung Quốc còn thường xuyên điều các lực lượng chấp pháp tuần tra trái phép trên Biển Đông. Theo đó, Trung Quốc thường xuyên huy động lực lượng chức năng như Hải giám, Ngư chính, Cảnh sát Biển… tuần tra phi pháp trong khu vực. (iii) Trung Quốc ngang nhiên cải tạo đảo và quân sự hóa trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trung Quốc đã hoàn thành việc nạo vét và bồi đắp để tạo ra 7 thực thể nhân tạo mới tại quần đảo Trường Sa, tiến hành xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo. Theo tính toán của Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), các công trình này bao phủ một khu vực rộng khoảng 290.000m2, trên đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa và đá Bắc, đá Cây và đá Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa; tổng diện tích các công trình xây dựng trên Chữ Thập vào khoảng 110.000m2, bao gồm các nhà chứa máy bay lớn hơn dọc đường băng chính. (iv) Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, khai thác tài nguyên thiên nhiên phi pháp trên Biển Đông. Tranh thủ khai thác trộm tài nguyên thiên nhiên trên Biển Đông (nhất là dầu khí, bằng cháy và hải sản) để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước là một trong những mục tiêu chiến lược hàng đầu của Trung Quốc. Bắc Kinh bỏ ngoài tai phán quyết của Tòa để tiến hành nhiều hoạt động khai thác trái phép như: Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CNPC) tiến hành thăm dò, khai thác thành công băng cháy ở vùng biển cách Quảng Đông 320 km về phía Đông Nam; Tổng công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) mời thầu phi pháp 22 lô dầu khí ở phía Bắc Biển Đông, các lô dầu khí được mời thầu có tổng diện tích lên đến 47.270 km2; hàng năm Trung Quốc đều đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá (1/5-1/8) trên vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông.