Mỹ bất ngờ đánh thêm thuế quan với hàng hóa EU trị giá 4 tỷ USD là do hợp tác Iran hay trợ cấp Airbus?
Chỉ vài ngày sau khi đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ-Trung, chính phủ Mỹ ngày 1/7 đã gia tăng áp lực lên châu Âu, nhằm vào số hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ trị giá 4 tỷ USD.
Theo thông cáo từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ danh sách các sản phẩm bổ sung sẽ phải chịu thêm thuế quan bao gồm anh đào, thịt, mì ống, ô liu, phô mai Ý và rượu whisky Scotch.
Đây là các sản phẩm có thể bị áp thuế sắp tới, bên cạnh các sản phẩm kim loại của châu Âu trị giá 21 tỷ USD vừa bị Mỹ áp thuế vào tháng 4 vừa qua.
Cơ quan này cho biết, 89 danh mục thuế quan đã được bổ sung vào danh sách ban đầu song không đưa ra lời giải thích nào thêm.
Phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết phiên điều trần công khai về số hàng hóa bổ sung trị giá 4 tỷ USD này sẽ được tiến hành vào ngày 5/8.
Việc đe dọa đánh thuế được cho sẽ làm căng thẳng thêm mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU, sau khi khối đồng minh đang có xu hướng mâu thuẫn nhiều vấn đề với Washington.
EU mới đây đã công bố thiết lập một cơ chế thanh toán thương mại với EU mang tên INSTEX cho phép mọi thành viên EU có thể tiến hành giao dịch với Iran mà không ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt từ Mỹ. Hiện, EU mới chỉ hợp tác với Iran để tiến hành các giao dịch hàng hóa cấp thiết với nước này như: dược phẩm, thiết bị y tế và hàng hóa nông lương.
Dầu mỏ – vốn là mặt hàng đang được Mỹ nhắm tới để gây áp lực tối đa với Iran – sẽ không được thanh toán giao dịch thông qua cơ chế INSTEX.
INSTEX được cho là lá chắn giúp EU né được một phần các trừng phạt Iran mà vẫn giữ được hòa khí với Tehran.
Bên cạnh INSTEX, EU còn mâu thuẫn với Mỹ trong vấn đề trợ cấp các hãng sản xuất máy bay. Hơn 15 năm qua, Mỹ và châu Âu đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích lẫn nhau vì sự bất tương đồng trong các khoản tiền viện trợ dành cho Boeing, hãng sản xuất máy bay nổi tiếng Hoa Kỳ, và Airbus, tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu châu Âu.
Vào tháng trước, một số lãnh đạo cấp cao thuộc tập đoàn Boeing đã thúc giục chính phủ tìm cách đánh thuế trả đũa hành vi phân phối tiền trợ cấp phi pháp của Liên minh châu Âu mà không làm tổn hại đến các công ty Mỹ.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ trước đó ước tính rằng trợ cấp mà châu Âu dành cho Airbus gây hại ít nhất 11 tỷ USD cho nước Mỹ mỗi năm. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng khẳng định rằng việc trợ cấp của châu Âu vi phạm quy tắc thương mại quốc tế, đến mùa hè này, WTO sẽ quyết định về những biện pháp trả đũa mà Mỹ có thể áp dụng.
Bản thân EU cũng đang muốn phản đối Boeing. Vào tháng 4/2019, EU công bố bản danh sách 12 tỷ USD hàng hóa Mỹ phải chịu thuế cao hơn nhằm trả đũa việc Mỹ trợ cấp nhiều cho Boeing, phía châu Âu tập trung vào tăng thuế với hàng loạt các loại nông sản Mỹ và một số sản phẩm điện tử khác.
Sau sự kiện triển lãm hàng không Paris ở Pháp, chính phủ Mỹ đã tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Liên minh châu Âu về các điều khoản thương mại mới cho phép Airbus nhận tiền tài trợ từ chính phủ các nước một cách hợp pháp, mở ra tiền đề chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tiền trợ cấp.