Thông tin Trung Quốc tiến hành tập trận ở Biển Đông từ ngày 29/6 đến 3/7, trong đó có việc nước này đã phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm đang gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các nước trong và ngoài khu vực.
Phản ứng của Mỹ và đồng minh
Mỹ là nước đầu tiên đưa ra thông tin tiết lộ về việc TQ thử tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông. Hai quan chức Mỹ giấu tên hôm 2/7 cho biết quân đội Trung Quốc (PLA) đang tiến hành một loạt vụ phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm trên Biển Đông. Vụ phóng đầu tiên được thực hiện vào cuối tuần trước, khi ít nhất một quả tên lửa được khai hỏa và rơi xuống biển. Giới chức Mỹ cho hay Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiến hành tiếp các vụ phóng tên lửa chống hạm trước khi đợt diễn tập quân sự 5 ngày trên Biển Đông kết thúc hôm 3/7. Nhiều tàu chiến Mỹ hiện diện ở Biển Đông nhưng không hoạt động gần khu vực Trung Quốc thử tên lửa và không bị đe dọa bởi vũ khí chống hạm này, nhưng quan chức Mỹ cho rằng vụ thử của Trung Quốc là “đáng quan ngại”. Quan chức này cho biết chưa thể xác định liệu tên lửa đối hạm được thử có thể hiện năng lực mới của hải quân Trung Quốc hay không.
Ngay sau đó, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Dave Eastburn hôm 2/7 cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã nắm được thông tin về việc Trung Quốc phóng thử tên lửa chống hạm từ các đảo nhân tạo nước này bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào cuối tuần qua. “Tôi không đại diện cho các quốc gia có chủ quyền trong khu vực, nhưng tôi chắc chắn họ đều nhất trí rằng hành vi của Trung Quốc đi ngược lại những cam kết về việc duy trì hòa bình trong khu vực và đó là những hành động mang tính đe dọa nhằm bắt nạt các nước khác”, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Eastburn nói. Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho rằng vụ phóng tên lửa của Trung Quốc là hành động “đáng lo ngại” và trái ngược với cam kết không quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh.
Phản ứng của Bộ Quốc phòng và truyền thông TQ
Ngay sau khi có thông tin từ Mỹ và khu vực cho rằng Trung Quốc đã thử tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông, gây ra quan ngại sâu sắc đối với khu vực, báo chí Trung Quốc đã tìm cách bác bỏ thông tin trên và phản bác chỉ trích của các nước. Tuy nhiên, sau đó Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã xác nhận phóng thử thành công tên lửa đạn đạo mới từ tàu ngầm. Trung Quốc cho rằng đợt thử tên lửa JL-3 phóng từ tàu ngầm không nhằm vào quốc gia nào, chỉ phục vụ mục đích phòng thủ. “Các cuộc thử nghiệm và nghiên cứu khoa học được tiến hành một cách bình thường theo kế hoạch. Hoạt động này không nhằm vào thực thể hay quốc gia nào cụ thể”, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường phát biểu hôm 2/7, đề cập tới cuộc bắn thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-3 hồi đầu tháng 6. Quả đạn phóng từ một tàu ngầm ở vịnh Bột Hải, bay được hàng nghìn km trước khi lao xuống bãi thử ở phía tây Trung Quốc. “Chính sách quốc phòng của Bắc Kinh chỉ mang tính phòng thP ngôn viên Nhậm bao biện. JL-3 được phát triển từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41, dự kiến trở thành vũ khí chính của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-096 tương lai của Trung Quốc. Tên lửa mang được 5-7 đầu đạn với tổng sức công phá tương đương 240.000 tấn thuốc nổ TNT. Truyền thông Trung Quốc cho rằng JL-3 đạt tầm bắn 9.000-13.000 km, trong khi một số chuyên gia phương Tây cho rằng nó có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 14.000 km. Mỗi tàu ngầm Type-096 có thể mang 24 quả đạn JL-3, đủ sức đe dọa gần như toàn bộ khu vực Bắc Mỹ mà không cần rời vùng biển gần Trung Quốc. Lớp tàu ngầm này dự kiến được biên chế trong thập niên 2020, tăng cường đáng kể năng lực răn đe hạt nhân của Bắc Kinh.
Phản ứng của khu vực
Dư luận khu vực bày tỏ hết sức quan ngại về hoạt động tập trận của Trung Quốc, đặc biệt là việc nước này phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông. Cho rằng hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, khiến tình hình khu vực trở nên phức tạp, căng thẳng. Những hành động của Trung Quốc đi ngược lại với những tuyên bố cam kết của Trung Quốc về không quân sự hoá ở Biển Đông và những gì mà nước này tuyên bố là “thiện chí” thúc đẩy hợp tác, hoà bình ở Biển Đông. Hoạt động của Trung Quốc cũng đi ngược lại với xu thế hiện nay của các nước trong thúc đẩy đàm phán ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Đối với hoạt động hàng không và hàng hải quốc tế ở Biển Đông, hoạt động tập trân, phóng thử tên lửa của Trung Quốc những ngày qua đe doạ nghiêm trọng đến an toàn của tàu thuyền, máy bay qua trong khu vực này.
Về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tập trận ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ, Việt Nam có chủ quyền đối hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, có quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, quan điểm rõ ràng và nhất quán của Việt Nam là mong muốn các quốc gia đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Các hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các bên mà không có sự đồng ý của Việt Nam là vô giá trị và bất hợp pháp.