Gần đây, Nhật Bản liên tục thể hiện quan điểm kiên quyết, nhất quán về vấn đề Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh triển khai hoạt động trên Biển Đông, ngay tại Hội Nghị G20 vừa rồi, Thủ tướng Nhật Bản đã nhấn mạnh với Chủ tịch Trung Quốc về tầm quan trọng của phi quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Chúng ta hãy cùng nghiên cứu để góp phần làm rõ hơn vai trò và sự can dự của Nhật Bản vào vấn đề Biển Đông.
1. Mức độ quan tâm của Nhật Bản đối với Biển Đông
Vào thế kỷ XVI-XVII, người Nhật đã từng thành công trong việc buôn bán với Đông Nam Á bằng Châu ấn thuyền. Thời Minh Trị, nhiều học giả, nhà nghiên cứu cổ vũ cho sự quan tâm đến khu vực Đông Nam Á, giàu có và huyền bí; khuyến khích chính phủ có chính sách khai thác nguồn tài nguyên giàu có ở đây. Sau khi sáp nhập Ryukyu (Lưu Cầu) vào Nhật và biến thành Okinawa (1879), xác lập sự cai trị đối với đảo Đài Loan theo Hiệp ước Shimonoseki (1895), Nhật Bản quan tâm nhiều hơn đến khu vực Biển Đông. Sau Chiến tranh thế giới thứ I, Nhật Bản với tư cách là một nước thắng trận, được Hội Quốc liên ủy trị các đảo Nam Thái Bình dương. Nhật Bản gọi đó là Nội Nam Dương (Uchi Nanyo). Tuy nhiên, Nhật Bản quan tâm nhiều hơn đến một vùng Nam Dương khác, gọi là Ngoại Nam Dương (Soto Nanyo), tức là Đông Nam Á, bao gồm cả Biển Đông ngày nay. Từ vùng thuộc địa Đài Loan, Nhật Bản bắt đầu quan tâm đến các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và chiếm đóng, khai thác các quần đảo này trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ II. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản phải giải quyết nhiều vấn đề của đất nước do bị quân Đồng Minh chiếm đóng và ra sức khôi phục quan hệ với các nước Châu Á, không có khả năng quan tâm cụ thể về Biển Đông. Trong những năm 1950-1970, cùng với sự phát triển thần kỳ của kinh tế Nhật Bản, quan hệ thương mại quốc tế được mở rộng, con đường hàng hải đi qua Biển Đông có ý nghĩa sống còn đối với Nhật Bản.
Nhật Bản phải nhập khẩu 95% lượng năng lượng tiêu thụ từ nước ngoài, mà nguồn năng lượng quan trọng nhất là dầu mỏ chủ yếu đi qua tuyến đường vận chuyển trên Biển Đông. Ngoài ra, có tới 99% lượng hàng hóa Nhật Bản xuất khẩu đi các nơi cũng dựa vào tuyến đường biển, những sản phẩm hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển tới thị trường châu Âu, những hàng hóa xuất nhập khẩu vào Đông Nam Á và Châu Đại Dương cũng chủ yếu dựa vào tuyến đường qua Biển Đông. Cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế-thương mại, Nhật Bản ngày càng gia tăng sự quan tâm đối Biển Đông. Nhật Bản xác định bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải cho tuyến đường vận tải trên biển qua Biển Đông là một trong những vấn đề hết sức quan trọng; việc độc quyền kiểm soát Biển Đông của bất kỳ một quốc gia nào đều là mối lo ngại đối với Nhật Bản.
Tuy nhiên, trước khi Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của họ thì sự quan tâm của Nhật Bản chỉ đến mức là làm sao bảo đảm được an ninh và tự do cho các tàu bè khi đi qua khu vực này. Trong những năm 1990, khi sự tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh bãi ngầm Mischief Reef (Vành Khăn của Việt Nam), Nhật Bản bắt đầu chú ý tới vấn đề Biển Đông. Nhật Bản muốn đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận ở các diễn đàn khu vực ASEAN. Năm 1997, trong “Phương hướng hợp tác phòng thủ chung Nhật-Mỹ”, một sự cụ thể hóa và nâng cấp Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ, Nhật Bản đưa ra khái niệm “tình thế xung quanh”, bao gồm cả Biển Đông vào phạm vi bảo vệ an ninh của họ. Năm 1999, Quốc hội Nhật thông qua “Luật về tình thế xung quanh” chính thức coi Biển Đông là một phần của “tuyến đường sống còn trên biển” của Nhật Bản. Năm 2003, Nhật Bản ký với các nước ASEAN “Hiệp định hữu nghị và hợp tác Nhật-ASEAN”, đẩy mạnh quan hệ toàn diện với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, cùng với sự hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục, Nhật Bản còn thúc đẩy quan hệ về quân sự. Nhật Bản tổ chức thường xuyên các cuộc viếng thăm của các Hạm đội Nhật đến các nước Singapore, Philippines, Indonesia, Việt Nam, Campuchia…trực tiếp hay gián tiếp đưa tàu chiến vào Biển Đông. Trong những năm gần đây, việc gia tăng mối quan hệ Nhật-Việt, cũng được giới quan sát quốc tế coi là một biểu hiện của sự gia tăng sự quan tâm của Nhật Bản đối với Biển Đông. Trong thời gian gần đây không chỉ giới truyền thông mà các quan chức của Nhật Bản công khai chỉ trích thái độ và hành động của Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng và Biển Đông nói chung và thậm chí còn kêu gọi các nước ASEAN gạt bỏ những tranh chấp, hợp tác đối phó với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Năm 2010, Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada đã khẳng định “Nhật Bản không thể không quan tâm đến vấn đề Biển Đông”.
Ngày 12/7/2016, sau khi Tòa án trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố phán quyết của PCA là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý; các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Ngoại trưởng Kishida nêu rõ Nhật Bản kiên định ủng hộ việc tôn trọng quy định luật pháp và sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển. Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị bên lề Hội nghị AMM 49, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã hối thúc Bắc Kinh chấp nhận và tuân thủ phán quyết của PCA, đồng thời bày tỏ quan ngại của Nhật Bản về tình hình Biển Đông hiện nay, hy vọng Trung Quốc sẽ tránh những hành động có thể làm leo thang căng thẳng tại vùng biển tranh chấp.
Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản năm 2016 đã nêu rõ các hoạt động hiện tại của Trung Quốc tại Biển Đông là bá quyền, đơn phương, hướng tới việc đặt các nước vào việc đã rồi trên vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán.
Trong Tuyên bố chung sau cuộc đối thoại giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao của Nhật Bản và Mỹ (2+2) vào tháng 7/2017, Nhật Bản đã đưa ra sáng kiến “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” bao gồm cả khu vực Biển Đông lẫn khu vực Ấn Độ Dương. Sáng kiến này của Nhật thể hiện việc Nhật muốn các nước lớn khác đều phải có trách nhiệm về sự tự do, rộng mở tại các vùng biển khu vực tuân theo luật pháp quốc tế.
Bên lề Hội nghị G20 năm 2019, tại hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề nghị Bắc Kinh “kiềm chế các hoạt động” xung quanh quần đảo Senkaku trên Biển Hoa Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của phi quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Nhật Bản ngày càng thể hiện sự quan tâm đến vấn đề an ninh an toàn hàng hải tại khu vực này, thậm chí còn cung cấp trang thiết bị quân sự, công nghệ quốc phòng, tàu tuần tra cho một số nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc và cùng tiến hành tập trận chung với hải quân một số nước như Mỹ, Philippines, Brunei …. Nhằm đối phó với những hành động ngày càng gia tăng căng thẳng của Trung Quốc.
2. Sự kỳ vọng vào Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông của ASEAN
Các nước ASEAN coi vấn đề Biển Đông là vấn đề an ninh chung của khu vực và thế giới, ủng hộ việc giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Tuy nhiên, làm thế nào để giải quyết các vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trong khi Trung Quốc gia tăng áp lực bằng tuyên bố và hành động nhằm biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ? Một trong những cách thức giải quyết là yêu cầu những nước có lợi ích chính đáng liên quan đến Biển Đông hợp tác để kiềm chế những hành động đơn phương với mưu đồ đoạt chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Để Biển Đông được “hòa bình và ổn định”, Việt Nam, Philippines và các nước khác hoan nghênh sự quan tâm của Nhật Bản đối với khu vực này. Tổng thống Philippines B. Aquino nói: “Chúng tôi rất kỳ vọng vào Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông” và “Mỹ Nhật nhất định đứng về phía chúng ta”, nếu an ninh của Philippines bị đe dọa.
Trả lời phỏng vấn báo Nhật Bản ngày 22/6/2019, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và sự đóng góp của Nhật vào việc duy trì hòa bình, ổn định tự do và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông; “Việt Nam đánh giá cao vai trò và sự đóng góp của Nhật Bản vào việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do, an toàn hàng hải hàng không ở Biển Đông thời gian qua, đồng thời tin rằng Nhật tiếp tục thể hiện vai trò trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đóng góp tích cực hơn nữa cho hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới”; “Việt Nam sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản, thúc đẩy hợp tác trên biển bằng nhiều hình thức, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 nhằm bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải hàng không, cứu hộ, cứu nạn, phòng chống tội phạm trên biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển”.
Ngày 15/1/2017, tại cuộc hội đàm tại thành phố Bogor, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã khẳng định sự phối hợp về an ninh biển giữa lúc căng thẳng liên quan đến việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự ở vùng Biển Đông tranh chấp.
Các nước ASEAN khác không bày tỏ sự kỳ vọng vào Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông một cách mạnh mẽ và rõ ràng như Philippines và Việt Nam hay Indonesia nhưng đều mong muốn Nhật Bản sẽ hợp tác với ASEAN giải quyết vấn đề Biển Đông với tư cách là một cường quốc, có quan hệ chặt chẽ và sâu sắc với khu vực này. Các nước ASEAN kỳ vọng vào vai trò cụ thể nào của Nhật Bản? Thứ nhất, với chủ trương chung duy trì Biển Đông “hòa bình và ổn định”, các nước ASEAN hoàn toàn hy vọng vào sự đóng góp tích cực, chính đáng và tự nhiên của Nhật Bản, nước có lợi ích sống còn trong việc bảo vệ Biển Đông được “tự do và an ninh” hàng hải. Nhật Bản là cường quốc hàng hải, có thể liên kết với các cường quốc khác, kiên trì nguyên tắc đảm bảo tự do và an ninh hàng hải khi thông thương qua Biển Đông. Nhật Bản cũng có khả năng huy động và sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để đảm bảo an ninh cho tuyến hàng hải ở Biển Đông đi qua eo biển Malacca. Thứ hai là, với vai trò là một cường quốc, Nhật Bản có thể vận động, liên kết với các nước quan tâm đến Biển Đông trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình và tích cực. Các nước ASEAN kỳ vọng Nhật thúc giục Mỹ có quan điểm rõ ràng và can dự mạnh mẽ vào việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Nhật Bản có thể dựa vào Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ, yêu cầu Mỹ phải có sự can dự rõ ràng vào việc đảm bảo an ninh Biển Đông. Mỹ đóng vai trò lớn đảm bảo cho các nước không dùng vũ lực khi giải quyết các tranh chấp Biển Đông. Nhật Bản có khả năng lớn và tự nhiên trong việc liên kết với Ấn Độ, Australia, New Zealand.v.v.. hình thành một nhóm nước có tiếng nói chung, mạnh mẽ hơn về việc đảm bảo an ninh và hòa bình cho tuyến hàng hải quốc tế qua Biển Đông. Thứ ba, là trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông hiện nay, các nước ASEAN mong muốn Nhật Bản giải quyết vấn đề với Trung Quốc một cách hòa bình nhưng không thỏa hiệp. Hiện nay, các nước ASEAN đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc cùng giải quyết tranh chấp bằng phương pháp ngoại giao, hòa bình, ký kết một COC hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, rồi từ COC để yêu cầu Trung Quốc không đưa ra những đòi hỏi chủ quyền phi lí, không đe dọa dùng vũ lực để giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Các nước ASEAN hiểu rõ lập trường của Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề biển Hoa Đông nhưng hy vọng Nhật Bản có thái độ tuy cứng rắn và kiên quyết về nguyên tắc, không thỏa hiệp, nhân nhượng với Trung Quốc nhưng không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Nếu Nhật Bản thỏa hiệp hoặc dùng vũ lực trong việc giải quyết vấn đề biển Hoa Đông thì sẽ gây ảnh hưởng lớn tới việc giải quyết vấn đề Biển Đông: “Nhiều nước ASEAN lo ngại vấn đề thỏa hiệp với Trung Quốc xảy ra sẽ là một tiền lệ xấu ảnh hưởng cho chính sách nhất quán và hiệu quả và không dùng vũ lực trong tranh chấp Biển Đông”. Nhật Bản sẽ đáp ứng như thế nào và ở mức độ nào sự hy vọng đó để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông?
3. Khả năng thực hiện vai trò của Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông
Chiến lược biển và việc Trung Quốc tiến hành bồi đắp, quân sự hóa các bãi, đá chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông làm cho Biển Đông nổi sóng, tạo ra những lo ngại trong các quốc gia Đông Nam Á. Những diễn biến này đã làm cho Nhật Bản không thể ngồi yên, là nước luôn coi những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông là một mối đe dọa tiềm tàng đối với các tuyến đường vận tải trên biển của Nhật Bản. Việc Trung Quốc tăng cường quân đội và những đòi hỏi phi lý về chủ quyền ở Biển Đông, đối với Nhật Bản, là một tiền lệ xấu trong việc tranh chấp biển đảo với Nhật Bản. Trước đây, Nhật Bản không muốn thách thức trực tiếp Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, nền hòa bình và ổn định của Biển Đông lại có quan hệ trực tiếp đến lợi ích quốc gia Nhật Bản.
Việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải cho tuyến đường vận tải trên biển qua Biển Đông là một trong những vấn đề hết sức quan trọng đối với Nhật Bản. Việc độc chiếm nhằm kiểm soát Biển Đông của bất kỳ một quốc gia nào đều là mối lo ngại đối với Nhật Bản.
Nhật Bản hoàn toàn có quyền đòi hỏi mạnh mẽ việc đảm bảo tự do và an ninh hàng hải ở Biển Đông, coi đó là điều tự nhiên và chính đáng, chống lại những hành động làm tổn hại đến an ninh và tự do hàng hải ở khu vực này. Theo Fukuda Yasushi, một nhà nghiên cứu người Nhật, vai trò của Nhật Bản trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông được biểu hiện trên 3 mặt: tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông; liên kết với các nước duy trì an ninh hàng hải trên Biển Đông; sử dụng các diễn đàn khu vực và quốc tế để khẳng định quyền tự do và an ninh hàng hải trên Biển Đông. Một nhà nghiên cứu người Nhật khác, Kotani Tetsuya, thì tiếp cận từ vấn đề an ninh, cho rằng: Nhật Bản phải tăng cường lực lượng hải quân bao gồm cả SSBN (tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân) để đối phó SSBN của Trung Quốc nếu Trung Quốc đưa SSBN vào vùng Biển Đông và liên kết chặt chẽ với Mỹ và các nước ASEAN để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.
Tóm lại: Mặc dù tránh can dự trực tiếp vào các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Nhật Bản có lợi ích lâu dài, thực tế và sống còn ở Biển Đông. Nhật Bản coi ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là mối đe dọa đối với tuyến đường biển then chốt của nước này và sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc là một thách thức đối với vị thế vững chắc của Nhật Bản ở Đông Nam Á. Khi các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông khác tìm kiếm sự hợp tác với bên ngoài và khi Mỹ thi hành chính sách “trở lại châu Á” một cách rõ ràng, Nhật Bản biểu thị sự quan tâm rõ rệt và mạnh mẽ tới vấn đề Biển Đông và thông qua việc giải quyết vấn đề Biển Đông để xác lập lại và củng cố vị thế của mình ở Đông Nam Á, thông qua việc tăng cường hợp tác của lực lượng phòng vệ ven biển và sau đó là hải quân giữa Nhật Bản và ASEAN; triển khai các hợp tác hải quân đa phương Nhật-Mỹ-Australia, Nhật-Mỹ-Ấn, Nhật-Mỹ-ASEAN sẽ tăng thêm sức mạnh cho ASEAN trong việc giữ gìn Biển Đông hòa bình và ổn định.