Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao: Thời gian qua Việt Nam đã “đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển”
Tối ngày 16/7, báo chí nhà nước đồng loạt đăng tải câu trả lời của bà Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam, về những diễn biến gần đây ở Biển Đông qua đó cho biết Hà Nội đã “đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam”.
Phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng diễn ra 4 ngày sau khi mạng báo South China Morning Post của Hồng Kông tiết lộ, tàu thăm dò dầu khí Hải Dương Địa Chất số 8 cùng đội tàu hộ tống của Trung Quốc đang hoạt động ở vùng biển gần Bãi Tư Chính mà Việt Nam đang kiểm soát.
Tờ báo này cũng dẫn thông tin từ ông Ryan Martinson, Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ cho hay, 4 tàu cảnh sát biển của Việt Nam cũng có mặt và cả hai bên đang gườm nhau từ đầu tháng 7.
Cụ thể, bà Hằng nhắc lại Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 qua đó khẳng định: “Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.”
‘… trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”, trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam trích dẫn nguyên văn phát biểu của Người Phát ngôn.
Phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng không nhắc đến Trung Quốc, Bãi Tư Chính hay các tàu chấp pháp nhưng có thể thấy, đang có vụ việc xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam và các tàu của nước này đã dùng các biện pháp để đấu tranh khẳng định chủ quyền.
Trước đó, Giáo sư Carl Thayer thuộc đại học New South Wales, nước Úc trả lời phỏng vấn của RFA cho biết, cũng có khả năng vụ đụng độ nằm ở gần khu vực nơi Trung Quốc đã từng bán quyền khai thác dầu khí cho công ty Crestone của Mỹ hồi năm 1992. Nếu vị trí này được xác nhận thì khu vực này cũng là thuộc các lô dầu khí 133 và 134 của Việt Nam.
“Nếu vị trí của tàu khảo sát Trung Quốc thực sự được xác nhận ở phía tây đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa), thì đây sẽ là khu vực cực kỳ nhạy cảm với Việt Nam.
Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất mà Việt Nam kiểm soát và cũng là nơi có đông người ở nhất trong các đảo của Việt Nam tại đây.
Năm 2017 và 2018, Trung Quốc đã cáo buộc Việt Nam vi phạm tinh thần hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo hai nước. Và bây giờ năm 2019 thì chiếc giầy đang ở trong chân của Trung Quốc.
Nếu những gì đang diễn ra ở Biển Đông trong tháng 7 được xác nhận chính xác, thì điều này cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị đẩy đòi hỏi chủ quyền trên biển của mình khi Việt Nam lùi bước”, Giáo sư Carl Thayer nói, và giải thích thêm rằng Việt Nam đã lùi bước trước sức ép của Trung Quốc trong các năm 2017 và 2018 khi yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha phải ngưng khoan thăm dò dầu khí ngay tại vùng thềm lục địa của Việt Nam.