Từ năm 2014 đến nay, Indonesia đã đánh chìm hơn 500 tàu thuyền các nước, trong đó có 284 tàu cá Việt Nam với cáo buộc “đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia”. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các tàu cá Việt Nam bị Indonesia bắt giữ và đánh chìm đều đang đánh bắt cá trong vùng chồng lấn chưa phân định giữa hai nước, hoàn toàn không vi phạm vùng biển của Indonesia.
Theo thống kê không chính thức, tính từ tháng 12/2014 đến nay, hơn 500 chiếc thuyền các nước bị đánh chìm, bao gồm 284 tàu cá Việt Nam, sau khi bị bắt với cáo buộc “đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia”. Mới đây nhất, Indonesia (4/5/2019) đã cho đánh chìm 51 tàu cá ngoại quốc bị nước này bắt giữ. Trong số này có 38 thuyền treo cờ Việt Nam, 6 thuyền Malaysia, 2 thuyền Trung Quốc và 1 thuyền Philippines. Số còn lại là những thuyền có chủ người ngoại quốc nhưng treo cờ Indonesia.
Được biết, chủ trương đánh chìm tàu cá của Indonesia được Bộ trưởng Hàng hải và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti tích cực triển khai. Bà Susi Pudjiastuti cho rằng kế hoạch của Indonesia là “răn đe” bằng việc cho nổ các phương tiện, công bố hình ảnh và chứng minh với thế giới rằng Indonesia nghiêm túc; nhấn mạnh “từ khi nền dân chủ được khôi phục (năm 1998), rất nhiều việc đã được cải thiện, nhưng (bảo vệ) tài nguyên thiên nhiên không có gì cải thiện. Một nhóm người vẫn nắm quyền kiểm soát”.
Đối với Indonesia, các biện pháp mạnh tay nhằm vào việc đánh bắt trái phép nhằm bảo vệ nghề cá và nguồn tài nguyên biển khổng lồ của họ, trong bối cảnh lực lượng chấp pháp của Indonesia không đủ sức kiểm soát vùng biển rộng lớn, như các quan chức nước này thừa nhận. Trong một phân tích năm 2017, ba tác giả Nurdin, Ikaningtyas và Rika Kurniaty cho biết Lãnh thổ trên biển của Indonesia rộng trên 6 triệu km2 trong khi Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) rộng 2,7 triệu km2. Theo số liệu của Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia, thiệt hại đối với nước này đến từ các hoạt động đánh bắt trái phép là 300 nghìn tỷ rupiah/năm, tương đương 2 tỷ USD và chiếm đến 25% tiềm năng của ngành đánh bắt cá nước này mỗi năm. Các tác giả cũng nói rằng đây không phải lần đầu tiên Indonesia phản ứng như vậy với thuyền cá bất hợp pháp. Luật về Nghề cá của Indonesia năm 2009 cho phép “một nhà điều tra, giám sát ngành nghề có quyền ra quyết định đặc biệt về việc đốt hoặc đánh chìm tàu cá treo cờ nước ngoài trong trường hợp có bằng chứng ban đầu đáng tin cậy” và Hải quân Indonesia từng áp dụng điều luật này. Vấn đề ở đây là liệu Indonesia có thể áp dụng luật này trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) rộng 2,7 triệu km2 của họ không. Một nước không có chủ quyền đối với EEZ của mình như đối với vùng biển chủ quyền, mà chỉ có quyền chủ quyền, giới hạn trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên biển. Theo Điều 73 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), nếu một tàu thuyền nước ngoài không tuân thủ theo luật của nước sở tại trong phạm vi EEZ của họ, giới chức nước sở tại có thể lên tàu, điều tra, bắt người và tiến hành kiện tụng đối với con tàu, thông báo cho nước có con tàu bị bắt giữ. Tuy nhiên, con tàu và các thuyền viên nên được thả ra sau khi có cam kết phù hợp với nước sở tại. Các hình phạt không nên là sự trừng phạt thể chất như bỏ tù. Dù vậy, UNCLOS không quy định rõ về mức “bảo lãnh” này.
Đáng chú ý, hiện trong nội bộ Indonesia có nhiều người bắt đầu chỉ trích chính sách cứng rắn của Tổng thống Widodo. Đầu năm 2018, Phó tổng thống Jusuf Kalla lên tiếng rằng “đã đủ rồi”, đồng thời cho rằng mối quan ngại của Indonesia là quan hệ với các nước láng giềng. Ông cũng lo sợ việc cho nổ những chiếc thuyền, dù khiến cử tri yêu thích, sẽ làm nhà đầu tư sợ hãi. Văn phòng Thương mại Indonesia cũng đồng tình với nỗi lo đó. Ngoài ra, ít nhất 3 bộ trưởng trong nội các Indonesia đã lên tiếng phản đối chính sách này, với các quan ngại về ngoại giao và pháp lý. Đỉnh điểm là ngày 8/5/2018, khi Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Biển Indonesia, một trong các bộ trưởng của nội các Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan đệ trình kế hoạch tái bổ nhiệm Cơ quan An ninh Hàng hải (Bakamla) Indonesia là lực lượng duy nhất có thể xử lý các vụ bạo lực trên biển, bên cạnh Hải quân Indonesia. Điều này nghĩa là giải thể lực lượng đặc nhiệm Satgas 115 của bà Pudjiastuti, lực lượng được thành lập để đối phó với các tàu cá bất hợp pháp.
Giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế nhận định hành động của Indonesia sẽ khiến gia tăng căng thẳng trong khu vực. Theo Tiến Sĩ Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên Cứu ISEAS-Yusof Ishak, (Singapore), Indonesia cũng đã bắt tàu cá Bình Định cùng 12 ngư dân Việt Nam trên tàu ở khu vực Việt Nam và Indonesia “đang tiến hành phân định vùng EEZ”. Vấn đề là các tàu cá của Việt Nam bị bắt có thực sự vi phạm vùng biển của Indonesia hay không, hay nằm trong vùng biển EEZ chồng lấn chưa được phân định giữa hai nước? “Nếu các ngư dân và giới chức Việt Nam chứng minh được là việc bắt giữ của phía Indonesia là sai, nằm ngoài các vùng biển thuộc quyền tài phán của Indonesia, thì họ có thể khởi kiện phía Indonesia và đòi bồi thường cho các thiệt hại đã bị gây ra”. Tiến sỹ Hiệp cho rằng “Indonesia cũng cần lưu tâm tới quan ngại của Việt Nam và các nước liên quan, đồng thời cần đối xử nhân đạo với các ngư dân như tinh thần của DOC 2002 (về quy tắc ứng xử trên Biển Đông)”, đồng thời nhận định các căng thẳng này chủ yếu là do việc hai nước chưa phân định xong khu vực chồng lấn giữa vùng biển EEZ của hai nước. Chính vì vậy, những vụ như thế này có thể giúp hai nước có thêm động lực để đẩy nhanh quá trình đàm phán. Việt Nam cần giao thiệp với phía Indonesia để vừa thúc đẩy quá trình đàm phán phân định EEZ, vừa thuyết phục Indonesia dùng các biện pháp ít cực đoan hơn trong việc xử lý các tàu cá và ngư dân Việt Nam mà họ cho là vi phạm các vùng biển của họ. Ngoài ra, bản thân Việt Nam cũng cần hướng dẫn ngư dân để họ hạn chế đánh bắt cá trong các khu vực chồng lấn, nhất là những nơi quá gần EEZ của Indonesia, để tránh các sự cố không đáng có. Tuy nhiên, theo tôi hiểu, sự chậm trễ trong đàm phán ngoài các lý do từ hai nước thì còn do sự can thiệp, cản trở của bên thứ ba. Vì vậy, có thể những sự cố tương tự vẫn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Tiến Sĩ Mustafa Izzuddin, Viện Nghiên Cứu Nam Á (Đại học Quốc gia Singapore) cho rằng Indonesia đang ở trong “tâm trạng bầu cử” và vào lúc cả nước chờ đợi kết quả chính thức của cuộc bầu cử, chính quyền Tổng thống Widodo sẽ phải chứng minh cho công chúng thấy rằng họ mạnh mẽ và đủ năng lực bảo vệ chủ quyền. Việc đánh chìm thuyền và tỏ ra cứng rắn trước Việt Nam sẽ lấy được lòng bộ phận dân chúng giàu tinh thần dân tộc ở Indonesia. Vì cả nước đang trong tâm trạng bầu cử, mối quan tâm của các lãnh đạo là tình hình trong nước, không phải quan hệ Việt Nam–Indonesia”.
Trong khi đó, Tiến Sĩ Gregory Poling, giám đốc chương trình Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS, Mỹ) lại cho rằng dù Việt Nam khiến Indonesia trở thành “gương mặt đại diện cho cuộc chiến toàn cầu chống lại các hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không thể kiểm soát,” nó cũng “sẽ làm gia tăng căng thẳng của Jakarta với các láng giềng, đặc biệt khi lực lượng chấp pháp Indonesia bắt tàu cá ngoại quốc trên những vùng EEZ tranh chấp.”
Trong khi đó, giời truyền thông quốc tế và khu vực lại cho rằng việc Indonesia liên tục công bố hình ảnh đánh chìm tàu cá nước ngoài là chiêu trò đánh bóng hình ảnh và tìm kiếm sự ủng hộ của người dân đối với chính quyền Tổng thống Widodo. Tờ South China Morning Post nhận định việc thi hành các chính sách khiến bà được tán thưởng là không dễ và bị nửa vời ở một đất nước vẫn đối mặt với tham nhũng như Indonesia, và việc ngăn tàu cá nước ngoài không đủ giải quyết vấn đề của ngành đánh bắt cá Indonesia. Các tàu cá Indonesia thường đánh bắt thay các khách hàng lớn khác tại châu Á, ngư dân sẽ chuyển số cá họ đánh bắt được đến cá xưởng lớn bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Về vụ việc Indonesia đâm, đánh chìm và phá hủy tàu của ngư dân Việt Nam ở vùng biển chồng lấn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (9/5) cho biết “Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc Bộ Biển và Nghề cá của Indonesia bắt giữ và tiêu hủy tàu cá của Việt Nam. Đây là hành động không phù hợp với quan hệ song phương, trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS 1982)”. Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Indonesia qua các kênh khác nhau về vấn đề này, đề nghị Bộ Biển và Nghề cá cùng các lực lượng của Indonesia hành xử phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế, đối xử nhân đạo với tàu cá và ngư dân Việt Nam trên cơ sở tôn trọng quan hệ song phương.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã có công hàm gửi Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Indonesia xác minh thông tin, điều tra làm rõ vụ việc; không lặp lại hành động tương tự trong tương lai, đồng thời thả ngay các ngư dân của tàu cá BĐ 97916 TS, đối xử nhân đạo và đền bù thoả đáng cho tàu cá và ngư dân Việt Nam.