Vụ việc tàu cá Yuemaobinyu 42212 của Trung Quốc đâm chìm tàu cá Gemvir-1 rồi bỏ mặc 22 ngư dân Philippines ở khu vực gần Bãi Cỏ Rong hôm 9/6 đang thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày gần đây. Câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc có ý đồ gì đằng sau vụ việc không?
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc tại Bãi Cỏ Rong
Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) là một hệ thống san hô dưới nước rất giàu hải sản và được cho là có trữ lượng dầu và khí đốt lớn, do vậy Trung Quốc rất muốn kiểm soát khu vực này. Những vụ đụng độ đầu tiên giữa Philippines và Trung Quốc tại Bãi Cỏ Rong xảy ra từ năm 2011, và đó là tiền đề cho Trung Quốc chiếm đóng bãi cạn Scarborough năm 2012. Mặc dù đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” năm 2016, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì lực lượng dân quân biển để phong tỏa khu vực này. Dưới thời Tổng thống Duterte, Trung Quốc đã đạt được quyền khai thác chung dầu khí ở bãi Cỏ Rong và tiếp tục gia tăng hoạt động ở khu vực này.
Tình hình ở Bãi Cỏ Rong căng thẳng trở lại từ ngày 9/6/2019 sau khi một tàu cá Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Philippines đang thả neo ở khu vực này rồi bỏ đi bất chấp sự an toàn của các ngư dân trên tàu cá Philippines đang bị chìm. Sau đó 22 ngư dân này đã được tàu Việt Nam cứu, trước khi trở về đất liền và tố cáo các hành vi “tàn nhẫn” của tàu Trung Quốc. Đáng chú ý, vụ việc xảy ra chỉ 02 ngày trước “Ngày hữu nghị Philippines – Trung Quốc”.
Bất chấp giải thích từ phía Trung Quốc cho rằng tàu Yuemaobinyu 42212 chỉ “vô tình va chạm” với tàu cá Philippines, những quan chức trong Chính phủ Philippines có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc như Phó Tổng thống Leni Robredo, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr… đã ngay lập tức lên án các hành động của tàu Trung Quốc; yêu cầu chính phủ Trung Quốc truy tìm thủ phạm đã bỏ mặc ngư dân Philippines trong vụ việc trên để đưa ra xét xử; cho biết Philippines sẽ có biện pháp ngăn chặn các vụ việc tương tự tái diễn trong tương lai; đồng thời gửi kiến nghị lên Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) của Liên hợp quốc về vụ việc… Trong khi đó, sau khi sự việc xảy ra 1 tuần, Tổng thống Philippines Duterte mới lên tiếng và cho rằng “những gì đã xảy ra chỉ là một vụ va chạm, một tai nạn trên biển, không nên làm mọi thứ xấu hơn, không nên gửi tàu chiến tới khu vực để đối đầu với Trung Quốc. Bộ trưởng Nông nghiệp Emmanuel Pinol cũng cho rằng vụ va chạm trên là riêng lẻ, chưa từng xảy ra trong quá khứ, có thể được giải quyết ở cấp hành chính thông thường. Rõ ràng, đã có sự khác biệt ngay trong nội bộ Chính phủ Philippines về cách thức xử lý vụ việc trong quan hệ với Trung Quốc. Sự khác biệt đó xuất phát từ quan điểm xây dựng quan hệ vững mạnh với Trung Quốc để phát triển kinh tế của Tổng thống Duterte và quan điểm cảnh giác với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền, bảo vệ nguồn tài nguyên của Philippines.
“Chiến thuật”của Trung Quốc?
Trang mạng rappler.com ngày 16/6 dẫn lời Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines, ông Antonio Carpio cho rằng vụ việc tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu Philippines đã gợi nhớ tới những sự cố tương tự mà các tàu dân quân biển của Trung Quốc đã gây ra trên khu vực Biển Đông vài năm qua. Tiêu biểu là vụ việc ngày 26/5/2014, một tàu lớn của Trung Quốc đã truy đuổi và đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở ngay trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Các tàu gần đó đã giải cứu được 10 ngư dân trên tàu cá bị đâm chìm. Theo ông Carpio, vụ việc ở Bãi Cỏ Rong ngày 9/6 là lần đầu tiên một tàu dân quân biển Trung Quốc đâm tàu cá Philippines và đây có thể là dấu hiệu về sự khởi đầu của một cuộc tấn công “vùng xám” mới của Trung Quốc nhằm xua đuổi các tàu cá Philippines ở Trường Sa, giống cách mà Trung Quốc đã xua đuổi các tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa.
Trước đó, từ tháng 1 đến tháng 3/2019, Trung Quốc cũng đã huy động một đội tàu gần 300 chiếc đến gần đảo Thị Tứ vào thời điểm Philippines đang tiến hành sửa chữa và nâng cấp các cơ sở ở đây và ngăn cản không cho ngư dân các nước khác được đánh bắt tại cụm bãi cạn này. Cùng thời điểm, Trung Quốc tăng cường số lượng tàu cá đến đánh bắt sò tai tượng ở khu vực bãi cạn Scarborough bất chấp sự phản đối ngoại giao của Philippines.
Việc đẩy mạnh sự hiện diện của lực lượng dân quân biển ở các khu vực tranh chấp chủ quyền cho thấy Trung Quốc đang nhắm đến hai mục đích:Một là, Tạo ra một “tam giác kết nối” giữa Scarborough – Bãi Cỏ Rong – đảo Thị Tứ để thuận lợi trong việc gây ảnh hưởng và gia tăng hiện diện tại các ngư trường lớn (ở khu vực quanh Scarborough), giành quyền khai thác chung dầu khí (ở bãi Cỏ Rong) và mở rộng các cầu nối tiếp vận (ở cụm Thị Tứ). Hai là, Trung Quốc cũng sẽ từng bước xây dựng trái phép các bãi cát này thành các đảo nhân tạo, sau đó từng bước tiếp cận đến các bãi cạn lân cận trong quần đảo Trường Sa. Chiến lược này sẽ giúp Trung Quốc hoàn thành một vùng kiểm soát liên hoàn được kết nối bởi các đảo nhân tạo “tự nhận” có lãnh hải 12 hải lý. Các điểm đảo đã có quân nước khác đồn trú sẽ nằm hẳn trong vùng kiểm soát này của Trung Quốc, và chịu áp lực từ các hoạt động cưỡng ép khai thác chung hoặc chia sẻ lợi ích do Trung Quốc đề xuất.
Ngay sau khi vụ việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Philippines xảy ra, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim cho rằng, bất kỳ cuộc tấn công có vũ trang nào nhằm vào tàu hay máy bay của Philippines sẽ kích hoạt nghĩa vụ của Mỹ trong khuôn khổ Hiệp ước phòng thủ song phương giữa Mỹ và Philippines, có thể bao gồm các vụ tấn công do lực lượng dân quân biển Trung Quốc thực hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp vụ việc chỉ là sự va chạm giữa các tàu cá, sẽ rất khó để Mỹ buộc phải điều động quân đội đến tương trợ.