Tuesday, November 26, 2024
Trang chủĐàm luậnKhó cả ba bên

Khó cả ba bên

Trung Quốc rất khó chịu trước việc Mỹ bán cho Đài Loan hợp đồng vũ khí trị giá 2,2 tỷ USD, bao gồm 108 xe tăng Abrams M1A2 thế hệ ba, và 250 tên lửa phòng không Stinger hiện đại.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan gia tăng

Đài Loan là vấn đề rất nhạy cảm trong quan hệ Trung Quốc – Mỹ. TQ luôn coi ĐL là phần lãnh thổ không thể tách rời, đặt mục tiêu thu hồi bằng mọi cách, kể cả dùng vũ lực.

Nhà Trắng tôn trọng chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh, nhưng đồng thời xác định ĐL là một đồng minh quan trọng bảo vệ quyền lợi của mình tại châu Á.

Quan hệ phức tạp đó khiến cả Mỹ và TQ đều phải tính toán một cách thận trọng trước mỗi hành động liên quan đến ĐL.

Mấy ngày này, TQ đang tỏ ra rất khó chịu đối với việc Mỹ cung cấp cho ĐL hợp đồng vũ khí trị giá tới 2,2 tỷ USD, bao gồm 108 xe tăng Abrams M1A2 thế hệ ba, và 250 tên lửa phòng không Stinger hiện đại, đã chứng tỏ sức mạnh, hiệu quả trong cuộc chiến Afghanistan trước đây.

Trước đây, Mỹ vẫn bán vũ khí cho ĐL, nhưng không bán những vũ khí hiện đại nhất vì hiểu rằng, điều đó sẽ làm TQ nổi giận. Do vậy, hợp đồng 2,2 tỷ USD vũ khí là hợp đồng lớn nhất Mỹ dành cho ĐL sau mấy chục năm.

Điều đáng chú ý nữa là hợp đồng này được thực hiện tại một thời điểm cực kỳ nhạy cảm, khi quan hệ Mỹ – Trung đang có những xung đột lớn.

Tại sao vậy ?

Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Donald Trump tính toán rất kỹ việc hỗ trợ ĐL tăng cường sức mạnh quân sự lúc này. Cùng với áp thuế đối với hàng hóa, lá bài ĐL thông qua việc thực hiện hợp đồng vũ khí nói trên sẽ làm tiếng nói của Mỹ “ nặng đồng cân” hơn trong bàn đàm phán thương mại mà TQ và Mỹ đang xúc tiến nối lại sau cuộc gặp của ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản cuối tháng 6 vừa qua.

Nhưng TQ, tự cho đẳng cấp của mình thuộc hàng siêu cường, đâu chịu đứng nhìn Mỹ mặc sức hành động.

Ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn hợp đồng bán vũ khí nói trên vào ngày 8/7, Bộ Ngoại giao TQ lập tức cáo buộc Mỹ vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp và quan hệ quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, để bảo vệ lợi ích quốc gia, Trung Quốc sẽ áp lệnh trừng phạt với các công ty Mỹ tham gia vào hợp đồng vũ khí này.

Thậm chí, Bắc Kinh đã tổ chức một cuộc tập trận ở biển đông nam nước này ngay sau khi ĐL mua vũ khí của Mỹ nhằm răn đe ĐL và bắn thông điệp cứng rắn tới Washington.

Tình hình có chiều hướng căng thẳng hơn trước thông tin Mỹ đang cân nhắc bán máy bay tiêm kích F16 cho ĐL. TQ đe rằng: nếu việc đó xảy ra, Mỹ đã vượt qua “lằn ranh đỏ”.

Là cường quốc số 1, Mỹ cũng không thể coi thường lời cảnh báo của TQ. Vì lẽ đó, giới phân tích cho rằng, dù có tiền, trong bối cảnh này, ĐL khó có ngay loại máy bay F16 để nâng cao sức mạnh phòng thủ trước đe dọa sử dụng vũ lực thu hồi ĐL của Trung Hoa đại lục bên kia eo biển.

Còn ĐL thì sao ? Việc mua sắm vũ khí, nhất là vũ khí hiện đại từ Mỹ để phòng thủ, đối phó với TQ là điều ĐL luôn muốn làm. Sau hợp đồng vũ khí nêu trên, ĐL hy vọng sẽ có thêm các hợp đồng tiếp theo.

Tuy nhiên, cho dù khai thông được vấn đề vũ khí, ĐL vẫn còn đó vấn đề chủ quyền trên biển Đông. Và vấn đề này, éo le thay, cũng đồng thời liên quan cả TQ và Mỹ.

Sự thể là đường 9 đoạn (còn gọi là đường chữ U hay đường lưỡi bò), theo các nhà nghiên cứu, được tìm thấy trong tấm bản đồ xuất bản năm 1936 bởi nhà địa lý Bai Meichu, người sáng lập Hội địa lý TQ, dưới chế độ nhà nước Trung Hoa Dân quốc do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo.

Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 trình lên LHQ bản đồ với tên gọi “Bản đồ các đảo trên Biển Đông”, tương tự bản đồ thời Trung Hoa dân quốc, trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Đông Sa, Trung Sa và bãi cạn Scarborough.

Còn ĐL: thua cuộc rời đại lục, họ vẫn sử dụng bản đồ của Bai Meichu với đường 9 đoạn. Tuy nhiên, có lẽ do biết thời, biết thế, ĐL có cách tiếp cận dè dặt hơn. Thậm chí, ĐL đã tạm ngưng (chứ không phải phủ nhận) các tuyên bố chủ quyền năm 2005, sau khi đình chỉ thực hiện bản Chỉ đạo Chính sách đối với Biển Đông (ban hành năm 1993).

Việc tiếp cận không hung hăng như TQ cùng việc tạm ngưng tuyên bố chủ quyền với 90% biển Đông – như TQ ngang ngược, đơn phương đòi hỏi lâu nay – khiến ĐL, ít nhất tới thời điểm này, tránh được chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Nhưng dù vậy, ĐL cũng không thoát khỏi thế khó: trong khi cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ – đồng minh quan trọng nhất của ĐL – kịch liệt phê phán và phản ứng quyết liệt TQ về cái lưỡi bò tham lam muốn liếm sạch biển Đông, thì ĐL – dù tạm ngưng tuyên bố chủ quyền mình từng vẽ ra đầu tiên để rồi TQ lấy đó vẽ ra bản đồ tương tự, có dám “bác” lại Mỹ, đồng minh của Mỹ cũng như các nước khác trong khu vực về vấn đề này ?

 

RELATED ARTICLES

Tin mới