Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTiến trình thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông...

Tiến trình thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong 6 tháng đầu năm 2019

Từ đầu năm 2019 đến nay, ASEAN và Trung Quốc đã có nhiều động thái nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán, ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

ASEAN nỗ lực thúc đẩy đàm phán COC

Ngay từ đầu năm 2019, Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN đã tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (17-18/1) tại Chiang Mai, Thái Lan. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng nhất trí thúc đẩy thương lượng COC hiệu lực, hiệu quả; trong đó có hoàn tất lần rà soát thứ nhất dự thảo văn bản COC trong năm 2019. Theo đó, các Bộ trưởng nhất trí ASEAN cần tiếp tục trao đổi về tình hình Biển Đông, ghi nhận quan ngại về các hoạt động bồi đắp, tôn tạo và các hoạt động làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, gây phương hại tới hoà bình và an ninh khu vực. Trong bối cảnh này, các Bộ trưởng tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, nhất trí thúc đẩy thương lượng COC hiệu lực, hiệu quả; trong đó có hoàn tất lần rà soát thứ nhất dự thảo văn bản COC trong năm 2019. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh dù đã có một số tiến triển, song tình hình thực địa vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động quân sự hoá tiếp tục gia tăng. Do đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN duy trì đoàn kết, tiếng nói chung, nỗ lực đóng góp cho hoà bình, ổn định và an ninh khu vực trên cơ sở những nguyên tắc đã nhất trí, trong đó có tự kiềm chế và không quân sự hoá, thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và phấn đấu đạt Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982. Cùng quan điểm trên, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai cho biết: “Các Bộ trưởng mong rằng sẽ có nhiều phiên thảo luận được tổ chức để đạt được lần rà soát đầu tiên của dự thảo văn bản đàm phán COC. Sau khi có lần rà soát này thì hy vọng sẽ đạt được sự thống nhất giữa các bên liên quan và rốt cuộc dẫn đến việc hoàn tất đàm phán COC”.

Trong khi đó, tại Hội nghị các Quan chức cao cấp ASEAN (ASEAN SOM, 6-8/3) được tổ chức tại thành phố Chiang Rai (Thái Lan), Hội nghị ghi nhận những tiến triển trong tiến trình thương lượng COC, đã tạo đà thuận lợi để hai bên có thể hoàn tất vòng thương lượng thứ nhất văn bản COC trước Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc vào tháng 8/2019.

Từ 17-18/5/2019, ASEAN và Trung Quốc tổ chức Hội nghị trao đổi về việc thực hiện DOC và đàm phán COC. Trước đó, Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC cũng đã họp từ 16-17/5/2019. Tại các cuộc họp này, các bên đã trao đổi về tình hình Biển Đông, kiểm điểm thực hiện DOC và tiếp tục đàm phán về COC. Các nước cho rằng tình hình Biển Đông phức tạp là hệ lụy của những diễn biến vừa qua trên thực địa, làm gia tăng căng thẳng, gây xói mòn lòng tin, tạo nguy cơ cho hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Trước tình hình đó, các nước tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đồng thời cũng cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là tự kiềm chế, đi đôi với hợp tác xây dựng lòng tin. Hội nghị nhất trí với đề xuất của Việt Nam tổ chức hội thảo trong khuôn khổ DOC về đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân. Hội nghị ghi nhận công việc của Nhóm Công tác chung, hoan nghênh tiến triển trong đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về COC, cho rằng tiến trình này đang được triển khai đúng lộ trình, hướng tới hoàn tất vòng rà soát đầu tiên trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc (PMC) dự kiến sẽ được tổ chức cuối tháng 7, đầu tháng 8/2019 tại Bangkok, Thái Lan. Các nước cũng nhất trí cần duy trì nhịp độ đàm phán, phát huy tinh thần trách nhiệm phấn đấu xây dựng COC thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong quá trình này, các bên cần kiềm chế, nỗ lực duy trì môi trường thuận lợi cho quá trình xây dựng COC.

Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 (22-23/6) cho biết, ASEAN và Trung Quốc đã hoàn thành nhanh chóng các cuộc đàm phán bản dự thảo COC để “giảm các căng thẳng và nguy cơ các tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai lệch. Bản Tuyên bố cho biết “Chúng tôi hoan nghênh nồng nhiệt những sự hợp tác tiếp tục được cải thiện giữa ASEAN và Trung Quốc và được khích lệ từ những cuộc đàm phán lâu dài đã dẫn đến những kết luận sớm”.

Mỹ và cộng đồng quốc tế “tiếp lửa” cho COC

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Vụ An ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương Randall Schriver (26/4) kêu gọi các nước ASEAN tiếp tục theo đuổi đàm phán COC ràng buộc pháp lý đối với hành động của các nước liên quan đến cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, đồng thời nhận định Trung Quốc có khả năng tìm cách lái cuộc đàm phán COC theo ý của Bắc Kinh. Theo ông Randall Schriver, “cách Trung Quốc hành xử giống như họ không tham gia vào việc tuân hành luật lệ quốc tế một cách nhất quán, cho nên chúng ta có sự nghi ngờ về những điều kiện họ muốn có ở trong COC”. Ông Schriver cho hay dù Mỹ nghi ngờ động cơ của Trung Quốc trong khi tham dự đàm phán, song Washington vẫn tin một COC có thể là cơ chế để cải thiện an toàn trong khu vực tranh chấp; đồng thời khẳng định Mỹ không tham gia vào việc soạn thảo COC.

Ngày 20/6, Trường Đại học Thamasat ở Bangkok, Trung tâm Đông Nam Á – Đức về Chính sách công và Quản trị hiệu quả (CPG) và Quỹ Quản trị châu Á (AGF) đã đồng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC): Nguồn lực quân sự và Tài nguyên biển”. Tại hội thảo, các học giả đều nhận định Biển Đông là vùng biển có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Biển Đông chứa đựng một lượng lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, đồng thời là một trong những khu vực đa dạng sinh học nhất trên thế giới. Tại Hội thảo, các học giả kêu gọi ASEAN duy trì nguyên tắc đồng thuận trước các cuộc đàm phán về Biển Đông; cho rằng các nước trong khu vực cần khai thác tốt các yếu tố vốn có, cũng như xây dựng các cơ chế mới để giảm thiểu tác động tiêu cực từ vấn đề trên, trong đó các nước ASEAN cần phải xây dựng, hoàn thiện vai trò trung tâm của mình, đồng thời đẩy nhanh kết thúc quá trình đàm phán về một COC. Một COC hoàn chỉnh, toàn diện sẽ tạo ra hành lang pháp lý cho các chủ thể khu vực hành xử một cách trách nhiệm trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần duy trì hoà bình và ổn định khu vực. Ngoài ra, giới chuyên gia cũng cho rằng tiến trình kết thúc đàm phán COC sẽ gặp nhiều thử thách trong bối cảnh Trung Quốc phủ nhận phán quyết của Toà trọng tài quốc tế (PCA) hồi năm 2016, hạ thấp giá trị của Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS), tăng cường tuyên truyền về cái gọi là thực trạng mới tại Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh ngày càng can thiệp sâu hơn vào khu vực, tạo ra những yếu tố khó tính toán. Do đó, một COC toàn diện, có tính ràng buộc trên thực tế là một yêu cầu cấp bách, do đó, ASEAN cần giữ vững sự đoàn kết, thống nhất và nguyên tắc đồng thuận trước các cuộc đàm phán.

Trung Quốc cố tình kéo dài tiến trình đàm phán COC

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (15/1) cho rằng việc tiến hành soạn thảo COC là chậm trễ và nhiều điểm từ trong DOC không được các bên tham gia nghiêm túc coi trọng; thừa nhận Việt Nam sẽ là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất nếu xảy ra xung đột trong khu vực.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát độc lập làm việc tại Singapore nhận định chính Trung Quốc là bên không muốn có một sự ràng buộc về pháp lý trong COC, để có thể dễ dàng thao túng khi tranh chấp với các quốc gia Đông Nam Á nhỏ và yếu hơn; đồng thời cho rằng Trung Quốc đang tìm cách câu giờ để họ có thể từ từ chiếm đóng các đảo, xây đảo nhân tạo, lập nên một hiện trạng và bắt các quốc gia khác phải công nhận.

Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc cũng đang âm thầm cản trở COC vì: (1) Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, đồng thời tìm cách tăng cường khả năng quản lý, giám sát (phi pháp) đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Những hành động trên của Trung Quốc tiếp tục làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực. (2) Trung Quốc không muốn có một COC mang tính ràng buộc pháp lý, vì cho rằng nếu COC mang tính ràng buộc về pháp lý sẽ ngăn chặn âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. (3) Bắc Kinh muốn thông qua các cuộc đàm phán, tham vấn với ASEAN để nghiên cứu, nắm quan điểm của các nước ASEAN đối với Trung Quốc. Từ đó, Bắc Kinh sẽ đưa ra những đối sách cụ thể với từng nước, để lôi kéo hoặc ép buộc phải ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Nói một cách khác, Trung Quốc vẫn muốn tìm cách chia rẽ ASEAN và chèn ép những nước “không nghe lời”.

Trung Quốc ngụy biện về COC

Trả lời phỏng vấn tại họp báo lần thứ hai về Lưỡng hội Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (8/3) cho rằng trong những năm gần đây, cục diện tình hình Biển Đông đã có bước chuyển biến tích cực; con đường đúng đắn để giải quyết tranh chấp Biển Đông là thông qua đàm phán trực tiếp với các nước đương sự và Trung Quốc cùng ASEAN phối hợp bảo vệ hòa bình ổn định ở Biển Đông. Hiện tiến trình đàm phán COC đang được đẩy nhanh tốc độ, lộ trình đã rõ ràng. Việc Trung Quốc chủ động đề xuất sẽ đạt được COC vào năm 2021 cho thấy “thành ý” và “trách nhiệm” của Bắc Kinh. Nhằm thúc đẩy Trung Quốc và ASEAN tăng cường lòng tin chính trị, quản lý bất đồng, thúc đẩy hợp tác và phát huy tác dụng bảo vệ ổn định ở Biển Đông, COC sẽ là bản nâng cấp của DOC, nó sẽ phù hợp hơn với khu vực, có hiệu quả hơn trong quy định về hành vi của các bên liên quan và thúc đẩy bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Trung Quốc sẽ cùng ASEAN giữ vững quyết tâm, loại trừ can thiệp từ bên ngoài, xuất phát từ cơ sở nhất trì đàm phán để không ngừng đẩy nhanh tiến trình đàm phán hiệp thương. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối “nước cá biệt” lợi dụng vấn đề Biển Đông để can dự đàm phán COC, khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông phải do các nước trong khu vực quyết định. COC phải do các nước trong khu vực cùng thương thảo, tuân thủ và gánh vác trách nhiệm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (1/3) cho rằng, Trung Quốc và các nước ASEAN đang chứng kiến “sự tiến triển suôn sẻ” liên quan tham vấn về COC. Theo ông Lục Khảng, cho đến thời điểm này, đây là cuộc họp đầu tiên trong năm nay về thực thi cơ chế DOC, khẳng định Trung Quốc và các nước ASEAN đã có cuộc trao đổi ý kiến sâu rộng và thẳng thắn về các vấn đề như thực thi DOC cũng như thúc đẩy tham vấn về COC; đồng thời nhấn mạnh trong cuộc họp này, với đà đối thoại và hợp tác, Trung Quốc và các nước ASEAN đã tiếp tục thúc đẩy việc xem xét và đóng góp ý kiến về văn kiện COC một cách hiệu quả, luôn xây dựng sự đồng thuận; khẳng định quá trình đàm phán COC đang tiến triển suôn sẻ.

Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Hoàng Khê Liên cũng cho biết, do vẫn chưa có COC, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm đạt được COC trong thời gian sớm nhất; nhấn mạnh Trung Quốc cũng mong muốn rằng các nước ngoài khu vực có thể đóng vai trò xây dựng trong tiến trình này và đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực. Ông Hoàng Khê Liên cho rằng việc thực hiện DOC trong khi đàm phán COC tạo ra nền tảng hiệu quả để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua tăng cường đối thoại và hợp tác, “là minh chứng cho thấy Trung Quốc và ASEAN có sự sáng suốt và khả năng xây dựng các quy định và quản lý đúng đắn các tranh chấp vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Triển vọng mù mịt về COC ràng buộc về pháp lý

Tuy được Trung Quốc và ASEAN thúc đẩy đàm phán, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn để đạt được COC trong thời gian sắp tới. Nguyên nhân chính là do có những tranh chấp phức tạp về mặt pháp lý trong việc xác lập các vùng biển và thềm lục địa xuất phát từ việc giải thích và áp dụng khác nhau các quy định của UNCLOS 1982; tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, đá ở Biển Đông. Đặc biệt là một số thành viên khi tham gia với những động cơ chính trị khác nhau, tiêu biểu là Trung Quốc, một thành viên đã có những hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia khác xung quanh Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và các cam kết chính trị đã đạt được. Trung Quốc đã và đang tìm cách trì hoãn quá trình thương thảo để tranh thủ tạo được lợi thế trong đàm phán về COC. Chừng nào yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chưa được hợp thức hóa trong việc xác lập phạm vi điều chỉnh COC thì chừng đó không thể có được COC. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải thực hiện bằng được chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông để vươn lên tranh giành vị trí siêu cường số một thế giới đối trọng với Mỹ. Và như vậy có thể thấy rằng cái gọi là “đã đạt được bản thảo đầu tiên của COC” do Trung Quốc chủ động thông tin là cố ý thổi phồng, nhằm mục đích tuyên truyền, mê hoặc dư luận vì động cơ chính trị. Có chăng chỉ có thể là “đã đạt tiến triển tốt trong việc xây dựng “Khung COC với Trung Quốc” như phía Philppines thông báo.

Vụ trưởng Vụ các vấn đề ASEAN của Thái Lan Suriya Chindawongse cho biết, tiến trình đàm phán sẽ mất nhiều thời gian để đi đến kết quả cuối cùng và COC không phải là phương thức để giải quyết tranh chấp lãnh thổ mà vấn đề này sẽ được giải quyết trên cơ sở song phương.

RELATED ARTICLES

Tin mới