Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam - Indonesia sẽ sớm phân định ranh giới trên biển

Việt Nam – Indonesia sẽ sớm phân định ranh giới trên biển

Tờ Jakarta Post (24/6) cho biết, trong cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Thái Lan, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhất trí hai nước sẽ sớm đàm phán phân định ranh giới trên biển.

Đường phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam – Indonesia

Theo thông tin trên, Jakarta Post dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi cho biết, Việt Nam và Indonesia đồng ý tiến hành nhanh chóng việc phân định ranh giới biển và đưa ra các hướng dẫn để tránh những vụ bắt giữ ngư dân bị cáo buộc là khai thác thủy sản bất hợp pháp và rằng “cuộc đàm phán đã kéo dài quá lâu nên hai nhà lãnh đạo xác nhận nên nỗ lực tiến hành nhanh để giải quyết, nếu không chúng ta sẽ còn thấy những tai nạn như đã từng xảy ra”.

Phân định biển là nội dung quan trọng trong chính sách biển của các quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, đảo trên thế giới và khu vực. Phân định biển giữa các quốc gia có vùng biển tiếp giáp nhau là nhằm tạo ra đường biên giới trên biển rõ ràng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển các lĩnh vực kinh tế biển. Quan điểm nhất quán trước sau như một của Việt Nam trong quá trình phân định biển với các quốc gia có vùng biển tiếp giáp trong khu vực Biển Đông, đó là các bên phải dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là những quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và các Tuyên bố của khu vực về Biển Đông như DOC. Vận dụng hệ thống quy chế pháp lý quốc tế để đàm phán giải quyết mọi bất đồng, mâu thuẫn về quan điểm chủ quyền và tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán về biển đảo trong khu vực bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực là yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia có liên quan. Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo thực hiện thành công nhiệm vụ phân định biển và giải quyết mọi tranh chấp chủ quyền về biển đảo thông qua đàm phán trực tiếp bằng biện pháp hòa bình với các quốc gia có vùng biển tiếp giáp.

Được biết, vùng thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia là khu vực này nằm ở phía Đông Nam Việt Nam và Tây Bắc đảo lớn Borneo của Indonesia. Trong khu vực này, đảo xa bờ nhất của Việt Nam là Côn Đảo, cách bờ biển Việt Nam khoảng 90 hải lý. Khu vực này không có nhiều tiềm năng về tài nguyên cá mà chỉ có tiềm năng về dầu khí ở phía đông.

Do quan điểm sử dụng nguyên tắc phân định biển và điểm cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải khác nhau, nên giữa Indonesia và Việt Nam có một vùng biển chồng lấn rộng lớn. Chính vì vậy, từ năm 1978 đến năm 2003, Việt Nam và Indonesia đã tiến hành đàm phán cấp chuyên viên để phân định thềm lục địa trong vùng biển giáp ranh giữa hai nước. Trong quá trình đàm phán, lập trường pháp lý của Việt Nam là theo nguyên tắc thoả thuận, công bằng, tôn trọng lợi ích của nhau, phù hợp với xu thế phát triển của luật biển quốc tế. Giải pháp của Việt Nam đưa ra là lấy căn cứ thềm lục địa, đó là sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền ra biển, cho nên ranh giới là rãnh ngầm phân chia thềm lục địa của hai nước nằm rất gần nhóm đảo Natuna phía Bắc của Indonesia.

Trên thực tế cho thấy, đường đề nghị này tạo với đường yêu sách của Indonesia thành một vùng biển có sự chồng lấn giữa hai bên khoảng 98.000 km2. Bởi vậy, tháng 10/1991, nhân chuyến đi thăm Indonesia của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, hai bên đã ký thỏa thuận chia đôi vùng còn lại, song do tình hình nội bộ Indonesia lúc đó không ổn định, không thống nhất phương pháp giải quyết phân định biển, nên thỏa thuận không được thực hiện.

Do nhu cầu của hai bên mong muốn có một vùng biển hòa bình, ranh giới được phân định rõ ràng, tạo điều kiện cho ngư dân của hai nước khai thác tốt nguồn hải sản, ngày 11/6/2003, Hiệp định phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia đã được ký kết. Đây là hiệp định đầu tiên giữa Việt Nam với các nước láng giềng chỉ giải quyết một vấn đề là phân định thềm lục địa. Hiệp định có hiệu lực kể từ ngày 29/5/2007, sau khi hai nước trao đổi thư phê chuẩn. Hiệp định là kết quả của một quá trình đàm phán lâu dài và khó khăn đã thể hiện nỗ lực, thiện chí và sự nhân nhượng từ cả hai bên để đi đến kết quả thích hợp mà hai bên chấp nhận được. Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam – Indonesia đã tạo thuận lợi cho hai nước thực hiện các quyền chủ quyền, quyền tài phán, quản lý và khai thác phần thềm lục địa của mình.

Ngày 28/3/2016, Việt Nam và Indonesia đã tổ chức đàm phán vòng 8 cấp chuyên viên về phân định vùng đặc quyền kinh tế viết tắt là EEZ giữa hai nước. Cuộc đàm phán được tổ chức tại Bali, Indonesia, từ ngày 22 đến 24/3/2016. Đây là vòng đàm phán tiếp theo của vòng VII về vấn đề phân định EEZ giữa Việt Nam và Indonesia từng diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam tháng 12/2015. Tại lần đàm phán mới nhất, đoàn Việt Nam do ông Trịnh Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam làm trưởng đoàn. Đoàn Indonesia do ông Octavino Alimuddin, Vụ trưởng Vụ Chính trị, An ninh và các điều ước lãnh thổ, Bộ Ngoại giao Indonesia làm trưởng đoàn. Trong các buổi làm việc, hai bên tiếp tục thảo luận các phương pháp phân định Vùng đặc quyền kinh tế trên cơ sở các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và trao đổi quan điểm về nguyên tắc còn tồn tại của dự thảo các nguyên tắc và hướng dẫn đàm phán. Hai đoàn đàm phán hy vọng kết quả đạt được sau cuộc họp sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Như vậy, từ năm 2007 đến năm 2015 là giai đoạn mà Việt Nam và Indonesia khẳng định cam kết tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của Hiệp định, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế. Tuy vậy, đàm phán về ranh giới biển giữa hai nước vẫn chưa kết thúc, bởi vì vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn giữa hai nước vẫn chưa dược phân định. Từ khi hai nước ký kết Hiệp định phân định thềm lục địa, có nhiều dấu hiệu tích cực như ngư dân của hai nước đã có một hành lang pháp lý rõ ràng, do đó trong quá trình khai thác hải sản trên vùng biển giáp ranh ít xảy ra vi phạm. Đồng thời hai bên cũng tiếp tục đàm phán để phân định vùng đặc quyền kinh tế dựa trên luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế và quy định của UNCLOS.

Trong lĩnh vực phân định biển, Việt Nam luôn luôn kiên định mục tiêu đảm bảo lợi ích quốc gia trên các vùng biển và hải đảo. Việt Nam là một trong những quốc gia có bờ biển dài và vùng biển rộng, biển của Việt Nam tiếp giáp với nhiều quốc gia trong khu vực Biển Đông. Để có đường biên giới trên biển đảm bảo tính công bằng, hòa bình và ổn định lâu dài, Việt Nam đã và đang tiến hành đàm phán với các quốc gia có vùng biển tiếp giáp với vùng biển của nước ta trong khu vực Biển Đông như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia và Campuchia. Bên cảnh đó, Việt Nam củng phải thực hiện nhiệm vụ: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới