BienDong.Net: Nạn khan hiếm nhiên liệu, khả năng con người có thể tiếp cận các nguồn năng lượng phong phú dưới đáy biển, và tình trạng biến đổi khí hậu là những tác nhân mới đang thúc đẩy một cuộc chạy đua gay gắt giành quyền kiểm soát biển cả, hiện tập trung tại ba khu vực là Biển Đông, đông Địa Trung Hải và Bắc Băng dương. Đó là nhận định của Mark Landler trong bài viết Kỉ nguyên mới của ngoại giao pháo hạm, đăng trên The New York Times số ra ngày 12/11. Bài báo viết:
Có vẻ như là chuyện lạ trong kỉ nguyên của chiến tranh mạng và những cuộc oanh kích của máy bay lên thẳng vũ trang không người lái, song một mặt trận mới trong cuộc đua tranh giữa Mỹ và Trung Quốc lại chính là một vùng biển nhiệt đới, nơi nỗ lực nhằm khai thác các dự trữ dầu và hơi đốt phong phú ở ngoài khơi đang làm dấy lên một cuộc xung đột tương tự như hoạt động ngoại giao pháo hạm hồi thế kỉ 19.
Chính quyền Obama lần đầu tiên lội vào vùng nước nguy hiểm của Biển Đông hồi năm ngoái khi tại một cuộc họp căng thẳng của các nước châu Á ở Hà Nội, Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton tuyên bố rằng Mỹ sẽ tham gia cùng Việt Nam, Philippines và một số nước khác chống lại nỗ lực của Trung Quốc nhằm thống trị vùng biển này. Như người ta có thể đoán trước, Trung Quốc đã tỏ ra tức giận bởi điều mà họ coi là sự can thiệp của Mỹ.
Cứ xem tất cả những dư âm của nó trong những năm 1800, không kể thời kì chiến tranh lạnh, cuộc đối đầu ở Biển Đông báo hiệu một kiểu xung đột hàng hải mới đang diễn ra từ Địa Trung Hải tới Bắc Băng dương, nơi vấn đề các cường quốc kinh tế đói nhiên liệu, những nguồn năng lượng phong phú dưới đáy biển mới tiếp cận được và cả những biến đổi trong khí hậu trái đất đang kết hợp với nhau để gây ra một cuộc tranh giành biển cả trong thế kỉ 21.
Không chỉ riêng Trung Quốc có tham vọng về biển. Thổ Nhĩ Kỳ từng xung đột với Síp và căng thẳng với Hi lạp và Israel liên quan đến các mỏ hơi đốt ở đông Địa Trung Hải. Một vài cường quốc, trong đó có Nga, Canada và Mỹ đang háo hức vây quanh vùng biển Bắc, nơi lớp băng Bắc Cực tan chảy đang mở ra những tuyến hàng hải mới cùng với khả năng đầy hấp dẫn về việc có những mỏ dầu và khí đốt khổng lồ dưới biển.
“ Cuộc săn lùng tài nguyên sẽ lan rộng ra các vùng biển và đại dương lớn trên khắp thế giới trong ít nhất vài thập kỉ nữa. Bà Clinton nói như vậy trong cuộc phỏng vấn mới đây khi mô tả cuộc cạnh tranh toàn cầu này như là cuộc chiến Great Game dưới biển ( Great Game là cuộc cạnh tranh giữa Anh và Nga nhằm giành ảnh hưởng tại vùng Trung Á từ thế kỉ 19 đến đầu thế kỉ 20- theo Wikipedia).
Ảnh minh họa: Internet.
Những căng thẳng như vậy chắc chắn sẽ phủ bóng của nó lên Tổng thống Obama tuần này khi ông gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các nước châu Á tại Honolulu và tại hội nghị ở đảo Bali của Indonesia. Các quan chức chính quyền Mỹ cho biết họ hy vọng các bên sẽ làm dịu bớt bất đồng, cho dù điều đó không che đậy được những xung đột sẽ xảy ra.
“Đằng sau tất cả những câu chuyện này là sự thừa nhận rằng có một tỉ phần ngày càng lớn nguồn tài nguyên dầu nằm ở ngoài khơi”-Daniel Yergin, một chuyên gia về năng lượng, tác giả cuốn sách “ Cuộc tìm kiếm: Năng lượng, An ninh và Định hình lại Thế giới hiện đại” phát biểu. Ông nói: Khi bạn có nguồn tài nguyên năng lượng ở trên đất liền thì bạn biết là chúng ở đâu. Còn khi chúng nằm ở ngoài khơi, tình hình có thể trở nên mù mờ hơn”.
29 triệu thùng dầu mỗi ngày, tức là 1/3 sản lượng dầu toàn cầu, hiện được khai thác từ các mỏ ở ngoài khơi, ông Yergin cho biết, và tỉ trọng này sẽ ngày một tăng. Riêng Biển Đông ước tính có 61 tỉ thùng dầu và hơi đốt- cộng với 54 tỉ thùng chưa được tìm thấy, trong khi Bắc Băng dương ước tính có 238 tỉ thùng, còn các mỏ chưa được phát hiện ở đây có thể chứa số dầu lớn gấp đôi như vậy.
Trong khi các nước đua nhau dựng dàn khoan và đưa các tàu thăm dò đi chà xát các vùng đáy biển, những đòi hỏi trái ngược nhau về chủ quyền biển đang góp phần thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trên biển. Không phải ngẫu nhiên mà các nước có lực lượng hải quân phát triển nhanh nhất lại chính là các nước có đặt cược tại các vùng biển giàu năng lượng này.
Theo Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế tại London, Trung Quốc đã tăng từ 2 tàu khu trục chế tạo thời Xô Viết hồi năm 1990 lên con số 13 tàu khu trục hiện đại năm 2010. Trong nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân biển xanh, là lực lượng hoạt động ngoài biển khơi xa, Trung Quốc còn đóng cả một tàu sân bay. Malaysia và Việt Nam đang tăng cường lực lượng hải quân với những chiến hạm và tàu ngầm. Để bảo đảm khả năng tiếp cận vùng Viễn Đông, Ấn độ cũng đang gia tăng sức mạnh.Trong khi đó, hải quân Israel đưa thêm tàu ra ngăn chặn các tàu chiến Thổ Nhĩ kỳ vây quanh các dàn khoan dầu của họ.
“Các nước đều muốn bảo đảm rằng họ có thể khai thác các nguồn tài nguyên và rằng các tuyến giao thương của họ được bảo vệ”- David L. Goldwyn, cựu phái viên đặc biệt về các vấn đề năng lượng quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu.
Cuộc cạnh tranh này còn thấy sau lời kêu gọi về việc Mỹ phải tăng cường sức mạnh hải quân, ngay cả vào thời điểm ngân sách bị cắt giảm. Mitt Romney, được nhiều người coi là ứng cử viên hàng đầu của phe Cộng hoà trong cuộc tranh chức Tổng thống mới đây tuyên bố ông sẽ đảo ngược tình trạng suy sút của hải quân Mỹ, và đưa ra sáng kiến tăng nhịp độ đóng tàu chiến từ 9 chiếc mỗi năm hiện nay lên 15 chiếc”. Theo các nhà phân tích, với tốc độ tàu đóng thêm không đủ cho nhu cầu, và ngân sách bảo dưỡng tàu bị siết lại, Hải quân Mỹ buộc phải hoạt động với một đội tàu già nua mà một số người cho rằng không đáp ứng được với những thách thức đặt ra.
Ngay cả trong tình hình như vậy, chính quyền Obama vẫn hăng hái thực hiện chính sách ngoại giao pháo hạm- thuật ngữ có nghĩa là đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại qua việc phô trương sức mạnh hải quân. Mùa Thu vừa qua, ông Obama đã phái tàu sân bay George Washington tới Hoàng Hải để tập trận chung với Hàn Quốc, phát đi thông điệp cho cả Bắc Triều Tiên lẫn nước đóng vai trò then chốt trong việc ủng hộ họ là Trung Quốc. Hành động này mang hơi hướng quyết định của chính quyền Clinton hồi năm 1996 phái Hạm đội 7 tới cảnh cáo Trung Quốc chớ tấn công Đài Loan.
Nước Mỹ đã sử dụng chính sách ngoại giao pháo hạm ở châu Á ít ra là từ năm 1853 khi Thiếu tướng Matthew C. Perry đưa hạm đội của ông tiến vào Vịnh Tokyo để uy hiếp Nhật Bản phải mở cửa buôn bán với nước ngoài. Nhưng ngày nay, Trung Quốc đang thực hiện một học thuyết Monroe phiên bản châu Á để áp đặt tham vọng đế quốc của họ.
Đối với ông Obama, người có một thế giới quan sâu sắc về Thái Bình Dương do xuất xứ của ông ở Hawaii và Inđonesia, việc rút lui ở Iraq và Afghanistan đang cho ông ta một cái cớ rất tốt để hướng sang phía đông. Mỹ đã hành động để củng cố quan hệ với các đồng minh cũ ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như với những khổng lồ mới như Ấn Độ. Mặc dù các quan chức chính quyền Mỹ không muốn nói ra một cách công khai, nhưng mục đích của nó là nhằm hình thành một liên minh làm đối trọng với sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc.
Trong chuyến công du châu Á mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta cam kết Mỹ sẽ không rút khỏi khu vực này. Ông nói:” Trong bất kì trường hợp nào chúng tôi cũng sẽ tăng cường sự hiện diện của mình ở Thái Bình dương”. Tuần này ông Obama dự kiến sẽ công bố một thoả thuận với Úc về việc duy trì sự có mặt thường trực của quân đội Mỹ tại nước này.
Trên đất liền, cuộc chạy đua giành nguồn cung cấp năng lượng tất nhiên không phải là chuyện mới. Từ những năm 1950 đến những năm 1970, Mỹ đã hành động để ngăn không cho Nga nhảy vào nước Iran nhiều dầu lửa. Giờ đây Trung quôc đang bận rộn kí kết hợp đồng tại châu Phi dồi dào năng lượng. Tuy nhiên, kĩ thuật công nghệ đã làm thay đổi phương trình, nó làm cho các mỏ dầu và hơi đốt dưới đáy biển phát huy vai trò của chúng hơn bất cứ thời điểm nào trước đây.
Về căn bản, đây là vấn đề khi nào xung đột xảy ra, và sẽ xảy ra như thế nào”- James B. Steinberg, nguyên trợ lý ngoại trưởng Mỹ, người có kinh nghiệm ở cả ba vùng biển có tranh chấp nêu trên nói. “ Liệu các nước có coi đây là cơ hội các bên cùng có lợi, hay họ coi đó như là cuộc cạnh tranh kiểu kẻ được người mất ?”.
Đối với Trung Quốc, Biển Đông từ lâu đã đóng vai trò quan trọng như là đường tiếp tế dầu lửa và nguyên liệu nuôi dưỡng cho nền kinh tế của họ. Đòi hỏi của Trung Quốc có những căn cứ lịch sử sâu xa, khởi đầu từ những năm 1940 khi những người Trung hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch vẽ ra một đường nhiều đoạn hình lưỡi bò kéo dài xuống phía Nam Trung Quốc, ôm lấy phần lớn vùng biển và hai quần đảo tranh chấp là Hoàng Sa và Trường Sa.
Cuộc tranh chấp đối với các đảo đá có nguồn gốc núi lửa này sẽ chẳng có ý nghĩa gì mấy, trừ việc Trung quốc, Việt Nam và Philippines đang chạy đua với nhau trong cuộc tranh giành dầu lửa.
Mùa Xuân vừa rồi, trong hai sự cố riêng biệt, Việt Nam đã tố cáo tàu Trung quốc cố tình cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu thăm dò dầu của Việt Nam. Một cựu quan chức Mỹ cho biết kịch bản mà ông coi là ác mộng đó là một tàu chiến Trung Quốc nổ súng vào một tàu khoan dầu của công ty Exxon.
Nếu như Biển Đông đang ở trong tình trạng âm ỉ thì vùng biển phía Đông Địa Trung Hải lại đang sục sôi. Ở đó, yêu sách đối với các mỏ hơi đốt khổng lồ ngoài khơi nước Síp và Libăng đã làm gia tăng căng thẳng giữa họ với Thổ Nhĩ kỳ, nước hiện đang chiếm đóng một nửa lãnh thổ Síp- cũng như với Israel. Síp và Israel đang khoan tìm dầu và điều này làm cho Thổ Nhĩ kỳ tức giận. Còn nhóm chiến binh Hồi giáo Hezbollah ở Libăng thì doạ sẽ tấn công các dàn khoan dầu của Israel.
Làm phức tạp thêm tình hình này là sự đổ vỡ cay đắng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sau vụ một đội biệt động Israel chặn đánh một đoàn tàu của Thổ Nhĩ kỳ tìm cách chuyển hàng cứu trợ cho người Palestin ở dải Gaza năm ngoái làm nhiều người chết..
Charles K. Ebinger, một học giả cao cấp làm việc cho Viện Brookings nói: Người Thổ bảo: Israel nhục mạ chúng tôi, chúng tôi có thể làm gì để đáp trả?. Một phần trong sự đáp trả ấy chính là thái độ quyết đoán hơn trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ kỳ ở tất cả mọi nơi”.
Có lẽ khu vực cạnh tranh ít nguy hiểm hơn cả là ở miền bắc băng giá của địa cầu, một phần bởi vì các chuyên gia cho rằng rất nhiều trong số các mỏ khoáng sản ở Bắc Băng dương đều ở trong vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của nước này hay nước kia nằm quanh vùng biển này. Thế nhưng ngay cả những nước không có bờ biển trông ra Bắc Băng dương, như Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang đưa tàu phá băng đến đó để thăm dò thời tiết và hoạt động di cư của các loài cá.
Trớ trêu thay, vấn đề gây tranh cãi lớn nhất ở đây lại là câu chuyện giữa hai đồng minh vô điều kiện là Mỹ và Canada. Băng tan mở ra Hành lang Tây Bắc huyền thoại chạy qua một quần đảo ở phía bắc Canada. Mỹ coi hành lang này là thuỷ lộ quốc tế, nơi các tàu của Mỹ được qua lại tự do không hạn chế. Chính phủ Canada thì khẳng định đây là đường nội thuỷ, nghĩa là các tàu nước ngoài chỉ có thể sử dụng hành lang này khi được Ottawa chấp thuận.
Đương nhiên, rất khó có chuyện Canada và Mỹ đi đến chiến tranh, mặc dù cuộc tranh chấp này có thể khiến cho các luật sư về hàng hải phải bận rộn nhiều năm nữa. Các quan chức cảnh báo: khi nhiệt độ tăng lên, bầu máu nóng cũng có thể nóng lên. Đây là một cuộc tranh chấp pháp lý nghiêm trọng, ông Steinberg nói. Khi Bắc Băng dương không còn băng nữa, ở đó sẽ có một số vấn đề thực sự”.
Chương Dương (chuyển ngữ)