Tuesday, November 26, 2024
Trang chủĐàm luậnĐàm phán biển Đông - câu chuyện dài

Đàm phán biển Đông – câu chuyện dài

Ngay cả khi gác qua một bên bằng chứng lịch sử, việc giải quyết vấn đề biển Đông vẫn là một câu chuyện dài với vô vàn khó khăn

 Đàm phán COC gặp nhiều khó khăn

Cuối tháng 6 vừa qua, tại thủ đô Moskva diễn ra Hội thảo quốc tế về giải pháp cho vấn đề biển Đông. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia một số nước, trong đó có Việt Nam Nhật Bản, Hoa Kỳ, Philippines, Pakistan.

Việc Nga, Nhật Bản, Pakistan và một số quốc gia không có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông tham gia Hội thảo, một lần nữa nói lên rằng, biển Đông thực sự là vấn đề có tính quốc tế, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu toàn cầu.

Từ năm 2013, Viện Đông Phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tổ chức hội thảo về chủ đề biển Đông 2 năm/lần, với sự tham dự của nhiều chuyên gia uy tín quốc tế.

Năm 2016, sau phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye về vụ kiện của Philippines đối với TQ, một số cuộc hội thảo quốc tế cũng đã được tổ chức nhằm đánh giá tác động của phán quyết đối với vấn đề biển Đông. Giới nghiên cứu cho rằng, tăng cường các hội thảo khoa học với sự tham gia của các bên liên quan cần được coi là một giải pháp quan trọng góp phần giải quyết vấn đề.

Trở lại hội thảo nêu trên. Những diễn biến mới của tình hình biển Đông, nhất là việc tăng cường lực lượng quân sự, phô diễn trên danh nghĩa thử nghiệm khí tài của TQ – như vụ thử tên lửa đạn đạo chống hạm vừa qua; những vụ va chạm tàu bè giữa các nước trong khu vực; sự hiện diện ngày càng nhiều lực lượng hải quân Mỹ và đồng minh; xu hướng chạy đua vũ trang; tiến triển chậm chạp của việc xây dựng COC…là những nội dung được quan tâm, thể hiện trong nhiều tham luận.

Bên cạnh đó, những bất đồng, nguyên nhân bất đồng, giải pháp giải quyết bất đồng, giữ biển Đông ổn định cùng một khu vực Đông Nam Á hòa bình là trọng tâm nội dung của các tham luận, cũng là mục tiêu được các đại biểu thống nhất cao.

Nhiều đại biểu cho rằng: các vấn đề Biển Đông phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện đại, mà không liên quan đến các “quyền lịch sử”.

Tôn trọng cơ sở luật pháp quốc tế hiện đại để giải quyết bất đồng giữa các bên – đó là điều đã được khẳng định tại nhiều hội thảo.

Đáng chú ý là việc giải quyết vấn đề theo hướng không liên quan đến các “quyền lịch sử”.

Các nhà khoa học cho rằng, cách này sẽ đơn giản hóa quá trình giải quyết xung đột. Không thể giải quyết được vấn đề biển Đông nếu mỗi bên đều khăng khăng bám vào quan điểm “quyền lịch sử”, bởi vì mỗi quốc gia đều có các bằng chứng về quyền lịch sử của mình.

Rõ ràng, đây là một cách tiếp cận vấn đề mới và các chuyên gia có lý của họ.

Lâu nay, các bên có tuyên bố chủ quyền biển Đông coi bằng chứng lịch sử, cùng với cơ sở pháp lý, là căn cứ để cộng đồng quốc tế thừa nhận chủ quyền của mình, và mỗi bên đều “trưng” ra nhiều bằng chứng.

Bằng chứng nhiều, nhưng việc bên này thuyết phục được bên kia thừa nhận là điều cực kỳ khó khăn.

Vì lẽ đó, đề xuất giải quyết tranh chấp trên biển Đông theo hướng gác qua một bên bằng chứng lịch sử, chỉ dựa trên luật pháp quốc tế hiện đại được coi là cách để giải quyết vấn đề biển Đông thoát khỏi bế tắc như hiện nay.

Nhưng giải pháp đó chỉ có thể hiện thực hóa nếu các bên liên quan thật sự mong muốn, tôn trọng, thống nhất và tự giác thực hiện với tinh thần thiện chí và trách nhiệm cao nhất.

Éo le thay, bằng vào những gì đã và đang diễn ra, điều kiện nêu trên thật xa xỉ. Bằng chứng là thời gian qua, vẫn có những bên bất chấp quy định của Công ước LHQ về Luật biển 1982 để bồi đắp, xây dựng nhiều đảo nhân tạo và biến các đảo đó thành tiền đồn quân sự. Nếu như tôn trọng luật pháp quốc tế hiện đại, tại sao Trung Quốc phản đối phán quyết của Tòa trọng tài La Haye về vụ kiện của Philippines ? Sự trì trệ của tiến trình xây dựng, thông qua COC có tính ràng buộc pháp lý cũng nói lên rằng, ít nhất, có một bên liên quan chưa hề sẵn sàng cho việc đó,v.v…

Như vậy, ngay cả khi gác qua một bên bằng chứng lịch sử, việc giải quyết vấn đề biển Đông vẫn là một câu chuyện dài với vô vàn khó khăn.  

 

RELATED ARTICLES

Tin mới